1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Múa trong tín ngưỡng của người Ta ôi

MÚA TRONG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI TÀ ÔI

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Trước đây, sau khi xong một chu kỳ sản xuất, người Tà ôi thường tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng thông qua các lễ hội lớn của cộng đồng như: Ariêu ping (lễ dời mả), Ariêu car (lễ đâm trâu), Ariêu Aza (lễ tạ ơn trời đất), Ariêu paching dung (lễ mừng nhà mới), Aza kooh (lễ cầu mùa)…Trong các lễ hội này, những người tham gia đều sử dụng các điệu múa phổ biến là aza, za zả, madooc, jadooc…Đây là những điệu múa tập thể, động tác đơn giản nhưng rất sôi động và vui nhộn bởi có sự phụ họa của dân nhạc lẫn người xem.
Ngày nay, mặc dù ở địa bàn sinh sống của người Tà ôi có nhiều biến đổi theo lối của cơ chế thị trường nhưng họ vẫn cố gắng giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần to lớn của dân tộc mà trong đó những điệu múa trong tín ngưỡng của họ còn bảo lưu khá đậm nét.
Nếu như múa trong lao động và múa trong sinh hoạt của người Tà ôi, các động tác múa không cần nhiều diễn viên thì đến loại hình múa trong tín ngưỡng này thì lại khác: "Người già, người trẻ, nam nữ ai cũng có thể tham gia được. Múa thường được đệm, được hòa với tiếng trống, tiếng chiêng. Vì vậy càng tạo được không khí rộn ràng, vui vẻ, có sức cuốn hút lớn đối với cả người diễn lẫn người xem".
Theo các nghệ nhân kể lại thì múa trong tín ngưỡng của người Tà ôi có các đề tài sau:
+ Múa trong lễ Ariêu ping.
+ Múa trong lễ Ariêu - Ârpuch (lễ đoàn kết giữa các làng).
+ Múa trong lễ Ariêu aza.
+ Múa trong lễ Ariêu paching dung.
+ Múa trong lễ Ariêu ale cârmai akay (lễ đưa dâu).
Với các đề tài đó, người Tà ôi đã sáng tạo ra các điệu múa phổ biến phù hợp với nội dung của từng lễ hội.
+ Điệu za zả: đây là điệu múa truyền thống độc đáo mà không chỉ riêng người Tà ôi, ngay cả dân tộc Cơtu cận cư cũng có. Điệu này được múa ở các lễ hội lớn với nội dung là tạ ơn và cầu mong đất trời, thần linh ban tặng cho dân làng một vụ mùa tốt tươi, ấm no.
+ Điệu aza: đây là điệu mừng năm mới, tạ ơn thần linh đã che chở cho dân làng khỏi ốm đau, bệnh tật, xui xẻo. Phụ nữ nhóm Pacô thường sử dụng điệu múa này hơn.
+ Điệu aza kooh: được múa trong lễ hội cầu mùa.
+ Điệu adưn Radoóc: đây là điệu múa của đám Radoóc (khách không mời mà đến) thường xuất hiện trong các lễ: đám cưới, dời mả.
+ Điệu adưn Tờ rỉa: đây là điệu múa vòng tròn quanh cột lễ trong lễ hội đâm trâu.
+ Điệu adưn aza: điệu múa trên nhà sàn hoặc trước sân nhà Rông mới dựng của làng.
+ Điệu adưn choán paching dung: múa mừng nhà mới, múa đuổi tà ma.
+ Điệu Curu: đây là điệu mang tín ngưỡng saman giáo dùng cho các vị thầy bói, thầy cúng ở trong cộng đồng Tà ôi. Thầy bói hoặc thầy cúng nói chuyện với thế giới thần linh và truyền đạt lại nội dung đó cho người nghe, người xem. Có 2 lần múa với các động tác ngây ngất toàn thân giống như người say rượu vậy, rồi sau đó ngáp, trong khi ngáp lần đầu báo hiệu rằng thần linh đã nhập vào cơ thể mình, khi đó vị thầy cúng hoặc thầy bói thể hiện các công việc của mình, ngáp lần thứ hai báo hiệu thần linh đã thoát ra khỏi thể xác cũng là kết thúc điệu múa.
