1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Người ca khúc mê hồn

ĐINH HÙNG - NGƯỜI CA KHÚC MÊ HỒN

 

Th.s Hồ Văn Quốc
ĐHDL Phú Xuân


Sau khúc dạo đầu của Tản Đà, phong trào Thơ mới đã “trình chánh giữa làng thơ” một bản đại hoà tấu mang phong cách hiện đại. Trong đó, mỗi thi sĩ “đều có một âm chủ riêng, độc đáo của mình”... Và trước lúc bản hoà tấu kết thúc, Đinh Hùng bỗng ngân lên khúc Mê hồn ca làm say đắm lòng người.

Với hồn thơ phá cách, phóng túng hình hài, Đinh Hùng đã kiến tạo nên một thế giới thi ca dị biệt xây lên từ chất liệu của những cơn mê, những nỗi ám ảnh về hai cái chết của chị Tuyết Hồng và Liên. Trong kí ức nhà thơ, chị Tuyết Hồng là hiện thân của vẻ đẹp tài hoa, song vì giận chuyện tình duyên mà “hoá ngang tàn tính mệnh” để rồi bóng hình ấy mãi chập chờn trong tiềm thức thi nhân. Suốt đời, “Đinh Hùng đã phải một mình đi tìm hình bóng của một người bên kia cõi sống” [3, tr.155]. Nhưng đó chưa phải là nỗi đau lớn nhất khiến ông tuyệt vọng, điên cuồng. Khơi mạch nguồn trực tiếp cho thơ Đinh Hùng chính là cái chết của “người đẹp ngày xưa tên giống hoa”, một loài hoa mùa hạ - Liên. Nàng là mối tình đầu diễm lệ, đắm say, khổ đau, mê loạn. Nàng chợt đến rồi vội ra đi như hư ảnh. Vào một ngày mùa hạ đang tươi, đoá hoa kia bỗng lụi tàn. Tử thần đã mang Liên đi vào cõi vĩnh hằng. Từ đó với thi sĩ là cuộc hành trình cô đơn, lạc loài, mê loạn, nhà thơ tìm về bộ lạc rồi vào chốn âm ty mong gặp lại người con gái ngày xưa. Vì thế, độc giả đến với Mê hồn ca không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang dại, say đắm, lạnh lùng, huyền bí, màu nhiệm, ma quái. Chúng hiện lên từ những giấc “chiêm bao thần bí”, “mê hồn” và “một hư cấu biệt lập sáng tạo bằng ngôn ngữ chuyển động bằng nhiệt lượng linh thị của nhà thơ” [4, tr.72].

Đinh Hùng trên hành tìm kiếm chính mình đã vượt qua cách biểu hiện cái tôi cá nhân tự ý thức của chủ nghĩa lãng mạn để làm một cuộc phân thân quyết liệt, len nhập vào tận cùng “khu vực bí ẩn” của thế giới tâm linh, “những cái vô hình” và “những thế lực định mệnh”. Vì thế, cái tôi trữ tình trong Mê hồn ca không còn đông cứng, nguyên phiến, khuôn mẫu mà linh động, phân rã, biến hoá như một viên kim cương đa diện lung linh muôn sắc màu.

1. Cái tôi trữ tình chìm trong cõi hồn mê

Đinh Hùng vào đời với một hành trang chất đầy bi phẫn và những mặc cảm dày vò tê tái. Từ trong cuộc đời riêng, chàng lãng tử tài hoa ấy phải đón nhận những mất mát đau thương in hằn lên thân thể và tâm hồn những vết lằn khổ nhục. Theo thời gian, dấu tích đó lặn vào trong, dồn nén, kết tụ thành một khối đau buồn dằng dặc. Đối mặt với cuộc đời, nhà thơ thấy cõi thế đang đổ vỡ, đổi thay, kể cả cái cộng đồng xưa mà cá nhân từng gắn bó, sinh tồn. Đời sống, con người đô thị không còn phù hợp, dung dưỡng cho những tâm hồn “giản dị”, thiện căn. Đinh Hùng trở thành Kẻ xa lạ giữa “lũ người vong bản”:

Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản,

Mất tinh thần từ những thuở xa xôi !

