1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Thể loại truyền thuyết

MỘT SỐ VẤN ĐỀ
CHUNG QUANH THỂ LOẠI TRUYỀN THUYẾT

 

Trần Hoàng


Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, trong giới nghiên cứu, giảng dạy Văn học dân gian (VHDG) ở nước ta xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về thể loại truyền thuyết. Có người không thừa nhận truyền thuyết là một thể loại độc lập, xếp song hành và ngang hàng với các thể loại tự sự khác (như thần thoại, cổ tích, truyện cười v.v..). Những truyện nói về lịch sử cộng đồng (như truyện Thánh Gióng, An Dương Vương, Bà Trưng, Bà Triệu v.v..) được họ xếp vào tiểu loại “Cổ tích lịch sử”. Người khác thì lại thừa nhận sự song hành của cả 2 thể loại: truyền thuyết và truyện cổ tích lịch sử. Bên cạnh 2 loại ý kiến trên, ý kiến gọi các truyện kể mang nội dung nói về lịch sử của dân tộc, của quê hương, đất nước là “truyền thuyết” vẫn là ý kiến chiếm số đông, chiếm ưu thế trong giới nghiên cứu, giảng dạy Văn học dân gian. Công trình nghiên cứu Văn học dân gian của các tác giả Cao Huy Đỉnh, Hoàng Tiến Tựu, Lê Văn Kỳ, Tầm Vu, Kiều Thu Hoạch ... đều đi theo khuynh hướng thứ 3 này (1).

Thừa nhận truyền thuyết dân gian là một thể loại độc lập, vậy truyền thuyết dân gian mang những đặc trưng gì về nội dung và thi pháp? Đó là điều cần phải được làm rõ. Vấn đề này cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu VHDG đề cập đến. Bài viết của chúng tôi chỉ góp 1 số ý kiến nhỏ nhằm khẳng định một số nét nổi bật và đặc sắc của truyền thuyết mà thôi.

1. Nếu như thần thoại lấy thế giới tự nhiên làm đối tượng nhận thức, lý giải; nếu như truyện cổ tích chọn đời sống xã hội để phản ánh... thì truyền thuyết lại hướng về các sự kiện, các biến cố có liên quan đến lịch sử của cộng đồng. Dân tộc nào, đất nước nào, làng quê nào cũng có một quá trình hình thành, biến đổi và phát triển (hoặc tàn lụi). Trong những thời điểm quan trọng, những cái mốc son, những biến cố mang ý nghĩa sống còn của một cộng đồng thường xuyên xuất hiện những nhân vật kiệt xuất. Việc làm của họ, hành động của họ có tác động lớn đến cuộc sống của cả cộng đồng, và của cả một giai đoạn lịch sử. Nhiều nhân vật lịch sử khi còn sống và đặc biệt khi họ đã mất trở thành một biểu tượng đẹp của quê hương, đất nước. Người Việt Nam, xưa cũng như nay, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” thường lập đền miếu để thờ phụng họ. Nhân vật lịch sử được nhân dân các làng quê, phường phố thiêng liêng hóa và suy tôn thành thần thánh, bốn mùa hương khói. Bậc đạo cao, đức trọng, tài năng kiệt xuất như Vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung thuở xưa và Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay mãi mãi sẽ sống trong lòng dân tộc qua sự tôn vinh bằng đền miếu, bằng các ngày kỷ niệm, các lễ hội lớn được tổ chức hàng năm. Chung quanh các sự kiện lịch sử lớn, các nhân vật lịch sử đầy hào quang thế nào cũng có những câu chuyện kể về sự kiện đó hoặc kể về tài năng, về đức độ, về sự cống hiến của các anh hùng, các danh nhân cho dân, cho nước. Theo con đường sáng tác và lưu truyền dân gian, các truyện kể ấy sẽ lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ Bắc vô Nam hoặc từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền núi và ngược lại...

Như vậy, các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử chính là cảm hứng, là đề tài, là chất liệu để làm nên các truyền thuyết. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong một bài viết về các Vua Hùng đã nêu một ý kiến khá xác đáng: “Truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thực lịch sử, mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng ...” (Báo Nhân dân ngày 29/4/1969).

Tuy nhiên, là một thể loại văn học, truyền thuyết cũng  bị chi phối bởi các nguyên tắc, các phương pháp của việc sáng tác nên trong nội dung tác phẩm, sự thực lịch sử trong truyền thuyết được “cấu tạo lại, tái hiện lại” thông qua cảm quan lịch sử của các tác giả dân gian. Nhiều tình tiết trong tác phẩm đã được tô vẽ thêm theo khuynh hướng “lý tưởng hóa” để tôn vinh các nhân vật lịch sử. Chẳng hạn Thánh Gióng, trong sự thực lịch sử có thể chỉ là một chiến binh, một người chỉ huy dũng cảm, lập công lớn và hy sinh ở chiến trường, nhưng khi trở thành một nhân vật truyền thuyết, thì người anh hùng làng Phù Đổng đã hoàn toàn là một con người khác với nhiều chi tiết hết sức kỳ lạ. Hay như Hai Bà Trưng, trong sự thực lịch sử, sau khi bị bại trận trước sức mạnh của đội quân thiện chiến Mã Viện đã nhảy xuống dòng Hát Giang tự vẫn. Còn ở truyền thuyết, Hai Bà lại có một cái kết cục hoàn toàn đẹp đẽ: Hai Bà cưỡi voi bay về trời bất tử cùng gió mây, non nước ... Nhiều năm sau, khi hạ giới gặp cơn hạn hán, dân các làng xã lập đàn cầu đảo, hai bà lại xuống trần tạo mây mưa, giúp dân có nước cấy cầy, ăn uống ...

