1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Nghệ thuật kỳ ảo trong văn học thiếu nhi

NGHỆ THUẬT KÌ ẢO TRONG VĂN HỌC THIẾU NHI
SAU 1975 - NHÌN TỪ MÔ TÍP HOÁ THÂN

 

Hồ Hữu Nhật
GV Trường THPT Bình Điền


Mô típ hóa thân là “đặc sản” của nghệ thuật kì ảo. Yếu tố mầu nhiệm đã can thiệp lớn vào chỉnh thể nghệ thuật làm nên sự thay hình đổi dạng đầy biến ảo của nhân vật, cung cấp cho họ một hình thể, dáng điệu khác lạ. Chúng tôi đã dựa vào độ dài thời gian hóa thân của nhân vật để khám phá mô típ biến hóa này theo hai dạng: mô típ hóa thân tạm thời và mô típ hóa thân vĩnh viễn.


1. Mô típ hóa thân tạm thời 

Mô típ nhân vật hoá thân tạm thời là mô típ vốn được tác giả dân gian để tâm xây dựng. Chúng ta đã biết đến nhân vật Tấm trong Tấm Cám với bốn lần hóa kiếp thành chim vàng anh, cây xoan, khung cửi, quả thị rồi cuối cùng mới trở về chính mình - cô Tấm. Có thể nói rằng mô típ này đã được các tác giả viết cho thiếu nhi “học tập” một cách sáng tạo. Rất nhiều tác phẩm truyện thiếu nhi 1975 đến 2005 xây dựng nhân vật theo mô típ này.

Nguyên và Răply trong Chuyện xứ Lang Biang của Nguyễn Nhật Ánh là hai đứa trẻ rất bình thường của làng Ke, vì sự hiếu kì nên bị lừa vào xứ sở của phù thuỷ. Thời gian hóa thân tạm thời của hai nhân vật này là sáu năm. Trong khoảng thời gian phiêu lưu ở một thế giới khác, với những thân phận khác, hai nhân vật sống vừa như là chính mình, vừa như là không. Bởi lẽ, Nguyên và Răply đã sống ở thế giới đầy phép thuật, phải hoà nhập vào thế giới đó. Vì thế, nhân vật đã “hoà nhập” vào thế giới phù thuỷ với những câu thần chú, với những lần đối đầu với Phe Hắc Ám, với những cuộc chiến đầy pháp thuật từ xứ sở Lang Biang. Nguyên và Răply đã làm một cuộc phiêu lưu đến xứ sở phù thuỷ. Ở đó có cả tình thương, có cả hận thù, có cái thiện, cái ác... Nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh thật sự đã sống vừa như ảo, vừa như thực. Ảo bởi nhà văn đã khoác lên cho nhân vật những chiếc áo tàng hình, những phép biến hoá, những câu thần chú... Thực là bởi nhân vật luôn ý thức được rằng mình đang ở thế giới phù thuỷ và mong muốn được trở về với làng Ke. Và ước vọng cuối cùng của Nguyên và Răply là trở về với làng Ke đã được toại nguyện. Nguyên và Răply không còn là K’Brăc và K’Brêt nhà K’Rahlan nữa mà là hai thằng nhóc làng Ke, không còn phép thuật, không còn thần chú. Đến thời điểm này, nhân vật chính thức được cởi “lốt” để quay về với vóc dạng, bản chất nguyên sơ của mình.

Quá trình tìm hiểu cho thấy, trong Chuyện xứ Lang Biang, Nguyễn Nhật Ánh xây dựng nhân vật theo mô típ hoá thân tạm thời rất dày đặc. “Những ai vì lí do nào đó tạm thời bỏ sự sống, nhưng chưa thực sự chết vĩnh viễn, đều hoá thành chim đầu người. Linh hồn tạm trú ngụ ở thế gian dưới hình thức này cho đến chừng nào có quyết định sẽ sống lại hay chết hẳn” [3, tr.397]. Thế nhưng, những con chim đầu người đó cuối cùng cũng trở về chính mình trong niềm vui sướng của bọn trẻ. “Bà Ka Lên không theo Kăply trở về lâu đài K’Rahlan dù bà đã thoát khỏi tay thần chết và trở lại hình dáng bình thường trước sự reo mừng của bọn trẻ. Những con chim đầu người khác cũng vậy. Sống quá lâu trong lốt chim họ không thể hoạt động giống như người bình thường ngay được...” [3, tr.548].