Ta về đây lạ hết các người rồi,

Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống.

                                    Bài ca man rợ

Đây là lần duy nhất thi sĩ trở lại xã hội văn minh sau khi đã từ bỏ thực tại để tìm về với cuộc sống nguyên thuỷ. “Người tiền sử” cảm thấy “xót xa”, “căm giận”, điên cuồng trước sự thay đổi của “cõi đời” đến cả “bọn đàn bà” cũng “lạc thiên nhiên” nên đã ra tay giết chết người đô thị lẫn “người thiếu nữ ngày xưa” giờ đã tha hoá, “rồi giày xéo lên sông núi đô kỳ”, “ra tay tàn phá” “thành quách”, “lâu đài”, “đình tạ” - biểu tượng của xã hội hiện đại – không một chút đắn đo, luyến tiếc, rồi “thản nhiên, đi trở lại núi rừng” để lại sau lưng “một mặt trời đẫm máu”. Chàng đi, đi mãi, vượt qua bao núi cao vực thẳm mong kiếm tìm sự vĩnh cửu ở một chiều kích khác: “cái thiên nhiên” của thời tiền sử, thuở hồng hoang. Sống giao hoà với cỏ cây muôn thú, nói với nhau bằng thanh âm của vạn vật, muôn loài:

Quên đi em, hãy sống đời cây cỏ,

Từng linh hồn dan díu với hương hoa.

                                     Trời ảo diệu

Đó chính là khát vọng của thi nhân. Nên khi phải đối diện với thực tại đầy rẫy mâu thuẫn, cạm bẫy, đố kỵ, chết chóc, Đinh Hùng thường hoảng loạn và “thay vì tìm cách khắc phục thực tại chống đối, nhà thơ tạo ra một thực tại hư ảo để lẫn trốn sự chống đối” [4, tr.64]. Trên bước đường đi về “Những hướng sao rơi”, Đinh Hùng đã gặp được Người gái thiên nhiên. Nàng không mang vẻ đẹp đài các “xác thịt như hoa”, “dung nhan kiều diễm” của con người đô thị mà ở nàng toát lên vẻ đẹp nguyên trinh, thuần khiết. Người thơ gọi nàng với thái độ sùng kính: “Gái - Muôn - Đời”:

Nàng là Gái - Muôn - Đời không đổi khác:

Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đang xuân,

 

Ta đến đây làm chủ hội phong trần,

Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ.

                                Người gái thiên nhiên

Cuộc hội ngộ của “người tiền sử” và sơn nữ là một khúc hoan ca. Sau những tháng ngày lạc mất hình hài, nay họ tìm được nhau giữa “mùa xuân hoa cỏ” dệt nên “mối kỳ tình” ở một thế giới vĩnh hằng. Đây là một kết thúc đẹp, đầy nhân ái. Bộ tộc đã dang rộng vòng tay đón người con lạc loài trở lại. Dẫu vẫn biết cuộc trở về này chỉ diễn ra trong tâm tưởng của một hồn mê do sự thúc bách của vô thức, tâm linh. Nhưng qua đó, người đọc thấy được sự phân thân của nhà thơ để trở thành người khác theo cái nghĩa mà Rimbaud từng tuyên bố: “Tôi là một người khác”.

Đinh Hùng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nguyên lý mỹ học tượng trưng, đặc biệt phát huy chủ thuyết “thi sĩ thấu thị” của A. Rimbaud: “Nhà thơ phải là người có thiên nhãn nhìn thấy được chiều sâu bí ẩn của bản thân mình”. Ông đã làm nổ tung bức thành trì luân lý từng “ghìm giữ bản năng Kham khổ - Nhục hình” để thâm nhập vào cái tôi vô thức và dùng tâm linh nối kết những đường dây giao cảm, khoả lấp những sai biệt giữa hai bờ hư thực. Với những cơn mê dài, thi sĩ cảm thấu mọi vật, đi xa tới thiên đường, vào tận cùng địa ngục để trả lại con người cái trinh bạch nguyên sơ, “cái bản năng mà thế tình che đậy” bằng cách “tìm Đạo lý ở con đường xuống: Thả lỏng thiên năng đam mê và khoái lạc” [2, tr.1235].

