1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Một số đặc trưng của truyện cực ngắn

MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG
CỦA TRUYỆN CỰC NGẮN

 

ThS. Nguyễn Thanh Tâm
ng viên khoa Giáo dục Tiểu học,
Trường ĐHSP Huế

Lịch sử văn học nói như Bakhtine thì đó là cuộc hoà tấu của các thể loại. Trong cuộc hội ngộ của nhiều gương mặt quen thuộc, vào những năm chín mươi của thế kỉ XX ở Việt Nam đã xuất hiện một thể loại mới, đó là truyện cực ngắn. “Sinh ngữ trẻ” của sân khấu văn học này không có khả năng lấn át các thể loại đàn anh như tiểu thuyết nhưng nó thực sự thu hút sự quan tâm của công chúng. Với những quy phạm nhất định về cấu trúc thể loại, truyện cực ngắn ẩn chứa nhiều tiềm năng trong hành trình sáng tạo hiện thực. Lần giở các công trình nghiên cứu lí luận văn học, chúng ta tuyệt nhiên không thấy bóng dáng và cũng không có chỗ đăng quang của thể loại này. Chính vì lẽ đó mà nhiều người đặt dấu chấm hỏi vào thân phận của thể loại, băn khoăn không biết nó là con đẻ hay con hoang của nghệ thuật. Lê Dục Tú trên hành trình minh định vai trò của truyện cực ngắn trong văn học đương đại đã khẳng định, truyện cực ngắn xuất hiện từ thế kỉ XV-XVI trong hình hài truyện truyền kì Việt Nam nhưng sau đó ít được sử dụng. Thiết nghĩ, đó chỉ là sự nhận dạng thể loại ở bề nổi. Tôi đồng ý với nhận định của nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh: “Xu hướng tìm đến truyện rất ngắn - một thứ truyện ngắn mini như những kí thác nghệ thuật thực sự chỉ thật rõ vào những năm 90”. Còn trước đó, dáng vóc thể loại chưa rõ nét nếu không nói là còn nhoà nhạt, dễ lẫn khuất.

Xét về mặt thuật ngữ khoa học thì quả thực chưa có thể loại nào trong văn học lại được gán cho nhiều tên gọi như Short - short story. Với những góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà nghiên cứu đã gọi thể loại sinh sau nở muộn là: truyện tia chớp, truyện bưu thiếp, truyện trong lòng bàn tay, truyện bỏ túi, truyện hoả tốc, truyện dài bằng hơi khói, vi truyện, vi hình tiểu thuyết, truyện mini... Những cách định danh ấy đã ngầm thừa nhận hình thức ngắn, rất ngắn của thể loại.

Vậy bao nhiêu chữ là độ dài tiêu biểu cho truyện cực ngắn? Tạp chí Kiến thức ngày nay tổ chức cuộc thi sáng tác truyện 100 chữ. Vương Mông, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc lại cho rằng thể loại này chỉ nên gói gọn trong 200 chữ mà thôi. Giả Bình Ao thì quả quyết rằng: “Sự khác nhau giữa truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn vĩnh viễn không chỉ là số chữ nhiều hay ít”. Ranh giới thể loại như vậy là không có sự thống nhất. Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận đây là thể loại có sự hạn định tương đối về số lượng con chữ. Tác giả truyện cực ngắn không thể tự do phóng bút, không có thời gian nghiền ngẫm triền miên về dòng chảy rộng lớn của cuộc đời. Họ phải bấm bụng cắt đi mọi cái để cho tác phẩm có một khoảng trống thị giác lớn. Ở một góc độ nào đó, hai chữ Mini đúng là vòng kim cô định mệnh đồng thời cũng là vòng nguyệt quế ngọt ngào vinh danh những tài năng văn chương. Nếu như xem truyện ngắn là những lát cắt, những mảnh vỡ của cuộc sống thì truyện cực ngắn là hơi thở rất nhẹ, rất khẽ từ những mảnh vỡ ấy. Rất nhẹ, rất khẽ nhưng kì thực vĩ thanh của nó thì mênh mang đến khôn cùng.

Là thể loại rất ngắn về dung lượng, truyện mini đã thu nhỏ hình hài trong gang tấc “cho nhân loại tiện cầm tay”. Sự thách đố của thể loại một phần cũng do những thúc bách của đời sống. Khi giao tiếp kiểu điện tín được xem là tính trội của đời sống hiện đại thì sự tiết  kiệm về mặt ngôn từ là điều tất yếu. Là con đẻ của xã hội công nghệ thông tin, truyện cực ngắn không thể trượt khỏi đường ray ấy. Đồng thời, những phần tử trung thành của văn hoá đọc ngày càng nâng cao về nhận thức thẩm mĩ. Đó là phép thử để các nhà văn hướng đến làm mới thể loại về cả nội dung lẫn hình thức.