Người chồng trong Sự tích cây Dâu của Phạm Hổ cũng là một nhân vật được xây dựng theo mô típ hoá thân này. Con người nghèo khổ sau khi bị lão nhà giàu sát hại đã được Bụt cứu giúp, anh phải trải qua ba lần đổi dạng sống trong nước, trên trời, trên đất, rồi mới trở thành người được. “Thế là anh đã hoá thành cá. Sau khi anh cứu một con cá nhỏ khỏi bị một con cá lớn đuổi bắt, anh đã hoá thành chim. Từ chim anh đã hoá như thế này (con vật kì lạ), sau khi đã đánh đuổi một con quạ ác, cứu một tổ sáo non mới nở. Chưa biết lúc nào anh mới được thành người” [6, tr.303-304].

Thường thì hóa thân tạm thời là cách mà cuộc sống đã dâng tặng cho những con người nghèo khổ. Hóa thân để thoát khỏi những nhọc nhằn của kiếp người và sự bủa vây của những thế lực đen tối. Hóa thân để dễ dàng thực hiện ước mơ và khát vọng của mình. Hóa thân cũng là để trải nghiệm ở một kiếp sống và số phận khác. Ngược lại những con người độc ác sau khi chết đi sẽ bị hoá thân thành những con vật ác độc như trường hợp vợ chồng lão nhà giàu ham của trong chuyện của Phạm Hổ: “Hai vợ chồng lão vừa ăn xong thì nghe khắp cả người ngứa ran lên và cứ co quắp, nhỏ dần lại, cuối cùng hoá thành hai con sâu róm lông lá đầy mình” [6, tr.304]. Đó là một bản án đích đáng cho những người ham của mà quên đi tình người.

Rõ ràng nhờ phép thuật của các đấng siêu nhiên, có lúc nhân vật hoá thân tạm thời thành một sinh thể khác. Chỉ là tạm thời bởi sau đó nhân vật sẽ quay trở lại là chính mình. Mô típ hoá thân tạm thời này chỉ xây dựng nhằm mục đích giúp nhân vật lẩn tránh một kiếp nạn hoặc chịu đựng một thử thách nào đó.

2. Mô típ hoá thân vĩnh viễn

Mô típ hoá thân vĩnh viễn cũng là một dạng thức mà nhiều tác giả viết cho thiếu nhi 1975 - 2005 thích sử dụng. Kết thúc cuộc đời mỗi nhân vật, nhà văn đã hoá kiếp cho họ, giúp họ tái sinh ở một hình thể khác. Đó là ý đồ muốn bảo lưu, muốn bất tử hoá vẻ đẹp tâm hồn con người, để họ được nhập vào hồn thiêng đất nước.

