1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn

GIÚP GIÁO VIÊN THÁO GỠ KHÓ KHĂN
KHI DẠY CÁC KIỂU BÀI KỂ CHUYỆN LỚP 4, 5

NGUYỄN HẢI
Phòng GD&ĐT Phong Điền

Cũng như các lớp dưới (lớp 1, 2, 3), những câu chuyện kể ở lớp 4, 5 có nội dung tích hợp trong các chủ điểm học tập và những kiến thức đã học, rèn luyện các kỹ năng cơ bản Tiếng Việt cho học sinh. Thông qua nội dung các câu chuyện kể có tác dụng rất lớn trong việc  mở rộng vốn hiểu biết về cuộc sống, con người, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, nhân cách cho học sinh. Do có nhiều kiểu bài tập nên bên cạnh rèn cho học sinh nghe - kể như trước đây, các kiểu bài tập mới đã có tác dụng kích thích học sinh ham đọc sách, sưu tầm chuyện kể; biết cách sắp xếp, lập dàn ý cho các câu chuyện đã được chứng kiến hoặc tham gia để kể lại.

Trong giờ kể chuyện lớp 4, 5 học sinh không kể lại câu chuyện vừa được học trong bài tập đọc như các lớp 1, 2, 3 mà kể lại những câu chuyện do giáo viên kể, kể chuyện đã được nghe, được đọc; được chứng kiến hoặc tham gia trong đời sống hàng ngày. Thực tế qua những năm thay sách ở bậc tiểu học và việc tổ chức góp ý chương trình, sách giáo khoa nhiều giáo viên đã nêu những khó khăn, vướng mắc khi dạy phân môn Kể chuyện lớp 4, 5. Thực trạng và biện pháp để tháo gỡ các kiểu bài kể chuyện này như thế nào xin được tham gia một số ý kiến để giáo viên giảng dạy cùng tham khảo.

1. Thực trạng:

- Việc xác định mục tiêu phân môn Kể chuyện lớp 4, 5 được rất nhiều giáo viên đồng tình. Thông qua nội dung, chương trình đã củng cố các kỹ năng hình thành từ các lớp dưới, tích hợp được kiến thức, kỹ năng đã học ở các phân môn Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn... Các kiểu bài được bố trí xen kẽ giữa các chủ điểm học tập, khắc phục được sự nhàm chán và tạo hứng thú cho học sinh trong tiết kể chuyện. Mặc dù là tiết kể chuyện nhưng những câu chuyện kể đã nghe đã đọc ngoài giờ kể chuyện và kể chuyện được chứng kiến  hoặc tham gia chủ yếu được thiết kế dưới dạng bài tập hoặc cung cấp dàn ý, nói theo dàn ý, cung cấp mẫu... đã giảm được độ khó cho học sinh. Đối với hai kiểu bài củng cố kỹ năng  kể chuyện đã hình thành ở lớp dưới và kể chuyện đã nghe, đã đọc ngoài giờ kể chuyện không những rèn kỹ năng kể chuyện mà còn góp phần rèn cho học sinh kỹ năng nghe; có thói quen đọc sách, sưu tầm truyện trong sách báo hoặc trong đời sống hằng ngày để có câu chuyện đến lớp kể cho cô giáo và bạn bè cùng nghe.
- Trong những kiểu bài kể chuyện đối với học sinh lớp 4, 5 nhiều giáo viên vẫn cho rằng 2 kiểu bài khó đối với học sinh đó là kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc ngoài giờ kể chuyện và kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia, bởi vì:

+ Kiểu bài kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc ngoài giờ kể chuyện: Yêu cầu nội dung câu chuyện kể không có sẵn trong sách giáo khoa hoặc do giáo viên kể mà học sinh phải tự tìm kiếm, chọn lọc trong sách báo, trong đời sống hoặc nghe những người xung quanh kể rồi kể lại nên đã gây không ít trở ngại cho học sinh ở những vùng xa, vùng khó khăn chưa có đủ sách báo, truyện đọc phục vụ cho học sinh và điều kiện để nghe người thân, người xung quanh kể là một điều khó có thể.

+ Kiểu bài kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia: Yêu cầu của kiểu bài này đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn, nội dung câu chuyện là người thật, việc thật có trong cuộc sống chung quanh mà các em đã biết, đã nhìn thấy... cũng có khi chính các em là nhân vật trong câu chuyện. Điều mà nhiều giáo viên băn khoăn nếu không chứng kiến, không tham gia thì kể như thế nào. Bên cạnh đó, khi đã có câu chuyện, học sinh phải nhớ lại, biết vận dụng những kiến thức đã học ở phân môn Tập làm văn để sắp xếp các tình tiết câu chuyện một cách hợp lý từ khi bắt đầu, diễn biến và kết thúc.