1. Truyện cực ngắn - Mảnh lưới nhỏ và con cá lớn

Trần Vi Hoàng, khi tiếp xúc với truyện mini đã cho rằng đó là cách thức làm tổn thương chất xám của nhà văn, khiến nhà văn viết truyện với cái tâm trắng ngần. Ông nói: “Văn chương cần khoáng đạt như làn gió thu quyện trên đồng ruộng, vút cao như cánh diều bay bổng lại hạn chế nó trong vài trăm đến một ngàn âm tiết. Đó là nghịch lí”. Quả thực đã có nghịch lí ấy nhưng không vì thế mà nhà văn viết về chuyện đời, chuyện người với cái tâm trắng ngần. Hơn bao giờ hết, thể loại đã đặt ra những tiết chế mới cho người sáng tác, buộc họ phải dồn mọi tinh lực để khái quát cuộc sống một cách cô đọng nhất.

Gọi vi truyện là mảnh lưới nhỏ là điều không sai. Đến với thế giới truyện cực ngắn ta bắt gặp xu hướng tỉnh lược hoá về ngôn từ và cấu trúc. Có những tác phẩm làm chúng ta ngỡ ngàng vì kết cấu quá ngắn, ví dụ như những cấu trúc văn bản sau
:

Stt

 

Tên tác

 phẩm

 

Tác

giả

 

Cấu trúc văn bản

 

1

 

Lụy

 

Hoàng Long

 

Những cành mai trắng xô đẩy

tôi làm người tử sinh

 

2

 

Con ma

nhảy múa

 

Hoàng Long

 

Bạn đã bao giờ thấy một con ma

nhảy múa chưa? Nó đang ở trước

mặt bạn đấy.

 

3

 

Bên mình

 

Trung

Thu

 

Bà không ngủ nổi! Chúng nó mới phone

về xong “Đã tới Úc bình an nhưng chà

bông họ quẳng rồi!”. Nhói cả tim già! Bà

không tiếc của, chỉ tiếc công. Tám mươi

tuổi rồi, lọm khọm ngồi xé được cả kí như

thế, vậy mà... Thương hai đứa nhỏ chẳng

nhận được quà. Giọng con dâu còn nhấm

nhẳn: “Con bảo rồi, đồ ăn bên mình mất

vệ sinh lắm!Ai họ nhận!”. Thế đấy! Mà bà

nuôi sáu đứa thành tài cũng “bên mình”

chứ đâu!

 

 

Bạn mất bao nhiêu thời gian để đọc ba tác phẩm trên? 30 giây hay 1 phút? Chỉ chừng đó thôi. Nhà văn đã quăng ra những mảnh lưới ngôn từ cực kì nhỏ hẹp. Chính vì lẽ đó mà Nguyên Ngọc đã so sánh việc sáng tác truyện cực ngắn với tạc tượng, một công việc yêu cầu người nghệ sĩ phải tước bỏ không thương tiếc những gì che khuất cái chính yếu. Cũng chính sự giản lược ngôn từ này mà nhiều người hoài nghi giá trị truyện cực ngắn, xem đó như trò chơi chữ nghĩa mang tính đánh đố.

Một hiện tượng thường thấy ở truyện cực ngắn là sự miễn giảm đến tối thiểu hệ thống nhân vật. Lã Thế Khanh chỉ đưa ra hai nhân vật để làm nên khoảnh khắc Đồng vọng ngược chiều. Một cô gái bán hàng và một chàng trai cũng đủ để làm nên Chàng thi sĩ đã chết. Nguyễn Xuân Hưng là tác giả hiếm hoi đưa đến một thế giới nhân vật khá đông đúc nhằm tạo không khí cho Ván cờ người. Thế giới ấy có già có trẻ, có cả giám đốc, nghiên cứu viên Viện khoa học, các vị chức sắc, bô lão, các gái đồng trinh hoa khôi trong vai những quân cờ người... Nhiều là thế nhưng quan hệ giữa các nhân vật cũng không phức tạp như ở truyện ngắn hay tiểu thuyết. Cuộc cờ ấy kì thực chỉ xoay quanh hai nhân vật là Dã, ông Nhật mà Nhung là điểm nút. 

