1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Những câu đối khác thường

NHỮNG CÂU ĐỐI KHÁC THƯỜNG

TRIỀU NGUYÊN

1. Trong kho tàng câu đối nước ta, có một số câu đối khác thường. Nói khác thường, bởi số câu đối này không đặt theo ba loại câu: câu tiểu đối, câu đối thơ và câu đối phú (riêng câu đối phú, gồm câu song quan, câu cách cú và câu gối hạc).

Thử đọc một số câu đối bình thường, tức câu đối đặt theo ba loại câu vừa nêu:

- Câu tiểu đối:

            Ô, quạ tha gà;

            Xà, rắn bắt ngoé!

(Câu tiểu đối 4 tiếng. "Ô", "xà" vừa là cảm từ, lại đồng thời là hai từ Hán Việt cùng nghĩa với hai từ thuần Việt "quạ", "rắn")

- Câu đối thơ theo thể ngũ ngôn bát cú luật Đường:

Quân ân thần khả báo;

Phụ nghiệp tử năng thừa.

(Ơn vua, thần báo đáp;

Nghiệp bố, con noi theo)

(Câu đối thơ theo luật của hai dòng luận, bài ngũ ngôn bát cú luật bằng vần bằng (hoặc hai dòng thực, bài luật trắc vần bằng). Tương truyền, câu đối này nguyên là "Tử năng thừa phụ nghiệp; Thần khả báo quân ân", do vua Tự Đức viết rồi cho treo ở điện Cần Chánh, câu trích dẫn đã được Cao Bá Quát chỉnh sửa lại)

-Câu đối thơ theo thể thất ngôn bát cú luật Đường:

Kiếm một cơi trầu thưa với cụ;

Xin đôi câu đối để thờ ông.

(Câu đối thơ theo luật của hai dòng thực, bài thất ngôn bát cú luật bằng vần bằng (hoặc hai dòng luận, bài luật trắc vần bằng), do Nguyễn Khuyến làm. Tương truyền, một người hàng xóm nghèo đến thưa với Nguyễn Khuyến "Cháu mang cơi trầu sang biếu cụ, xin cụ đôi câu đối để về thờ ông", nhà thơ đã chỉnh lại lời này thành câu đối trên để cho) 

- Câu đối phú theo lối song quan:

                        Chị chờ em ở chợ Chì;

                        Tao kéo mày về Keo Táo.

(Câu đối phú theo lối song quan 6 tiếng, dùng cách lái âm (nói lái): "chị chờ" ¥¦   "chợ Chì"; "tao kéo" ¥¦   "Keo Táo" - chợ Chì, Keo Táo thuộc vùng Hà Bắc)

- Câu đối phú theo lối cách cú:

Cha con thầy thuốc về làng, gánh một gánh hồi hương, phụ tử;

Vàng bạc nhà nông chuộc đất, trồng đôi hàng thục địa, kim ngân.  (Câu đối phú theo lối cách cú 6-7 (13 tiếng). Vế trên là một vế đối cổ, vế dưới của Phan Chu Trinh. Các tổ hợp thuần Việt, Hán Việt cùng nghĩa: "cha con" - "phụ tử"; "về làng" -  "hồi hương"; "vàng bạc" - "kim ngân"; "chuộc đất" - "thục địa").

- Câu đối phú theo lối gối hạc:

Sao ông bỏ mà đi, bỏ cung, bỏ điện, bỏ vợ, bỏ hầu, bỏ con hát, thầy tăng, bỏ cả phong lưu trong một kiếp;

May tôi còn ở lại, còn nước, còn non, còn trời, còn đất, còn anh hùng, hào kiệt, còn nhiều ân oán với năm châu.

(Câu đối phú theo lối gối hạc 5-13-7 (25 tiếng). Tương truyền, khi vua Khải Định mất, có người đã thác lời vua Duy Tân mà viết câu đối này).

2. Câu đối khác thường là loại câu đối không theo lối đặt câu như vừa nêu. Trong số các câu đối khác thường, có ba câu được nhiều tài liệu ghi lại. Ở đây, chép theo Câu đối Việt Nam (Phong Châu, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006; - sách này được xuất bản lần đầu năm 1959), câu 1, tr 37; câu 2, tr 38; câu 3, tr 122. 

a) Câu đối "Cảm xuân (1)" của Phạm Thái:

Xuân mới gọi là xuân: xuân thiều quang thục úc, xuân xướng mậu huyên hoà, ai chẳng mong xuân mãi để vui đời? Kìa xem nơi này đinh, nơi nọ đáo, nơi ấy đánh đu,… Xuân năm ngoái vui lắm, năm nay lại vui ghê, muốn xuân mãi để nhởn nhơ ngày tháng bụt!

