1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Những tấm gương mẫu mực

NHỮNG TẤM GƯƠNG MẪU MỰC

VỀ "TÔN SƯ TRỌNG ÐẠO"
PHẠM HỒNG VIỆT 
 

Huấn thị ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21.10.1964,
Hồ Chủ tịch nói: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh".
Bác nói thầy giáo "là người vẻ vang nhất", "là những anh hùng vô danh" - nhưng đó phải là "người thầy giáo tốt" .
Những "thầy giáo tốt" - những thầy giáo có lương tâm nghề nghiệp trong sáng, tận tụy với trách nhiệm "dạy học", vừa có đức - vừa có tài thường được xã hội tôn vinh, được giữ lại trong ký ức của nhiều thế hệ, trước hết là trong ký ức của các thế hệ học sinh.
Các nhà lãnh đạo, các nhà trí thức lớn, các vị giáo sư của nước ta bao giờ cũng biểu lộ đúng mực sự kính trọng và tình yêu sâu sắc của mình đối với những "người thầy cũ", những "thầy giáo tốt" của mình. Báo Tiền phong số 2639 (10.1978) cho biết:
"Năm 1957, Bác Hồ về thăm quê. Sau gần nửa thế kỷ xa quê hương đi làm cách mạng, Bác vẫn nhớ thầy giáo "khai tâm" của Bác là cụ Vương Thúc Mậu. Vừa về đến nhà, Bác đã hỏi thăm "Gia đình cụ cử giờ đây ra sao? Rồi Bác đi thăm nhà thầy học, thăm bạn thuở nhỏ, thăm quê nội, quê ngoại".
Trong ký ức của giáo sư Hoàng Như Mai, "Thầy Nguyễn Hữu Tảo có nhân cách cao đẹp, có sự mẫu mực của một người thầy, rất khiêm tốn, cư xử bình đẳng với mọi người, và bao giờ cũng hòa nhã. Thầy dạy người không biết mỏi, rất mực yêu thương học sinh. Cụ Nguyễn Hữu Tảo là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng bộ môn Giáo dục học từ sau Cách mạng tháng 8.1945" (Sách "Hồi ức và suy nghĩ" - Nxb Giáo dục - 1998).
Trong một lần về thăm thầy Nguyễn Hữu Tảo - thầy giáo cũ của mình - đồng chí Trường Chinh, nguyên là Tổng Bí thư của Đảng, rất kính trọng thầy, nhắc lại công lao của thầy đã dạy bảo mình. Xúc động, cụ Tảo nói: "Thưa đồng chí, nếu trước kia tôi có vinh dự giúp đồng chí học đôi ba chữ, thì ngày nay đồng chí đã gấp mấy lần làm thầy học của tôi".
Kính trọng thầy dạy mình, đồng chí Trường Chinh nói:
- "Thưa thầy, thầy đừng dạy thế! Tôi đâu dám vậy. Nếu không có những bài học về tấm lòng yêu nước, thương nòi mà thầy đã tha thiết và dũng cảm nhen lên trong lòng tôi thuở trước, thì làm sao tôi có được như ngày nay". (Báo Tiền phong số 2639).
Trước khi trở thành một cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thầy giáo có uy tín với nhiều thế hệ học trò ở trường Thăng Long (Hà Nội). Thời thanh niên, Võ Nguyên Giáp là học sinh giỏi, là bạn học thân thiết của Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu tại trường Quốc Học Huế những năm 1924 - 1927. Trong "Hồi ức về trường Quốc học", Võ Nguyên Giáp dành những dòng chữ rất kính trọng để viết về thầy Võ Liêm Sơn: "Thầy Võ Liêm Sơn dạy Quốc văn rất thương học sinh. Với giọng Hà Tĩnh vừa dí dỏm, vừa châm biếm, thầy giảng những áng văn tiến bộ chế diễu bọn quan trường. Đó là các bài "Sống chết mặc bay",  "Đèn trời soi xét" và một số bài trong cuốn "Hài văn" do thầy soạn. Ít lâu sau cụ Võ bị bãi chức. Cụ Võ là người đầu tiên giới thiệu với tôi một quyển sách trình bày khái lược chủ nghĩa Mác, trong đó có nói đến quy luật khẳng định, phủ định, và phủ định của phủ định. Tôi nhớ mãi cái ví dụ điển hình về quả trứng và con gà con; con gà con đã phủ định cả sự tồn tại của quả trứng".
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân trước Cách mạng tháng 8.1945 là thầy giáo dạy ở trường Quốc Học Huế. Trong "Hồi ký giáo dục" (Nxb Giáo dục - 1997), thầy Lân kể lại những "người thầy tốt" mà giáo sư Nguyễn Lân đã từng học qua những mái trường khác nhau với lòng biết ơn chân thành.