Xuất hiện trong thế giới nhỏ bé của loại hình vi truyện, các nhân vật không tròn đầy về diện mạo lẫn những biến thái tâm hồn. Hình như các tác giả chỉ nhằm ghi lại những khoảng khắc, những ấn tượng nội tâm trong những lát cắt cực mỏng của đời người mà thôi. Thủ pháp tẩy trắng nhân vật được một số tác giả huy động tối đa, thậm chí ngay một cái tên để hiện diện với đời cũng có lúc bị tẩy xoá mất (Tuổi dại của Lê Xuân Định, Thời gian của Tuỳ Nghi, Quà đồng của Trà Lâm Hoa Vinh...). Nói về nỗi đau của người phụ nữ trước sự kiện “Bố và Bà nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh” vì chị không sinh được con trai, Linh Diệu chỉ viết: “Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khoẻ lên tí nào. Mẹ bảo: Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!”. Sự kiện này nếu lọt vào tầm ngắm của nhà tiểu thuyết hay truyện ngắn thì chắc chắn sẽ có ngay những đoạn, những trang văn dài để miêu tả nỗi niềm cay đắng, tủi nhục của người vợ, người mẹ bất hạnh. Linh Diệu chỉ viết vậy thôi. Ngắn lắm nhưng ta cứ thấy xa xót trong lòng. Cái ngắn ngủi ấy thiết nghĩ đã là nhát cắt thấm thía vào da thịt cuộc sống.

Để đảm bảo diện mạo thể loại, kết cấu của truyện rất ngắn gọn. Dường như không hề có chi tiết thừa trong những sáng tác thuộc thể loại này. Chính vì thế mà cách vào đề của nhiều truyện rất đường đột. Bước vào Viên ngọc ẩn (Xuân Đình), ta chạm ngay nỗi vất vả của kiếp người trong tiếng chửi đổng của ông Tư: “Mẹ kiếp! Nắng dữ!”. Lê Khắc Thao khi dệt Giấc mơ cuộc đời cũng chẳng cần đi đường vòng. Giấc mơ ấy bắt đầu bằng một quyết định rất tỉnh táo: “Phải đi thôi. Mình đã hẹn Lan chiều nay sẽ trở lại trường”. Phải chăng, bước chạy của thời gian đang dồn thúc nhà văn, khiến họ không thể nhẩn nha dạo bước? Phải chăng, đó là ý đồ phản ánh cuộc sống trong chiều sâu của nó chứ không theo chiều rộng như nhân vật chính của đời sống thể loại là tiểu thuyết thường làm.

Thực ra, ý thức về dung lượng ấy còn quán xuyến ngòi bút các nhà văn trong từng câu chữ. Rất ít khi tác giả truyện mini để câu văn “trải đi như một dòng sông rộng”  như đặc trưng của loại hình văn xuôi. Bước lên Đò thiêng cùng Phạm Minh ta sẽ gặp ngay những dòng ngữ lưu nhỏ ấy: “Hơn hai mươi năm trước, chị đã tiễn anh qua con đò này. Mùa mưa. Đò đầy. Những cơn gió lạnh. Chị ngồi nép vào anh, lạnh từ trong bụng lạnh ra...”. Cái lạnh của lòng người đã toả lan vào từng câu chữ, làm cho vật liệu thẩm mĩ ấy cũng đanh gọn và sắc lạnh. Tác giả “Ván cờ người” cũng đã dụng công làm săn từng câu văn lại: “Cờ phấp phới. Trống giục. Các vị chức sắc mặc kiểu tây đầm. Bô lão lối cổ, áo dài khăn đóng...”.

Khoảng trắng của truyện cực ngắn để lại là rất lớn. Tuy nhiên, để phát hiện con cá lớn về tư tưởng lẫn nghệ thuật không phải là điều dễ dàng gì. Dụng ý của các tác giả là chỉ dùng một từ mà làm âm vang thành hàng chục từ trong tư duy người đọc. Thủ pháp chân không ấy không phải ai cũng ngộ ra được một cách nhanh nhạy. Kì thực, thể loại bé hạt tiêu này có khả năng dồn nén nghệ thuật đến cực hạn. Truyện Con ma nhảy múa của Hoàng Long vẻn vẹn hai câu. Nhưng lí giải cho được thông điệp thẩm mĩ của tác giả thì phải mất rất nhiều tâm lực. Tự thân tác phẩm đã là một con ma ngôn từ, nhảy múa trước mắt người đọc, làm cho họ “tẩu hoả nhập ma” trong trò chơi vô tăm tích của chữ nghĩa? Hay là Hoàng Long đang nói một điều lớn hơn về khoảng cách rất nhỏ hẹp giữa có và không, bởi  lẽ sự hình dung, khả năng tưởng tượng của mỗi con người sẽ là phép biến hoá để không thành có?

