1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Múa trong sinh hoạt

MÚA TRONG SINH HOẠT CỦA NGƯỜI TÀ ÔI

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống múa đã có trong lao động, đến múa trong sinh hoạt của người Tà ôi lại được nâng lên một bước. Bởi lẽ, các ngày hội lớn của cộng đồng cũng như gia tộc, gia đình Tà ôi, vấn đề tiếp khách là quan trọng. Các cô gái Tà ôi được phân công tiếp khách đã thể hiện nhiều động tác bằng đôi bàn tay khéo léo mềm dẻo, đôi chân nhanh nhẹn, nụ cười tươi mới, ánh mắt thân tình. Họ thực hiện các công việc: quạt cho khách, bưng nước mời khách, rót rượu mời khách… Dần dần qua thời gian những công việc này được nâng thành những động tác múa mềm dẻo được xếp vào động tác múa trong sinh hoạt.
Nếu như múa trong lao động khá phong phú và đa dạng với nhiều phương thức, nhiều đề tài, nhiều đạo cụ thì múa trong sinh hoạt của người Tà ôi lại khiêm tốn hơn. Theo thống kê của chúng tôi, đề tài múa trong sinh hoạt chỉ có 4 điệu múa và vẫn được duy trì cho đến ngày nay bởi các nghệ nhân và các đội văn nghệ dân gian thôn, xã. Đó là: Múa quạt cho khách, Múa bưng nước mời khách, Múa mời rượu, Múa múc nước suối.
Để phụ hoạ cho loại hình múa này còn có loại hình dân ca Cà lơi giống như múa trong lao động nhưng về bộ phận nhạc cụ thì sử dụng chỉ có 2 loại là: Khèn và chiếc Tingát.
Vì không gian thể hiện của các điệu múa trên chỉ ở trong nhà nên đạo cụ được sử dụng ở đây cũng rất ít và đơn giản:

Stt    Nội dung múa    Đạo cụ được sử dụng trong khi múa
1    Múa quạt cho khách    Chiếc quạt.
2    Múa bưng nước mời khách    Quả bầu khô, Ângrco abung,
chiếc Ađiên nhỏ, chiếc cốc bằng
ống tre, lồ ô hoặc nứa.
3    Múa mời rượu    Giống như trên.
4    Múa múc nước suối    Chiếc gùi, quả bầu khô, Ângrco abung.

