1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Tiếp cận truyện cười

TIẾP CẬN TRUYỆN CƯỜI

TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC (*)

 

TS. Bùi Thanh Truyền
Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐHSP Huế


1. Truyện cười – nét ưu việt của Chương trình – Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học mới
Văn học thiếu nhi có một bộ phận quan trọng là mảng truyện cười. Với những đặc trưng cơ bản về mặt thể loại như cốt truyện đơn giản, ngắn gọn, ít tình tiết nhưng rất chặt chẽ, rõ ràng và hợp lí; nhân vật thường không có cuộc đời dài, hoàn chỉnh như các loại truyện khác; thời gian diễn ra trong truyện thường ngắn, không gian hẹp, sự việc ít, diễn biến nhanh, kết cấu chặt, mở đầu ngắn, kết thúc đột ngột, bất ngờ,... truyện cười đã cho phép bất cứ bạn đọc dù ở lứa tuổi nào cũng có thể tiếp nhận nó một cách hứng thú. Đó là một trong những lí do quan trọng cắt nghĩa cho sự có mặt với số lượng tương đối lớn của bộ phận văn học này với tư cách là ngữ liệu dạy học các phân môn của chương trình Tiếng Việt Tiểu học hiện nay.

Sau bốn năm dạy thử nghiệm, năm học 2002 - 2003, bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học biên soạn theo Chương trình Tiểu học mới đã được chính thức đưa vào dạy ở tất cả các trường tiểu học trên cả nước. Bên cạnh những điểm kế thừa sách giáo khoa Cải cách giáo dục, bộ sách này có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực. Các truyện vui lần đầu tiên được đưa vào dạy học cũng làm nên bộ mặt mới của nó, đem đến cho học sinh những tiếng cười nhẹ nhàng, qua đó góp phần hình thành ở các em trí thông minh, óc hài hước và lòng nhân hậu. Việc làm này chẳng những khiến cho bộ sách trở nên hấp dẫn với các em mà còn giúp học sinh phát triển về nhiều mặt. Đây cũng là minh chứng cho thấy đội ngũ các nhà biên soạn đã có sự chú trọng nhiều hơn đến đặc điểm
tâm - sinh lí và nhận thức của đối tượng học sinh tiểu học, đến đặc trưng của bậc học. Tính khoa học, sư phạm của chương trình, vì thế, cũng đã được khẳng định, nâng cao.

Khác với thể loại truyện cười dân gian, các truyện vui, hài được đưa vào làm ngữ liệu trong sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học có nhiều truyện chưa phải thuộc thể loại truyện cười đúng nghĩa mà nhiều khi chỉ là những câu chuyện vui theo kiểu “Tiếng cười tuổi học trò”. Vì thế, bên cạnh thuật ngữ “Truyện cười”, trong bài viết này, chúng tôi cũng sử dụng các thuật ngữ khác là “Truyện có yếu tố gây cười” hoặc là “Truyện vui”.

 Các truyện có yếu tố gây cười trong sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học nằm ở hầu hết các khối lớp. Chúng được sử dụng làm ngữ liệu dạy học cho nhiều phân môn khác nhau: Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn... Tuỳ theo mục đích, yêu cầu của từng khối lớp, từng phân môn mà người ta lựa chọn ngữ liệu truyện cười cho phù hợp. Cụ thể là:

Thể loại

 

Lớp             

 

Truyện cười

dân gian

Truyện vui

tuổi học

trò

Truyện vui

nước ngoài

MỘT

 

 

2

 

 

HAI

 

2

 

4

 

4

 

BA

 

3

 

11

 

 

BỐN

 

1

 

3

 

4

 

NĂM

 

2

 

12

 