Đã có rất nhiều người nghi ngờ về chất văn trong loại hình truyện vi mạch này. Nhưng thực tế sáng tạo của thể loại đã là một câu đáp ngọt ngào. Dẫu là bé nhỏ về hình hài nhưng truyện cực ngắn có khả năng bao quát phạm vi hiện thực rộng lớn. Từ những mảng đề tài lớn về chiến tranh, thân phận con người, về những đường ranh giới mong manh của cuộc đời cho đến những rung cảm nhẹ nhàng của tâm linh... tất cả đều góp mặt trong tà áo hẹp của thể loại. Cuộc hội ngộ của muôn mặt đời thường ấy xét cho cùng là kết quả của tài năng sáng tạo của các tác giả truyện cực ngắn.

2. Truyện cực ngắn và dấu ấn của kĩ thuật viết hiện đại

Là một thể loại văn học ra đời trong lòng xã hội hiện đại, tất yếu truyện cực ngắn phải dung hợp những kĩ thuật viết mới. Bút pháp đồng hiện được xem là một thủ pháp hiệu quả giúp người viết truyện vượt lên sự ràng buộc về dung lượng thể loại để có thể đưa đến nhiều góc nhìn về cuộc đời. Tác giả Đò thiêng đã tài tình dán ghép hai không gian đời của hai dòng chảy: hiện tại và quá khứ. Bên cạnh không khí hoảng loạn của chuyến đò có nguy cơ bị đắm là dòng hoài niệm không dứt về chuyến đò ngày xưa, ngày chị đưa anh ra mặt trận. Không gian ngày xưa như một chiếc gương soi khổng lồ để nhân vật soi ngắm về mình và về thói đời. Chị đã mong đến thắt lòng về một chuyến đò đưa anh trở về với mảnh đất quê, dẫu bây giờ anh chỉ còn là nắm hài cốt nằm sâu trong vali. Tiếc rằng, chuyến đò ấy không tưng bừng cờ hoa, nụ cười và nước mắt mà chỉ là những lời cấm cẳn, gắt gỏng, là những toan tính thoát thân... Giữa hai không gian cách biệt ấy có một mối dây liên hệ sâu xa. Trong thời bình này, đã có biết bao chuyến đò đầy qua lại trên sông. Làm nên khung cảnh yên ả của con sông quê ấy có những người lặng lẽ hi sinh như anh và lặng lẽ chờ đợi trong thuỷ chung như chị.  Tính chất thiêng ấy, thì ra chỉ thuộc về không gian xưa, một không gian được thu hẹp lại trong chiếc vali mà thôi.

Yếu tố kì ảo không loại trừ thế giới truyện cực ngắn. Như một chất men say cần thiết, nó đã tạo cho thể loại một dưỡng chất mới, thi vị hơn và lôi cuốn hơn. Hoa đại trắng làm day dứt lòng người về những biến ảo hư thực, lúc ẩn lúc hiện của chính bông hoa đại. Bông hoa trắng lạnh trong tờ lịch ấy đã tạo nên những cơn bão lòng trong cõi tâm linh của người chồng phụ bạc. Cái u uẩn và thanh khiết đến trắng trời, trắng cả đất chùa của người vợ bị phụ tình cũng theo đó mà “tưng mưng sáng”. Hoa chanh trái vụ cũng mượn yếu tố kì ảo để nói sâu hơn về sự thực trong đời sống tâm hồn con người. Văn Như Cương đã đưa người đọc về lại với ngày xưa huyền hoặc để gặp mùi hoa chanh trái vụ ngào ngạt dâng tràn. Nụ hoa tươi nguyên thụ hình từ bàn tay tật nguyền của đứa trẻ là thứ  thuốc rửa màu nhiệm làm hiện lên chân ảnh đẹp của một người con gái. Dường như, khi con người mất niềm tin vào hiện tại, khi hiện tại không thể minh oan được cho lòng người thì các nhà văn phải viện đến yếu tố kì ảo. Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp nghệ thuật còn thông điệp thẩm mĩ của thiên truyện thì vẫn hướng về hôm nay.

