1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Vài nét cơ bản về câu đối

VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ CÂU ĐỐI

TRIỀU NGUYÊN

1. Khái quát về câu đối

Câu đối cũng gọi là đối liên, doanh thiếp, doanh liên ("doanh": cột; "thiếp": mảnh giấy có viết chữ; "liên": liền, sóng kèm), là loại văn bản gồm hai vế đối nhau.

Câu đối là loại văn bản đặc biệt của biền thể: loại văn bản chỉ một câu. Đồng thời, do được dùng để sáng tác văn học, nên câu đối có tư cách thể loại, gọi là thể câu đối.

2. Cấu tạo, đặc điểm của câu đối

Câu đối gồm hai vế, vế đầu và vế sau (cũng nói vế trên - vế dưới, hay vế ra đối - vế đối lại,...). Mỗi vế (trong hai vế) có khi chỉ hai tiếng, có khi đến mấy chục tiếng. Hai vế này có số lượng tiếng bằng nhau và cùng có chung một cấu trúc ngữ pháp. Mỗi từ, ngữ, thành phần của câu đơn, phân câu của câu ghép, và sự kết hợp giữa chúng, ở vế này, đều tìm thấy sự tương ứng ở vế kia, để hai vế sẽ đối nhau về thanh, về ý.

2.1. Đối về thanh

Trên đại thể, nếu một tiếng ở vế đầu là thanh bằng thì tiếng tương ứng ở vế sau là thanh trắc, và ngược lại. Riêng tiếng cuối vế, thường gặp là tiếng cuối vế trên trắc, tiếng cuối vế dưới bằng. Thí dụ:

Giơ tay với thử trời cao thấp;
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài. (Đoàn Thị Điểm)

Ở những câu đối có số lượng tiếng lớn, thì trừ các tiếng là tiếng cuối của câu đơn, tiếng cuối phân câu của câu ghép, và tiếng cuối vế, bắt buộc phải đối thanh, các tiếng còn lại đều có sự châm chước (riêng tiếng cuối thành phần của câu đơn nhiều trường hợp cũng tuân thủ đối); Thí dụ:

Việc học chẳng lẽ chơi, hàng ngày mổ bụng con nhét chữ;
Nuôi thầy không phải bỡn, cuối năm bổ đầu bố lấy tiền.

(Nguyễn Khuyến)

Phân tích về đối thanh:

- Câu đầu: tất cả các tiếng ở hai vế đều đối nhau.

- Câu sau:

a) Các tiếng bắt buộc phải đối thanh ở vế đầu: chơi, tiếng cuối của câu đơn, hay tiếng cuối phân câu của câu ghép; chữ, tiếng cuối của vế đầu câu đối. Các tiếng tương ứng đối thanh với các tiếng này ở vế sau: bỡn - t (đối với chơi - b), tiền - b (đối với chữ - t). Bên cạnh đó, các tiếng cuối thành phần đề hay chủ ngữ của câu đơn cũng đặt đối, đó là: học - t (trong "việc học") đối với thầy - b (trong "nuôi thầy"), con - b (trong "hàng ngày mổ bụng con") đối với bố - t (trong "cuối năm bổ đầu bố").

b) Các tiếng không bắt buộc phải đối thanh, là các tiếng ở những vị trí còn lại: tiếng thứ 4 (lẽ - phải), thứ 7 (ngày - năm), thứ 8 (mổ - bổ), và thứ 11 (nhét - lấy) của câu đối.

2.2. Đối về ý

2.2.1. Ý được hiểu là nội dung, ý nghĩa.

Ở cấp độ từ, để đối được về ý, hai từ phải cùng một loại. Ngày xưa, người ta chia làm hai loại, thực tự (hay chữ nặng) như "trời", "đất", "cỏ", "cây", hư tự (hay chữ nhẹ) như "thế", "mà", "vậy", "ru"; khi đối, thực tự phải đối với thực tự, hư tự phải đối với hư tự, nếu có đặt chữ Hán, thì phải chữ Hán đối với chữ Hán. Thực tự và hư tự có thể hiểu như thực từ (danh từ, động từ, tính từ, đại từ), và hư từ (phụ từ, kết từ, trợ từ, cảm từ). Các từ nằm ở vị trí buộc phải đối thanh, thì đồng thời cũng là những từ được chú trọng khi đối ý (thường phải chỉnh). Khi hai từ tương ứng nhau gọi là đối cân, đối tương đồng, thí dụ: "mây" - "gió"; khi chúng trái ngược nhau gọi là đối chọi, đối tương phản, thí dụ: "khôn" - "dại".