2

Trong toàn bộ chương trình, truyện có yếu tố gây cười không phân bố một cách riêng lẻ mà được dạy xen kẽ trong hệ thống các thể loại truyện dân gian khác: truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết... và các tác phẩm văn học viết. Chính yếu tố đó làm nên một chỉnh thể toàn vẹn nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong quá trình giảng dạy. Những truyện kể được lựa chọn không chỉ có văn học Việt Nam mà còn có văn học nước ngoài, tạo thêm sự phong phú về nguồn ngữ liệu, làm cho học sinh bước đầu làm quen với văn học, văn hoá dân tộc và nhân loại. Các bài hỗ trợ nhau và cung cấp cho người học những hiểu biết đa dạng về thể loại, đề tài, đặc điểm nghệ thuật, chức năng và ý nghĩa của truyện,... Vốn sống mà các em tiếp thu được qua từng tiết dạy, từng bài, từng thể loại cũng góp phần nâng cao chất lượng học tập. Tuy số lượng không nhiều nhưng các truyện cười trong sách giáo khoa vẫn được trẻ yêu thích, góp phần rất lớn vào trong việc giáo dục đạo đức và nâng cao kiến thức cho học sinh.
Tuỳ theo mục tiêu, nội dung dạy học của từng phân môn cụ thể mà sự sắp xếp của hệ thống truyện cười trong chương trình Tiểu học cũng có sự khác nhau. Điều này có thể được minh chứng qua bảng phân bố của chúng trong 4 phân môn tiêu biểu dưới đây:

Phân

            môn

Lớp

 

Tập

đọc

 

Chính

tả

 

Luyện

 từ

và câu

Tập làm

 văn

 

MỘT

 

2

 

 

 

 

HAI

 

9

 

1

 

 

 

BA

 

 

2

 

4

 

5

 

BỐN

 

 

7

 

1

 

 

NĂM

 

 

6

 

9

 

 

Số liệu trên đây cho thấy rất rõ sự biến thiên về mặt số lượng của truyện cười theo mỗi lớp, mỗi phân môn. Ở lớp 2, trong một đơn vị học (2 tuần ứng với một chủ điểm), các loại văn bản được sắp xếp như sau:

Tuần 1: Bài 1: Truyện kể

                        Bài 2: Văn bản thông thường

                        Bài 3: Thơ

Tuần 2: Bài 1: Truyện kể

                        Bài 2: Văn miêu tả

                        Bài 3: Truyện vui

Nghĩa là hầu hết các tiết Tập đọc ở tuần thứ 2 đều có một truyện vui. Những câu chuyện này đem đến cho học sinh tiếng cười nhẹ nhàng, làm cho giờ học trở nên thoải mái, sinh động hơn. Các em học mà vui, vui mà học; qua đó, góp phần hình thành ở người học trí thông minh, óc hài hước và lòng nhân hậu đồng thời với việc rèn cho học sinh các kĩ năng đọc (đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc hiểu, đọc diễn cảm, nghe và nói); trau dồi vốn tiếng Việt, phát triển một số thao tác tư duy cơ bản (phân tích, tổng hợp, phán đoán, so sánh, lựa chọn,...); mở rộng sự hiểu biết của học sinh về cuộc sống v.v...

 Với lớp 3, mảng truyện vui cười được dạy nhiều trong phân môn Tập làm văn nhằm rèn luyện cho các em kĩ năng nghe - kể. Có 5 trong tổng số 10 câu chuyện vui lấy đề tài từ cuộc sống hàng ngày. Những chuyện này vừa có ý nghĩa giáo dục vừa tạo nên tiếng cười sảng khoái, đem lại sự vui tươi cho tiết học. Ở lớp 4, sách giáo khoa đã tuyển 7 chuyện vui (Tìm chỗ ngồi, Bình minh hay hoàng hôn, Đánh dấu mạn thuyền, Đãng trí bác học, Vị thuốc quý, Một ngày và một năm, Trí nhớ tốt) làm ngữ liệu cho bài chính tả âm, vần. Đây là những mẩu chuyện tươi vui, hấp dẫn, vừa giúp trẻ hiểu sâu thêm nội dung học tập trong chủ điểm vừa kích thích hứng thú làm bài tập của trẻ. Lên lớp 5, hầu hết các truyện cười được sử dụng làm ngữ liệu trong phân môn Luyện từ và câu và chủ yếu bố trí trong các bài ôn tập về dấu chấm, chấm hỏi, chấm than, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang,... nhằm giúp các em hệ thống hoá kiến thức đã học về các dấu câu cũng như nâng cao kĩ năng sử dụng chúng trong học tập và giao tiếp hằng ngày.

Truyện có yếu tố gây cười, vì thế, có tác dụng rất lớn trong việc bồi dưỡng, rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt, giúp học sinh đọc thành thạo, đúng và hay, rèn cho các em kĩ năng nghe - kể,... Đưa truyện cười vào bộ sách không phải là việc làm có tính ngẫu nhiên mà xuất phát từ những căn cứ khoa học: thông qua những câu chuyện này, sách giáo khoa dẫn dắt học sinh đi vào các lĩnh vực của cuộc sống, qua đó tăng cường vốn từ, khả năng diễn đạt của các em về nhà trường, gia đình và xã hội đồng thời cũng mở cánh cửa cho các em bước vào thế giới xung quanh. Điều này là minh chứng sinh động cho mục tiêu giáo dục môn Tiếng Việt ở Tiểu học: hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường học tập của lứa tuổi.