Với Phạm Hổ, mô típ này được tác giả dùng khá đậm đặc. Sự tích cây Sung là câu chuyện kể về người mẹ nghèo nuôi con: “Sau khi chết, bà không muốn xa con nên hoá thành cây Sung ở bên sông, vừa để ngả bóng mát xuống túp lều, vừa để nhắc các con đừng quên những ngày nghèo khổ túng thiếu thuở xưa và chăm lo làm ăn, lo đùm bọc lấy nhau” [6, tr.321]. Đó chính là sự hoá thân tuyệt vời của người mẹ nhằm nhắc nhở các con về những lẽ sống ở đời. Vợ chồng anh nông dân nghèo trong Sự tích cây Dâu sau khi chết đi người chồng hoá ra con vật nhả ra vàng (con tằm), còn người vợ hoá ra một cây có dáng dấp một cô gái thon thả dịu dàng đang chìa cành lá đưa mời chồng ăn để sau đó chồng lại nhả ra vàng (cây Dâu). Sự hoá thân này là tấm lòng của người dân đối với nàng dâu xinh đẹp, hiếu thảo của hai ông bà cụ nghèo khổ ngày xưa. Kết thúc Sự tích hoa Nhài, Nhài chết biến thành khóm cây xanh và bông hoa trắng muốt, hương thơm nồng nàn. Sinh buồn rầu chết theo biến thành chim Thủ thỉ thù thì. Đó là những cái kết quen thuộc trong truyện Phạm Hổ.

Nhìn lại chuỗi cổ tích hiện đại trong Chuyện hoa, chuyện quả chúng ta nhận ra hành trình nghệ thuật đậm tính nhân văn của Phạm Hổ. Có thể sơ đồ hóa hành trình đó như sau:

                                               

Quá trình hóa thân

Con người ---------------------------> Thiên nhiên

Hành trình nghệ thuật

           

Đón đợi con người ở kiếp sống khác không gì khác ngoài cây cỏ, hoa lá, chim muông. Đó là con đường nghệ thuật quen thuộc và đầy ý nghĩa của nhà văn này. Con người mất đi nhưng tấm lòng họ thì còn lại. Một phần máu thịt, một phần cơ thể và hương hoa tâm hồn họ đã nhập vào tự nhiên, “ngụ” ở trái loòng boong, quả dừa, đóa hoa thiên lí, cây long nhãn, bông vạn thọ, cây chanh quả vàng… Rất tự nhiên, trẻ thơ sẽ nhìn thấy bóng dáng con người trong mỗi sự vật quen thuộc, bình dị mà đẹp đẽ xung quanh mình để hình thành sợi dây tình cảm bền chặt với thiên nhiên, cây cỏ. Bài học giáo dục của truyện vì thế mà có khả năng đi sâu vào mỗi tâm hồn.

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Thứ nhất là có những khi nhân vật hóa thân vĩnh viễn nhưng với mục đích báo oán, gây trở ngại cho người khác. Nơi bắt đầu tuổi thơ của Hà Nguyên Huyến gợi nhớ về bến nước cầu Vang - bến nước đầu cầu sông Tích. Nơi này có con Nam nam, linh hồn của những người chết đuối chưa được đưa lên bờ, nay luôn tìm cách dìm người khác để thế mạng cho mình. Thứ hai là có trường hợp cùng một nhân vật nhưng lại hóa thân ở cả hai dạng, vừa hóa thân tạm thời vừa hóa thân vĩnh viễn. Cô bé và ông Táo của Phạm Hổ là một ví dụ. Lần đầu tiên, cô gái bị con quái giết chết và đã được chôn cất, lập đền thờ này đã cầu xin thần Đất biến mình thành con chim lông vàng rực rỡ để bay về nhà cầu xin ông Táo núi được sống lại. Sự phù trợ của thần linh đã giúp cô thực hiện nguyện ước. Lần thứ hai và cũng là lúc nhân vật hóa thân vĩnh viễn chính là lúc cô gái chết đi và hóa thành cây Mai vàng. Hai lần hóa thân với hai dạng thức khác nhau nhưng đó đều là phần thưởng của người đời đối với tấm lòng thơm thảo của nhân vật nữ này.

“Mọi cái kì ảo đều là sự cắt đứt với trật tự đã được thừa nhận, là sự đột nhập của cái không thể chấp nhận vào trong lòng tính hợp pháp không thể phân hủy của cái thường nhật [10, tr.36]. Ở một góc độ nào đó thì những mô típ hóa thân như trên chính là sự xâm nhập của cái bí ẩn vào khuôn khổ cuộc đời thực. Vì vậy nên khi tiếp nhận những tác phẩm có hiện tượng này, tuổi thơ thường “lưỡng lự” giữa hai tâm lí: tin hay không tin. Nhưng đọng lại cuối cùng vẫn là niềm tin bất diệt vào tình yêu, sự thánh thiện của lòng người.

