1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Chuyện cậu bé nghèo

CHUYỆN CẬU BÉ NGHÈO VÙNG QUÊ SÔNG BỒ

TRỞ THÀNH GIÁO SƯ ĐẠI HỌC

ĐÌNH NAM

Báo Thừa Thiên Huế

Trong số những người được phong học hàm Giáo sư và được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào dịp 20-11-2010, có một người con của xứ Huế đang công tác tại Hà Nội. Anh là Nguyễn Văn Hiệp, vị GS trẻ nhất trong khối khoa học xã hội từ trước đến nay ở nước ta. Uy tín của anh được khẳng định tuyệt đối khi nhận được 10/10 phiếu bầu ở Hội đồng học hàm ngành. Sinh 12-9-1964, năm nay GS Hiệp vừa tròn 46 tuổi.

Nhiều người ở Huế hiện không biết nhiều về anh. Cũng rất đơn giản, từ năm 18 tuổi sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cậu học sinh giỏi nhất trong các thế hệ chuyên văn của tỉnh Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế hiện nay ứng thí và trúng tuyển vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng bắt đầu từ đó, đến nay tròn 28 năm, quê hương Thừa Thiên Huế chỉ còn lại trong ký ức, trong nỗi nhớ thân thương về mẹ, về cha, về những người thầy, người bạn một thời của Hiệp. Vậy nhưng, đối với những thầy giáo cũng như thế hệ học sinh của thập niên 80 thế kỷ trước thì không. Cái tên Nguyễn Văn Hiệp đã khắc ghi như một dấu son đậm đà. Nếu thời hoàng kim của phong trào học sinh giỏi toán Thừa Thiên Huế gắn với 2 chàng họ Lê là Lê Bá Khánh Trình và Lê Tự Quốc Thắng thì với môn văn, Hiệp là một thần tượng. Thi học sinh giỏi văn THCS toàn quốc năm 1979, Hiệp là học sinh đầu tiên của mảnh đất Cố đô dẫn đầu toàn quốc và 3 năm sau trong kỳ thi học sinh giỏi văn THPT lại cũng chính là Hiệp. Thế hệ học sinh giỏi văn ở Huế có sự ghen tỵ đáng yêu, sao lại không có cuộc thi học giỏi quốc tế dành cho môn văn, nếu có giải nhất khó lọt khỏi tay Hiệp.

Quê Hiệp ở làng Bao La, xã Quảng Phú (Quảng Điền), một làng quê đẹp nằm bên dòng sông Bồ thơ mộng, nổi tiếng với nghề làm thúng mủng. Cậu bé Hiệp là con thứ hai trong một gia đình có đến 8 người con. Người cha hiền lành, chăm làm và chất phác, chỉ biết có mỗi nghề làm ruộng. Như bao phụ nữ chân quê khác, người mẹ đảm đang, tần tảo, vừa lo chuyện đồng áng, vừa tổ chức làm thêm thúng mủng "nghề phụ mà ăn chính" để tăng thu, trang trải cuộc sống gia đình và lo cho con cái học hành. Tuổi thơ anh dính chặt với thời kỳ đất nước mới giải phóng với bao khó khăn và thành kiến. Thế nên, chuyện học hành với Hiệp như một cách vượt lên số phận, một hành động trả nghĩa dành cho bậc sinh thành. May mắn cho anh, ngoài nghị lực và niềm say mê học tập, anh còn được trời phú cho một trí tuệ hơn người.