Trong tập thơ Mê hồn ca, Đinh Hùng đã táo bạo thể nghiệm sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, mở thêm một hướng đi cho thi ca Việt Nam. Theo ông “Thơ cũng phải âm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng” [2, tr.1235]. Nhà thơ tự phân đôi viễn du vào mọi ngõ ngách của tâm hồn và tự nguyện trở thành “kẻ tội nhân vĩ đại, kẻ bị nguyền rủa vĩ đại” để được sống với tất cả hình thức tình yêu, đau khổ, điên cuồng, ảo vọng, mê loạn và nói lên những điều mà với con người luân lý chỉ nghĩ thôi cũng đã là tội lỗi. Vì thế cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng hiện lên đa diện, phân cực: có sự hoà trộn giữa những cái cao khiết với trần tục, giữa khát vọng thiêng liêng với khoái cảm xác thịt, có địa đàng lẫn cổ mộ, có Kỳ nữ lẫn ma quái.

Lạc vào thế giới nghệ thuật Mê hồn ca, người đọc bị cuốn vào mê cảm, đắm đuối trong lạc thú yêu đương với những cuộc truy hoan bạo liệt, tàn khốc. Nó là sự thăng hoa của những ẩn ức dục tình vốn bị dồn nén, kết tụ trong vô thức và đến đỉnh điểm xung năng thì bùng nổ ở một chàng trai sớm dấn thân vào con đường đam mê, nổi loạn, dám rũ bỏ thực tại, để hướng đến sự tự do tuyệt đối ngay từ thời cắp sách đến trường:

Ta ném bút, dẫm sầu lên một buổi

Xa vở bài, mở rộng sách ham mê.

Đã nhiều phen trèo cổng bỏ trường về,

Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn

                                    Khi mới nhớn

Từ dạo đó, Đinh Hùng bán cuộc đời cho định mệnh. Trong bóng tối dày đặc của tương lai, trong niềm khao khát của tuổi trẻ, trong hoàn cảnh ê chề của địa ngục trần gian, thi sĩ nhắm mắt lại rồi mở cửa tâm hồn thoát du vào mộng ảo. Mỗi lần bên ánh dạ đăng là mỗi lần nhà thơ trốn khỏi xác phàm chứa bao hệ luỵ, cho tâm linh mê mải theo dòng hoang tưởng đưa ông tới miền hoan lạc, cõi vĩnh hằng của tinh thần và tình yêu bất tử:

Theo lối mộng đi về ân ái cũ,

Em nghe ta, cùng mê hoặc thân hình.

Trời ảo diệu

Tình yêu trong Mê hồn ca là một tình yêu dị biệt, vượt ra ngoài cuộc sống đời thường. Nhà thơ kiến tạo một khu vườn địa đàng nhưng không có trái cấm làm nơi gặp gỡ cho “đôi người cô độc thuở sơ khai” dệt nên mối kỳ tình. Với tình yêu này, hai con người tiền sử - Adam và Eva – không còn bị trói buộc bởi lời nguyền, hay đối diện với luân lý. Họ được sống và yêu bằng cả trái tim lẫn thể xác:

Ôi cám dỗ ! Cả mình em băng tuyết,

Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân,

Ta gần em, mê từ ngón bàn chân,

Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.

                 Kỳ nữ

Trong thực tại, dù tình yêu say đắm, mãnh liệt đến đâu cũng bị giới hạn trong mực thước nhưng tình yêu hư cấu sẽ giải phóng con người thoát khỏi bản thể, làm chủ toàn diện “cái tôi” bản năng khiến nó có thể yêu đương đến cực điểm của say mê:

 

Tất cả em đều bắt ta khổ não,

Và oán hờn căm giận tới đau thương

Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng,

Và khát vọng đến vô tình, vô giác

                    Kỳ nữ

Đứng trước Kỳ nữ - thần tượng của nhà thơ - tâm hồn Đinh Hùng bị cám dỗ, mê đắm. Thi nhân đặt nàng lên “ngai thờ Nữ Sắc” với tấm lòng sùng kính như con chiên ngoan đạo đứng trước Đức Chúa Giêsu. Nhưng “trong một phút không ngờ”, người thơ trở thành kẻ “vô lương” với hành vi của một tên hôn quân bạo chúa mang dục vọng cuồng loạn:

Ta quên hết ! Ta sẽ làm Bạo Chúa,

Sống nghìn năm, ngự trị một lòng em.

