1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Sự tự chủ của giáo viên

Sự tự chủ của giáo viên

PGS. TS. NGUYỄN ĐỨC VŨ
ĐHSP Huế

Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) là một yêu cầu có tính cấp thiết để nâng cao chất lượng dạy học. Thực hiện có hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho ngành, cho học sinh và cho cả bản thân người giáo viên. Tuy nhiên, việc đổi mới PPDH, kể từ khi có chỉ thị 15/CT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào năm 1999 đến nay vẫn chưa thực sự có kết quả như mong đợi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau được bàn luận, mổ xẻ, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là bản thân người giáo viên vẫn chưa thực sự tự chủ trong đổi mới PPDH.

1. Học sinh mong muốn gì ở phương pháp dạy học của giáo viên ?

Diễn đàn về đổi mới PPDH của báo Tuổi trẻ công bố kết quả của một cuộc khảo sát ý kiến của 664 học sinh hai cấp học THCS và THPT ở TP.HCM về đổi mới PPDH do nhóm phóng viên báo Tuổi trẻ thực hiện như sau (http://tuoitre.online, ngày 13/11/2008) :

- Câu hỏi "Bạn thích giáo viên sử dụng phương pháp nào trong bài giảng ?"

+ Có 4,3% học sinh THCS và 5% học sinh THPT được khảo sát chọn phương pháp giảng dạy theo kiểu đọc - chép.

+ Có 67,5% muốn có hình ảnh minh họa cho bài giảng và 66,3% đề nghị các phương pháp giảng dạy khác như tổ chức cho học sinh đi thực tế, thảo luận - làm việc nhóm, sắm vai, thuyết trình.

+ Nhiều ý kiến cho rằng thầy cô giáo nên giảng thêm những kiến thức cuộc sống có liên quan đến bài học, tổ chức trò chơi để học sinh có thể vừa học vừa chơi, thoải mái mà vẫn hiểu bài.

- Câu hỏi "Để học sinh hứng thú học tập hơn cần đổi mới những gì ?"

+ Có 54,7% cho rằng giáo viên gần gũi, quan tâm, thân thiện với học sinh là yếu tố giúp học sinh hứng thú học tập hơn.

+ Gần một nửa ý kiến (49,5%) mong muốn có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy của giáo viên.

+ Một số ý kiến cho biết thêm, nếu giáo viên kích thích cho HS tự tìm hiểu về môn học sẽ yêu thích môn học đó hơn.
Kết hợp với nhiều nguồn khác nhau về thăm dò nhu cầu của người học, có thể có nhận xét chung là : HS rất thích được được phát huy tính tự chủ trong học tập. Cụ thể là được hoạt động với các nguồn tri thức trong học tập, được giao việc tìm tòi, khám phá tri thức trong một môi trường học tập thân thiện, được tôn trọng và đề cao vai trò của cá nhân và sự hợp tác (thầy - trò, trò - trò).

2. Việc dạy học chú trọng vào gì ?

Môi trường học tập của học sinh rất đa dạng. Trong đổi mới PPDH hiện nay, có thể tập trung vào 4 mặt sau đây :

a) Môi trường học tập đặt người học làm trọng. Trong môi trường này, giáo viên thấy được tầm quan trọng của việc dựa vào kiến thức văn hóa và kiến thức thuộc quan niệm mà HS mang theo vào lớp học. GV tính đến độ nhạy cảm của các thực tế văn hóa của HS và tác động thực tế của những kiến thức đó lên việc học trên lớp. Trong dạy học, GV luôn khêu gợi, khuyến khích, tạo cơ hội để HS vận dụng những hiểu biết có sẵn của mình kiến tạo kiến thức mới. GV tin tưởng vào việc HS xây dựng ý nghĩa cho chính họ, bắt đầu bằng niềm tin, sự hiểu biết và thực tế văn hóa mà họ mang theo vào lớp học.
b) Môi trường học tập đặt kiến thức làm trọng. Trong môi trường này, GV nhắm vào các thông tin và các hoạt động giúp HS phát triển một sự hiểu biết về các môn học. HS được kiểm tra kĩ lưỡng về sự hiểu biết chương trình học. Dạy học trong môi trường đặt kiến thức làm trọng đòi hỏi GV trình bày thông tin một cách rõ ràng, lôgic, rõ nghĩa; chú trọng cách thức thúc đẩy sự hiểu biết về một môn học.

