1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Nhà truyền bá chữ quốc ngữ đầu thế kỷ thứ XX

NGUYỄN VĂN VĨNH
NHÀ TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU THẾ KỶ XX

 

TS. Bùi Quang Tuyến
Đại học Phú Xuân

Chữ Quốc ngữ nhiều người gọi là chữ La tinh hoá. Thật ra, mẫu chữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu chữ Roman chứ không phải là chữ La tinh. Người có công đầu trong việc La tinh hoá tiếng Việt là giáo sĩ Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon Pháp, mất năm 1660 tại Ispahan Ba Tư), sang Việt Nam truyền đạo trong vòng 6 năm (1624 – 1630). Tháng 12 năm 1624, Alexandre de Rhodes đến Nam Bộ, là một người rất giỏi về khoa ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, ở Nam Bộ 4 tháng ông đã thông hiểu phong tục tập quán nước ta, giảng đạo bằng tiếng Việt. Kế tục công trình của những người đi trước là các giáo sĩ Jesuit (dòng tên) người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspa de Amaral, Antinio Barbosa... Alexandre de Rhodes đã xuất bản “Bài giảng giáo lí tám ngày” đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn tự điển Việt-La-Bồ đầu tiên vào năm 1651 tại Rome. Hệ thống chữ viết tiếng Việt dùng chữ cái La tinh này được chúng ta ngày nay gọi là chữ Quốc ngữ (chữ viết của quốc gia). 

Lúc đầu chỉ có các tín đồ đạo Gia tô dùng chữ Quốc ngữ để dịch kinh, dịch sách, dạy trong các trường nhà chung. Về sau, chữ Quốc ngữ được lan rộng ở Nam Bộ rồi cả nước là nhờ các Nho sĩ tiến bộ, các trí thức tân thời đầu thế kỷ XX. Thấy được lợi ích của chữ Quốc ngữ, họ đã ra sức truyền bá bằng báo chí, bằng dịch thuật, bằng các sáng tác văn học chữ Quốc ngữ... Đó là các học giả như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Duy Tốn... Trong đó, Nguyễn Văn Vĩnh là người có công đầu.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), hiệu Tân Nam Tử, quê ở Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà văn hoá đầu thế kỷ XX. Là nhà văn hoá, bởi Nguyễn Văn Vĩnh có công đầu khai sáng việc dùng chữ Quốc ngữ cho người Việt Nam đầu thế kỷ XX, với câu nói nổi tiếng: “Nước Nam ta mai sau này hay, dở là ở chữ Quốc ngữ”. Và đời ông chỉ dành cho hai việc lớn: tiên phong làm báo chữ Quốc ngữ và dịch thuật, xuất bản tác phẩm văn học từ Pháp ngữ sang Quốc ngữ, từ Quốc ngữ sang Pháp ngữ. Những việc ấy, khi đặt vào thời điểm đầu thế kỷ XX, phải được coi là những công việc thế kỉ mà lịch sử chỉ chọn đặt lên vai một số ít người : Nguyễn Văn Vĩnh chính là một trong số đó.

Xuất thân trong một gia đình đông con, không có điều kiện học tập, lên tám tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đi làm thằng nhỏ kéo quạt để làm mát cho một lớp đào tạo thông ngôn do người Pháp mở. Vừa kéo quạt, vừa nghe lõm bài giảng, Vĩnh ghi nhớ rất nhanh và còn trả lời rõ ràng, rành mạch các câu hỏi của thầy giáo, ông hiệu trưởng thấy vậy, cho thử thi tốt nghiệp. Lớp học có 40 học sinh, Vĩnh đỗ thứ 12, khi ấy mới 11 tuổi, được đặc cách vào học lớp thông ngôn tập sự ngạch toà sứ. Năm 14 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu khoá học và trở thành thông dịch viên xuất sắc. Sau đó, ông lần lượt làm thư ký ở các toà công sứ Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh và toà Đốc lý Hà Nội.  

Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được Pháp cử đi dự hội chợ triển lãm tại Marseilles, ông đã tận mắt thấy nền văn minh của một nước tiên tiến phương Tây. Kết thúc hội chợ, được dịp tham quan thành phố Paris, ở đó ông đến thăm nhà in và báo Revue de Paris, nhà xuất bản Hachette, nhà soạn và in từ điển Larousse, tìm hiểu phong trào báo chí Pháp và nền dân chủ Pháp.

Trở về nước, Nguyễn Văn Vĩnh xin thôi quan chức, chuyển sang làm báo và nghề in với quyết tâm truyền bá chữ Quốc ngữ. Ông ý thức được rằng chữ Quốc ngữ là công cụ văn hoá quan trọng nhất trên đường tiến hoá theo mô hình phương Tây, ngay khi người Việt còn trong thân phận nô lệ.