+ Điệu hầu sasai veel (già làng): điệu múa này chỉ dành cho người phụ nữ trẻ chưa chồng.
Tuy có sự thống kê khá nhiều về các đề tài và điệu múa trong tín ngưỡng song ngày nay, theo sự chứng kiến của chúng tôi trong quá trình tham gia các đợt sinh hoạt lễ hội của người Tà ôi thì họ chỉ trình diễn các điệu múa trong tín ngưỡng với các đạo cụ được sử dụng như sau:
Một nét chung ở múa trong tín ngưỡng là đội múa lấy cây nêu làm trọng tâm, vòng tròn là trung tâm sinh hoạt, múa là diễn xướng của cộng đồng. Đối với người Tà ôi, cứ đến cuối tháng Xay chit la bar (tháng 12 dương lịch) thì họ lại tưng bừng với các lễ hội. Tất cả các lễ hội đều được tổ chức long trọng tại một ngôi nhà chung của làng (chỉ trừ lễ dời mả được tổ chức riêng với địa điểm tập trung ở bãi đất hoang cách làng khoảng 500 - 700m). Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ thì các đội múa cũng đã sẵn sàng để diễn xuất.
Trong lễ hội đâm trâu, đội múa thường đông người có khi lên đến 100 người không kể già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo. Số lượng người càng đông lại càng thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Sự phân công các công việc trong đội múa được rạch ròi như sau:
- Người đàn ông lớn tuổi: cầm xập xõa, đánh trống, thổi khèn, đánh cồng chiêng.
- Thanh niên nam trẻ: tay cầm khiên và kiếm, vai mang cung tên.
- Người đàn bà lớn tuổi: cầm quạt (bằng lá cọ), ngày nay do sự biến đổi văn hóa cho nên hầu hết trong các lễ hội họ sử dụng loại quạt xếp bằng giấy của người Việt.
- Phụ nữ trẻ tuổi: tay cầm cây mía còn nguyên gốc và lá, cầm lục lạc.
Đội múa dịch chuyển ngược theo chiều kim đồng hồ quanh cây nêu có buộc con trâu. Từ vị trí trung tâm cây nêu ra đến đường vòng tròn của đội múa khoảng 5 - 7m. Phía bên trong vòng tròn là một vài người cũng tham gia phụ họa theo các động tác múa ở vòng ngoài, thành phần đứng ở vòng trong là các vị già làng và người được giao nhiệm vụ đâm trâu.
Với 2 điệu múa được sử dụng trong lễ này là múa điệu adưn Tờ rỉa, sasai veel (hầu quạt già làng). Khi lễ đâm trâu được bắt đầu thì các già làng làm lễ một mâm cúng nhỏ gồm 1 con gà luộc, một ít rượu, gạo và vải dzèng. Khi già làng ngồi cúng thì các thiếu nữ Tà ôi đến bên cạnh cùng ngồi và quạt cho già làng. Với động tác quạt nhẹ nhàng, hai tay cầm quạt và lắc lư theo nhịp trống. Việc hầu già làng bằng động tác múa quạt này thể hiện sự kính cẩn mời thần linh về chứng giám lễ hội đâm trâu của làng.
