THPT Phan Đăng Lưu: Bài viết ý nghĩa về Ngày sách Việt Nam: NHÂN NGÀY SÁCH BÀN VỀ GIÁ TRỊ SÁCH

Lắng nghe những ý kiến từ tiền nhân, ta càng thấm thía giá trị của sách mang lại, mà cơ hồ nếu không có nó cuộc đời này sẽ buồn biết bao nhiêu, người và người sẽ sống với nhau như thế như thế nào? Để hưởng ứng phong trào ngày sách Việt Nam 21/4 và nâng cao văn hóa đọc trong môi trường dạy và học, không ngừng hoàn thiện nhân cách và tâm hồn, thầy và trò trường THPT Phan Đăng Lưu hãy cùng nhau lật lại những trang sách ý nghĩa, mà ở đó khai mở ra những giá trị lớn lao làm giàu trí tuệ và tâm hồn chúng ta.
Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta đang đứng trên đôi vai người khổng lồ của công nghệ thông tin, chỉ cần một cú đúp chuột, cả thế giới sẽ hiện ra trước mắt. Nhưng tất cả thông tin ấy qua một tấm phểu lọc như thế nào? Đi vào não bộ và con tim ta bằng cách nào? Nếu như con người không có một sự chuẩn bị chắc chắn về nền tảng tri thức và nhân cách ắt hẳn sẽ như một con rối trong thời đại 4.0. Không thể không phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin và mạng xã hội, tuy nhiên tầm quan trọng của sách vẫn không hề giảm sút và đem lại nhiều giá trị cho con người. Mỗi quyển sách chứa đựng một nội dung, đề cập đến những giá trị nhân văn khác nhau và trở thành tiền đề gắn kết con người với kiến thức của nhân loại. Sách mở ra trước mắt ta bể học vô bờ, đọc một cuốn sách hay như là đang trò chuyện với một bộ óc vĩ đại. Chẳng phải học thuyết về sự tiến hóa của Darwin, nghiên cứu về di truyền học của Mendel hay chủ nghĩa Marx Lenin đều được được lưu lại trên những trang sách để soi cho hậu thế ánh sáng của trí tuệ đó sao. Sách chứa đựng nguồn kiến thức khổng lồ và giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài, tiếp cận với nền văn minh của nhân loại, nhờ có sách mà xã hội mới có thể phát triển được. Cho dù xã hội có phát triển tới đâu thì những giá trị to lớn mà sách đem lại cho con người vẫn không thể nào xóa bỏ được.
Sách còn đưa con người đến gần với những giá trị CHÂN- THIỆN- MĨ. Sách truyền tải những nội dung nhân văn, giáo dục con người về tình cảm yêu thương lẫn nhau, về lối sống và đạo đức con người. Những trang truyện của H. Balzac, những tiểu thuyết của V. Huygo, M.Gorki… những vần thơ trong sáng của Psukin từ nước Nga xa xôi đến những câu Kiều thấm đẫm nhân văn của dân tộc ta và cả những trang văn của nhà văn Chile, Luis Sepúlveda đã kết nối bao trái tim trong sự đồng điệu, nâng đỡ bao tâm hồn cằn cỗi trở nên giàu có và thi vị, giúp ta nhận ra những quy luật của cuộc đời và nhận chân chính con người để ta trở nên tròn trịa và dịu dàng. Sách dạy ta yêu ghét phân minh, bồi đắp tình yêu thương, lòng nhân ái, đưa ta đến với tình yêu cái đẹp, mà nếu thiếu nó, tâm hồn ta đôi khi bơ vơ, giá lạnh như kẻ mồ côi. Nhâm nhi một trang sách hay, một trang sách đẹp là từng thớ cảm xúc con người như đang rỉ rả, ngân nga diệu vợi. Nhưng không phải chỉ bung trào cảm xúc mà chính cảm xúc đó dẫn ta đi vào địa hạt của lòng nhân, giáo dục ta về lối sống tròn đạo, chính nghĩa, có lí tưởng, có ước mơ, có khát vọng. Mở lối vào trái tim, dẫn dắt tâm hồn, bồi đắp để hoàn thiện nhân cách, sống một cuộc đời ý nghĩa hơn- đó là giá trị to lớn nhất của những trang sách nhân loại. Nếu một ngày không chạm đến sách, con người không những sẽ xuất hiện những lỗ hổng về tri thức mà cả tâm hồn cũng cằn khô như sa mạc hóa, như ruộng đồng nứt nẻ vì nắng hạn, và con người càng dễ chấp nhận, dung túng cho những sai trái, bất nhân.
Điều kì diệu của sách còn giúp phát triển tư duy của người đọc, nhất là trong xã hội hiện đại, những cuốn sách để phát triển bản thân, làm giàu kĩ năng xuất hiện rất nhiều. Bạn có thể đang cầm trên tay cuốn 7 thói quen thành đạt của Stephen R. Covey, Trí thông minh và cảm xúc của Steven J.Stein, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! của Adam Khoo, Chỉ số vượt khó của Paul G.Soltz, Chỉ số đam mê của Virennder Kapoor…Những cuốn sách như thế cho bạn một khả năng chủ động trong tất cả mọi tình huống, biết cách kiểm soát bản thân, biết vạch ra mục tiêu cho cuộc đời, làm chủ vận mệnh, lái con thuyền cuộc đời vượt qua những ngã rẻ mà phong ba bão táp có thể đang đón đợi. Chắc chắn khi tắm táp trong những trang sách ấy, bạn có cơ hội để thành công, cho dù bạn mấy mươi chăng nữa, mười lăm, hai mươi, ba mươi, thậm chí là năm mươi đi nữa, bạn vẫn nhìn thấy con đường đi cho riêng mình. Những trang sách ấy chứa đựng những câu chuyện về những chính trị gia, những doanh nhân thành đạt, những nhà khoa học tài năng, hay đơn giản chỉ là những tấm gương vượt khó bình dị, nhưng nếu không có những trang sách ấy, ta phải đi vòng, phải lần mò mà đôi khi mệt mỏi bởi thiếu đi một điểm tựa chắc chắn.
Giá trị đọc sách đâu chỉ dừng lại ở việc phát triển bản thân mà còn là mấu chốt trong phát triển xã hội. Những công dân biết đọc sách, đam mê sách sẽ kết nối cộng đồng trong những ứng xử có văn hóa, những lối sống tình nghĩa, yêu thương. Lan tỏa giá trị sách trong cộng đồng sẽ nâng cao văn hóa đọc sách, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu biết bao, một khi nhân tình được bồi đắp thì nhân sinh càng bớt đi những khổ đau, bi kịch, người với người xích lại gần nhau hơn, thấu cảm hơn.
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng đầy thử thách, và trong những ngày tháng ấy, ta hãy làm bạn với những trang đời, bạn sẽ thấy thêm niềm tin và hi vọng về một ngày mai tươi sáng. Nhân ngày sách Việt Nam 21/4, ta hãy cùng nhau chạm tay đến những con chữ, những lời hay ý đẹp để nét văn hóa này mãi mãi neo lại trong tâm thức con người Việt nhân văn.
Người viết: Hoàng Thị Bích Hồng
Tổ Văn - THPT Phan Đăng Lưu
Nguồn: THPT Phan Đăng Lưu