Tôi quen Hiệp rất sớm. Năm 1979, lần đầu tiên tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) mở hệ chuyên văn dành cho học sinh phổ thông. Tôi có tên trong danh sách. Buổi đầu tiên, tôi từ làng Dạ Lê Thượng, Thuỷ Phương (Hương Thuỷ) lên, Hiệp ngoài Bao La vào. Vậy là gặp nhau, là thân nhau từ dạo đó. Học sinh từ quê lên phố, Hiệp không hề khớp mà nhanh chóng hoà nhập ngay vào các sinh hoạt học tập, vui chơi. Năm đầu, chuyên văn và chuyên toán học chung, Hiệp chơi với các bạn bên toán, cùng giải toán học sinh giỏi và tất nhiên cũng học giỏi toán. Chả thế nên thầy giáo dạy toán Nguyễn Đình Lâu có ý định xin chuyển Hiệp sang lớp toán. "May mắn" cho chuyên văn là chuyện không thành. Hiệp học nhanh, nhớ nhanh, nhớ lâu, nhớ tổng quát, rành mạch đâu vào đó, thành ngăn, thành nếp. Học ngoại ngữ, Hiệp học được một vận dụng vào cuộc sống hai ba, biết một từ luận ra được cả chục từ tương đồng. Tôi nể nhất ở Hiệp là khả năng đọc sách. Tiểu thuyết 4 tập "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, bọn tôi nghiền ngẫm cả tháng chẳng rồi, lại đọc trước quên sau nhưng Hiệp chỉ cần một tuần là xong, lại nhớ đến từng chi tiết. Anh chịu khó đọc nhiều loại sách báo khác nhau và đặc biệt có thú vui sưu tập sách. Thời khó khăn, con nhà nghèo ở quê, vậy mà mới chỉ là học sinh lớp 9, Hiệp đã có tủ sách riêng có đến mấy trăm cuốn. Sách mua về, Hiệp bao bọc cẩn thận, lấy gỗ làm khuôn dấu đóng vào đó làm tín hiệu riêng. Không chỉ học giỏi, anh còn chơi thể thao cừ, đánh đàn hay...

 Hiệp như một minh chứng sinh động cho câu nói nổi tiếng của một bậc hiền triết: "Mọi cái đối với con người đều không xa lạ với tôi". Tôi vẫn nghĩ, chính phong cách "học mà cứ như chơi" đã giúp Hiệp vươn cao, vươn xa hơn trong sự nghiệp đèn sách.

Tháng năm theo học ở Hà Nội đầy thử thách với những học trò nghèo như Hiệp. Mỗi năm hai lần về quê, gặp lúc khó khăn có khi phải đi tàu chui. Hà Nội rét đậm, rét hại đến ghê người, cơm ăn chỉ lưng bát, quần áo lại phong phanh, vậy mà học vẫn cứ giỏi. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, anh được làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Tài Cẩn và GS Nguyễn Minh Thuyết. Đúng thời hạn vào năm 1992, Hiệp bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ. Sau đó, chính thức đảm nhiệm công việc giảng dạy ở Khoa Ngôn ngữ Trường đại học KHXH&NV Hà Nội. Anh tâm sự: Mình may mắn được học với các thầy cô giỏi về chuyên môn, đức độ về nhân cách. Các thầy, các cô là những người mà mình ngưỡng mộ và noi gương, đặc biệt là GS Nguyễn Tài Cẩn, với tinh thần "học không biết chán, dạy không biết mệt".

Ở tuổi 46, GS Nguyễn Văn Hiệp đã có một sự nghiệp nghiên cứu khoa học thật đáng nể. Anh đã chủ trì và đồng chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, tất cả đều được đánh giá tốt. Anh cũng đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu ở nước ngoài (một ở Đại học Paris 7, viết bằng tiếng Pháp; một ở Đại học Ngoại ngữ Hankuk, Hàn Quốc, viết bằng tiếng Anh); tham gia 1 đề tài cấp Nhà nước, đã công bố 6 chuyên khảo và giáo trình đại học với tư cách là tác giả riêng hoặc đồng tác giả ở hai nhà xuất bản có uy tín là Giáo dục và Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt, đã công bố đến 33 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín; trong đó, có 3 bài báo viết bằng tiếng Anh công bố trên tạp chí khoa học của Đại học Osaka (viết riêng), Đại học Paris 7 (viết riêng), và in toàn văn trong kỉ yếu của một hội thảo khoa học quốc tế tổ chức ở Singapore (viết chung). Biết cả 3 ngoại ngữ là Anh, Pháp và Nga ở mức độ rất tốt, GS Nguyễn Văn Hiệp cũng đã đi đầu trong hoạt động dịch thuật phục vụ công tác giảng dạy. Đáng kể nhất là bản dịch cuốn "Linguistic Semantics- An Introduction" của J.Lyons được Nhà xuất bản Giáo dục công bố lần đầu năm 2006 (in lại 2008 và 2009). Việc một nhà xuất bản có uy tín như Nhà xuất bản Giáo dục in lại 3 lần bản dịch trong vòng 3 năm chứng tỏ chất lượng tốt của bản dịch. Bạn đọc và các thế hệ học trò trong cả nước hiện nay còn được biết đến cái tên Nguyễn Văn Hiệp trên nhiều cuốn sách giáo khoa phục vụ chương trình Ngữ văn trung học được tái bản hằng năm.