Khi lễ đâm trâu được bắt đầu thì cùng với âm nhạc được xướng lên là những đôi bàn chân vừa chắc khỏe (đối với nam), vừa mềm mại (đối với nữ), đôi bàn tay uyển chuyển, thân hình nhún đều cùng dịch chuyển theo một vòng tròng đều đặn. Các cụ già và trai tráng nghiêng mình để diễn tấu các loại thanh la, cồng chiêng, thổi khèn, tù và… Các cụ bà thì một tay chống vào hông, một tay cầm quạt phẩy qua về theo chiều ngang để tượng trưng quạt cho các vị già làng đang đứng ở vòng trong. Còn về phần các thiếu nữ, với các thao tác đưa tay lên ngang vai, ngửa ra, tâng lên tâng xuống một cách nhẹ nhàng đều đặn, những bước đi nhẹ nhàng uyển chuyển đã tạo nên một không khí lễ hội vừa trang nghiêm, tôn kính mang vẻ tâm linh nhưng lại vừa thể hiện cuộc sống đời thường - mừng xong một chu kỳ sản xuất.
Trong lễ hội đâm trâu thường có tới 5 cảnh múa khác nhau, lúc đầu mang âm hưởng nhẹ nhàng thì các điệu múa chậm rãi, càng về sau khi con trâu bị những nhát lao đâm thì dân nhạc lại càng rộn ràng, gấp gáp, dồn dập đồng thời đội múa di chuyển càng nhanh kèm theo những lời hò hát nhằm thể hiện sức mạnh và niềm vui mừng khi con trâu bị hạ gục. Khi con trâu ngã xuống thì đội múa lại trở về với trạng thái ban đầu nhằm bày tỏ sự thương tiếc trâu, vì trâu hi sinh để tế thần khi đó thần linh mới ban lại hạnh phúc và ấm no cho dân làng.
Tương tự như trong lễ đâm trâu thì múa trong lễ cầu mùa lại có điểm khác là không có tục đâm trâu. Đội múa cũng di chuyển quanh cây nêu, động tác aza kooh, adưn aza thể hiện sự vui mừng mùa màng bội thu và cầu mong một mùa mới với ước mong mưa thuận gió hòa. Trong quá trình múa, các thiếu nữ còn cầm theo những gié lúa hoặc các thứ nông sản khác nhằm tượng trưng cho sinh hoạt kinh tế nông nghiệp của cư dân Tà ôi.
Đối với điệu múa adưn choán paching dung thì phần âm nhạc có phần vừa rộn ràng nhưng vừa trữ tình. Trong múa mừng nhà mới, số lượng diễn viên tham gia múa không nhiều, thường từ 5 - 8 cặp nam nữ trẻ. Nam một tay cầm bàn đỡ, một tay cầm kiếm với ý nghĩa xua đuổi ma tà ra khỏi khu vực nhà mới, nữ thì đeo gùi với ý nghĩa siêng năng trong lao động, đem lương thực về đầy nhà.
Thông thường, chỉ có làm nhà cộng đồng và sau khi hoàn thành nhà thì mới tổ chức ăn mừng đi kèm với sinh hoạt diễn xướng dân vũ. Còn đối với các loại nhà khác thì người Tà ôi chỉ tổ chức lễ nhỏ mang tính chất gia đình nên không tổ chức múa hát.
Múa trong lễ tạ ơn trời đất là sự hội tụ tất cả các điệu múa vốn có trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Tà ôi. Thông thường trong lễ đâm trâu đó chính là sự tạ ơn nữ thần Lúa, trong lễ cầu mùa là sự cầu mong mưa thuận gió hòa, múa mừng nhà mới là lễ tạ ơn Yang Dung (thần Nhà)….Người Tà ôi luôn có những quan niệm về Yang (thần) trong đời sống tâm linh của mình, bởi vì theo họ các vị thần đó đã luôn luôn che chở cho họ qua cơn bĩ cực và chính vì thế người Tà ôi luôn có những vật ký thác cho các vị thần, nơi đâu có cư dân sinh sống thì ở đó có thờ thần.
