1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Với nền giáo dục mới

CỐ BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HUYÊN
VỚI NỀN GIÁO DỤC MỚI

NGUYỄN XUYẾN

Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16-11-1908 trong một gia đình công chức ở Hà Nội, thuở nhỏ học rất giỏi. Cha mất khi ông mới 8 tuổi, mẹ tần tảo nuôi ông ăn học. Năm ông 18 tuổi, người chị ruột của ông (sau này là vợ ông Phan Kế Toại) đã dành ra một khoản tiền hằng tháng cho ông đi du học ở Pháp. Năm 1927, ông đỗ tú tài phần 1, năm 1928, đỗ tú tài phần II, năm 1929, đỗ cử nhân văn chương và năm 1931, đỗ cử nhân luật.
Đỗ hai bằng cử nhân chỉ trong thời gian hai năm đã thu hút lòng ngưỡng mộ của bạn bè, các thầy giáo và sự chú ý của nhiều quan chức. Ông được bổ nhiệm giảng dạy tại Trường Quốc gia các ngôn ngữ phương Đông ở Paris. Vừa làm nhiệm vụ giảng dạy, ông vừa nghiên cứu những vấn đề về nhân văn.
Tháng 2 năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne ở Paris. Luận văn của ông được Hội đồng giám định đánh giá xuất sắc và được một nhà sử học Đức khẳng định không chỉ có giá trị văn học mà còn có ý nghĩa đối với lĩnh vực triết học, sử học, xã hội học và dân tộc học. Lúc bấy giờ, báo chí Pháp và một số không ít nước phương Tây đăng nhiều tin, bài về sự thành công này của ông.
Năm 1936, ông về nước, nhưng một mực khước từ mọi lời mời ra làm quan của chính quyền thực dân Pháp. Ông tiếp tục công việc nghiên cứu về lịch sử, dân tộc học...Ông còn dạy học tại Trường Bưởi từ năm 1936 đến 1938, sau đó, làm công tác nghiên cứu ở Trường Viễn Đông bác cổ Hà Nội.
Từ năm 1936 cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đã hoàn thành 45 công trình nghiên cứu về nhiều lĩnh vực. Đại bộ phận những công trình nghiên cứu của ông đều được viết bằng tiếng Pháp. Các nhà khoa học nhân văn và xã hội rất khâm phục trước một khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông.
Trong những công trình nghiên cứu của ông, các nhà khoa học nhân văn phương Tây đánh giá rất cao tác phẩm "Văn minh Việt Nam", cho đây là "một luận văn có giá trị lớn về mặt tư liệu, đồng thời thể hiện một phương pháp phân tích tổng hợp của một trí thông minh tuyệt vời". (1)
Cuốn "Văn minh Việt Nam" với 12 chương dày dặn và một phần mở đầu. Ông cho rằng, cái gì sâu sắc nhất, tâm huyết nhất về dân tộc Việt Nam đã được dồn tụ hết trong tác phẩm này.
Với tư duy duy lý, ông nghiên cứu các di sản văn hóa dân tộc với tất cả tâm hồn Việt Nam và cốt cách phương Đông.
Trong những năm tháng dạy Sử và Địa ở Trường Bưởi, ông đã giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh. Khi Đảng ta phát động phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, ông đã trở thành một chiến sĩ đầy tâm huyết và được bầu vào Ban Trị sự của Hội ở Bắc Kỳ. Ông bước vào những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám 1945 với tư thế một nhà trí thức tiến bộ.    
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Giám đốc Vụ Đại học kiêm Giám đốc Trường Viễn Đông bác cổ. Năm 1946, ông còn tham gia Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt, rồi Hội nghị Fointainebleau, Pháp. Sau khi về nước được một tháng, ông nhận được danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời lên Phủ Chủ tịch để bàn công việc. Tại đây, ông được Bác giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Người nói: "Bác thấy chú chăm chỉ, có đạo đức nên đã giới thiệu với đoàn thể và được chấp nhận". (2) Vừa giao việc, Bác vừa động viên: "Khó, Bác giúp, nghiên cứu cùng làm, quyết tâm là được..." (3) Khi ông nhận nhiệm vụ này, Bác Hồ đã nói vui vừa chân tình vừa hóm hỉnh: "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" (4).
GS-TS Nguyễn Văn Huyên từ đây đã phải rời các pho sách của Trường Viễn Đông bác cổ và không biết bao giờ có thể tiếp tục nghiên cứu các đề tài mình hằng ấp ủ. Ông trở thành vị chủ tướng trên trận tuyến chống "giặc dốt" lúc bấY giờ.