Lí thuyết tự sự hiện đại rất quan tâm đến hiện tượng trượt điểm nhìn trần thuật. Tạo nên hiện tượng ấy trong một dung lượng câu chữ hạn hẹp là điều không dễ dàng chút nào. Nhưng một số tác giả mini truyện đã làm được và thành công nữa là khác. Ván cờ người vì thế mà xôn xao nhiều giọng nói. Tác giả vừa mới nhận vai người trần thuật, mới giới thiệu cho bạn đọc biết về hội đánh cờ người của làng Chùa thì ngay lập tức bị tiếm quyền. Nhóm của Dã đã vội vàng lên tiếng: “Rằng ông Nhật chơi xe mã hay, sở trường dụng tốt. Nhớ lấy!... Cho lão ta biết tay đi, Dã ơi!”. Sau lời khuyên ấy, họ đã trao vai người trần thuật cho chủ nhân của mình, để cho Dã lởn vởn với suy nghĩ: “Sao Nhung lại đồng ý ở bên ấy nhỉ? Nhân viên thì sợ giám đốc. Thế lệ làng thì sao? Còn mình thì sao?”. Cứ thế, điểm nhìn trần thuật không chịu đứng yên mà trượt dần từ người này sang người khác. Đó là sự hiện thực hoá về tính chất đấu đá, thách thức nhau không chịu nhượng bộ của con người trong ván cờ người định mệnh này.

Kết thúc bất ngờ như lật quân bài cuối cùng được xem là đặc trưng của truyện cực ngắn. PTS Châu Thành Nguyễn cho rằng: “Truyện cực ngắn thường là sự gặp gỡ của những trạng thái đời sống ở thời điểm ngưng kết đi tới chuyển đổi như phút 89 tràn đầy kịch tính trên sân cỏ trong những trận đấu bóng nghiêng ngửa”. Chàng thi sĩ đã chết gây cái chết lâm sàng cho nhân vật chính và cả người đọc. Giữa lúc người con gái hớn hở đến nghẹn ngào: “Ôi, anh! Bán hết rồi.” thì chàng thi sĩ nhút nhát, có phần qụy lụy nhờ cô bán hộ thơ ngày nào đã xì một tiếng: “À! Mấy cuốn thơ phải không. Trò vớ vẩn”. Cô gái chết lặng trước cái chết về nhân cách của chàng thi sĩ đã từng lớn lên và vững vàng nhờ những lời nói dối ngọt ngào mang tính khích lệ của cô. Sự thực chúng ta không chờ đợi những cái kết bất ngờ kiểu như vậy. Tuy nhiên, trong nỗ lực mở rộng khả năng phản ánh cuộc sống đến cực hạn thì các nhà văn không né tránh điều gì. Cá rô đồng của Khải Nguyên là cuộc hội ngộ ngoài ý muốn. Cô gái đã phóng sinh cho con cá rô dại dột tham gia cuộc dự tuyển vượt vũ môn lại gặp ngay sinh linh ấy trên bàn ăn của mẹ. Đấy chính là vòng tròn định mệnh của cuộc đời.

P. Farmanor khi nhận định về kết thúc của truyện đã cho rằng: “Sức mạnh cú đấm (nghệ thuật) là thuộc về đoạn cuối”. Truyện cực ngắn quả thực đã có sự dồn nén cao độ để làm nên những cú đấm nghệ thuật đầy uy lực như thế. Ở góc độ này, truyện cực ngắn có sự tương đồng với tính chất kiệm lời của thơ Đường, thơ Haku – hai hình thức thơ có khả năng diễn tả sự thâm sâu của đời người, lòng người trong lớp vỏ ngôn từ chật hẹp.

“Có lúc rộng mênh mông vẫn mang chẳng nổi mình

Có lúc nhỏ bé vô cùng vẫn ôm trùm hết thảy”

Trịnh Bích Ba đã viết như thế về trái tim người phụ nữ. Bất chợt tôi cũng nảy sinh mối liên tưởng. Hay chăng, mỗi một truyện cực ngắn cũng là một trái tim kì diệu như thế, nhỏ bé nhưng khả năng ôm chứa thì rộng lớn đến khôn cùng. Quả thực, truyện cực ngắn đã làm được nhiều điều vượt quá khuôn khổ thể loại và ngày càng khẳng định vị trí độc lập của mình trong đời sống văn học. Tuy nhiên, những năm gần đây, thể loại này dường như chững lại, không thực sự sôi nổi như những năm chín mươi của thế kỉ XX. Tôi đồ rằng, có thể do nhiều người đánh giá chưa công bằng về nội lực tiềm tàng của thể loại. Có vẻ như một số cây bút không tin tưởng mượn truyện cực ngắn làm mảnh đất gieo mầm sáng tạo. Ở phía đối lập, dường như những người mặn nồng với thể loại lại tỏ ra bất lực. Chúng ta còn thiếu những nhà văn thực tài để có thể tạo những sức nén thẩm mĩ bất tận cho loại hình mini truyện này. Biết là thế, nhưng nhu cầu của công chúng vẫn không hề giảm. Vì thế, chúng ta sẽ chờ đợi và có quyền hi vọng về sức bật của thể loại...

N.T.T

Các tin khác