1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Xây dựng trường học thân thiện

TRƯÒNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHONG TRÀO
"XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN..."

LEA TRỌNG

Quả là phù hợp khi Sở Giáo dục và Đào tạo chọn trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tỉnh làm trường thí điểm thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực". Những mặt mạnh, mặt yếu của trường đều có liên quan mật thiết đến các nội dung xây dựng trường học thân thiện. Bởi vậy, thực hiện phong trào này sẽ giúp trường có điều kiện hơn khắc phục những điểm yếu rất đặc thù của mình trong nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho hai huyện miền núi. Thầy Lê Phán, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định như vậy và cho biết thêm: Trường đang tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua này và trong năm học 2008-2009, sẽ tập trung thực hiện nội dung Xây dựng môi trường  thân thiện, vì nếu làm tốt nội dung này thì sẽ có tác động rất lớn đến việc thực hiện các nội dung còn lại.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Tỉnh có 263 học sinh là con em của đồng bào dân tộc ở  hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và tất cả đều sống nội trú tại ký túc xá của trường. Các em thuộc nhiều dân tộc, có phong tục tập quán và tiếng nói khác nhau. Lần đầu tiên sống xa nhà, xa người thân, xa núi rừng, chưa quen với cuộc sống tự lập, ít giao tiếp với xã hội bên ngoài, chưa thích nghi với cuộc sống tập thể và nếp sống có tổ chức, khuôn khổ; khả năng giao tiếp bằng tiếng Kinh vẫn còn chưa thành thục… là những khó khăn bước đầu khi các em đặt chân vào trường. Điều đó đã làm các em nảy sinh tâm lý e ngại, thái độ thụ động, ngại hòa nhập và đôi khi còn tự ty, mặc cảm. Ngoài ra, kiến thức, kỹ năng, thái độ học tập của đa số các em còn những khiếm khuyết nhất định so với yêu cầu chung của từng môn, từng lớp cũng dễ làm cho các em thiếu động lực để phấn đấu, buông xuôi; thậm chí còn ỷ lại, cá biệt có em muốn bỏ trường, trở lại quê nhà.

Xây dựng môi trường vật chất xanh sạch đẹp

Trường có cơ sở vật chất khá khang trang. Trên diện tích gần 10.000 m2, được chia làm hai khu vực: Khu học tập và khu ký túc xá, tất cả nằm trên một đồi đất cao với các mặt bằng khác nhau được che phủ bởi bóng mát cây xanh và đó đây là những bồn hoa, cây cảnh làm cho quang cảnh nhà trường mang dáng dấp của một không gian miền cao giữa lòng phố thị.

Khu nhà học có 9 phòng dành cho 9 lớp học cả ngày cùng với 01 phòng tin học, 01 phòng nghe nhìn, 02 phòng thực hành, 01 thư viện đạt chuẩn, 01 nhà thi đấu đa năng và một số phòng chức năng khác. Khu ký túc xá cũng khá bề thế, 3 dãy nhà cao tầng với 40 phòng ở (bình quân mỗi phòng có  6-8 học sinh) và các phòng bếp, phòng ăn, phòng sinh hoạt khá rộng rãi. Hiện nay, trường đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dãy nhà ở thứ ba. Hy vọng, trong một thời gian ngắn nữa, trường có đủ điều kiện để phục vụ các hoạt động dạy học và ăn ở của học sinh. Nhìn chung môi trường vật chất đã tương đối, và công việc còn lại là chỉnh trang, quy hoạch sân chơi, vườn cây cho hợp lý, đẹp mắt và duy trì vệ sinh thường xuyên thì mục tiêu xanh-sạch-đẹp là có thể thực hiện được trong năm học này.

Với lực lượng học sinh nội trú, yêu lao động, chỉ cần có kế hoạch cụ thể thì các em sẽ làm ngôi trường và cũng là ngôi nhà của mình ngày càng thêm đẹp thêm xinh không quá khó

Xây dựng môi trường tinh thần thân thiện

Mối quan tâm đầu tiên của nhà trường khi tiếp nhận các em là làm sao tạo dựng một môi trường tinh thần thân thiện để giúp các em hình thành những thói quen tốt, những kỹ năng sống phù hợp với đời sống của xã hội phát triển, sống hoà ái, thân thiện với nhau, sau đó mới nghĩ đến việc nâng cao chất lượng học tập văn hóa.

Xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiện là việc làm đầu tiên mà nhà trường phải dốc sức hình thành. Các em thuộc các dân tộc Catu, Pakô, Pahy, Vân Kiều... khác nhau, bây giờ lại trở thành bạn học chung trường, chung lớp và có khi cả chung phòng ở trong suốt nhiều năm liền. Làm sao, giúp các em hiểu nhau, xem nhau như anh em, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong học tập, trong cuộc sống tập thể? Đoàn Thanh niên đã được  nhà trường giao trọng trách này. Đoàn trường bằng các hoạt động tập thể, các sinh hoạt ngoài giờ đã từng bước giúp các em xích lại gần nhau, hiểu nhau và gắn bó với nhau. Công việc này không phải một sớm một chiều mà có được. Phải kiên trì trong suốt quá trình cùng học, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các em. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoạt động của Đoàn lại càng sôi nổi, nhộn nhịp hơn: Là những ngày nghỉ nên có em thích tranh thủ về thăm nhà, có em lại thích la cà các quán cà phê ngồi tán gẫu. Để thu hút các em, Đoàn Thanh niên tổ chức các hình thức vui chơi, các sinh hoạt  có ích như thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn văn nghệ, chăm sóc nhà Lưu niệm Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan, Huế; lao động công ích... (một số trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc như đẩy gậy, kéo dây... cũng đã được nhà trường đưa vào các hoạt động ngoài giờ). Các em vui vẻ tham gia vào các sinh hoạt tập thể (học sinh dân tộc rất có năng khiếu về thể thao, âm nhạc) nên quên cả nhớ nhà mà dây thân ái bằng hữu tự nhiên được hình thành và gắn bó thêm. Trước đây, thi thoảng vẫn có xảy ra mâu thuẫn giữa các em với nhau, thậm chí còn xảy ra với thanh niên địa phương, nhưng từ khi các hoạt động của Đoàn có nền nếp thì những hiện tượng trên không còn xảy ra nữa. Sắp đến, Đoàn Thanh niên còn có kế hoạch vận động các em  thay nhau mang xe đạp về trường để có phương tiện tổ chức các hoạt động như picnic, dã ngoại, tham quan di tích, giao lưu với các trường bạn... trong những ngày nghỉ nhằm giúp các em  hòa nhập sâu rộng hơn với môi trường xung quanh.

