1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ nhà giáo

XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO TRONG
PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Thạc sỹ PHAN CÔNG TUYÊN
UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo TU

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và "tôn sư trọng đạo". Từ xưa, ông cha ta đã đúc kết: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "không thầy đố mày làm nên", "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong thời kỳ mới Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu, người thầy vĩ đại của dân tộc ta đã nói: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - người thầy giáo xứng đáng là người thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng báo, không được tặng thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã khẳng định: "Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý, nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra con người sáng tạo".
Lịch sử đất nước còn ghi danh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, soi sáng cho muôn đời sau như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Siêu... và thời đại Hồ Chí Minh có những nhà giáo mẫu mực: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên... Trong đó có nhiều tên tuổi  nhà giáo xứ sông Hương núi Ngự: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Bạch Văn Quế, Nguyễn Khánh Toàn, Tôn Thất Tùng, Lê Đình Phi, Thân Trọng Ninh...
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa VII) với quan điểm "giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu", là "khâu đột phá" quan trọng nhất và đã xem việc xây dựng đội ngũ nhà giáo là "nhân tố quyết định chất lượng giáo dục".  Đặc biệt, năm 2004 Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về "xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục".
Với sự tôn vinh của xã hội, sự chăm lo của Đảng Nhà nước, đất nước ta có một đội ngũ đông đảo những "kỹ sư tâm hồn" có lý tưởng cao cả vì sự nghiệp "trồng người", tất cả vì học sinh thân yêu. Trong đội ngũ nhà giáo trùng điệp của đất nước, đội ngũ cán bộ và giáo viên tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, bậc giáo dục phổ thông có trên 18 ngàn cán bộ, giáo viên, tăng hơn 8600 giáo viên so với năm 1996. Đáng kể là, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh. Toàn ngành có 250 cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo trên đại học, trong đó có 6 tiến sỹ, 197 thạc sỹ và có 54 cán bộ, giáo viên đang học cao học. Toàn tỉnh có 106  nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Đây là con số đáng trân trọng. Cũng như các thế hệ nhà giáo Việt Nam, đội ngũ nhà giáo Thừa Thiên Huế luôn thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về "diệt giặc dốt", hiểu rõ chân lý "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Trong đội ngũ đó có nhiều cán bộ, giáo viên đã khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý giáo dục. Có hàng trăm giáo viên trẻ tình nguyện và chấp hành sự phân công của tổ chức đã về công tác tại vùng sâu, vùng xa, đến với các học sinh thân yêu vùng phá Tam Giang, vùng núi Nam Đông và A Lưới. Tất cả, đã nỗ lực phấn đấu hết mình đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh nhà ổn định và ngày càng phát triển. Cơ sở vật chất trường lớp được mở rộng và khang trang, kiên cố, xanh sạch đẹp hơn. Chất  lượng giáo dục đại trà đang rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền và các loại hình đào tạo. Học sinh giỏi tăng lên cả lượng và chất, không chỉ có mặt ở các trường học ở thành phố mà cả ở nông thôn, vùng xa, chiếm nhiều vị trí cao ở các sân chơi trí tuệ, các giải thi tài về kiến thức ở nhiều cấp, nhiều hình thức cả trong học sinh và sinh viên. Kết quả này đã minh chứng truyền thống hiếu học và góp phần khẳng định vị thế của tỉnh là "trung tâm giáo dục - đào tạo của miền Trung và cả nước" như Kết luận số 48 của Bộ Chính trị.
Quê hương, đất nước chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức. Giáo dục hơn bao giờ hết, đang chiếm vị trí quan trọng trong việc nâng cao cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược "đi tắt đón đầu" đưa nước ta thành nước phát triển, vững, hiện đại. Đầu năm 2009, Bộ chính trị lại dành kỳ họp để kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về giáo dục và đào tạo và đã ra Kết luận 242 "về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020". Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Trung ương Đảng có định hướng: "phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân", là 1 trong 3 khâu đột phá để đưa đất nước ta phát triển thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Toàn Đảng, toàn dân, cả xã hội đang chăm lo cho giáo dục, song giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn vinh giáo viên là những "anh hùng vô danh" và còn khẳng định: "Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục". Người chỉ rõ: "Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc", "vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú...". Theo Bác, vị trí của người thầy trong xã hội cũ và xã hội mới khác nhau. Xưa nghề thầy giáo chỉ dừng lại "dạy cho con trẻ cái chữ của thánh hiền", nay thầy giáo có nhiệm vụ cao cả hơn "chăm lo dạy dỗ con em nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà". Người yêu cầu, để thực hiện vai trò vẻ vang của mình, người thầy giáo phải phấn đấu để "thầy phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm thầy được".
 Trong báo cáo "Học tập: của cải nội sinh" của Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI, với 9 chương thì đã dành Chương 7 để nói về thầy giáo, khẳng định vai trò quyết định về chuẩn bị thế hệ trẻ cho tương lai phụ thuộc nhiều vào đội ngũ giáo viên. Báo cáo này nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng và động lực của các thầy giáo phải là ưu tiên của tất cả các nước trong thế kỷ XXI này".
Ý thức được yêu cầu trên, cùng với việc tích cực tổ chức thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, hai năm qua ngành giáo dục đã phát động và triển khai mạnh mẽ cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" với nhiều kết quả đáng ghi nhận.  Trong yêu cầu mới của sự nghiệp giáo dục, lãnh đạo tỉnh mong rằng, các cấp uỷ Đảng và ngành giáo dục tỉnh nhà tiếp tục triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả Chỉ thị 40, triển khai thực hiện sâu rộng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Tăng cường công tác phát triển đảng viên trong trường học. Phấn đấu xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, giảng dạy giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề; thông qua việc quản lý, giảng dạy phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng khi tỉnh ta đang nỗ lực để thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị: "Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á".

P.C.T

Các tin khác