1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Một mùa đầu hy vọng

Một mùa đầu hy vọng
(Vài ý kiến nhân tổng kết cuộc thi "Trang viết học trò")

Nguyễn Khắc Phê

Cuộc thi sáng tác văn học "Trang viết học trò" do Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thừa Thiên  Huế phát động trong năm 2008 đã thu hút hơn hai ngàn bài dự thi và đã thu được kết quả tốt đẹp. Cùng với các nhà văn, nhà thơ Hồng Nhu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Mai Văn Hoan, Phạm Phú Phong tham gia Ban Chung khảo cuộc thi, tôi đã có dịp được đọc, được sống với một nguồn văn thơ đầy sức sống tươi trẻ.
Cuộc thi không chỉ đã phát hiện được một số em học sinh có năng khiếu văn thơ mà còn là dịp cho tất cả các trường học quan tâm hơn đến bộ môn văn nói riêng, rộng hơn là việc giáo dục nhân văn hiện có phần bị sao nhãng do sức ép về mục đích chọn ngành nghề trong thi cử và cả vì lối sống thực dụng, chạy đua theo vật chất, đang có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cả xã hội. Vì thế, kết quả cuộc thi không chỉ bó hẹp trong việc thu được những bài đạt giải, mà chúng tôi thiết nghĩ, nếu ngành giáo dục và phụ huynh học sinh có kế hoạch phát huy, nhân rộng nó thì những con chữ tốt đẹp trong các bài văn bài thơ hay sẽ góp phần hình thành nên những con người thực sự có ích cho việc xây dựng một xã hội không chỉ giàu có về vật chất mà biết coi trọng tình nghĩa, biết tôn vinh những vẻ đẹp tinh thần, đạo đức.
Những bài văn bài thơ được giải đã đem lại cho chúng tôi niềm hy vọng đó. Tuy chỉ được đọc mấy trăm bài trong hơn hai ngàn bài dự thi của cả ba cấp học, chưa nói đến nghệ thuật văn chương, chúng tôi rất mừng thấy các em học sinh của chúng ta đều rất trân trọng tình mẹ con, cha con, thầy trò và bạn bè, đề cao sự trung thực và lòng vị tha - đó là những tình cảm trong sáng, là những nhân tố cơ bản xây dựng nên những nhân cách tốt đẹp. Hình ảnh người mẹ một mình nuôi hai con nhỏ trong bài "Mẹ tôi" của Huỳnh Thị Quỳnh Trang hay tình cha con trong bài "Cha - Niềm vui và nước mắt" của Nguyễn Cửu Thị Tâm (cả hai đều ở Trường Tiểu học Lộc Trì) không chỉ đã thể hiện chân thật hai câu chuyện gia đình cảm động mà còn nêu một vấn đề rất có ý nghĩa: con người vẫn có thể sống tốt đẹp trong những hoàn cảnh khó khăn. Hình ảnh các thầy cô giáo cũng là đề tài trong rất nhiều bài viết. Truyện "Rương kỷ vật" của Hồ Thị Mai Phương (Trường PTTH Đặng Trần Côn) không phải là bài được giải cao, nhưng có lối viết ngắn gọn súc tích và đã đề cao vai trò của nghề giáo qua câu chuyện người anh bất ngờ tìm được việc làm dễ dàng, nhờ gặp người tuyển nhân viên chính là học trò cũ "cá biệt" mà mẹ anh đã hết lòng dìu dắt… Bài thơ "Lời ru của thầy" của Mai Xuân Thảo Hiền (Trường THCS Nguyễn Tri Phương) đã dựng được hình ảnh thật đẹp về người thầy, về tình thầy trò với một tứ thơ khá mới mẻ và không ít câu thơ hay: "Thầy không ru đủ nghìn câu / Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời…" và "Hẳn là thầy cũng già thôi / Hoá thân vào mỗi cuộc đời các em/ Thì dù phấn trắng bảng đen / Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình". Tình bạn bè với đủ cung bậc tình cảm đã được thể hiện sinh động trong nhiều bài được giải, như bài "Bản Polonise của một tình bạn" của Nguyễn Thị Ngọc Liên (Trường PTTH Phan Đăng Lưu), "Sự tích cầu vồng và câu chuyện tình bạn" của Hồ Tá Nhật Thành (Trường THCS Thống Nhất)… Bài "Nụ cười của một niềm tin" của Nguyễn Minh Trung (Trường PTTH Bùi Thị Xuân) cũng viết về tình bạn, nhưng qua câu chuyện giúp đỡ một