2. Thế giới nghệ thuật truyện cười nhìn từ góc độ tâm - sinh lí và hoạt động học tập của học sinh tiểu học

Nhìn chung, các truyện có yếu tố gây cười được tuyển chọn vào chương trình đều phù hợp với đặc điểm tâm lí, nhận thức, với tầm đón nhận của trẻ. Chính ở lứa tuổi này, người học bắt đầu hình thành những quan niệm của mình về hiện thực xung quanh. Theo các nhà tâm lí học, phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ không có nghĩa là nhồi nhét cho họ những tri thức sách vở kinh điển, thuần tuý, duy lí mà trước hết phải gợi cho trẻ trí tò mò và phải có tác dụng kích thích trí tưởng tượng của các em. Dạy khôn cho trẻ nhưng đồng thời cũng phải để cho cảm xúc của người học được nảy nở, tâm hồn của các em được tự do phát triển và nói chung tạo điều kiện cho mọi nhân tố nhân cách được hình thành. Đây là cơ sở tạo ra sự gặp gỡ tự nhiên giữa truyện cười và mục đích giáo dục của nó trong dạy học Tiếng Việt Tiểu học chương trình mới.

Các câu truyện vui cười trong sách giáo khoa đa phần là những chuyện gần gũi, quen thuộc, thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của học sinh tiểu học vì thế có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục trẻ thơ. Chúng mang đến cho người học sự vui vẻ, hóm hỉnh, rèn cho các em tính hài hước, thông minh, tập cho trẻ năng lực phân tích, suy luận và sự phê phán của lí tính. Đặc biệt, từ sự phát hiện ra những điều nghịch lí của các hiện tượng buồn cười, đáng cười, các em sẽ tự điều chỉnh được hành vi của mình trong cuộc sống theo lẽ thường, cái đúng, cái cần làm và nên làm. Có thể nói đây là một nội dung dạy học không kém phần hấp dẫn trong chương trình Tiếng Việt mới. Vì thế, sẽ không là võ đoán khi cho rằng, đưa truyện cười vào dạy học Tiếng Việt Tiểu học không phải là việc làm có tính ngẫu nhiên mà xuất phát từ những căn cứ khoa học, từ mục tiêu giáo dục, từ nhu cầu thiết yếu trong đời sống trẻ em.

Đã là truyện cười thì phải làm thế nào gây được tiếng cười giòn giã nhất. Nét khu biệt của truyện cười trước hết là nghệ thuật gây cười. Một số truyện đã lấy một lời nói ngộ nghĩnh (nghĩa là trái với tự nhiên, không hợp với lẽ thường hoặc máy móc) của trẻ thơ để gây cười. Đơn cử như truyện Vì bây giờ mẹ mới về:

 Cậu bé cắt bánh bị đứt tay nhưng không khóc. Mẹ về cậu mới khóc oà lên. Mẹ cậu hoảng hốt:

- Con làm sao thế?

- Con bị đứt tay.

- Đứt khi nào thế?

- Lúc nãy ạ!

- Sao bây giờ con mới khóc?

- Vì bây giờ mẹ mới về.

  (TV1, Tập 2; trang 18)

Câu nói cuối cùng của cậu bé làm cho ta buồn cười, chính vì câu nói đó xét về bề ngoài thì có vẻ hợp lí lắm - trả lời theo đúng như nội dung mà mẹ cậu bé hỏi còn gì! Nhưng xét lại thì thấy... vô lí, vì đáng lẽ ra cậu bé phải khóc ngay lúc mới bị đứt tay. Ở đây, cậu lại chờ mẹ về mới oà lên khóc. Câu chuyện cho thấy sự nũng nịu rất ngây thơ và dễ thương của cậu bé với mẹ. Người lớn thường dành cho trẻ sự thương yêu, vỗ về. Chính lí do này khiến các em hay làm nũng. Vậy nên, chúng ta cần phải cưng chiều con trẻ trong giới hạn nhất định, không được chiều chuộng quá dễ làm trẻ sinh hư. Một bài học bổ ích đâu chỉ riêng với trẻ thơ mà còn cho tất cả các bậc phụ huynh.