Cuộc ân tình ghê rợn suốt muôn đêm

Nào ai tiếc thương gì thân mỹ nữ !

Tay mỏi ôm sẽ dày vò nhung lụa,

Phấn hương nhàu, tan nát áo xiêm bay

Ta bắt em cười, nói, bắt em say,

Ta đòi lấy mảnh linh hồn bỡ ngỡ.

          Ác mộng

Vậy tại sao có mâu thuẫn đó? Theo Đỗ Lai Thuý: “Người ta thấy bất kỳ một tình cảm mãnh liệt nào cũng đều xuất phát từ một gốc rễ với một tình cảm đối lập. Một tình yêu cuồng nhiệt bao giờ cũng đi kèm với oán hờn căm giận” [3, tr172]. Một tình cảm thiêng liêng thường ẩn chứa những ham muốn tội lỗi. Một tình yêu không thành trong hiện thực nhà thơ đem vào giấc mơ nghệ thuật hòng làm thoả mãn khát vọng yêu đương:

Ta xót đau trong mỗi giờ tình tự

Ta khóc nhiều trong những lúc trao hôn

                                          Ác mộng

Lòng tín ngưỡng cả mùi hương phản trắc

                                  Hương trinh bạch

Cây từ bi hiện đoá Ác hoa đầu

                                  Tìm bóng tử thần

Ở đây, tác giả Mê hồn ca đã gặp gỡ người cha đẻ của Những bông hoa Ác trong quan niệm nhị nguyên về cái thiện và cái ác, cao cả và thấp hèn. Đinh Hùng đã khám phá “vẻ đẹp hai mặt” ở con người và dù ở mặt nào thiên thần hay ác quỷ, thánh nhân hay bạo chúa, thi sĩ cũng đẩy đến tuyệt đỉnh trong sự hướng đạo của bản năng, tiềm thức và những giấc mơ. Vì thế, cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng luôn chuyển động, luồn sâu vào từng khía cạnh u uất nhất của tiềm thức. Nó có đấy mà xa xôi cao trọng. Trong bóng tối, người thơ rượt đuổi, vui đùa cùng ma quái hiện về từ đáy mộ và xem đó chính là hiện thực cuộc đời mình:

Ta mê muội giữa một bầy ma quái,

Biết vui cười, nói những giọng êm đềm.

Hương trinh bạch

 Thế giới nghệ thuật thơ Đinh Hùng không xây cất trên mảnh đất trần gian để hưởng thụ trái ngọt, hoa tươi, “báu vật của đời”. Thi nhân “kiến trúc” Mê hồn ca từ những cơn mê. Ở đó, cái thực, cái ảo hoà trộn vào nhau nhưng cốt làm nổi bật cái ảo, cái mơ hồ do tâm linh dẫn lối. Và khởi phát của trạng thái hồn mê là khát vọng về một tình yêu không thoả trong kiếp nhân sinh. Đinh Hùng đối mặt với mỗi kích thước không gian cuộc sống trong thái độ thách thức, coi thường hệ luỵ đến nỗi chỉ thấy sự sống bất tử của linh hồn còn cuộc đời này là mộng ảo, phù du. “Nhà thơ đã mơ trong mơ. Đó là vẻ đẹp sâu sắc, độc đáo, và kỳ dị của thơ Đinh Hùng” [3, tr.174].

2. Cái tôi trữ tình trong thế giới tượng trưng

Bước vào lãnh địa thơ Đinh Hùng, độc giả như được chắp thêm đôi cánh cùng người thơ phiêu diêu trong giấc mơ dài tới những xứ sở ngoài cõi nhân gian. Nó được kiến tạo bằng một hỗn hợp thực thể và vô thể - vùng hư ảo - nằm ở thế giới thứ ba, thế giới tượng trưng.