Múa trong sinh hoạt của người Tà ôi có được xuất phát từ một dấu ấn văn hoá của cộng đồng, đó là cách ứng xử của người Tà ôi đối với khách. Đặc tính rõ nét nhất của người Tà ôi là tính hiếu khách, cho dù là khách lạ hoặc khách quen cứ mỗi khi đến nhà thì gia chủ Tà ôi rất vui mừng, vồn vã tiếp đón. Lúc này đây, những thành viên trong nhà như đã thành thông lệ, người quét sàn nhà, người trải chiếu, người chuẩn bị nước uống hoặc rượu hoặc trái cây… Còn chủ nhà và khách chỉ việc chờ xong đâu đó rồi mới yên vị.
Tiếp khách trong gia đình Tà ôi nếu theo truyền thống thì tiếp tại nhà moòng làng. Vì ngày trước gia tộc Tà ôi sống trong một ngôi nhà dài có đến vài chục mét, mỗi ngôi nhà là một dòng họ. Sau đó được chia ra từng căn cho mỗi thành viên khi lập gia đình, mỗi căn là một bếp và nơi sinh hoạt ăn, ngủ của các thành viên gia đình nhỏ đó. Cho nên, căn giữa của ngôi nhà dài được làm nơi tiếp khách chung cho cả dòng họ, nếu có khách của gia đình nào thì gia đình đó ra tiếp, còn khách của chung thì chủ họ sẽ đón tiếp.
Tính hiếu khách được người Tà ôi thể hiện bằng động tác quạt cho khách khi đến nhà. Người được phân công quạt cho khách lại là những thiếu nữ trong gia tộc… Sở dĩ như vậy vì họ quan niệm rằng, có người trẻ tuổi quạt mát là tỏ sự tôn trọng khách, cho dù đó là khách già hay trẻ, nam hay nữ. Quạt mát sẽ làm cho khách quên đi mệt nhọc của đường đi bộ xa cũng như cởi mở tấm lòng để chuyện trò với gia chủ.
Quạt của người Tà ôi thường được làm bằng lá cọ (Talo) đem phơi khô cắt ngắn, để lại chiếc cán cầm vừa chừng 1 gang tay người lớn, hoặc họ lấy những bẹ lá đoác, lấy đá tảng chần lên trên đợi đến khi nào phẳng thì cắt thành hình tam giác có tay cầm. Cả hai loại quạt này có đặc tính nhẹ nhưng cho gió nhiều và mát mỗi khi quạt nên những người ngồi quạt cho khách không cảm thấy mệt.
Chính từ những động tác quạt đó, qua thời gian, người Tà ôi đã nâng nó lên thành nghệ thuật múa trong các dịp lễ đón khách. Khi múa quạt cho khách, đội hình múa thường có từ 5 - 10 người thiếu nữ trẻ, khoẻ và đẹp. Trang phục khi múa là váy dài, áo dzèng với nhiều hoa văn sặc sỡ và thêm vào đó cột chiếc khăn trên trán tạo nên những cái duyên dáng từ đôi mắt, nụ cười lẫn mái tóc. Theo như các nghệ nhân kể lại, ngày trước động tác múa này thường được tổ chức ngay tại nhà moòng làng vì diện tích phòng khách rộng và cao, khách vừa ngồi trò chuyện vừa ngắm các thiếu nữ múa vừa được quạt mát.
Khi múa, các thiếu nữ được xếp thành 2 hàng ngang đứng so le nhau để khách có thể nhìn thấy được một lúc các thao tác của đôi tay những thiếu nữ Tà ôi. Múa quạt cho khách thật mềm dẻo, động tác tay bao giờ cũng đưa cao ngang tầm ngực và phẩy về phía trước, chao về bên trái rồi chao về bên phải chứ không hề thấy có động tác lấy quạt che mặt hoặc phẩy quạt sau lưng.
Ngày nay, động tác múa này được đưa vào trong các đợt sinh hoạt văn nghệ tập thể, các ngày lễ lớn của đất nước như: lễ Quốc khánh 2/9, sinh nhật Bác 19/5, thành lập Đảng 3/2… Đạo cụ múa cũng có những thay đổi rõ rệt. Thay thế cho các thứ quạt truyền thống vừa nêu trên là các loại quạt xếp bằng giấy, gỗ, quạt nhựa.
Trong gia đình, người Tà ôi rất ít khi dùng nước sôi để nguội. Họ thường uống nước chè xanh, lá nhân trần đun sôi. Nước thường nấu trong nồi to đậy kín nắp và luôn vần bên bếp lửa để giữ độ ấm trong suốt cả ngày. Trước đây, khi chưa có sự trao đổi hàng hoá từ hai miền xuôi ngược thì họ uống nước bằng cách dùng những ống giang, lồ ô hoặc nứa, cắt ngắn chừa mắc lại rồi họ dùng rựa tiện sao cho đẹp tạo thành vật dụng đựng nước giống như cái cốc của người Việt. Ngoài ra họ còn dùng những quả bầu khô đã khoét lỗ tròn ở bên trên cuống để chứa nước thay cho chiếc ấm.
Ngày nay, người ta thường uống nước bằng chén và khi đón khách cũng vậy. Người vợ thường rửa chén thật sạch, hơ lửa cho mau ráo rồi múc ra từng bát mời khách trước rồi mới mời chồng. Khi uống xong nếu nước còn thừa trong chén thì gia chủ không bao giờ đổ xuống sàn nhà mà họ lại hắt vào bếp, vì họ quan niệm bếp lửa nóng cũng như người khát nước vậy, đổ nước vào lửa sẽ réo to hơn, đồng nghĩa với việc Thần Bếp hết khát.
Trong khi thực hiện động tác múa bưng nước mời khách thì đội hình múa là những người phụ nữ đã có chồng hoặc những cụ bà, với số lượng từ 3 - 5 người; đạo cụ là những quả bầu khô có đựng nước và những chiếc cốc được làm bằng những ống lồ ô, giang, nứa. Những động tác nhẹ nhàng của người cầm bầu nước, người hứng ly theo nhịp tiết tấu êm dịu và nhẹ nhàng của chiếc khèn bè đã tạo cho người xem thấy một sự nhẹ nhàng, trìu mến khi mời khách uống nước.
Sở dĩ đội hình múa là những người phụ nữ có tuổi vì gia chủ quan niệm rằng, người tiếp nước cho khách phải là những người có kinh nghiệm, có tài ứng xử khéo léo để khách có thể hỏi về chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chuyện nuôi dạy con cái… trước khi đi vào câu chuyện chính với gia chủ.