c) Môi trường học tập đặt việc kiểm tra, đánh giá làm trọng. Nguyên tắc đánh giá trong môi trường này là có những sự phản hồi được so với mục tiêu đề ra ban đầu của người học. Hai phương pháp chính sử dụng trong đánh giá là : đánh giá định hình (liên quan đến việc sử dụng các cách đánh giá thường xuyên trên lớp học lấy thông tin phản hồi để cải thiện việc dạy và việc học) và đánh giá cuối kì (cách thức đo những gì HS học được ở cuối mỗi tập hợp các hoạt động học tập).

d) Môi trường học tập đặt cộng đồng làm trọng. Cộng đồng ở đây được hiểu là một lớp học, một trường học, một nhóm học sinh... Trong môi trường này, các quan niệm chung, các quan hệ giữa người học với nhau, người học với người dạy có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến việc học tập của HS. Tạo ra một môi trường học tập thân thiện là điều kiện không kém phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học.
Ngoài ra, các liên kết với cộng đồng lớn hơn, như gia đình, xã hội cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc học tập của HS. Hiện nay, cùng với sự bùng nổ thông tin, môi trường học tập của HS được mở rất rộng. Sự liên kết của nhà trường, lớp học với các cộng đồng lớn hơn là việc làm cần thiết.
Bốn mặt này của môi trường học tập có liên quan chặt chẽ với nhau, có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau.
Môi trường tập trung vào người học đề cao việc người học sử dụng kiến thức hiện có của mình để xây dựng kiến thức mới; những điều họ biết vào thời điểm xây dựng kiến thức mới ảnh hưởng đến cách họ diễn dịch nghĩa của thông tin mới. GV nỗ lực giúp HS liên kết những kiến thức hiện có của họ với những bài học hiện tại. Hạn chế của môi trường này là đôi khi kiến thức hiện tại của người học hỗ trợ cho việc học cái mới, nhưng đôi lúc nó lại cản trở cho việc học. Cách dạy  học có hiệu quả bắt đầu với những điều mà người học mang theo vào quá trình học (thực tiễn văn hóa, niềm tin, kiến thức liên quan đến nội dung bài học....).
Môi trường dạy học có hiệu quả cũng cần tập trung vào kiến thức. Dạy cho HS cách giải quyết vấn đề phổ biến và những kĩ năng tuy cần thiết, nhưng chưa đủ. Khả năng tư duy và giải quyết vấn đề đòi hỏi kiến thức phải được sắp xếp, tổ chức tốt, có thể sử dụng vào trong những bối cảnh phù hợp. Nhấn mạnh đến việc đặt kiến thức làm trọng đòi hỏi chương trình phải được xây dựng có hệ thống, phức tạp dần khi lên cao. Cần chú ý là nếu nhấn mạnh đến một phạm vi quá rộng kiến thức, sẽ có nguy cơ phát triển thứ kiến thức không gắn kết với nhau thay vì phải có sự liên kết chặt chẽ.
Các vấn đề đánh giá rất cần thiết cho việc thiết kế các môi trường học tập. Những thông tin phản hồi rất quan trọng cho việc học, đặc biệt là kết quả của các đánh giá định hình trên lớp học. Cần lưu ý rằng những đánh giá phải phản ánh các mục tiêu học tập.

Trong môi trường học tập chú trọng vào cộng đồng, điều quan trọng nhất là HS, GV và những người có liên quan (phụ huynh học sinh, cộng đồng xã hội,...). có sự chia sẻ các tiêu chuẩn coi trọng việc học và những chuẩn mực cao của nhà trường.

Dạy học không phải chỉ quan tâm đến một môi trường riêng biệt. Mỗi hoạt động của HS trên lớp, dưới sự tổ chức, chỉ đạo của GV đều cần phải đặt trong bối cảnh của sự chú ý đến cả bốn môi trường trên.