Tuổi cũng thì là tuổi: tuổi phú quý vinh hoa, tuổi công danh sự nghiệp, ai chẳng muốn tuổi dai cho sướng kiếp! Những thì ngày nay cờ, ngày mai bạc, ngày kia chè rượu,… Tuổi ngày trước dại vầy, ngày rày còn dại mãi, lắm tuổi chi cho tốn vải nước cơm trời? 

b) Câu đối "Cảm xuân (2)" của Phạm Thái:

Mệnh ta tuổi Đinh Dậu, năm nay ba chục, chừng nhi lập xem đà phải khoảng, nghĩ mình nay đầu đã lớn tày giành! Ví thân này nửa kiếp đã hầu qua, phù sinh ấy khéo buồn tênh thay mình nhỉ? Giận cái long đong làm lỡ phận, không thanh danh cho lừng lẫy áng bang gia. Khư khư ôm vinh nhục những rằng trời, chết chôn kĩ kẻo vất vơ mà huyễn thế.

Người ta năm Bính Dần, đầu tháng mồng hai, tiết tân xuân nay đã đến thì, mừng trời ấy mũi hẳn to bằng thống! Như xuân thế một năm hầu dễ mấy, lạc thú kia nên náo nức với ai ơi! Sợ con sồng sộc kíp theo chân, đưa thanh sắc để nhởn nhơ nơi thành thị. Hẳn hẳn lấy tính tình vui với cảnh, sống chơi dai cho khủng khẳng rạng trần gian.

(Phạm Thái (1777-1813), tự Đan Phượng, đạo hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Tác phẩm có "Chiến tụng Tây Hồ phú", thơ văn chép trong "Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập", và truyện nôm "Sơ kính tân trang". Theo tiểu sử nhà thơ, thì câu đối "Cảm xuân (2)" được viết năm 1806).

c) Câu đối "Viếng Phan Đình Phùng" của văn thân Nghệ Tĩnh (1895):

Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chư quân tử thuỷ chung. Châu chi anh, Mặc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng. Khả hận giả thuỳ điên đại hạ, nhất mộc nan chi, cung lãnh yên tiêu, thuỳ nhân bất tác thâm sơn oán. Huống đương nhật long phi vân ám, cộng ta nhân sự vô thường, khả liên La Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiên binh mã.

Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thuỷ, nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu vũ trụ. Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bá tùng điêu. Vị hà tai hội quyết đồi ba, trung lưu để trụ, tinh di vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tình? Cập thử thời nhạn tán phong xuy, kham thán thiên tâm mạc trợ, độc thử tùng mai khí tiết, nhất tử tinh thần quán đẩu ngưu.

(Đào Trinh Nhất dịch:

Anh hùng thành bại kể chi, dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau. Mặc Châu đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách. Ngao ngán nhẽ lầu cao sắp đổ, một cột khó chiều, phòng vắng khói tan, liếc mắt rừng xanh thêm tức tối! Vả bây giờ rồng bay mây đậm, xót xa nhân sự khôn lường, khá thương La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc!

Trời đất xưa nay thế mãi, đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phường tuấn kiệt. Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha! Đau đớn thay đê lở sóng vồ, giữa dòng trụ đứng, sao dời vật đổi, ngoảnh đầu vườn cũ phải bồn chồn! Đương phen này gió thổi nhạn lìa, căm giận hoá công cay nghiệt, chỉ đem tùng mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao.)

Hai tài liệu Thi ca Việt Nam thời Cần vương (1885-1900) (Phan Canh, Đào Đức Chương, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr 59), và Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ 19 (1858-1900) (Chu Thiên và tgk, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr 568), có ghi bản dịch câu đối này của Hoàng Tạo, với lối trình bày khá xa lạ so với câu đối bình thường, như sau:

(I) Anh hùng thành bại kể chi, tấc dạ cô trung, tấm gương nghĩa cả, thề cùng các bạn chu tuyền.

Son mực thánh thần, đọc sách lấy cương thường làm trọng.

Giận vì lẽ nhà to sắp đổ, một cây chẳng chống được nào; cung lạnh khói tan, cảnh non thẳm ai không xót nỗi!

Gặp vận rồng bay mây tối, ngậm ngùi cuộc thế đổi thay.

Thương ôi La Việt non sông, văn hiến trăm năm binh mã loạn!

(II) Trời đất cổ kim còn mãi, một dòng nước chảy, muôn trượng núi xa, ấy chốn nam nhi ngang dọc.

Lam Hồng gió tuyết, ngạo đông cho tùng bách cũng gầy.