Ở cấp độ ngữ, câu (trong phạm vi vế của câu đối), nội dung, ý nghĩa của hai vế phải tương ứng nhau. Hai câu đối vừa dẫn, ý nghĩa của các cặp vế đều tương ứng. Khi thiếu tương ứng hay vượt quá mức tương ứng, thì có thể xảy ra hiện tượng gọi là đối xấc.

2.2.2. Ý được hiểu là biện pháp, phương thức nghệ thuật, có khi cả hoàn cảnh, điều kiện, để thực hiện các vế đối. Vấn đề có thể được nhìn nhận rõ hơn qua giai thoại sau:

Vua Lê Thánh Tông đi kinh lí vùng Sơn Nam, ghé thăm làng Cao Hương, huyện Vụ Bản, quê hương của trạng nguyên Lương Thế Vinh; lúc bấy giờ trạng cũng có theo hầu. Vua và đoàn tuỳ tòng đến thăm chùa làng. Sư cụ đang tụng kinh bỗng đánh rơi chiếc quạt xuống đất. Nhà sư ra hiệu cho chú tiểu nhặt quạt, còn mình thì vẫn tiếp tục tụng. Một ông quan trong đoàn thấy vậy đã nhanh tay nhặt cho sư. Lê Thánh Tông nhân đó đã nghĩ ra một vế đối để thách các quan, như sau:

Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ.
(Trên bục đọc kinh, sư khiến quan)

"Sư sử sứ" đã khó về mặt kết hợp âm thanh, lại rắc rối về ý nghĩa: bình thường thì nhà sư không thể sai khiến được quan. Các quan đều chịu, chẳng ai nghĩ ra được vế đối lại. Thấy Lương Thế Vinh vẫn ung dung uống rượu mà chẳng nói năng gì, nhà vua bảo ông phải đối. Ông Vinh giả cách say, sai lính hầu chạy về nhà mời vợ đến. Bà trạng tới, ông xin phép vua cho vợ dìu mình về.

Thấy vợ chồng ông Vinh ra đến sân, nhà vua lấy làm đắc ý, bởi lâu nay trạng nổi tiếng có tài ứng đối mà gặp trường hợp này cũng đành thua cuộc, mới bảo: "Thế nào? Đối được hay không thì nói đã rồi hẵng về chứ?". Vinh chắp tay, ngập ngừng: "Muôn tâu, thần đã... đối rồi đấy ạ!". Lê Thánh Tông và các quan lấy làm lạ, bảo Vinh thử đọc xem. Hồi lâu, trạng mới chỉ vào người vợ đang dìu mình, mà đọc rằng:

Đình tiền tuý tửu, phụ phù phu.
(Trước sân say rượu, vợ dìu chồng)
Nhà vua cười và thưởng cho rất hậu.

Vế ra được hình thành trong bối cảnh không bình thường, thì để đối lại cũng phải viện đến một hoàn cảnh đặc biệt khác: phải lúc say, đi đứng không vững, thì vợ dìu mới hợp. Giả như khi đã tìm được vế đối lại ấy rồi, mà có một ông chồng say được vợ dìu đi ngang qua trước mặt mọi người, thì hẳn Lương Thế Vinh sẽ vin ngay vào đó để đọc vế đối, không cần phải dựng "hiện trường giả" như vậy.        

3. Phân loại câu đối

Có nhiều cách phân loại câu đối, thường gặp là ba cách: dựa vào mục đích sử dụng, dựa vào số tiếng và lối đặt câu, và dựa vào phương thức, đặc điểm nghệ thuật. Dưới đây, là cách phân loại đầu.

Dựa vào mục đích sử dụng, câu đối có thể được chia làm sáu loại: câu đối tết, câu đối mừng, câu đối thờ, câu đối phúng, câu đối tự thuật, và câu đối thử tài.

3.1. Câu đối tết

Câu đối dùng để mừng tết, mừng xuân, treo ở nhà trong thời gian đón năm mới. Thí dụ:

-   Xuân nhập trời xuân, xuân bất lão;
    Phúc vào đất phúc, phúc vô biên.

-    Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái;
    Nhà hai gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.

3.2. Câu đối mừng

Câu đối dùng để mừng thọ, mừng thi đỗ, làm nhà mới, cưới vợ lấy chồng,... Câu đối dùng để tặng, tặng ân nhân, tặng người ham học, tặng người làm việc nghĩa,... cũng được kể chung với loại này. Thí dụ

Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu;
Độc danh nhất bảng thế gian vô.

(Hai năm đi thi với ba lần đỗ đầu, thiên hạ còn có được; Một mình được đứng tên riêng một bảng, thì xưa nay chưa từng có ai)

3.3. Câu đối thờ

Câu đối dùng để thờ, có thể treo ở tường chung quanh hay hai bên của bàn thờ gia đình; ở các cột phía trong, phía ngoài, các trụ biểu,... của đình, đền, nhà thờ họ, phái. Thí dụ:

-   Cúc dục ân thâm Thương hải đại;
    Sinh thành nghĩa trọng Thái sơn cao.
    (Ơn nuôi dưỡng sâu dày tựa biển;
    Nghĩa sinh thành cao lớn tày non)

Câu đối treo ở bàn thờ gia đình, thường dùng để thờ cha mẹ.