Phần lớn truyện cười trong chương trình đều dễ nhớ, dễ kể, dễ phát hiện ra các hiện tượng đáng cười. Không ít truyện thể hiện cái ngây ngô, hồn nhiên có khi xuất hiện đâu đó ngay trong chính lứa tuổi các em. Dung lượng cuộc sống đưa vào tác phẩm vừa phải; không chi tiết, tình huống nào vượt ra ngoài tầm hiểu biết của người học nhỏ tuổi. Các em có thể kể lại toàn bộ câu chuyện một cách hào hứng, chính xác đến từng sự kiện trong khi chỉ mới nghe kể một vài lần. Sự hiện diện của chúng làm cho các em học mà vui, vui mà học. Thực tế giảng dạy cho thấy, học sinh tiểu học rất thích học truyện vui. Nhiều em cho rằng khi đọc sách mình thường tìm những truyện “buồn cười” để đọc trước. Sự phù hợp giữa nội dung và đặc điểm nghệ thuật của truyện cười với tâm lí, nhận thức của trẻ là cơ sở giúp cho việc tiếp nhận tri thức lí thuyết của học sinh bớt nặng nề, khó khăn; người dạy cũng dễ dàng chuyển tải những bài học giáo dục nhẹ nhàng, thoải mái nhưng sâu sắc, để lại ấn tượng bền lâu cho người học, làm cho mối quan hệ giữa văn và ngữ, giữa nhà trường và cuộc sống gắn bó chặt chẽ, mật thiết hơn. Việc khai thác một tính cách đáng cười trong truyện “Đổi giày” đã hé lộ tính khoa học trong ý đồ giáo dục trẻ thơ của các nhà soạn sách:

Có một cậu học trò vội đến trường nên xỏ nhầm giày, một chiếc cao, một chiếc thấp. Bước tập tễnh trên đường, cậu lẩm bẩm:

- Quái lạ, sao hôm nay chân mình một bên dài, một bên ngắn? Hay tại đường khấp khểnh?

Vừa tới sân trường, cậu gặp ngay thầy giáo. Thấy cậu bé đi chân thấp chân cao, thầy bảo:

- Em đi nhầm giày rồi. Về đổi giày đi cho dễ chịu.

Cậu bé vội chạy về nhà. Cậu lôi từ gầm giường ra hai chiếc giày, ngắm đi ngắm lại rồi lắc đầu nói:

- Đôi này vẫn chiếc thấp chiếc cao.

(TV2, Tập 1; trang 68)

Ở truyện này, cách suy nghĩ của cậu bé thật buồn cười. Do quá vội đến trường nên cậu xỏ nhầm giày. Nếu là người thông minh, cậu ta sẽ nghĩ ra ngay mình bước tập tễnh, chân thấp chân cao là do nguyên nhân ấy. Ở đây, cậu lại có một suy nghĩ khác: Sao hôm nay chân mình một bên dài một bên ngắn? Hay tại đường khấp khểnh? Câu nói đó của cậu học trò làm ta buồn cười. Mọi hôm vẫn bình thường sao hôm nay lại có sự khác biệt? Cậu hoàn toàn không nghĩ do mình nhầm lẫn mà cứ đổ lỗi tại khách quan. Được sự gợi ý của thầy giáo, cậu bé cũng không thông minh lên chút nào: Chỉ chạy vội về nhà, lôi giày từ gầm giường ra, ngắm chán rồi nhận xét một cách... xuội lơ: Đôi giày vẫn chiếc cao chiếc thấp. Đó chính là đặc tính cố hữu của những chàng ngốc vẫn gặp trong truyện cười dân gian, thường hành động một cách máy móc, mất cả tính chủ động và sinh động của con người.

Thường thì các yếu tố lời nói đáng cười, cử chỉ, hành động đáng cười, hoàn cảnh đáng cười,... ít khi được dùng đơn lẻ. Sự liên hoàn, tương hỗ giữa chúng đã mang lại tính lô gíc để làm bật ra tiếng cười sảng khoái ở trẻ thơ. Chuyện “Bốn cẳng và sáu cẳng” (Tiếng Việt 3, Tập 2; trang 142) là một ví dụ:

Có một chú lính được quan sai đi làm việc gấp. Thầy cai cấp ngựa cho chú để đi nhanh. Chú lính dắt ngựa ra đường nhưng không cưỡi mà cứ đánh ngựa rồi cắm cổ chạy theo. Người đi đường lấy làm lạ liền hỏi:

- Sao chú không cưỡi ngựa để chạy cho mau?