GS trẻ tuổi này cũng để lại những ấn tượng đặc biệt trong vai trò và thiên chức người thầy. Ngoài đảm nhiệm giảng dạy ở cả 3 cấp học là đại học, cao học và tiến sĩ tại Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, thỉnh giảng tại nhiều đại học trong nước, GS Hiệp còn được Đại học Paris 7 (Pháp), Đại học dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc) và Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc) mời dạy thỉnh giảng cho các lớp đại học và cao học. Trong công tác đào tạo, cho đến nay, GS Nguyễn Văn Hiệp đã hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh, trong đó có 6 người đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và 6 người đang thực hiện luận án ở giai đoạn cuối; 21 học viên cao học, trong đó 18 người đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ. Về phạm vi hướng dẫn cao học và tiến sĩ, ngoài nhiệm vụ ở Khoa Ngôn ngữ học, Đại học KHXH&NV Hà Nội, GS Hiệp còn được tín nhiệm mời hướng dẫn ở các cơ sở đào tạo khác, như Đại học KHXH&NV TPHCM, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Việc được mời hướng dẫn ở các cơ sở đào tạo có uy tín như vậy chứng tỏ năng lực tổ chức phối hợp đào tạo, nghiên cứu và năng lực chuyên môn của anh. Điều cảm nhận ở GS Hiệp là không hề có sự ngăn cách. Anh bộc bạch chân thành: Phương châm của mình là cả thầy và trò cùng nhau suy nghĩ để giải quyết vấn đề, và mình luôn luôn khích lệ học trò bảo vệ ý kiến. Mình đã học được rất nhiều trong quá trình hướng dẫn và làm việc cùng với học trò. Cứ thế, qua thời gian, mình cảm thấy hiểu biết chuyên môn càng được nâng lên với thành công của học trò; cảm thấy hạnh phúc vì đã giúp được nhiều học trò bảo vệ thành công luận án, luận văn, khóa luận và có vị trí trong xã hội.

Chơi thân anh, tôi hiểu rõ về anh, một con người giàu tình nghĩa. Xa quê gần 30 năm nhưng với Nguyễn Văn Hiệp vẫn như ngày nào anh còn là học sinh ở Huế. Nghỉ hè hay dịp Tết đến, anh đều tranh thủ về thăm quê, về với mẹ, với em. Nhớ năm ngoái, đi trên chiếc cầu mới bắc qua con sông Bồ quê hương, GS Hiệp đã thực sự xúc động. Ngày trước, một nỗi khổ lớn của học trò quê anh là con sông Bồ cách đò trở giang. Cũng vào năm kia, tích cóp được ít tiền, anh lặn lội đem tiền từ Hà Nội về quê, trao cho mẹ và cùng với sự đóng góp của các chị em sửa sang lại căn nhà lâu ngày đã cũ nát. Vùng sâu trũng quê anh, sợ nhất vào mùa mưa lũ, nước ngập trắng xoá cả vùng. Nhà mới làm xong, anh rủ tôi về thăm và bảo vậy là yên tâm, lụt to cũng ít lo. Cha mẹ già có nơi cao ráo mà chạy lụt. Còn mới đây, khi có tên trong danh sách được phong học hàm Giáo sư, anh mail ngay cho tôi, báo tin vừa mời "ôn" và mệ ra ngay Hà Nội vào cuối tuần. Anh bảo: "Đây là dịp để "ôn" và mệ vui, như một thang thuốc bổ liều cao" đó. Tôi nghe chuyện mà thấy lòng mình như ấm lại. GS Nguyễn Văn Hiệp đã từ quê hương nghèo khó mà vươn lên và anh đã không quên mái ấm gia đình và quê hương đã cưu mang. Con người ấy, đức độ ấy sẽ còn tiến xa hơn nữa trong cuộc đời và sự nghiệp khoa học. Xin chúc anh tiếp tục có thêm nhiều thành công mới, xứng đáng là người con của vùng quê nghèo Bao La bên dòng Bồ giàu truyền thống hiếu học.      

Các tin khác