-  Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ;
    Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng.

Câu đối ở đền thờ hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung (hai người đều là dũng tướng chống giặc Minh, vào đầu thế kỉ thứ 15).
3.4. Câu đối phúng

Câu đối dùng để viếng người chết. Thường nêu những chi tiết liên quan và bày tỏ lòng thương tiếc đối với người được viếng. Thí dụ:

-Tuy vân thành bại do thiên, xướng nghĩa tiên thanh tồn Nghệ Tĩnh;
 Kham thán anh hùng vô địa, phù quân đại tiết hữu Hồng Lam.
(Tuy rằng thành bại tự trời, tiếng xướng nghĩa trước tiên hãy còn truyền Nghệ Tĩnh;
Than nhẽ anh hùng không đất, tiết phò vua cao cả, khá sánh với núi Hồng, sông Lam)

Câu đối của Phan Đình Phùng viếng Lê Ninh (Lê Ninh, 1857-1886, người đầu tiên của Nghệ Tĩnh đứng lên ứng nghĩa cần vương, rồi phối hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng đánh giặc).

3.5. Câu đối tự thuật

Tự thuật có thể là thuật cảnh hay thuật sự, nhằm bày tỏ tình cảm, quan niệm của người làm câu đối. Câu đối tự thuật rất phong phú. Chất văn chương của bộ phận câu đối này cũng nổi trội hơn các bộ phận khác. Thí dụ:

Hội công danh ngoại năm mươi tuổi rồi, dù che ngựa cưỡi, ăn trắng mặc trơn, như thế là vinh, đem thân về chốn điền viên, dở dở hay hay, đã có non xanh cùng nước biếc;

Nhờ trời đất và mươi lăm năm nữa, đầu bạc răng long, mắt loà chân chậm, lấy gì làm thú, ngoảnh mặt xem cơ tạo hoá, lên lên xuống xuống, bao giờ bể đục nổi cồn dâu?

Câu đối tự vịnh của Nguyễn Khuyến.

3.6. Câu đối thử tài

Câu đối thử tài, tức câu đối được yêu cầu phải sáng tạo nên để biết được tài năng của người làm. Loại câu đối thử thái độ cũng được tính kèm theo. Thường gặp là người muốn thử tài, thử thái độ người khác làm vế ra, người được thử làm vế đáp. Thí dụ (dẫn giai thoại):

+ Lúc còn tuổi học trò, Cao Bá Quát sang chơi Thăng Long, gặp kì bình văn ở nha đốc học, ông đến dự nghe; mỗi khi nghe câu tầm thường, ông khịt mũi, lắc đầu. Lính hầu thấy vậy bắt vào trình quan đốc. Quan đốc hỏi "Anh học ai mà xấc vậy?", Quát đáp "Tôi học ông Trình, ông Chu". Quan đốc bảo "Anh đã tự xưng là học ông Trình, ông Chu, thì ta ra cho anh một câu đối, nếu không đối được, lính sẽ đánh ba chục roi! Nghe đây:

Nhĩ tiểu sinh hà xứ đắc lai, cảm thuyết Trình, Chu sự nghiệp
(Anh là một gã trò nhỏ, ở đâu đến đây, dám nói đến sự nghiệp ông Trình, ông Chu?)

Quát đối ngay:

Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu, Thuấn quân dân.
(Ta là bậc quân tử thấy cơ mà dấy, muốn làm cho vua và dân được như đời Nghiêu, Thuấn).
Quan đốc không ngờ cậu trò nhỏ đứng trước mặt mình lại có được chữ nghĩa cứng cỏi, khí lực mạnh mẽ đến như vậy, bèn thưởng cho năm quan tiền.

4. Thay đoạn kết

Trên đây, là một số lĩnh vực cơ bản của câu đối. Đồng thời, khi đối sánh sự tương ứng ở các lĩnh vực ấy với câu biền thể nói chung, có thể thấy được sự khác biệt cơ bản giữa câu đối và câu biền thể nói chung là: câu đối là một văn bản độc lập, còn câu biền thể nói chung là một bộ phận của văn bản. Chúng là hai đối tượng riêng rẽ. 

Trở lại vấn đề đã nêu ở đầu bài viết, việc đồng nhất giữa câu đối với các cặp đối trong thơ, câu trong văn biền thể nói chung, cũng như việc tách một câu trong bài văn biền thể để làm "đôi câu đối", là một sự nhầm lẫn.      

T.N

Các tin khác