Ông làm Bộ trưởng từ tháng 11-1946 cho đến khi qua đời vào cuối năm 1975. Trong gần 30 năm làm công tác quản lý giáo dục, ông luôn luôn nêu cao tinh thần tận tụy và sáng tạo của một trí thức cách mạng. Ông đã trở thành một trong những nhà giáo dục học đã có công đặt nền móng cho nền giáo dục mới theo định hướng của Đảng và để lại dấu ấn trên các lĩnh vực quy hoạch vĩ mô ngành giáo dục, cải cách giáo dục, cải tiến sách giáo khoa, tổ chức và điều hành với nhiệt tâm và thực tài của một nhà lãnh đạo, quản lý một lĩnh vực rộng lớn có tác động sâu sắc đến sự phát triển của xã hội.
Ông luôn trăn trở về một vấn đề nổi cộm là giáo dục miền núi. Từ chiến khu Việt Bắc, với một trí tuệ uyên bác và một chiếc xe đạp cũ, ông đã lên các vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc, Tuần Giáo...để nắm tình hình giáo dục và góp ý kiến với lãnh đạo các địa phương này. Ông còn dày công nghiên cứu cải tiến chữ Tày Nùng, chữ H'Mông, chữ Thái để cho học sinh người các dân tộc này dễ học. Ông còn tham gia viết sách giáo khoa về sử, địa lý.
Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt hai miền, ông quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, bồi dưỡng những học sinh miền Nam đang học ở miền Bắc, coi đó là sự chuẩn bị nguồn cán bộ sau này cho miền Nam và đất nước.
Theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã cho phát động trên toàn miền Bắc phong trào thi đua hai tốt (dạy tốt, học tốt). Bắc Lý và một loạt những trường tiên tiến xuất hiện như những bông hoa đẹp nở rộ khắp nơi.
Thực tiễn đã cho ông thấy cần xác định mục tiêu đào tạo của nhà trường phổ thông là con người mới toàn diện và phương thức đào tạo là giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên nói nhiều đến vai trò quan trọng của người thầy trong sự nghiệp giáo dục và chăm lo đào tạo, bồi dưỡng các thầy cô giáo. Mặt khác, ông cũng sớm ý thức việc đào tạo các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu chuyên sâu từng bộ môn.
Ông không bao giờ quên nhiệm vụ của một người thầy giáo đối với học sinh, một đồng nghiệp của các giáo viên cho dù công việc của nhà lãnh đạo cao nhất của Bộ chiếm mất nhiều thời gian. Là một trí thức đã sống nhiều năm ở phương Tây, nhưng ông rất giản dị, chịu khó, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để thực hiện tốt chức trách của mình. Là người nhân hậu, khi thấy cán bộ thuộc quyền gặp khó khăn, ông quan tâm chia sẻ và tìm cách giúp đỡ.
GS - TS Nguyễn Văn Huyên còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác: Đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV và V; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt-Trung; Phó Hội trưởng Hội Sử học; Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Một con người tài năng và đức độ, mới vào tuổi 67, đang có nhiều dự định lớn thì một cơn bệnh hiểm nghèo đã kết thúc đời ông. Ông tắt thở ngay sau một cuộc phẫu thuật phức tạp tại một bệnh viện lớn ở Berlin (CHDC Đức), ngày 19-10-1975. Lễ tang ông được tổ chức long trọng tại Hà Nội.
Năm 2000, GS-TS Nguyễn Văn Huyên đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Các công trình biên khảo có giá trị của ông được GS-TS Phạm Minh Hạc và GS Hà Văn Tấn sưu tập thành 2 cuốn "Nguyễn Văn Huyên toàn tập", là di sản quý báu ông để lại cho đời.
Hiện nay, ở Hà Nội có một trường học mang tên Nguyễn Văn Huyên do cô giáo Nguyễn Bích Hà, con gái của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên làm Hiệu trưởng và một con phố mang tên Nguyễn Văn Huyên. Trên con phố này, có Nhà Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do chính con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là PGS-TS Nguyễn Văn Huy làm Giám đốc.

N.X

Các tin khác