+ Cùng với những khó khăn về yêu cầu của các kiểu bài trên, nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng bởi một số đề bài khó hoặc chưa phù hợp với đối tượng  học sinh một số vùng, miền như:

Đối với lớp 4: Kể lại một câu chuyện về lòng dũng cảm mà em được chứng kiến hoặc tham gia (Tiếng Việt 4/2 - trang 89), Kể chuyện về một cuộc du lịch hoặc cắm trại mà em được tham gia (Tiếng Việt 4/2 - trang 127) hoặc cũng có khi đề bài không khó nhưng trong bài tập lại có lúc không thực tế với một số học sinh vùng khó khăn như kể lại việc tặng đồ chơi cho các bạn nghèo (Bài tập 3 - Tiếng Việt 4/1 - trang 158).

Đối với lớp 5: Kể lại một câu chuyện em đã chứng kiến hoặc một việc em đã làm thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước (Tiếng Việt 5/1 - trang 57). Kể một việc làm của những công dân bé nhỏ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử -văn hoá (Tiếng Việt 5/2 - trang 29)...

2. Một số biện pháp:

a/ Đối với kiểu bài kể chuyện đã nghe giáo viên kể trên lớp:

Đối với kiểu bài nghe giáo viên kể rồi kể lại trên lớp thực ra không khó đối với giáo viên và học sinh. Bởi vì nội dung câu chuyện đã có trong sách giáo viên kèm theo những tranh ảnh, lời dẫn ở sách giáo khoa và dựa vào lời kể của giáo viên để kể lại. Hơn nữa kiểu bài này học sinh đã được hình thành các kỹ năng kể ở lớp 1, 2, 3 nay phát triển thêm ở lớp 4, 5. Điều quan trọng khi dạy kiểu bài này, bên cạnh rèn kỹ năng nói giáo viên còn rèn cho học sinh biết "cách nghe, cách nhớ" tình tiết, nội dung của câu chuyện để kể. Do câu chuyện giáo viên kể sau đó học sinh kể lại nên giáo viên phải biết chọn lựa và phát huy kỹ năng kể chuyện của một số em khá, giỏi biết phối hợp lời kể với điệu bộ; biết cách hoá trang, sắm vai để làm cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ nhớ đối với học sinh.

Việc chuẩn bị của giáo viên cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của tiết kể chuyện như phải chủ động về lời kể khi kể cho học sinh, không nên kể theo lối đọc trong sách giáo viên. Có thể dùng các tập tranh ảnh in sẵn về kể chuyện lớp 4, 5 hoặc phóng to tranh ảnh ở sách giáo khoa để chủ động khi kể cho học sinh nghe lần 2 và hướng dẫn khi học sinh kể.

b/ Đối với kiểu bài kể chuyện đã nghe, đã đọc ngoài giờ kể chuyện, kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia:
Đây là hai kiểu bài mới được đưa vào chương trình ở lớp 4, 5. Nét chung nhất về biện pháp dạy tốt hai kiểu bài này là cần có sự chuẩn bị kỹ cho học sinh theo các kiểu bài sẽ kể từ tiết kể chuyện kế trước, giúp cho mỗi em đều có ý thức trong việc chuẩn bị câu chuyện để kể trên lớp.

- Đối với kiểu bài kể chuyện đã nghe, đã đọc ngoài giờ kể chuyện:  Để dạy kiểu bài này có hiệu quả, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách sưu tầm kể như yêu cầu về chủ đề câu chuyện, tìm đọc các câu chuyện có trong sách báo, trong truyện đọc lớp 4, 5 (của (Nhà xuất bản Giáo dục). Ở những trường vùng khó khăn, học sinh thiếu truyện đọc, giáo viên nên đề nghị các trường có sự đầu tư mua sách. Truyện đọc lớp 4, 5 để các em tham khảo. Trường hợp các em không có truyện đọc hoặc chưa đọc truyện để tham khảo thì cuối cùng mới cho học sinh tìm những câu chuyện trong sách giáo khoa lớp 1, 2, 3 liên quan đến chủ đề điểm để kể.