Lễ tạ ơn trời đất của người Tà ôi chính là sự tạ ơn các vị thần sau: Arơbang (thần Trời), Tro (thần Lúa), Acheeq (thần Chim), Panuôn (thần Buôn bán), Mbang (ông Bụt), Cu the (thần Đất), Koh (thần Núi), Dad (thần Sông suối), Kotnhon (thần Hộ mệnh), Păngtơrô (thần Sao), Tudê (thần Nước), Kutaawng (thần ban sự ấm no), Yơơ (thần Không trung). Đội hình múa trong lễ này tùy theo từng vị thần mà họ có những động tác và đạo cụ phù hợp. Ví như: múa tạ ơn thần Sông suối, thần Đất, thần Núi, thần Trời, ông Bụt thì đa phần là những người già hoặc người đứng tuổi tham gia vì những người này có cách dùng những lời lẽ hay để thuyết phục hoặc tạ ơn thần. Đến lượt múa tạ ơn các vị thần như: thần ban sự ấm no, thần Lúa thì đa phần các vũ công là phụ nữ trẻ, tràn trề sức sống vì trong tâm thức của người Tà ôi, thần Lúa là một nữ thần có bộ ngực căng tròn, no sữa. Còn múa tạ ơn thần Buôn bán, thần Hộ mệnh, thần Nước, thần Không trung thì đội múa là những chàng trai và ông lão, vì tùy theo đặc trưng tín ngưỡng của người Tà ôi thì sau mỗi mùa thu hoạch thì đàn ông tranh thủ thời gian nông nhàn để đi trao đổi hàng hóa, săn bắn thú rừng và đánh bắt cá.
Sinh hoạt tín ngưỡng là một nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc nhất của người Tà ôi, là nơi hội tụ nghĩa gia tộc và gắn chặt với trách nhiệm cộng đồng trong văn hóa ứng xử. So với các loại hình múa khác của người Tà ôi thì múa trong tín ngưỡng lại được nhiều đề tài khác trong nghệ thuật tạo hình thể hiện, đó là trong điêu khắc, kiến trúc và trang trí hoa văn trên nền vải.
Tuy có rất nhiều điệu múa trong sinh hoạt tín ngưỡng song chỉ có điệu za zả được nhắc đến nhiều nhất, vì đây là điệu múa truyền thống. Ở trong điêu khắc gỗ, các nghệ nhân Quỳnh Vâng, Quỳnh Nam ở xã Nhâm (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã thể hiện các thiếu nữ Tà ôi uyển chuyển và mềm mại qua điệu za zả được cách điệu qua các tượng gỗ trưng bày ở nhà Rông của làng A Hươr, hoặc trên lan can các ngôi nhà sàn cộng đồng trong toàn xã Nhâm. Còn ở trên vải dzèng, các nghệ nhân Tà ôi đã thể hiện hệ hoa văn về con người với tên gọi là Răm/ Ngai răm/ Ngai za zả. Loại hoa văn này tồn tại hai nội dung:
- Người đàn ông múa: được biểu thị bằng hình ảnh của một người đàn ông khom lưng múa, hai bàn tay ép lại và các ngón tay xòe ra.
- Người đàn bà múa: mặc váy Naidôi đang múa, các ngón tay xòe rộng và đưa lên ngang bằng hai vai, đôi bàn chân cũng choải ra bằng vai và cũng lắc lư theo điệu nhún nhảy xòe rộng của đôi tay. Người đàn bà múa đó là biểu thị điệu múa za zả cổ truyền mà bất cứ người phụ nữ Tà ôi nào cũng có thể múa được.
Hiện nay, ở vùng người Tà ôi, sinh hoạt tín ngưỡng trong lễ hội ngày càng phát triển và các điệu múa để phục vụ cho các lễ hội này không ngừng được phát huy và phát triển, được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điều này thể hiện một sức sống mới cho dân vũ Tà ôi. Tuy nhiên, rất tiếc cho các điệu múa trong lễ dời mả và múa Curu hiện tại đã lùi vào dĩ vãng. Nên chăng chúng ta sớm phục hồi để khi có dịp trình diễn thì các điệu múa này sẽ bổ sung thêm phần phong phú cho kho tàng dân vũ Tà ôi.

T.N.K.P

Các tin khác