người bạn trẻ không quen biết cùng nằm bệnh viện, lại không phải là sự giúp đỡ vật chất, mà đem máy vi tính, đĩa CD vào bệnh viện để bạn được xem hình ảnh đẹp của Huế khi bạn không có điều kiện đi lại, đã nâng tính nhân văn của truyện lên một tầm mức cao hơn. Đó là lòng vị tha, là ý thức đề cao vẻ đẹp tinh thần, những phẩm chất rất cần trong cuộc sống xô bồ hối hả hôm nay. Truyện "Con xin lỗi" của Nguyễn Thị Khánh Trang (Trường THCS Chu Văn An) kể lại việc cop-pi lúc làm bài được điểm cao nhưng sau đó đã dũng cảm nhận lỗi đã đặt vấn đề về sự trung thực - một vấn đề luôn có tính thời sự không chỉ trong ngành giáo dục…
Về nghệ thuật thể hiện, hầu hết các bài dự thi - nhất là ở cấp tiểu học và THCS đều có cách viết chân thật, giản dị, dựa trên những câu chuyện có thật gần gũi quanh mình, nhờ đó đã tạo nên sự truyền cảm cho người đọc. Ở cấp THPT, một số bài được giải đã được xây dựng thành truyện ngắn khá hoàn chỉnh mà vẫn giữ được giọng điệu trẻ trung với nhiều chi tiết "đặc trưng" của tuổi học trò. "Lời đồn ngốc xít" của Nguyễn Ngọc Hoàng (Trường THPT Hai Bà Trưng) là một truyện như vậy. Phạm Trần Quốc Bảo (Trường PTTH Phan Đăng Lưu) với truyện "Cô gái và hiệp sĩ" được thể hiện dưới dạng truyện cổ tích mà chúng ta có cảm tưởng như đã đọc ở đâu đó - nhưng tác giả đã có sáng tạo mới: "…Chàng hiệp sĩ đã vượt qua tất cả các thử thách nhưng chàng không đến nhận vinh quang của mình" mà lập tức trở về thị trấn cũ trả lại cho cô gái tất cả những "bảo bối" đã giúp chàng thành công… 
Cuộc thi có gần 50 giải thưởng, nên chúng tôi chỉ có thể nhắc đến một số bài đạt giải - không nhất thiết là giải cao, cốt để nêu được sự đa dạng về đề tài và chứng tỏ cuộc thi đã được phát động rộng khắp, cả những trường ở xa như Lộc Trì (Phú Lộc) cũng tích cực hưởng ứng và có nhiều em đạt giải. Điều này còn chứng tỏ là tiềm năng trí tuệ - trong đó có năng khiếu văn chương, của lớp trẻ Thừa Thiên Huế khá dồi dào và không phân biệt vùng miền hay điều kiện học tập cũng như mức sống.
Cuộc thi như vậy hiển nhiên đã đạt được nhiều kết quả. Tuy vậy, chúng tôi cũng mạnh dạn lưu ý một nhược điểm chung của các bài dự thi - kể cả những bài đạt giải - là thiếu chất hồn nhiên, ngây thơ của tuổi học trò. Nói cách khác, các em đã trở thành "người lớn" quá sớm. Có lẽ do trình độ dân trí nói chung được nâng cao và cuộc sống hiện đại với "thế giới mạng" đã tạo điều kiện cho các em sớm trưởng thành, nhưng đồng thời các em dễ bị những ảnh hưởng bất lợi, dễ "đánh mất mình"; mà tuổi thơ trong trắng hồn nhiên, tuổi học trò "một đi không trở lại" là vô giá, là quãng thời gian đem lại chất dinh dưỡng tươi trẻ cho tâm hồn và sáng tạo văn chương nghệ thuật suốt cả cuộc đời mỗi người. Chúng tôi nêu vấn đề này không chỉ với các em học sinh mà còn muốn gửi đến các nhà giáo và những người làm công tác giáo dục như một "kiến nghị", một nỗi băn khoăn có thể vẫn cần tranh luận cho sáng tỏ thêm. Còn về nghệ thuật viết truyện hay làm thơ thì quả thật không ai dạy được ai, không có khuôn mẫu nào là tốt nhất, trong cuộc đời học sinh và sau này khi bước vào đời, qua trải nghiệm cuộc sống và học hỏi từ những tác phẩm kinh điển của trong nước và thế giới, các em sẽ tự biết mình nên viết như thế nào để truyền tải được ý tưởng của mình một cách tốt nhất, gây được xúc động trong lòng độc giả.
Từ những kết quả của mùa đầu đầy hy vọng, chúng tôi mong các em sẽ mãi mãi giữ được niềm say mê với văn chương để có thể sáng tác ngày một hay hơn, để cuộc sống của mình thêm đẹp và phong phú hơn.

N.K.P

Các tin khác