Ngay chính nhan đề tập thơ Mê hồn ca và cách đặt tên cho những đứa con có vần như: Bài ca man rợ, Trời ảo diệu, Kỳ nữ, Ác mộng, Màu sương linh giác, Tìm bóng tử thần, Lạc hồn ca...đã nói lên một điều: thi giới Đinh Hùng không phải là một phản ánh thơ mộng về cuộc sống mà là sản phẩm của trí tưởng tượng, hư cấu được cảm niệm bằng trực giác, thiên khải đầy linh nghiệm của “loài thi sĩ”. Do đó, nó vượt ra khỏi hiện thực đời thường, độc lập hoàn toàn với thực tại. Trong Mê hồn ca, Đinh Hùng đã tạo tác nên một không gian ảo diệu của chốn địa đàng và địa ngục, nơi ngự trị “cái thiên nhiên” vĩnh cửu, nơi ý thức dị biệt, đối kháng chưa được thành hình. Con người sống hoà thuận, bình đẳng với cỏ cây muôn thú; hoà đồng, tương ái với yêu ma:

Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ,

Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe...

Thèm ăn một chút hoa man dại,

Rồi ngủ như loài muôn thú kia.

                            Những hướng sao rơi

Theo thi sĩ, con người là hiện thân của phản trắc, mỗi lúc mỗi xa rời cội nguồn, thiên nhiên. Thơ nguyên thuỷ là cuộc hành hương về thời tiền sử, kiếm tìm lại bộ lạc. Đinh Hùng dựng lên một không gian địa đàng như ước vọng của mình. Ở đó, thiên nhiên không còn bị bóp méo, huỷ hoại trở nên giả tạo “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” mà thiên nhiên nguyên thuỷ lưu giữ được vẻ đẹp hoang dã, cổ sơ với những “loài hoang thảo”, “hoa man dại”, “xuân hoa cỏ”, “dòng suối ngọt”, “bóng non xanh”...Người thơ còn mặc áo linh hồn cho vạn vật, khiến chúng trở nên huyền bí, kỳ ảo với những “dị thảo kỳ hoa”, “Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya”, “Chiều hương lạ, mộng rừng về nghi ngút”, “Rừng buổi đó vang tiếng cười man rợ/ Quả tơ duyên đỏ thắm sắc trên cành”...Nhà thơ nhìn thiên nhiên tiền sử qua bức màn huyền thoại, giấc mơ mang tính chủ quan. Vì thế, thiên nhiên trong Thơ nguyên thuỷ “bao giờ cũng là chủ thể, chí ít cũng thấm đẫm cảm xúc, suy tư, ý tưởng của chủ thể, khiến người ta như được chứng kiến thuở con người và vạn vật còn hoà đồng, còn nói chung một ngôn ngữ” [3, tr.178]:

Xưa mặt đất dấu nghìn xuân vũ trụ,

Ta lãng du, chợt gặp cỏ hoa tình.

Mừng phong cảnh bốn mùa về hội ngộ,

Em gọi tên hồn non nước sơ sinh.

                               Hoa sử

Thiên nhiên với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông song chỉ có chúa xuân nhận trọng trách ban phát nguồn sống cho tạo vật. Trở về buổi sơ khai, con người sống đời cây cỏ thì mùa xuân là không gian lý tưởng, lâu đài diễm ảo nuôi dưỡng mạch sống mãnh liệt cho tâm hồn thi nhân:

Thơ ôi ! Lạc bước vào Hoa Sử

Ta dựng lầu xuân chắp mối duyên.

                             Hoa sử

Kiếm tìm sự vĩnh hằng trong chốn địa đàng chỉ diễn ra trong tưởng tượng, mộng ảo. Đinh Hùng lại đào sâu vào tiềm thức hòng tìm sự vĩnh cửu ở hình bóng tử thần bên kia cửa huyệt. Và “Giấc ngủ đẫm mùi hương phấn lạ” vẫy gọi thi nhân vào Chiêu niệm, Mê hồn. Người thơ đã giã từ không gian địa đàng để phiêu linh vào không gian địa ngục. Dưới cửu trùng đài, thi sĩ lạc vào từng bước đắm say, “mê muội giữa một bầy ma quái” với khúc hát vong tình bay chót vót trên núi non mở hội oan hồn và những khát khao cuồng loạn trong đêm đen cái chết sẽ hồi sinh, kết giao cho những tình yêu “dị kỳ”:

            Giữa đêm đời sẽ hồi sinh,

Nhân gian hát khúc vong tình lên non.