Tính sao đây sóng cả đang dâng, cột đá giữa dòng khó vững; sao dời vật đổi, tình cố hương ai chẳng chạnh lòng?

Nguồn cơn nhạn lạc gió gầm, ngao ngán lòng trời cay nghiệt.

Thấy chửa tùng mai khí tiết, tinh thần một thác đẩu ngưu cao!

Loại câu đối khác thường này tuy không có nhiều, nhưng hẳn cũng phải có một cơ sở để sáng tạo nên chúng. Vậy đó là cơ sở nào?

Câu trả lời được tìm thấy ở kinh nghĩa bát cổ.    

Kinh nghĩa bát cổ có từ đời Thành Hoá (1465-1487) nhà Minh, đến nhà Thanh được dùng phổ biến trong học hành, thi cử. Ở Việt Nam, kinh nghĩa theo lối bát cổ đến cuối thời Lê - Trịnh mới được chú ý, và trở nên đắc dụng dưới thời Nguyễn.

Một bài kinh nghĩa bát cổ, trên đại thể, chia đoạn mạch ra làm bảy phần như sau:

1) Phá đề: Mở bài, gồm một hai câu, không cần đối.

2) Thừa đề: Triển khai ý của lời mở, gồm vài ba câu, không cần đối.

Hai phần trên, người viết lấy lời mình mà nói, từ phần thứ ba trở đi phải thay người xưa mà nói. 

3) Khởi giảng: Nêu đại ý của đề bài, gồm vài ba câu, đối hay không cũng được. Cuối phần này, có một câu nối giữa nó và hai phần trước với các phần sau, gọi là lĩnh mạch. 

4) Khai giảng: Mở ý đề bài, gồm hai đoạn (hoặc hai vế) đối nhau. Cuối phần này có một câu nhắc lại đề bài, gọi là hoàn đề.

5) Trung cổ: Giải thích cho rõ nghĩa của đề ra, gồm hai đoạn đối nhau.

6) Hậu cổ: Bình luận để rộng thêm ý của đề bài, gồm hai đoạn đối nhau.

7) Kết cổ: đóng ý đề bài lại, gồm hai đoạn đối nhau. Cuối phần này có một vài câu thắt đề bài lại, gọi là thúc đề.

Từ phần khai giảng đến phần kết cổ, trừ hoàn đề và thúc đề ra, mỗi phần chia làm hai đoạn đối nhau, có tám đoạn tất cả, nên gọi là bát cổ (thường dịch là "tám vế"). Xét cái đoạn mạch vừa trình bày, có thể thấy rõ bóng dáng của bố cục bài văn. Nhưng ở đây không chỉ là sự phân bố của các phần làm nên nội dung văn bản mà còn là "sự liên kết bên trong, là nghệ thuật kiến trúc nội dung tác phẩm", cho nên, gọi cho chính xác hơn là kết cấu, đó là kết cấu bát cổ (của loại văn bản kinh nghĩa). Kết cấu này làm thành "bộ khung" lập luận của văn bản.

Thí dụ, bài kinh nghĩa bát cổ, viết bằng chữ Nôm "Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng" (Lê Quý Đôn (?)).

Đề ra: Con về nhà chồng phải kính phải răn, chớ trái lời chồng.

Bài làm:

PHÁ ĐỀ: Khuyên con giữ đạo làm dâu, bà mẹ nghĩ đã đến lắm vậy.

THỪA ĐỀ: Phù con dại cái mang, lẽ xưa nay vốn thế. Khuyên con phải kính trọng chồng, há chẳng phải đạo lắm ru?

KHỞI GIẢNG: Mẹ đưa con ra cửa, tự nhủ rằng: Trong phối định ba giềng đạo cả, thật là muôn hoá chi theo ra; mà hôn nhân hai họ giao vui, há để một lời chi trách đến.

Câu lĩnh mạch: Mẹ đưa con ra, mẹ càng nghĩ lắm, con ạ!

KHAI GIẢNG:    [ĐOẠN TRÊN]: Con, con mẹ, mà dâu, dâu người vậy! Hoặc lời ăn lời nói chi ra tuồng, tức lành đồn xa dữ đồn xa, ai bảo rằng con chi còn nhỏ.

[ĐOẠN DƯỚI]: Dâu, dâu người, mà con, con mẹ vậy! Hoặc trong cửa trong nhà chi có chuyện, tức yêu nên tốt ghét nên xấu, rồi ra trách mẹ chi không răn.

Câu hoàn đề: Về nhà chồng phải kính phải răn, chớ trái lời chồng, con nhé!