Xây dựng mối quan hệ  thầy trò thân thiện là một giải pháp vừa giúp học sinh phát triển nhân cách vừa nâng cao hiệu quả giảng dạy của thầy và học tập của trò. Thầy Nguyễn Quang Đức, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nếu các thầy cô gần gũi các em thì các em sẵn sàng  giải bày tất cả tâm sự riêng tư của mình, ngược lại nếu thầy cô "lạnh" với các em thì các em cũng sẽ "lạnh" lại ngay. Bởi vậy, dạy học ở trường dân tộc nội trú khác hẳn cách dạy ở trường phổ thông bình thường. Ngoài việc giúp các em nắm bắt những kiến thức của sách vở, các thầy cô phải là người cha, người mẹ, người anh, người chị luôn luôn gần gũi, bảo ban, giúp đỡ các em những lúc cần thiết. Hằng ngày, ngoài buổi sáng dạy chính khóa, trường bố trí các thầy cô kèm cặp, phụ đạo thêm các em vào buổi chiều. Những lớp phụ đạo được chia theo môn, theo khối và được tổ chức ngay từ đầu năm. Những học sinh có năng khiếu, được các thầy cô hướng dẫn riêng từng em một, nhờ vậy nhiều năm nay trường đều có học sinh đỗ vào đại học. Tổ quản lý nội trú của trường làm việc cả ngày lẫn đêm. Từ 19 giờ tối đến 22 giờ các thầy cô trong tổ, người thì giúp các em ôn tập để nắm vững bài cũ, hướng dẫn bài tập, người thì theo dõi hướng dẫn nền nếp sinh hoạt ký túc xá. Sau 21 giờ, các em được tập trung xem ti vi cho đến 22 giờ. Nhờ quản lý chặt chẽ nên nhiều em, đầu năm sức học còn rất yếu, nay đã theo kịp chương trình. Qua sinh hoạt gần gũi với các em, những khó khăn trong đời thường của các em được các thầy cô thấu hiểu và tận tình giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần

Xây dựng mối quan hệ hòa nhập với cộng đồng

Trường tọa lạc trên vùng đất thuộc phường Phường Đúc. Do ăn ở nội trú, ngoài giao tiếp với bạn bè, thầy cô, các em còn tiếp xúc với bà con, nhân dân xung quanh trường. Làm sao để các em sớm hòa nhập được với xã hội văn minh nhưng vẫn giữ được những phong tục tập quán của mình. Trước tiên, trường đã làm việc với lãnh đạo phường và các tổ dân phố quanh trường để nhờ tạo điều kiện giúp đỡ các em cũng như phối hợp với nhà trường tham gia quản lý nền nếp trong sinh hoạt của các em ngoài xã hội. Để việc hòa nhập với cuộc sống mới được nhanh chóng và tự nhiên, trường thường tổ chức các hoạt động xã hội (lao động công ích, làm vệ sinh đường sá, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn...), các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao giao lưu với cộng đồng. Qua các sinh hoạt đó các em hòa nhập vào cuộc sống mới chung quanh và mối quan hệ giữa nhà trường và địa phương ngày càng gắn bó. Khi nhỡ thiếu cây kim sợi chỉ, ngòi viết tập vở các em đều được bà con xung quanh sẵn sàng giúp đỡ. Các quy định về xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương đều được các em tuân thủ. Nhớ lại, trận lụt kinh hoàng năm 1999, các em học sinh của trường đã tham gia tích cực trong việc vận chuyển người, của cải của bà con xung quanh trường đến các điểm cao an toàn. Hai trong số các em đã được UBND thành phố khen thưởng.

Ngoài hai đơn vị kết nghĩa từ trước là xã đoàn Phường Đúc và Bộ đội Biên phòng Tỉnh, trường đang tổ chức các sinh hoạt giao lưu với 2 trường THPT Gia Hội, Đặng Huy Trứ (cũng là những trường thí điểm của phong trào trường học thân thiện) để học tập lẫn nhau và giúp các em tiếp xúc nhiều hơn với môi trường sống xung quanh.

Thật quá sớm để đánh giá thành quả một phong trào thi đua lớn của ngành chỉ sau 4 tháng phát động, nhưng với những việc làm, kế hoạch cụ thể của nhà trường và sự tích cực hưởng ứng của thầy cô giáo, học sinh nhà trường, cùng những chuyển biến ban đầu, hy vọng trong thời gian không xa, trường phổ thông Dân tộc Nội trú Tỉnh sẽ là một điểm sáng thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế.

L.T

Các tin khác