            Đôi ta vào hội oan hồn,

Âm dương tái hợp –

Ôi ! Đây là cuộc tân hôn dị kỳ !

                                  Cầu hồn

Không gian địa ngục trong thơ Đinh Hùng không như quan niệm duy tâm của chúng ta là nơi con người chịu cực hình sau khi chết. Bằng sự thấu thị, nhà thơ soi chiếu vào chín tầng địa ngục, làm sáng lên một cõi giới sinh động có trăng, hoa, nhạc, hương, có “Mê Cung”, “Biển Giác”, “Non Thần”, có “Xuân phương thảo cũng như Xuân tùng bách”. Tất cả đều tuyệt diệu như cõi thần tiên làm người thơ lạc bước:

                   Ta đi lạc xứ thần tiên.

Hồn trùng dương hiện bóng huyền U Minh.

                                  Gửi người dưới mộ

Bước đi trên con đường bảng lảng sương mù huyền nhiệm tượng trưng, thi sĩ sáng tạo và ôm lấy một không gian lý tưởng, ôm lấy cái đẹp như một chốn thoát thân, một niềm kiêu hãnh”. Dùng phương thức “mê hồn”, “chiêm bao thần bí”, Đinh Hùng đã xây nên toà kiến trúc thơ trong không gian ảo diệu. Nơi đây, con người và vạn vật tương giao được huyền giải bằng năng lực linh thị, thiên khải của nhà thơ.

Trở về bộ lạc hay thoát du vào cõi mê là hành trình phi thời gian hoá của nhà thơ trên chính thời gian. Với Mê hồn ca, Đinh Hùng đã thám mã thế giới và con người bằng tâm - linh - thời - gian, trực - giác - thời - gian. Nó giúp thi sĩ thoáng chốc đạt tới sự vĩnh cửu dù trong giây lát. Và từ sự vĩnh cửu này, nhà thơ nhanh chóng vươn đến cõi siêu nhiên, trút bỏ được gánh nặng lo âu, khắc khoải về thời gian hữu hạn của đời người.

Sống trong xã hội đô thị hiện đại với nhịp sống hối hả, Đinh Hùng ý thức được bản chất của thời gian khách quan, một chiều. Dường như nó trôi chảy rất mau lẹ, có sức huỷ diệt ghê gớm thời gian sống của con người:

Tàn ác, Thời gian giục vó câu,

Mình ta lạc mộng, đứng trong sầu.

Ngẩn ngơ tinh tú, lòng hoang dại,

Mờ ảo dung quan, tóc đổi màu.

                               Vô thường

Cảm giác lạc lõng, bơ vơ trước dòng đời đang cuộn chảy, Đinh Hùng đã từ bỏ thực tại, ông xem đó là chốn địa ngục trần gian. Đặc biệt “Từ khi thưa lạnh hương em/ Ta đem phòng làm cổ mộ”, nhà thơ càng thấm thía thời gian sinh mệnh đời người sao quá đỗi ngắn ngủi. Người thơ tìm cách thắng vượt nó bằng giải pháp thoát vào mộng ảo, mê hồn. Thi sĩ xáo trộn thời gian, xoá nhoà hiện tại, đẩy nó về quá khứ xa xăm - thời nguyên thuỷ hay xô tới tương lai sâu thẳm - cõi chết. Lúc này, nhà thơ tìm thấy được sự sống vĩnh hằng để băng bó tâm hồn:

Ta nhớ xưa: đêm thu trăng rụng tiếng gà,

Trăng vĩnh viễn khóc thời gian tình tự.

Mây hay gió động nỗi niềm phong vũ,

Bẩy xứ Tình che lấp dáng khinh thanh.

                               Trời ảo diệu

Tìm về chốn địa đàng hay đi vào cổ mộ theo tiếng gọi vô thức, tâm linh, tác giả Mê hồn ca làm hồi sinh một thế giới mới với tình yêu và sự sống trường tồn. Bởi trong thế giới này không tồn tại khái niệm thời gian hay nói đúng hơn thời gian là hỗn độn:

Bốn mùa trăng vào một hội chiêm bao

Trong giấc ngủ đẫm mùi hương phấn lạ.