Thầy Nguyễn Lân học chữ Hán lúc mới 5 - 6 tuổi. Giáo sư kể lại: "Thầy dạy chữ Hán của tôi là cụ Đồ Cự ở làng Phù Lưu. Sáng sớm, mẹ tôi đánh thức tôi để cắp sách xuống Phù Lưu học.
Cụ Đồ Cự là một nhà nho không đỗ đạt gì, nhưng là một ông thầy rất đáng kính trọng. Sau này khi viết quyển "Cậu bé nhà quê", tôi đã nghĩ đến cụ, và phần nào đã tả lại cụ trong nhân vật Cụ Nghè Nhân.
Học trò của cụ lúc bấy giờ chỉ là bọn lau nhau như tôi, ấy thế mà mỗi buổi sáng, khi từ nhà trên xuống nhà ngang là chỗ đặt lớp học, bao giờ cụ cũng chít khăn lượt và mặc áo the dài. Trên bàn trước mặt cụ, có một cái roi dài, nhưng không phải để đánh học trò, mà để chỉ vào những chữ trong sách của chúng tôi ngồi ở hai chiếc chiếu liền trải ở dưới nền nhà, trước mặt thầy. Cái ấn tượng đầu tiên của một người thầy hiền hậu, thương yêu học trò và coi trọng cái nghề của mình tác động sâu sắc đến tâm trí của tôi và đã khiến ngay từ khi còn bé tôi đã kính phục cái sự nghiệp giáo dục".
Nếu hình ảnh thầy giáo dạy chữ Nho - cụ Đồ Cự - đến lớp "bao giờ cũng chít khăn lượt và mặc áo the dài" - dù là học trò của thầy chưa lớn tuổi - với chiếc roi dài không phải dùng để đánh học trò - mà là để chỉ vào chữ cho học trò học đã khơi dậy ở cậu bé Nguyễn Lân "lòng kính phục đối với sự nghiệp giáo dục", thì hình ảnh thầy giáo Dương Quảng Hàm đã ảnh hưởng đến Nguyễn Lân sự đam mê tri thức, sự nẩy nở những tình cảm tốt đẹp cùng ý thức rèn luyện ý chí.
Giáo sư Nguyễn Lân kể lại: "Học trường Bưởi (trường Chu Văn An ở Hà Nội hiện nay), tôi thấy đa số giáo sư người Pháp không có tính thực dân. Họ đã dạy chúng tôi thấy được cái đẹp của văn hóa Pháp, của nền văn học Pháp và nhất là cuộc Cách mạng Pháp năm 1789.
Nhưng người thầy có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tri thức, tình cảm và ý chí của tôi là cụ Dương Quảng Hàm, một giáo sư uyên bác và mô phạm về mọi mặt. Dù trong một tuần lễ chỉ có vài giờ Quốc văn, cụ Dương Quảng Hàm cũng đã cho tôi thấy cái phong phú của văn học Việt Nam, cái đẹp của tiếng Việt".
Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước cách mạng bổ nhiệm giáo sư Dương Quảng Hàm làm Hiệu trưởng trường Chu Văn An (trường Bưởi cũ). Trước ngày toàn quốc nổ súng kháng chiến chống Pháp (19.12.1946), lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm đã khiến giáo sư không rời nhiệm sở đến phút cuối cùng, mặc dù không khí chiến trường đã hết sức căng thẳng. Và giáo sư Dương Quảng Hàm - nhà giáo yêu nước Việt Nam đã ngã xuống, không kịp rút ra khỏi Hà Nội.
Nhiều nhà văn hóa, khoa học nước ta tự hào là học sinh của cụ Dương Quảng Hàm. Học giả Nguyễn Hiến Lê có một bài viết được nhiều người biết: "Thầy học tôi: Cụ Dương Quảng Hàm".
Năm 1988, khi được phong danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân", giáo sư Nguyễn Lân đã nghĩ ngay đến thầy cũ của mình: Thầy Dương Quảng Hàm. Và giáo sư Nguyễn Lân đã viết mấy câu thơ để tưởng nhớ thầy cũ:
        "Trường Bưởi: Noi gương cụ giáo Hàm,
        Một nhà học giả thực phi phàm.
        Làu thông Âu, Á - say nghiên cứu
        Ham dạy Sử, Văn, lợi chẳng ham".
Một thầy giáo có đức trọng (lợi chẳng ham) và có tài cao (một học giả phi phàm) như là thầy Dương Quảng Hàm được nhiều thế hệ học trò cũng có tài cao đức trọng tôn vinh trong truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc cũng là điều hợp lẽ.
Tố Hữu - nhà thơ lớn của dân tộc - là một chiến sĩ cách mạng và là nhà lãnh đạo đất nước trong nhiều năm với ý thức tôn sư trọng đạo thường nhắc lại những thầy giáo của mình khi anh học sinh Nguyễn Kim Thành (tên của Tố Hữu thời thanh niên) học ở trường Quốc Học Huế.