Chú lính vừa thở hổn hển vừa trả lời:

- Anh hỏi hay thật! Bốn cẳng lại nhanh hơn sáu cẳng được à.

Truyện gây cười vì chú lính cứ tưởng rằng tốc độ chạy nhanh chậm phụ thuộc vào số lượng cẳng: ngựa và người cùng chạy, số cẳng càng lớn thì tốc độ  càng cao. Xét về phương diện cấu tạo, truyện này có cả lời nói đáng cười (Anh hỏi hay thật! Bốn cẳng lại nhanh hơn sáu cẳng được à), hành động đáng cười (Chú lính dắt ngựa ra đường, không cưỡi ngựa để đi cho nhanh mà cứ đánh ngựa rồi cắm cổ chạy theo) và hoàn cảnh đáng cười (Có một chú lính được quan sai đi làm việc gấp). Nếu tác giả dân gian không sử dụng thủ pháp kết cấu như trên thì chắc hẳn bản chất ngốc nghếch của chú lính không thể nào bộc lộ trọn vẹn.

Điểm qua như vậy để thấy rằng, nhìn chung, mảng truyện vui trong sách giáo khoa Tiểu học đều là những câu chuyện phù hợp với tâm lí tiếp nhận của các em ở lứa tuổi này. Phần lớn các câu chuyện này đều có tình tiết đơn giản, dễ nhớ, dễ kể, dễ phát hiện ra các hiện tượng đáng cười và không ít truyện thể hiện cái ngây ngô, hồn nhiên có khi xuất hiện đâu đó ngay trong chính lứa tuổi các em.

3. Dạy học truyện cười trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học

 Thấu suốt bản chất của cái cười và hiểu mục đích của truyện cười là gây ra cái cười, ta sẽ nhận rõ nhiệm vụ của bài học về truyện cười trước hết là phải giúp học sinh hiểu các em cười cái gì, vì sao mà cười. Ta đã biết: nghe hoặc đọc một truyện cười cũng như xem một bức tranh cười, khi tự mình chưa phát hiện ra cái đáng cười thì chưa thể cười được. Như vậy, có thể suy ra là: đã cười được tức là đã biết mình cười cái gì, vì sao mình cười. Nhưng, trên thực tế, không phải ai cũng giải thích được rõ ràng nguyên do cái cười của mình. Cho nên, bài học về truyện cười không chỉ dừng lại ở chỗ... làm cho học sinh cười. (Nếu như vậy có thể chỉ cần kể cái chuyện cười định đem ra giảng dạy là đủ).

Đối với học sinh tiểu học, đọc truyện cười thì vui, nhưng phải suy nghĩ để trả lời những câu hỏi “cười cái gì ?”, “vì sao mà cười ?” chắc không phải là chuyện dễ. Tuy vậy, đó cũng không phải là điều quá khó. Chỉ cần giáo viên biết gợi ý để học sinh tự phân tích, tự nhìn lại quá trình sinh thành của cái cười trong óc các em như xem lại một đoạn phim quay chậm, nhất định người học sẽ cắt nghĩa được cái cười của mình - điều mà có lẽ các em chưa bao giờ làm. Và trẻ sẽ cảm thấy hào hứng hơn so với khi chỉ cười mà không tự hỏi “mình cười cái gì ?”, “vì sao mình cười ?” - tựa như thực hiện một bài tập vừa nhẹ nhàng vừa đầy suy nghiệm.

Từ việc giúp học sinh ý thức, lý giải được nguyên do cái cười của mình (tức là trả lời được hai câu hỏi trên trong một chừng mực nào đó), người dạy cần hướng dẫn các em suy nghĩ tiếp về cái đáng cười, về những điều nằm phía sau hành vi gây ra cái cười cùng thói xấu mà hành vi đó đã để lộ ra.

Ý nghĩa giáo dục trẻ thơ của truyện cũng là một nội dung quan trọng cần phải khai thác. Độc đáo của cái cười là ở chỗ nó nâng con người cao hơn hoàn cảnh. Khi cười thói hư, tật xấu người ta sẽ đứng ở vị thế bên trên chúng. Như vậy, cái cười, ở chiều sâu của nó, dường như có một cái gốc là những cảm xúc thấm đượm chất nhân văn - đó là nhiệt tình thống thiết bảo vệ những giá trị hằng cửu của con người, niềm mong muốn con người sống tốt hơn, đẹp hơn.