Xa tục phố, đây bức tranh thần hoạ,

Lẫn sầu vui, ai nhớ tuổi sông hồ.

                                  Tìm bóng tử thần

Sáng tạo nghệ thuật trong trạng thái “nhập đồng”, “siêu thăng”, thi nhân không chỉ tìm đến những cái chết, hồn ma mà còn đến tận cùng sự sống. “Khi mặt trời đẫm máu xuống sau lưng” - biểu tượng cái chết của xã hội văn minh - nhà thơ quay về quá khứ, khởi đầu từ Buổi - Sơ - Khai, Hồng hoang, Tiền sử đến Huyền sử. Tất cả đi vào thơ, ngụp lặn trong tiềm thức thi sĩ:

Ôi ! giữa trời Thơ, những đêm hiền hậu,

Con chim nào kêu vẳng tiếng trần ai ?

Mấy thu xanh dòng thác lệ u hoài ?

Thời xa vắng mở hương lòng trái đất.

                                   Người gái thiên nhiên

Cảm thấu, thống đoạt thời gian bằng linh giác, Đinh Hùng sáng tạo ra những hình ảnh ước lệ, tượng trưng ẩn chứa một quan niệm nghệ thuật về thời gian: “Đêm hiền hậu”, “Thu xanh dòng thác lệ u hoài”, “Thời xa vắng mở hương lòng trái đất”. Nhà thơ đã biến cái thoáng chốc thành cái vĩnh cửu, cái khoảnh khắc thành cái bất diệt khiến thời gian hoà lẫn vào không gian hay nói như Đỗ Lai Thúy - “không gian hoá thời gian”:

Xưa mạch đất dấu nghìn xuân vũ trụ

Ta lãng du, chợt gặp cỏ hoa tình.

Mừng phong cảnh bốn mùa về hội ngộ,

Ta gọi tên hồn non nước sơ sinh.

 Hoa sử

Trở về thời nguyên thuỷ, người thơ lạc bước vào Hoa sư, nơi lưu giữ sự sống sơ khai, bất biến. Nơi thời gian là vĩnh viễn, không có quá khứ, hiện tại, tương lai. Nơi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cùng hội tụ trong “cái thiên nhiên” trường cửu.

Không cảm niệm thời gian bằng đôi mắt sinh học, Đinh Hùng đã nhào nặn, xáo trộn dòng chảy thời gian tuyến tính, xoá nhoà lằn ranh ngăn cách không gian và thời gian, tạo nên thứ thời gian linh giác. Lúc này, con người không còn là tù nhân của thời gian, vượt qua nỗi thống khổ trong thực tại, tìm lại được Thiên đường đã mất.

Đinh Hùng bước vào làng Thơ mới với một hành trang rất nhẹ - một tập Mê hồn ca nhưng đó là những bài ca làm mê đắm hồn người. Thi nhân đã để những nốt nhạc lòng ngân vang muôn giai điệu, kết liên đường dây giao cảm giữa con người và vũ trụ, thực tại và mộng ảo, hữu hạn và vô cùng, hiện tại và quá khứ... Từ đây, thơ được cấu tạo bằng tính chất vô biên, là sự giăng mắc đi về giữa hai thế giới hữu hình - vô hình, hiện thực - phi hiện thực (hiện thực tâm linh). Cái tôi trữ tình trong thế giới ấy không còn nguyên phiến mà biến hoá đa diện, “tôi là một người khác”. Trong Mê hồn ca là cái tôi lạc loài, chán chường, mê loạn, bản năng, vô thức, tâm linh phiêu diêu trong không gian ảo diệu, thời gian linh giác. Nó giúp người thơ tìm thấy bản lai diện mục của mình, tìm ra những hệ quả hiện thực đầy bí ẩn tươi non của cuộc sống và sự thầm kín run rẩy của tâm hồn. Đồng thời, nó để cõi mộng cõi đời đan bện vào nhau, tất cả phải “hư lên vì thật”.

H.V.Q

Các tin khác