Tố Hữu nhớ lại một hôm thầy Nguyễn Lân giảng bài sử nước Pháp về Công xã Paris. Trong giờ học ấy, anh học sinh Nguyễn Kim Thành xin phép thầy được nói lên suy nghĩ của mình trước lớp: "Thưa thầy, các chiến sĩ Công xã Paris anh dũng tuyệt vời và Công xã Paris sẽ đời đời sống mãi trong lòng nhân dân vô sản toàn thế giới". Trước ý kiến đó của một học sinh còn rất trẻ, thầy Nguyễn Lân trầm ngâm suy nghĩ trong giây lát. Và thầy nói: "Vous avez raison" (anh nói có lý). Bấy giờ trong lớp, thầy và trò đều nói tiếng Pháp.
Sự tán đồng trên đây của  thầy Nguyễn Lân là trái ngược với sách giáo khoa của nhà trường thực dân lúc bấy giờ. Sau này, suy nghĩ về giờ học nói trên, Tố Hữu rất cảm phục thầy giáo của mình. Ông nói: "Nhớ lại lúc đó ở đâu cũng có mật thám. Chúng tôi đã đành. Nhưng còn đời sống của thầy và gia đình của thầy nữa! Nhưng thầy Lân lúc đó đã tán thưởng ý kiến của tôi, không sợ mật thám".
Vào những ngày đầu sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi ở Huế, Tố Hữu - nguyên là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa thành phố Huế đã gặp lại thầy Nguyễn Lân của mình và mời thầy tham gia công tác văn hóa của cách mạng. Sau đó thầy Nguyễn Lân được cử làm Trưởng ty Giáo dục Thừa Thiên (như Giám đốc Sở Giáo dục bây giờ) và Hội trưởng Hội Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ trước khi thầy được Bộ Giáo dục cử làm Giám đốc Học chính Trung Bộ.
Tố Hữu cũng nhớ và biết ơn thầy giáo Lê Xuân Phương ở Quốc Học không chỉ vì những bài giảng trên lớp mà còn vì thầy đã giúp đỡ các học sinh của thầy đi tham gia cách mạng. Tố Hữu kể: "Từ Quốc Học Huế, tôi tham gia cách mạng, bị đuổi học, vào tù. Có lần vào tù, tôi lại trốn ra. Đi trên các con đường thành phố Huế, tôi vừa đi vừa cảnh giác ngoảnh lại, thấy có mật thám theo dõi. Bí quá, tôi tạt ngang để mất hút trong một ngõ hẻm ở chợ Bến Ngự. Trước mắt là biệt thự của thầy Lê Xuân Phương, thầy của tôi. Tôi nghĩ, nhất định là thầy sẽ che chở cho tôi. Tôi vào nhà thầy, gõ cửa. Thầy ra mở cửa. Cô vắng nhà. Thầy hỏi tôi là ai. Tôi trả lời, thầy có nhớ ra không? Tôi nói nhỏ rằng chắc thầy cũng đoán ra tôi đang bị theo dõi. Tức thì thầy chỉ vào bàn thờ ở gian giữa, bảo tôi chui xuống bàn, kiếm ván che lại. Thầy mang cơm cho tôi ăn. Ăn xong tôi thấy không thể ở đây lâu được. Tôi thưa với thầy rằng tôi cần tiền tiêu, xin thầy cho ít tiền. Thầy mở ví ra, trút cho tất cả mấy đồng bạc còn lại trong ví. Tôi chào thầy và lặng lẽ ra đi, đi gấp, để khỏi liên lụy đến thầy. Đây là kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi dưới mái trường Quốc Học Huế về tình thầy trò. Chúng ta giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ của trường Quốc Học Huế có truyền thống vẻ vang" (Tố Hữu kể trong cuộc gặp gỡ thầy trò Quốc Học Huế tại Hà Nội trước ngày giáp Tết Quý Hợi - 1984).
*     *
*
Trong đời sống tinh thần - văn hóa Việt Nam, những câu chuyện về tình nghĩa thầy trò còn rất nhiều, không thể nào kể hết và đều rất đẹp. Truyền thống "tôn sư trọng đạo" lâu đời của dân tộc ta bắt nguồn từ truyền thống quý trọng văn hóa, đạo lý của dân tộc, từ ý thức nhân dân ta coi trọng chữ nghĩa và quý trọng công lao của thầy - cô giáo. Có được truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp vì nhân dân ta đã sản sinh nhiều thế hệ "thầy giáo tốt" (chữ dùng của Bác Hồ) và còn bởi vì đất nước ta đã có nhiều học trò sau khi đã trưởng thành, trở thành những công dân tốt, những chiến sĩ tốt, những cán bộ tốt, những nhà văn hóa khoa học, những nhân tài đất nước vẫn không quên ơn những thầy - cô giáo cũ của mình, những người đã có nhiều công lao đối với nền giáo dục đất nước. Những "thầy cô giáo tốt" vẫn còn mãi trong sự ký ức, trong sự trân trọng, trong lòng biết ơn của các thế hệ, của nhân dân - phải chăng đó là "tôn sư trọng đạo" - một nét văn hóa tươi đẹp trong đời sống văn hóa Việt Nam.

P.H.V

Các tin khác