Múa bưng nước mời khách hiện nay ở vùng người Tà ôi hầu hết các đội văn nghệ dân gian cấp xã các biên đạo múa đã thực hiện một cách thuần thục nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của cộng đồng cũng như góp phần bảo tồn vốn văn hoá của chính họ.
Ứng xử trong giao tiếp của người Tà ôi nếu không nhắc đến việc uống rượu thì mất vui. Ở người Tà ôi, thức uống chủ yếu để mời khách là rượu. Rượu của người Tà ôi có tới 10 loại: rượu đoác, rượu sắn, rượu mía, rượu gạo, rượu nếp, rượu thuốc, ruợu mây, rượu kê, rượu cần, rượu dừa...Tùy theo kinh tế của từng nhà mà gia chủ có thể đãi khách những thứ rượu họ có.
Mỗi khi có khách đến nhà, người Tà ôi thường nói: "ăn miếng chơi, uống miếng rượu đoác". Để cho khách khỏi phải từ chối uống rượu thì họ lại nói thêm:
"Rượu dở mình cũng không chê
Vì tình cảm rượu chua mình cũng uống"
Đây là lời nói mang tính động viên khách hãy đón nhận tấm lòng hiếu khách của gia chủ.
Nét hay ở người Tà Ôi là họ không bao giờ ép khách uống nhiều rượu. Việc uống rượu ở nhà họ thì tùy vào sức của khách nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì khách phải uống rượu với chủ một ly. Sau đó tùy theo công việc, câu chuyện giữa khách với chủ thì họ sẽ sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với khách. Người Tà Ôi thường dặn nhau rằng:
"Này người anh em ơi
Đã cùng ngồi uống rượu
Có gì buồn trong bụng
Anh hát cho tôi biết"
Và thế là sau lời gợi mở đó, khách với chủ càng thêm thắm thiết. Khách có thể kể cho chủ nghe những câu chuyện buồn vui trong đường làm ăn, vợ chồng, con cái, cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Còn gia chủ thì say sưa kể chuyện cộng đồng làng, gia tộc, gia đình và kể những câu chuyện cổ xưa đầy tính triết lý và nhân bản, truyền lại những tri thức dân gian đang bị mai một dần trước xã hội hiện đại.
Khi mời khách uống rượu thì gia chủ Tà ôi không rót rượu mà đã có con cái của họ rót giúp, có thể là nam hoặc nữ. Vì lẽ đó mà khi thực hiện động tác múa mời rượu thường có cả nam và nữ thanh niên trẻ, khoẻ tham gia. Họ đã biết cách điệu một số chi tiết trong sinh hoạt hằng ngày để có được những bài múa hoàn thiện.
Khi thực hiện động tác múa thì người con trai thường có 5 người, con gái 5 người. Người con trai cầm 5 chiếc gậy dài khoảng 1,5m thổ nhịp nhàng xuống đất, còn các thiếu nữ cầm 5 quả bầu khô tượng trưng cho bầu đựng rượu, cùng những chiếc cốc lồ ô đó. Các thiếu nữ làm động tác nghiêng bầu rót rượu ra ly và mời các chàng trai uống rượu. Họ cùng nghiêng về bên phải rồi nghiêng về bên trái với các công việc tương tự. Họ cứ làm như thế 5 lần rồi các đôi trai gái lại cùng múa chung với các động tác tự sáng tạo mới rồi lại tiếp tục mời rượu. Thời gian cho điệu múa này được tính bằng 5 lần mời rượu lượt đi và 5 lần mời rượu lượt về, nghĩa là khi khách uống vừa tầm là nghỉ.
Điệu múa này được đội văn nghệ dân gian thôn Quảng Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới dàn dựng và công diễn nhiều lần đã giành nhiều giải thưởng trong các đợt liên hoan văn nghệ quần chúng do huyện tổ chức. Và hiện tại được xem là tiết mục múa không thể thiếu trong những dịp làng xã đón khách quý.
Theo nếp cũ, việc đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình lại là phụ nữ cả già lẫn trẻ. Họ gùi, trong gùi dựng đứng những ống nứa to bằng bắp chân người lớn được gọi là Ângrco abung và một vài quả bầu khô hoặc những miếng vỏ bầu khô được rọc dọc để thay thế cho những chiếc gàu, để hứng nước, múc nước đổ vào ống Ângrco abung đó. Mỗi khi múc nước hoặc hứng nước thì người phụ nữ phải có những thao tác hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển và đều đặn. Khi cúi xuống múc nước, đổ nước vào ống, khoác gùi qua vai đã trở nên thành thạo thì cái mệt nhọc sẽ được xua đi. Chính vì những yếu tố đó mà động tác múc nước suối được đưa vào kho tàng dân vũ.
Khi múa về điệu này thì số lượng diễn viên múa tham gia càng nhiều càng tốt, có như thế sẽ tạo ra sự rộn ràng cũng như lột tả hết được nhiều thao tác trong cùng một lúc. Có thể người này đặt gùi xuống, người khác lấy ống nứa ra, người múc nước, người đổ vào, người khoác lên vai… Múa đông người cùng đồng nghĩa với sự nhộn nhịp của cuộc sống, sự sung túc của gia đình. Vì đa phần khi đi lấy nước suối thì phụ nữ trong gia đình đều đi cả.
Vì số lượng điệu múa ít nên không bị thất truyền mà ngược lại múa trong sinh hoạt của người Tà ôi lại được biểu diễn thường xuyên trong bất cứ hoàn cảnh nào, đạo cụ dễ làm, số lượng người tham gia dễ huy động, thao tác đơn giản dễ nhớ, dễ thực hiện. Trong lúc đó, múa trong lao động thì đòi hỏi sự công phu hơn về đạo cụ, còn múa trong tín ngưỡng thì phải thực hiện theo chu kỳ mùa rẫy hoặc theo các tập tục cổ truyền của cộng đồng.

T.N.K.P

Các tin khác