Truyền thuyết dân gian là vậy. Chất huyền ảo là một đặc điểm nổi bật trong nội dung cũng như trong phương pháp tạo dựng nên cốt truyện, nên nhân vật của truyền thuyết. Đó cũng là một cách làm nên sự bất tử của người anh hùng và cũng là một cách bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của quần chúng nhân dân đối với các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Hơn thế nữa chất huyền ảo lại là một yếu tố có tác dụng lớn trong việc thu hút người nghe, người đọc đến với truyền thuyết (Ca vè lịch sử thì lại có cách hấp dẫn người tiếp nhận theo một phương thức khác).

Phản ảnh các sự kiện lịch sử một cách trung thực cũng là một sự thể hiện cảm quan và thái độ của quần chúng nhân dân đối với những biến cố, những sự kiện, những con người ... có liên quan, có tác động lớn đến đời sống của cộng đồng. Qua từng tình tiết, từng cách mở đầu hoặc kết thúc mỗi truyền thuyết, chúng ta đều thấy thái độ khen chê, biểu dương, ca ngợi, hay phê phán, lên án ... của người sáng tác đối với các nhân vật lịch sử một cách khá minh bạch, rõ ràng.

Xin được lấy truyền thuyết An Dương Vương (Sách Lĩnh Nam chích quái lấy tựa đề là “Truyện Rùa Vàng”) làm ví dụ. Truyện này có 3 nhân vật chính: An Dương Vương, Mỵ Châu và Trọng Thủy. Nhà vua là nhân vật chính. Ông là người có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, chế ra nỏ thần và chỉ huy quân dân Âu Lạc đánh thắng Triệu Đà trong lần đầu đội quân này kéo đến xâm lăng. Nhưng ông cũng là người mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc giữ nước, dẫn đến họa “Cơ đồ đắm biển sâu”. Như vậy, ông là người vẫn có công, lại vừa có tội đối với dân, với nước. Ông phải tự nhận lấy cái chết. Song tác giả dân gian lại cho Thần Kim Quy xuất hiện cầm sừng tê 7 tấc rẽ nước đưa nhà vua về với biển xanh. Việc An Dương Vương phải chém con gái yêu của mình cũng là nỗi đau không nhỏ và là sự tự trừng phạt mình của chính ông. Song nhân dân vẫn luôn trân trọng những đóng góp to lớn của nhà vua cho lịch sử, cho dân tộc nên lập đền thờ ông (ở Hà Nội, ở Nghệ An) và tạo nên một chi tiết nghệ thuật đẹp đẽ, để hình bóng vua Thục còn mãi với biển trời.

Với Mỵ Châu và Trọng Thủy, thái độ và cách ứng xử của quần chúng nhân dân cũng đầy tinh thần nhân ái. Cả hai người đều có tội với đất nước Âu Lạc. Họ có những việc làm không thể chấp nhận được. Mỵ Châu không ý thức mình là ai khi đưa nỏ thần cho Trọng Thủy xem và rắc lông ngỗng chỉ đường cho chồng tìm mình trong cơn binh lửa. Trọng Thủy thì tiếp tay cho Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc. Nhưng cả 2 người trước lúc chết đều đã có “sự phản tỉnh”. Mỵ Châu bị người lừa chứ không có “ý thức hại cha”, Trọng Thủy còn có chút liêm sỉ về hành động của mình ... Hình ảnh “ngọc trai giếng nước” là phần vĩ thanh của câu chuyện và không nằm trong phần “chính truyện”, nhưng nó là sự thể hiện một tấm lòng đầy nhân ái của người đời sau đối với bi kịch của một đôi trai tài, gái sắc. “Ngọc trai giếng nước”, theo thiển ý của chúng tôi, không phải là “bài ca ngợi ca tình yêu chung thủy” như có người đã viết trên Tạp chí “Nghiên cứu Văn học” cách đây gần 50 năm, mà chỉ là một sự thể tất của quần chúng nhân dân giành cho những người có tội song đã biết nhận ra lỗi lầm của bản thân.