 Câu chuyện Mua kính khéo léo khuyên các em đừng lầm tưởng hễ cứ đeo kính thì đọc được sách. Trong thực tế, chẳng có thứ  kính nào đeo vào là biết đọc sách cả. Nhận ra điều phi lí trong truyện, tự các em sẽ biết rằng, muốn đọc được sách thì phải học. Truyện Há miệng chờ sung chế giễu anh chàng lười và đáng cười hơn, anh ta không biết mình là ai, đã lười còn dám chê người khác lười. Trong truyện Dại gì mà đổi, Không nỡ nhìn, cái cười nảy sinh khi các em nhận ra hiện tượng buồn cười tưởng chừng có lí nhưng hoàn toàn vô lí: Đã biết là chẳng ai muốn đổi một đứa con ngoan lấy một đứa con nghịch ngợm vậy sao không chịu từ bỏ thói hư này?; đã biết lấy tay che mắt lại vì xấu hổ khi nhìn các cụ già và phụ nữ phải đứng trên xe sao lại không chủ động nhường chỗ? v.v...  Những hiện tượng như vậy không phải không thấy trong cuộc sống. Ẩn sau vẻ vui hóm là sự phê phán nhẹ nhàng, là lời khuyên nhủ các em biết chia sẻ, nhường nhịn, biết sống vì người khác - một yếu tố rất cần thiết đối với sự trưởng thành của con người.

Việc rèn luyện kĩ năng đọc và nghe - kể cho học sinh bằng các câu chuyện vui cười có tác dụng rất lớn, nó vừa đem lại cho các em tiếng cười sảng khoái, vừa có tác dụng giáo dục sâu lắng, vừa tăng cường rèn luyện sự phản ứng trước những hiện tượng khác với lẽ thường mà các em bắt gặp đâu đó từ trong trang sách đến cuộc sống sinh động hàng ngày.

Khi dạy học phân môn Tập đọc, thầy cô cần giúp học sinh nhớ được nội dung cơ bản của câu chuyện, trong đó lưu ý các điểm mấu chốt, nhớ cá tính và cách ứng xử của từng nhân vật, biết nhận xét về các nhân vật từ đó đúc kết được những bài học cần thiết cho bản thân. Muốn vậy, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh luyện đọc kĩ lưỡng trước khi tìm hiểu nội dung bài học. Nhờ đọc kĩ, các em sẽ hiểu bài tốt hơn đồng thời thấy được đặc trưng của truyện cười: đó là nghệ thuật gây cười; phát hiện ra cái đáng cười – lời nói, cử chỉ, hoàn cảnh, tính cách càng trái tự nhiên, máy móc, càng ngộ nghĩnh, khác thường bao nhiêu thì tiếng cười gây ra càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Sau khi đã hiểu bài, khâu luyện đọc lại sẽ giúp các em hoàn chỉnh kĩ năng đọc toàn bài, nâng cao chất lượng đọc. Ở khâu tìm hiểu bài, giáo viên tạo điều kiện cho tất cả học sinh cùng tham gia trao đổi về nội dung của truyện, có thể triển khai hoạt động nhóm để các em được cùng nhau bàn bạc, suy nghĩ kĩ hơn trước khi trao đổi chung cả lớp.

 Nếu ở phân môn Tập đọc, học sinh được trực tiếp đọc văn bản thì với Tập làm văn, việc tiếp nhận câu chuyện được thể hiện chủ yếu qua hình thức nghe thầy cô kể lại. Việc nghe – kể này có tác dụng rèn cho các em kĩ năng nghe – nói. Song không dừng lại ở đó, điều quan trọng là phải rèn kĩ năng nghe - phát hiện, nghe – phân tích, phán đoán... Đó là một trong những hình thức rèn luyện tập đọc logic cho trẻ có hiệu quả.

4. Một vài đề xuất góp phần nâng cao chất lượng dạy học truyện cười ở Tiểu học

 Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành đang nhận được nhiều quan tâm, góp ý của dư luận. Thiết nghĩ, nếu được tái bản, đội ngũ biên soạn nên có sự thay đổi, bổ sung một số truyện sao cho phù hợp với nguyên tắc, phương pháp dạy học Tiểu học hơn nữa.

Các tin khác