 Sự nghiệp báo chí của ông bắt đầu từ năm 1907, khi mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc Kì đánh dấu cuộc cách mạng văn hóa chữ Quốc ngữ, với lời kêu gọi: “người An Nam nên viết chữ An Nam”(Đăng Cổ Tùng báo ). Từ đó trở đi, ông đã dùng thứ chữ dễ học nhất làm cỗ xe truyền bá tư tưởng trong phái bình dân. Đáng kể  là việc khuyến khích người Việt Nam dùng chữ Quốc ngữ qua tờ Đông Dương tạp chí (1913) do ông làm chủ bút và các tờ báo khác như: Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn, Học báo, “...Nào báo chữ Quốc ngữ, nào sách học chữ Quốc ngữ, nào thơ chữ quốc ngữ, nào văn chương chữ Quốc ngữ, án kí, hành trình, tiểu thuyết, nghị luận...nên làm bằng chữ Quốc ngữ” (Đông Dương tạp chí số 40, 19/02/1914). Nguyễn Văn Vĩnh còn làm chủ bút các tờ báo tiếng Pháp như: Notre Journal (tờ báo của chúng ta), Notre Revue (tạp chí của chúng ta) và L’Anam Nouveau (An Nam mới), giới thiệu nền văn hoá Việt Nam cho thế giới; cùng làm giám đốc nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng.

Ông còn nhận thấy chữ Quốc ngữ đang ở buổi sơ  khai, chưa thật chuẩn, để phát triển trước hết cần phải xác lập chuẩn chính tả thống nhất cả nước, cần phải sáng tạo, “cần thiết phải tạo ra những từ mới để quốc ngữ ngày một phong phú và chính xác hơn nữa”; “...Hãy tiếp tục sáng tạo ra những từ, cũng như những người học việc chuẩn bị những viên đá đủ các hình thù và đủ các kích thước để cho những người thợ giỏi trong tương lai có thể lựa chọn trong những viên đá đó, những vật liệu tốt phù hợp để xây dựng tương lai của ngôn ngữ An Nam” (Annam nouveau, 9/1932). Nguyễn Văn Vĩnh xem đó như là trách nhiệm của mình, góp một phần nhỏ để tạo thành một ngôn ngữ An Nam mới : “Chúng tôi làm việc để đem lại cho ngôn ngữ quốc gia của chúng ta sự sáng sủa và chính xác mà chúng tôi đã thấy được trong tiếng Pháp”. Và để hoàn thành công việc này, đòi hỏi phải cố gắng liên tục và sáng suốt của nhiều thế hệ khác nữa.

Về đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh, Delmas, chủ tịch Hội những quyền con người và của công dân đánh giá, từ “một thứ tiếng độc âm, một thứ chữ mới được sáng tạo chỉ để trao đổi những ý kiến đơn sơ nhất..., một thứ chữ chưa thành hình, nó bó buộc ông, ông đã thật là một thợ kim hoàn kiên nhẫn, và đã mài dũa thành một ngôn ngữ viết bóng bẩy và trơn tru phản ánh lên được những màu sắc tinh vi nhất của ánh sáng mặt trời” (điếu văn của ông Delmas).  

Về mặt dịch thuật, theo Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Vĩnh “là người giữ giải quán quân ở nước ta” (Nhà văn hiện đại, tr. 52, nxb Thăng Long, Hà Nội) hồi đầu thế kỷ XX. Chỉ trong vòng 10 năm, ông đã làm được một khối lượng dịch thuật đồ sộ bao gồm nhiều thể loại: thơ, truyện cổ tích, truyện danh nhân Hy Lạp và La Mã, kịch, tiểu thuyết, lý luận học, triết học... Điều đáng nói, ông là người đầu tiên dịch ra chữ Quốc ngữ những tác phẩm của các đại văn hào Pháp nhằm giới thiệu nền văn hoá phương Tây cho người Việt Nam thông qua tiếng Việt. Ông quan niệm: “tiếng nói thế nào, chữ viết như thế”, “vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để truyền bá hay đi trong nước ai ai đều học được cả”, “đạo đức Khổng thực là hay, nhưng nên dịch ra tiếng bản quốc để cho cả nước, đàn ông, đàn bà, con trẻ cùng nghe được mới phải”, “chữ viết có in tiện, thì dùng mới tiện, như lối chữ Quốc ngữ, thì mới có 25 chữ, sắp xếp lại tiện mà chóng lắm” (Đăng cổ tùng báo số 813). Chẳng hạn như Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (44 bài); Truyện trẻ con của Perrault; Truyện các danh nhân Hy Lạp và La Mã đối nhau của Plutarque; Các vở kịch Trưởng giả học làm sang, giả đạo đức, Người bệnh tưởng, Người biển lận của Molière; Tục lệ ca của Lesage (02 quyển); Tiểu thuyết Mai nương Lệ cốt của Abbé Prévost (05 quyển); Truyện Gil Blas de Santillane của Lesage (04 quyển); Ba người ngự lâm pháo thủ của A. Dumas (24 quyển); Những kẻ khốn nạn của V. Hugo; Miếng da lừa của H. de Balzac; Quylive du ký của J. Swift; Tê-lê-mặc phiêu lưu ký của Fénelon; Rabelais của E. Vayrac; Đàn cừu của chàng Panurge của E. Vayrac...