3. Giáo viên cần tự chủ trong đổi mới phương pháp dạy học như thế nào ?

a) Tuy SGK không phải là pháp lệnh, nhưng do cách hiểu không chuẩn xác về việc "dạy phải bám sát SGK", nên sự gò bó vào sách đã hạn chế nhiều đến sự sáng tạo của giáo viên. Giải phóng khỏi sự gò bó đó, đòi hỏi GV phải nắm được tinh thần cốt lõi của bài dạy, chọn đúng kiến thức cơ bản theo Chương trình giáo dục phổ thông ở mỗi bộ môn. Đặc biệt, chọn đúng các kiến thức có tính "chìa khóa" để phát triển đến các kiến thức khác của bài dạy một cách lôgic.
Trên cơ sở những kiến thức cơ bản của bài dạy học, GV phân tích, mở rộng, giảng giải, kết hợp với liên hệ thực tế ở một mức độ vừa sát với trình độ HS, không mở rộng "biên" quá rộng không cần thiết, không đưa quá nhiều kiến thức bên ngoài vào bài, dẫn đến sự quá tải. "Dạy vừa đủ" để làm nổi bật những kiến thức cốt lõi của bài là một cách làm cần thiết làm cho giờ học trở nên nhẹ nhàng hơn, sinh động hơn, hứng thú hơn đối với học sinh.
Nỗi sợ không dạy hết kiến thức trong SGK đã ám ảnh nhiều thầy cô giáo, đặc biệt những người mới vào nghề, từ đó dẫn đến bệnh nhồi nhét kiến thức, làm nặng nề và khô khan bài học. Tất cả nội dung kiến thức mỗi bài trong SGK không phải đều hoàn toàn mới đối với HS. Bằng nhiều con đường khác nhau, kể cả từ học ở các lớp dưới, trong mỗi HS đã có những cơ sở cần thiết cho việc tiếp thu kiến thức bài mới. GV cần khêu gợi, hướng dẫn con đường tiếp cận để các em vận dụng những hiểu biết của mình vào việc nắm kiến thức mới. Ngoài ra, do tính lôgic của việc trình bày kiến thức của SGK, việc tập trung vào những kiến thức có tính "chìa khóa" trong bài giúp cho HS hiểu được nhiều kiến thức khác có liên quan. Lúc ấy, quan niệm "dạy hết kiến thức SGK" sẽ trở nên khác đi.
Việc chọn kiến thức cơ bản đi liền với việc hệ thống hóa kiến thức theo một lôgic phù hợp với ý tưởng dạy học. Sự sáng tạo về PPDH của mỗi GV nằm ngay ở khâu chọn và sắp xếp kiến thức cơ bản. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều giáo viên dạy giỏi quan tâm đến kiến thức nhiều hơn PPDH, vì cấu trúc của hệ thống tri thức quy định ý tưởng về PPDH, phù hợp với định nghĩa của K.Mark về phương pháp, đó là sự vận động bên trong của nội dung.

b) Việc sùng bái thiết bị kĩ thuật hiện đại trong các bài dạy học ở nhiều GV đã làm cho bài học "bị cơ giới hóa" một cách máy móc. Thay vì ghi bảng thì GV chiếu chữ lên màn hình, thay đọc chép thì GV "chiếu - chép". Để có không khí "đổi mới", GV chiếu thật nhiều hình ảnh, nhiều đoạn vidéoclip cho HS xem. Những giờ học "máy móc" đó chỉ mang lại cho HS một số giây phút thư giãn, còn hiệu quả còn kém hơn cả đọc - chép trước đây, vì dù sao, HS cũng ghi bài được một cách hệ thống hơn và có cảm xúc hơn từ giọng đọc giảng của GV. Vì là phong trào, nên trường nào, thầy cô nào cũng PowerPoint, đã là giờ thao giảng thì phải có sử dụng công nghệ thông tin. Cần đối xử với công nghệ thông tin một cách hợp lí, đúng với bản chất của nó xem CNTT chỉ là một trong những công cụ dạy học. Công cụ đó dù có nhiều tính năng tác dụng đến bao nhiêu chăng nữa, cũng không có hiệu quả cao, nếu người sử dụng thoát li khỏi những nguyên tắc của việc dạy học.