- Đối với kiểu bài kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia: Đây là kiểu bài mà nhiều giáo viên cho là khó nhất nhưng thực tế chương trình Tập làm văn lớp 4, 5 CCGD (1981) cũng đã được đưa vào giảng dạy và học sinh cũng được làm quen ở lớp 3 (chương trình mới), nay chuyển sang phân môn kể chuyện nhằm tăng cường rèn luyện kỹ năng nói cho học sinh. Yêu cầu của kiểu bài này đòi hỏi sự sáng tạo cũng như rèn các kỹ năng về kể chuyện cao hơn vì ngoài kỹ năng nói học sinh còn phải biết quan sát, ghi nhớ... biết sắp xếp thành câu chuyện để kể.
- Đối với một số tiết kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia mà học sinh ở vùng khó khăn chưa được chứng kiến, chưa được tham gia giáo viên nên điều chỉnh nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của học sinh.
Ví dụ: như kể lại việc tặng đồ chơi cho các bạn nghèo (Bài tập 3 - Tiếng Việt 4/1 - trang 158) thì thay vì tặng đồ chơi cho bạn thì cũng có thể nhận đồ chơi do các bạn tặng hoặc tặng hay nhận quà, sách vở, bút mực chứ không nhất thiết là phải đồ chơi.

c/ Một số biện pháp khác:

Thành công của tiết kể chuyện không những phụ thuộc vào chương trình, nội dung sách giáo khoa mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự gợi ý, dẫn dắt, tạo điều kiện cho học sinh chủ động trong việc tiếp thu kiến thức và thực hành các kỹ năng về kể chuyện. Muốn vậy, trong tiết kể chuyện, giáo viên còn phải thực hiện tốt một số biện pháp sau:

- Cần đảm bảo tính tích hợp giữa các phân môn kể chuyện, tập đọc, tập làm văn. Bởi vì dạy tốt  tập làm văn giúp cho học sinh biết  cách xây dựng cốt truyện, dạy học tập đọc - chính tả giúp cho học sinh biết nhớ lại các câu chuyện để kể lại chuyện đã nghe, đã đọc... Cùng với việc đảm bảo tính tích hợp giữa các phân môn tiếng Việt thì nội dung lồng ghép giữa các phân môn Lịch sử, Địa lý, Đạo đức như phần giới thiệu các sự kiện, nhân vật lịch sử, tổ chức tham quan những công trình văn hoá, những di tích lịch sử địa phương; những buổi ngoại khoá, xem băng hình... nếu có chủ ý sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi để học sinh có cơ hội tiếp xúc với những nội dung câu chuyện theo kiểu bài được chứng kiến hoặc tham gia.

Ví dụ: Khi kể một việc làm của những công dân bé nhỏ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá (Tiếng Việt 5/2 - trang 29)... thì giáo viên nên sắp xếp để học sinh được tham quan trước các công trình, di tích lịch sử địa phương hiện đang bố trí lồng ghép trong chương trình môn Lịch sử lớp 4, 5... hoặc khi kể lại một câu chuyện em đã chứng kiến hoặc một việc em đã làm thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước (Tiếng Việt 5/1 - trang 57) nếu có điều kiện giáo viên có cũng có thể cho các em xem một số băng hình liên quan đến tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với các nước hay của các dân tộc anh em trên đất nước ta...

- Yêu cầu của phân môn kể chuyện không những tập trung bồi dưỡng về kiến thức sống, bồi dưỡng tu dưỡng, tình cảm mà còn rèn cho học sinh kỹ năng nói. Muốn vậy, giáo viên cần tạo điều kiện cho học sinh thể hiện mình trước bạn một cách tự nhiên, tránh vì câu chuyện khó nên chỉ để một số học sinh  khá, giỏi được kể mà bỏ qua đối tượng học sinh yếu. Trong quá trình hướng dẫn học sinh kể cần tạo điều kiện và cơ hội cho nhiều các đối tượng học sinh được kể, được trao đổi, đối thoại nhiều chiều (giữa giáo viên với học sinh, học sinh với giáo viên, học sinh với học sinh) từ nhân vật, chi tiết đến nội dung và ý nghĩa câu chuyện theo cách cảm, cách nghĩ của các em.
Kể chuyện vốn là tiết học học sinh rất yêu thích nhưng do có nhiều kiểu bài và một số nội dung yêu cầu bài tập ở sách

giáo khoa lớp 4, 5 chưa thực sự phù hợp với học sinh các vùng miền, nên vấn đề đặt ra đối với giáo viên là cần vận dụng một cách thích hợp các biện pháp trong quá trình lên lớp. Trên cơ sở mục tiêu cần đạt của phân môn kể chuyện, giáo viên có sự điều chỉnh nội dung cho phù hợp với đối tượng của lớp đang dạy nhằm tăng cường các hoạt động giao tiếp và rèn kỹ năng ngôn ngữ trong tiết kể chuyện cho học sinh.

N.H

Các tin khác