2. Khi nói đến thể loại tự sự là phải nói đến cốt truyện, đến hệ thống nhân vật. Cốt truyện của truyền thuyết gồm nhiều tình tiết và thường được sắp xếp thành ba phần chính:

- Phần mở đầu: Hoàn cảnh xuất thân và thân thế của nhân vật chính. Các mô típ phổ biến trong truyền thuyết là: Sự thụ thai kỳ lạ; tướng mạo hoặc tài năng khác thường (Thí dụ: Truyện Thánh Gióng); gia đình nghèo khổ hoặc mang mối thù với giặc ngoại xâm, hoặc có truyền thống học hành v.v.. (ví như Truyện Hai Bà Trưng, truyện Trạng Lường v.v..)

- Phần nội dung chính: Cuộc đời, sự nghiệp cùng những chiến công, những đóng góp của các anh hùng, các danh nhân cho quê hương,
đất nước.

- Phần kết: Đoạn cuối của cuộc đời nhân vật. Phần này cũng có một số mô típ thường gặp; ví như sự hiển linh, sự hóa thân, hoặc được vinh phong thờ cúng với các lễ tục kiêng kỵ đặc biệt.

Truyền thuyết, ngoài một số truyện đơn lẻ (Truyện Thánh Gióng, truyện Yết Kiêu ...), còn phần lớn được tổ chức thành một hệ thống truyện xoay quanh một sự kiện, một giai đoạn lịch sử lớn và một vài nhân vật lịch sử mang tầm vóc quốc gia. Chẳng hạn truyền thuyết về các Vua Hùng, truyền thuyết về Hai Bà Trưng và các nữ tướng của bà, truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, truyền thuyết về anh hùng Nguyễn Huệ v.v.. Khác với truyện cổ tích, không gian và thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết không mang tính phiếm chỉ, mà mang rõ tính xác thực. Người đọc gặp trong truyền thuyết nhiều tên núi, tên sông, tên các xóm làng, phường phố v.v.. cụ thể và có thể xác định rõ chuyện này, chuyện nọ xảy ra vào năm tháng nào, thời kỳ nào?... Vì thế các sự kiện, các nhân vật lịch sử trong truyền thuyết được các nhà sử học sử dụng như những tài liệu tin cậy để bổ sung cho các trang chính sử của nước nhà, nhất là các phần nói về thời kỳ huyền sử, những trang ngoại kỷ (xin xem Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên).

3. Về hệ thống nhân vật trong truyền thuyết, chúng ta có thể xếp chúng vào 3 nhóm:

* Những nhân vật có liên quan đến công cuộc dựng nước và giữ nước (vua Hùng, An Dương Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi v.v..)

* Những nhân vật gắn liền với các cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống áp bức, cường quyền (truyện Quận He, truyện Vợ ba Cai Vàng, truyện chàng Lía v.v..)

* Những nhân vật được xếp vào hàng danh nhân văn hóa của đất nước, quê hương (Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lương Thế Vinh, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Mạc Đĩnh Chi v.v..)

Với ba loại nhân vật vừa nêu trên, xung đột trong truyền thuyết cũng được biểu hiện dưới những dạng khác nhau:

- Với loại nhân vật là anh hùng dân tộc thì xung đột trong truyện là xung đột giữa dân tộc ta, nhân dân ta với bọn xâm lược


- Với loại nhân vật là lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thì xung đột lại là xung đột giữa quần chúng nhân dân với các thế lực áp bực, cường quyền

- Riêng đối với loại nhân vật thứ 3 thì trong từng truyện cụ thể mà các mối xung đột có thể khác nhau (So sánh truyện Chu Văn An với Truyện Mạc Đĩnh Chi sẽ thấy rõ điều đó)

Bên cạnh các nhân vật có thật với đầy đủ danh xưng và lý lịch còn có các nhân vật quần chúng (thường là vô danh) ví như bà hàng nước, người lão bộc, các cậu bé chăn trâu v.v..

Tác giả dân gian lựa chọn các nhân vật nào để đưa vào truyền thuyết, là tùy thuộc cách nhìn nhận, xem xét, đánh giá của quần chúng nhân dân (các nhân vật ấy thường là gần gũi với cuộc sống của nhân dân, được nhân dân biết đến nhiều). Vì vậy, truyền thuyết ít nói về các vua chúa, dù trong tầng lớp này nhiều người cũng là minh quân, đức cao, tài lớn.

Trên cơ sở cái lõi là “sự thực lịch sử”, khi xây dựng các nhân vật, tác giả dân gian thường có khuynh hướng “lý tưởng hóa” những con người mà họ hằng kính trọng, yêu mến. Nhiều nhân vật của truyền thuyết đã trở thành những biểu tượng đẹp đẽ của văn hóa, của truyền thống dân tộc. Do vậy mà người sáng tác đã không ngần ngại khi đem nhiều yếu tố thần kỳ vào tác phẩm. Nhưng không phải vì thế mà các nhân vật của truyền thuyết mất đi những nét dân dã, đời thường của nó.

Với một số điều cốt lõi mà chúng tôi vừa trình bày trong các phần trên, có thể khẳng định truyền thuyết xứng đáng là một thể loại tự sự dân gian độc lập và bình đẳng với các thể loại tự sự dân gian khác trong kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam. Hiểu truyền thuyết để có cách nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích nó một cách khoa học và đúng đắn hơn.

T.H

Các tin khác