c) Do tác động vào đối tượng là người học nên PPDH phải tuân thủ các quy luật chung, mỗi PPDH được thực hiện bởi những kĩ thuật nhất định. Tuy nhiên, người sử dụng PPDH hoàn toàn không giống nhau, HS càng đa dạng về nhiều mặt, nên PPDH in đậm dấu ấn chủ quan của mỗi cá thể. Đó chính là sự sáng tạo trong dạy học của mỗi thầy cô giáo. Bất kì sự sáng tạo nào cũng phải có môi trường để thực hiện. Mọi sự áp đặt, can thiệp thô bạo vào phương pháp dạy học cụ thể của từng GV sẽ làm ức chế quá trình sáng tạo. Thói quen kiểm soát quá trình dạy học trong dự giờ với những góp ý nhiều khi mang nặng tính áp đặt chủ quan nên được thay thế bằng việc đánh giá hiệu quả giờ dạy, trong việc so sánh với mục tiêu của bài học đề ra ban đầu (trong giáo án). Thực tế cho thấy, nhiều GV dạy học không sinh động, không hấp dẫn HS, nhưng chất lượng học của các em tốt; ngược lại, có nhiều GV dạy rất hấp dẫn HS bằng cách thuyết giảng thu hút sự chú ý, nhưng kết quả học tập của các em không cao. Trong trường hợp này, việc đánh giá không căn cứ vào hiệu quả dạy học là thiếu công bằng đối với người dạy và không phù hợp với việc dạy học đáp ứng mục tiêu.

d) Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, GV nên điều chỉnh lại vị thế của mình trong hoạt động nhận thức của HS. Người thầy không nên tự coi mình là một "tháp ngà" tri thức, là người "độc tôn" về kiến thức. Cần chỉ cho HS, khuyến khích các em chủ động, tích cực tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, tạo điều kiện để HS cùng tranh luận trao đổi với thầy, với bạn trên lớp. Thầy giáo nên coi mình là một "bà đỡ" kiến thức, tôn trọng quyền bình đẳng của mỗi HS trước nhiệm vụ chiếm lĩnh tri thức. Người thầy luôn chủ động tạo điều kiện cho học sinh được nêu chủ kiến và biết cách bảo vệ chủ kiến bằng luận chứng khoa học.

e) Cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc nên dạy cho HS kiến thức hay dạy về phương pháp. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, HS THPT có tư duy trừu tượng lí luận không cao, bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu do các em nắm khái niệm không nhiều và không vững chắc. Do vậy, kiến thức là cái cần phải dạy cho HS; không vì dạy phương pháp mà coi nhẹ kiến thức. Tuy nhiên, trong thời đại mà chỉ sau khoảng 4 năm, kiến thức nhân loại tăng gấp đôi thì việc tự học phải kéo dài suốt cuộc đời của mỗi con người. Chỉ có tích lũy được phương pháp học, mới có thể tự học được. Đó là cơ sở cho các ý kiến nặng về dạy phương pháp học cho HS là chủ yếu. Trong bối cảnh hiện nay của nhân loại, việc học cái gì không quan trọng bằng học như thế nào. Dạy cho HS cách tìm tòi và khám phá chân lí, cách vận dụng và làm mới chân lí là điều hết sức quan trọng. Dạy học hiện nay không phải nặng về dạy ghi nhớ máy móc, làm theo. Cái cần đề cao là những đột phá trong tư duy và thực hành, trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề nhận thức và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Tóm lại : Sự chủ động và tích cực của GV trong đổi mới PPDH là nhân tố cực kì quan trọng tạo bước chuyển biến về chất lượng dạy học. Dù có nhiều cách khác nhau, nhưng chung quy việc đổi mới PPDH là chuyển từ việc dạy học theo kiểu cung cấp chân lí cho trò sang dạy học theo kiểu dạy cho trò đi tìm chân lí. Không ai có thể thay thế các thầy cô giáo trong việc đổi mới PDDH. Tuy nhiên, cần tạo môi trường thuận lợi cho việc đổi mới theo hướng đó từ chỉ đạo, quản lí, xây dựng kế hoạch, tạo nguồn lực, đánh giá, thi đua, khen thưởng....
N.Đ.V

 

Các tin khác