Nhân vật với các dạng thức: ảo - thực, siêu thực cùng mô típ hóa thân như đã phân tích ở trên đã xác nhận sự tồn tại của yếu tố kì ảo trong truyện thiếu nhi sau 1975. Trong tác phẩm, tất cả mọi lí giải của nhà văn về hiện thực đều được thể hiện qua hệ thống nhân vật. Nhưng nhân vật không thể cắt đứt mình ra khỏi cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Để có được hệ thống nhân vật với tính chất, diện mạo như thế cần có sự hỗ trợ của rất nhiều yếu tố, trong đó có nghệ thuật xây dựng ngôn từ. Nhiều tác phẩm đã phủ lên nhân vật không khí huyền hoặc bằng chất giọng lung linh, mơ hồ: “Người già trong làng kể lại rằng: Đã lâu lắm rồi, ngày ấy làng Đồi có một người con gái cực kỳ xinh đẹp, tính tình thùy mị nết na. Năm 17 tuổi, sắc đẹp của nàng nổi tiếng một vùng. Trai làng và trai trong vùng nhiều người ngấp nghé nhưng nàng vẫn chưa thuận ý ai. Lúc bấy giờ trong làng có một nhà rất giàu… ép buộc nàng phải lấy con trai mình… Nàng buồn lắm! Đêm đêm nàng thường ra sông, đến bên cây cầu ngồi trên bờ mà hát… Mỗi khi nàng cất giọng có một đàn cá chép xuất hiện, những con cá chép rực rỡ vẫy đuôi, bám theo nhau quây tròn dưới mặt nước. Trong làn nước trong xanh nhìn đàn cá cứ như những vũ nữ lộng lẫy xiêm y đang trình diễn những điệu xòe cực kì đẹp mắt...” [8, tr.138-139].

Liên quan đến mô típ hóa thân là kết thúc có hậu của truyện thiếu nhi sau 1975. Quá trình hóa thân của nhân vật trong truyện Ăn lá mà nhả ra vàng mà chúng tôi đã đề cập ở trên khá phức tạp. Chúng tôi tạm tóm lược quá trình này như sau:

Người chồng chết hóa thành cá. Sau khi cứu được một con cá nhỏ thì con cá biến thành chim. Khi đánh đuổi được một con quạ ác thì con chim biến thành con vật kì lạ, “mình uốn khúc, đầu giống như đầu rồng và lớn chỉ bằng cái đầu đũa” [23, tr. 303]. Con vật kì lạ này khi ăn thứ lá hình trái tim thì cả người bỗng rực hồng lên và bắt đầu nhả những sợi vàng, nhỏ như tơ nhện. Trừng trị xong lão nhà giàu thì Bụt đã hóa phép cho người chồng trở về hình hài chàng trai cao lớn ngày xưa. Sau này, khi hai vợ chồng mất thì chồng lại hóa thành con vật nhả vàng (con tằm) và vợ biến thành cây Dâu.

Dù phải trải qua nhiều lần hóa thân như vậy nhưng cuối tác phẩm vẫn là khúc ca khải hoàn cho nhân vật. Đó là kết thúc có hậu, tạo nên những “kỷ vật thiên nhiên” tốt đẹp và thiêng liêng. Yếu tố thần linh đã có mặt để tạo nên những cái kết này nhưng chỉ mang tính chất chỉ dẫn. Cái cốt yếu vẫn là sự nỗ lực của mỗi nhân vật trong quá trình bảo vệ cái Thiện trước sự đe dọa, áp bức của cái Ác. Đó là cái mới của truyện thiếu nhi giai đoạn này so với truyện cổ tích dân gian.

H.H.N
 

Các tin khác