1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Đến với bài thơ hay

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

NGÔ THẾ OANH

KHÔNG ĐỀ

Tôi vẫn thầm mong được gặp lại tháng năm
tinh khiết những đóa hoa màu trắng
mở nhè nhẹ trên lòng tôi yên tĩnh
mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi

em đi bên tôi mơ hồ thoáng nét cười
vòm long não non xanh màu ngọc bích
giá tôi có thể quên giá mà quên được
biết làm sao để đừng nhớ về em

và tôi đi chầm chậm dọc Hương Giang
trời trong suốt dòng sông trong suốt
Huế đẹp đến tưởng chừng không có thực
bao nhiêu người đã yêu đã hạnh phúc khổ đau

mùa hạ ấy xa rồi bây giờ em ở đâu
thành phố rộng đường tôi không thuộc hết
hoa vẫn trắng những cánh màu thanh khiết
mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi...

Chẳng biết tôi đã đọc đi đọc lại đến lần thứ mấy bài thơ Không đề của Ngô Thế Oanh. Mỗi lần đọc là mỗi lần mở nhè nhẹ trên lòng tôi yên tĩnh thứ cảm giác tinh khiết, non xanh, trong suốt và thanh khiết.
Vì đâu tôi cũng không biết nữa. Vì tháng năm mà tác giả thầm mong được gặp lại? Vì Huế của ngày xưa và Huế của ngày tác giả tìm về? Hay là vì toàn bộ cái gọi là bài thơ có tên gọi Không đề ấy?
Có những năm tháng đi qua thành nỗi nhớ, thành nỗi ám ảnh dọc suốt cuộc đời con người ta. Cái quá - vãng - dịu - êm ấy nó có mặt trong thức người ta ăn, trong nước người ta uống, trong không khí người ta thở mỗi ngày. Nó cứ lung linh sáng giữa hai bờ hư - thực, cứ hắt bóng xuống miền - dư - âm, cứ nâng bước người ta trên cuộc hành trình - về - phía - thiện. Ngô Thế Oanh cũng có một dĩ vãng như thế, và hơn thế. Ấy là những tháng năm mùa hạ, nơi có tinh khiết những đóa hoa màu trắng, có em đi bên mơ hồ thoáng nét cười, có vòm long não non xanh màu ngọc bích, có Huế đẹp đến tưởng chừng không có thực... Ôi chao, sẽ là thừa khi ta đem câu chữ ra bình về cái vẻ trinh nguyên, thánh thiện, hư huyền của chuỗi - ngày - xưa - xa ấy, cái chuỗi ngày đã cắm sâu vào cõi hồn tác giả, trở thành nỗi nhớ thường trực và vĩnh viễn, buộc lòng tác giả phải thốt lên: Giá tôi có thể quên giá mà quên được/biết làm sao để đừng nhớ về em.
"Em ơi, ký ức không nguôi thôi thúc và tôi đã gặp lại chốn xưa. Tôi đi chầm chậm dọc Hương Giang/trời trong suốt dòng sông trong suốt, trong suốt như pha lê, như kỷ niệm tình yêu của đôi ta vậy. Tôi đi chầm chậm... chầm chậm... thôi để được thả hồn cùng Huế, để tìm lại cảm giác, để sống lại những tháng năm đã mất, mặc hồn hoài tưởng, khát khao... Huế của chúng mình vẫn quyến rũ đến tê lòng. Hoa vẫn trắng những cánh màu thanh khiết... Cảnh đấy người ở đâu? Mùa hạ ấy xa rồi bây giờ em ở đâu?
Mùa hạ ấy xa rồi bây giờ em ở đâu? Câu hỏi của chủ thể trữ tình bật ra rơi vào thẳm xanh của sông, của trời xứ Huế, rơi vào giữa ngổn ngang những con đường mà tác giả không thuộc hết giữa thành phố rộng. Huế đẹp đến tưởng chừng không có thực. Cái mùa hạ ấy đẹp đến tưởng chừng không có thực. Và cuộc chia xa của tác giả và người con gái ấy cũng tưởng chừng không có thực. Do vậy, điệp khúc mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi cứ trở đi trở lại, gợi sự thảng thốt, ngỡ ngàng trước những trái ngang, gợi niềm nuối tiếc trước những gì đã trượt ra ngoài tầm tay với.
Cái tài của người làm thơ là có thể gọi tên chính xác những gì vốn mơ hồ. Gọi tên nỗi nhớ, niềm nuối tiếc một cách thật thơ như trường hợp Ngô Thế Oanh, kể cũng không phải nhiều người. Tác giả đã thật sự xúc động hồn thơ nên những dòng thơ Không đề này đã, đang và sẽ mở nhè nhẹ tâm hồn khách tri âm, giúp họ tĩnh tâm, tự thanh lọc, tự nâng mình lên khỏi giới hạn chật chội của đời thường trần trụi để chạm đến cõi cao khiết, thánh thiện của cảnh, của tình người và của cái mà lâu nay người ta vẫn gọi là Thơ.

HOÀNG ĐĂNG KHOA

Các tin khác