TRUNG CỔ:      [ĐOẠN TRÊN]: Lúc ở nhà nhờ mẹ nhờ cha, về nhà chồng nhờ chồng nhờ con nhé! Khôn chẳng qua lẽ, khéo chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng. Nhủ này con, nhủ này con: đi đến nơi về đến chốn, việc nhà việc cửa chi siêng năng; hỏi thì nói gọi thì thưa, thờ mẹ thờ cha chi phải lẽ. Kính lấy đấy, răn lấy đấy! Liệu học ăn, học nói, học gói, học mở; khi anh nó hoặc ra xô xát chi lời, cũng tươi cũng đẹp, cũng vui cười; chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà con kê chi kể lể. [ĐOẠN DƯỚI]: Lúc ở nhà là mẹ là con, về nhà người là dâu là con nhé! Khôn cho người dái, dại cho người thương, chớ bắt chước người thế mặc áo qua đầu chi khủng khỉnh. Nghe chưa con, nghe chưa con: ăn có nơi nằm có chốn, lời ăn lẽ ở chi ra tuồng; gọi thì dạ bảo thì vâng, thờ mẹ thờ cha chi phải đạo. Kính vậy thay, lễ vậy thay! Chớ cậy khôn, cậy khéo, cậy duyên, cậy tài; khi anh nó hoặc nổi bừng bừng chi sắc, thì lạy thì van, thì lễ phép; đừng học chi những tuồng đĩ thoả, mà hoặc dây mơ rễ má chi lôi thôi.

HẬU CỔ:                       [ĐOẠN TRÊN]: Thế có kẻ xem chồng như đứa ăn đứa ở, thậm đến điều mày tớ chi khinh. Chẳng biết rằng: ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người. Chẳng suy chẳng nghĩ, lại ra điều cả vú lấp miệng em, sao chẳng biết xấu chàng hổ ai chi lí? Mẹ khuyên con giữ lấy đạo hiền, đói no cũng chịu giàu sang cũng nhờ, chớ hoặc sinh vênh vểnh chi môi; khi anh nó cả giận hoá sinh xằng, mẹ con ắt phải mắc bèo trôi chi tiếng.

[ĐOẠN DƯỚI]: Thế có kẻ giận chồng mà đánh con đánh cái, thậm đến điều mày tao chi quá. Chẳng biết rằng: khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy rằng vụng dại cũng là đàn ông. Bạ ăn bạ nói, lại ra điều múa rìu qua mắt thợ, sao chẳng biết già đòn non lẽ chi cơ? Mẹ khuyên con giữ nết thảo hiền, vọt roi cũng chịu yêu thương cũng nhờ, chớ hoặc lộ sầm sầm chi mặt; khi anh nó nói dai càng thêm chuyện, cha con ắt phải mang vớ cọc chi cười. 

KẾT CỔ:                       [ĐOẠN TRÊN]: Con ơi! Nhập gia tuỳ tục, mẹ nhủ cho đạo vợ chi thường; [ĐOẠN DƯỚI]: xuất giá tòng phu, con phải giữ nhà chồng chi phép.

Câu thúc đề:      Thôi, mẹ về! So sánh câu đối khác thường với các phần của bài kinh nghĩa bát cổ, đặc biệt là "trung cổ" và "hậu cổ", ta thấy giữa chúng có cách tổ chức âm thanh, ý nghĩa giống nhau (mỗi câu đối khác thường có cấu trúc như một "cổ" của "bát cổ"). Theo đó, có thể xác định: loại câu đối khác thường, về bản chất chính là lối đối phân thành hai đoạn như các "cổ" của loại kinh nghĩa bát cổ.

3. Như đã nói, loại câu đối khác thường này rất hiếm (hình như trong kho tàng câu đối của dân tộc, chỉ có ba câu vừa dẫn), và chưa thấy có tài liệu giải thích về chúng. Khi tìm hiểu về câu đối nói riêng biền văn nói chung, người viết tách chúng ra, gọi đây là những văn bản gần với câu đối. Bởi như đã thấy, chúng gồm hai đoạn văn và đối nhau theo thứ tự của từng cặp câu tương ứng của hai đoạn văn ấy, như các "cổ" của kinh nghĩa bát cổ: cái cơ sở để sáng tạo nên chúng, đồng thời cũng là chỗ khác biệt giữa chúng so với câu đối bình thường (với câu đối bình thường, việc đối nhau chỉ thực hiện ở cấp độ câu, cả biền văn nói chung, cũng thế).

Dẫu vậy, do chúng vẫn được các nhà nghiên cứu đi trước gọi là câu đối, và chép chung với các câu đối bình thường khác, nên ở đây tạm gọi như đã trình bày, hay cũng có thể gọi là câu đối đặc biệt, để phân định.

T.N. 

Các tin khác