Những tác phẩm dịch thuật trên đây phần nhiều đăng trong Đông Dương tạp chí khoảng 1913-1917, sau in thành sách xếp vào loại Âu Tây tư tưởng.

Trong số 44 bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine được giới thiệu trên báo chí hồi ấy, sớm nhất là bài Con ve và con kiến (La Cigale et la Fourmi) vào năm 1907, in trên Đăng Cổ Tùng báo. Lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh dịch bài thơ sang thể lục bát, 7 năm sau lại dịch theo cách gieo vần thơ Pháp đăng trên Đông Dương tạp chí (1914). Bản dịch sau khơi gợi thi hứng, thi pháp cho các nhà thơ mới giai đoạn 1930-1945. Thơ mới 1930-1945 tiếp thu thi hứng, thi pháp thơ phương Tây, đặc biệt thơ Pháp trong đó bản dịch “Con ve và con kiến” của Nguyễn Văn Vĩnh như chất xúc tác ban đầu.

Nguyễn Văn Vĩnh còn là người đầu tiên dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp. Dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài không phải dễ, nhưng bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh đặc sắc ở chỗ ông không chỉ dịch cả câu mà dịch từng tiếng một và chú giải các tích cổ gắn với tiếng đó, mỗi đoạn đều có giảng nghĩa và chú giải rất công phu. Chứng tỏ tác giả là người am hiểu sâu sắc văn chương Việt Nam (bằng chữ Nôm), Trung Hoa (bằng chữ Nho) và văn chương, văn hoá Pháp (bằng tiếng Pháp) mới làm được.

Suốt cuộc đời dịch thuật của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã bỏ nhiều công sức dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp nhiều lần (lần 1 năm 1908-1910, in trong báo Notre Journal; lần 2 năm 1913-1917, in tải trong Đông Dương tạp chí; lần 3, 1933-1936, lần dịch cuối cùng, in tải trong L’ Annam Nouveau) chính là giới thiệu với nước Pháp và thế giới ngôn ngữ tiếng Việt phong phú, đa dạng và tác phẩm văn học Việt Nam đạt đỉnh cao nhân loại. 

Trước đó, khi là chủ bút tờ Đăng Cổ Tùng báo, ông đã cùng Phan Kế Bính dịch Truyện kiều từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ với ý thức truyền bá chữ Quốc ngữ.

Có thể nói, từ 1651, năm cuốn từ điển Việt - La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, đến năm 1945 cuộc cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống giặc dốt, toàn dân học chữ Quốc ngữ: “Là người Việt Nam phải đọc thông, viết thạo chữ Quốc ngữ”; chữ Quốc ngữ mới được đưa vào dạy trong các trường học từ cấp tiểu học cho đến đại học và trở thành ngôn ngữ phổ thông là một hành trình gần 3 thế kỉ. Đây quả thật là một cuộc chuyển hoá vô cùng lớn lao, trong đó Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người có công đầu.

Gần đây với tinh thần dân chủ, khách quan, các nhà văn hoá, sử học, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo... đã đánh giá cao về ông: “Nguyễn Văn Vĩnh là nhà tư tưởng dân chủ Việt Nam đầu tiên mang tính khai sáng” (Phan Huy Lê), “Nguyễn Văn Vĩnh là người yêu nước, thấm nhuần tư tưởng cách mạng dân chủ Pháp” (Đinh Xuân Lâm), “Là chiếc cầu nối văn hoá Đông Tây, là nhà cải cách xã hội, đề xuất những vấn đề cải cách nông thôn, hôn nhân, xã hội” (Hoàng Tiến)  “Nguyễn Văn Vĩnh, con người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của mình đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt” (Nguyễn Đình Đăng).

Cũng nên biết thêm rằng, Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền Pháp, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp thông qua Hội nhân quyền viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh. Ông còn viết nhiều bài báo bằng chữ Quốc ngữ đăng trên Đông Dương tạp chí, tố cáo sự lũng đoạn, lạm quyền của bọn quan lại bấy giờ, về việc Pháp đang giam giữ cụ Phan chờ án tử hình, và đứng ra phổ biến rộng rãi cho quần chúng biết. Những bài báo, những tài liệu ấy, góp phần đắc lực dấy lên phong trào đòi ân xá cụ Phan. 

Công bằng  mà nói, chỉ hai việc lớn Nguyễn Văn Vĩnh đã làm (như nói trên) ở đầu thế kỷ XX, đã có tầm cỡ của một học giả. Chính vì thế mà tháng 6.1999, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định đổi tên đường Hậu Giang dài 400 mét thành đường Nguyễn Văn Vĩnh (ở Pháp, có con đường thật đẹp mang tên Nguyễn Phùng, con trai Nguyễn Văn Vĩnh, người Việt đầu tiên và duy nhất được đặt tên phố ở Montpellier). Đây chính là sự tri ân của thế hệ hôm nay, đối với  bậc học giả, nhà văn hoá Nguyễn Văn Vĩnh.

B.Q.T

Các tin khác