1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Giải mã hiện tượng thuận nghịch độc

GIẢI MÃ HIỆN TƯỢNG THUẬN NGHỊCH ĐỘC
CỦA THỂ THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ LUẬT ĐƯỜNG,
TỪ GỐC ĐỘ THI LUẬT

TRIỀU NGUYÊN

1. Thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường, lối chính cách, có yêu cầu về cách phối thanh, hiệp vần, tạo đối và cách bố cục, khái lược như sau:

- Về phối thanh (niêm luật):

Có hai kiểu phối thanh, thường gọi là luật bằng và luật trắc. Để giản tiện, có thể căn cứ vào tiếng thứ hai của câu (dòng) đầu, nếu tiếng này bằng là luật bằng, tiếng này trắc là luật trắc (1). Quy tắc phối thanh được thực hiện trên tổng thể bài thơ, qua phương thức niêm. Tám dòng gộp thành bốn cặp niêm sau: 1 - 8, 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7. Lệ bất luận: nhất, tam, ngũ bất luận (tiếng thứ nhất, thứ ba và thứ năm mỗi dòng, không kể bằng hay trắc).

- Về hiệp vần:

Vần chân, một vần (độc vận), thường gặp là vần bằng, gieo vào các dòng 1, 2, 4, 6, và 8. Kết hợp giữa luật với vần, thể thất ngôn bát cú luật Đường có bốn kiểu: kiểu luật bằng vần bằng, kiểu luật bằng vần trắc, kiểu luật trắc vần bằng, và kiểu luật trắc vần trắc. Trên thực tế, số sáng tác theo vần trắc rất ít ỏi, nên chủ yếu chỉ gồm hai kiểu vần bằng. Thể thơ này cũng có thể chiết vận, với điều kiện phải tạo đối ở liên 1 (dòng 1 đối với dòng 2), nhưng số bài như vậy cũng rất hiếm.

- Về tạo đối:

Một bài thơ được chia làm 4 liên: liên 1 (hai dòng 1 - 2), liên 2 (hai dòng 3 - 4), liên 3 (hai dòng 5 - 6), liên 4 (hai dòng 7 - 8). Liên 3 và liên 4 phải tạo đối, tức dòng 3 đối với dòng 4, dòng 5 đối với dòng 6 về ý (về thanh thì luật đã quy định đối nhau).
- Về bố cục:

Thường được chia làm bốn phần, mỗi liên một phần, theo thứ tự: đề, thực, luận, kết.

Dưới đây, là hai mô hình phối thanh (kết hợp với các yếu tố vừa nêu) cơ bản của thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường (viết tắt: b: bằng; t: trắc; B: vần bằng; T: vần trắc; x: bằng hay trắc đều được):

Thí dụ, bài luật bằng vần bằng (bài "Đập đá ở Lôn Lôn" của Phan Châu Trinh):

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan nào sá sự con con!

Có thể thấy rằng:

a) Các quy định của thể thơ này không chỉ thuần tuý về hình thức, bởi như tạo đối và bố cục đã nghiêng về lĩnh vực nội dung. 

b) Bộ phận vần và các tiếng cuối dòng (đặt trong khung) có thể tách ra khỏi mô hình. Cho nên, muốn có mô hình của kiểu thơ luật bằng vần trắc chẳng hạn, ta chỉ cần "dỡ" bộ phận vần ở mô hình I ra, rồi "lắp" bộ phận vần trắc (ở mô hình II) thay vào, hay muốn có mô hình của kiểu thơ luật trắc vần bằng, thì "dỡ" bộ phận vần ở mô hình II ra, rồi "lắp" bộ phận vần bằng (ở mô hình I) thay vào.

c) Các tiếng ở vị trí 2, 4, 6 và bộ phận vần trong mô hình là cố định. Các kiểu dạng thơ (2) trực thuộc thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường (như song điệp, song thanh điệp vận, thuận nghịch độc, vĩ tam thanh, thủ vĩ ngâm,... ), được xây dựng từ những tiếng còn lại, tức các tiếng thuộc lệ bất luận, ở vị trí 1, 3, 5 đã nêu. 

2. Kiểu thuận nghịch độc của thể thất ngôn bát cú luật Đường, là lối tạo lời thơ chẳng những đọc thuận (đọc như bình thường) hợp lẽ, mà đọc ngược (đọc từ tiếng cuối cùng trở ngược lên) cũng có nghĩa. Thí dụ, bài "Đền Ngọc Sơn" (Khuyết danh):

(Đọc xuôi)

Linh uy tiếng nổi thật là đây,
Nước chắn hoa rào một khóm mây.
Xanh biếc nước soi hồ lộn bóng,
Tím bầm rêu mọc đá tròn xoay.
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng,
Khách vắng khi đưa xạ ngát bay.
Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng,
Rành rành nọ bút với nghiên này.

(Đọc ngược)

Này nghiên với bút nọ rành rành,
Thắng cảnh đồn vanh tiếng thị thành.
Bay ngát xạ đưa khi vắng khách,
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh.
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím,
Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh.
Mây khóm một rào hoa chắn nước,
Đây là thật nổi tiếng uy linh. 

Có thể tìm thấy việc giải thích hiện tượng này từ đặc điểm của tiếng Việt (do tính đơn tiết, cấu tạo ngữ pháp theo trật tự từ và hư từ,... ), nhưng điều lí giải ấy chỉ cho thấy sự hợp lẽ về nội dung được đề cập. Để có được cái nhìn xác thực, vấn đề cần được soi rọi dưới góc độ thi luật.   

Ở góc độ này, muốn đọc ngược được (theo từng dòng, từ dòng 8 đến dòng 1) mà vẫn giữ đúng vần luật, cần phải có mấy điều kiện: a) Trong một dòng, các tiếng buộc phải theo luật tương ứng nhau, như tiếng thứ 2 và tiếng thứ 6 phải cùng bằng hoặc cùng trắc,...; b) Do khi đọc ngược, dòng 8 thành dòng 1, dòng 7 thành dòng 2, dòng 6 thành dòng 3,..., nên, chẳng hạn, cặp dòng 7 - 6 trở thành cặp dòng 2 - 3 mới, vậy bốn dòng này phải niêm nhau; c) Bộ phận vần của bài đọc ngược phải "lắp đặt" trước.

Hai điều kiện đầu, đáng lẽ không phải đặt ra, bởi chúng đã được vần luật thể thơ đáp ứng. Ở mỗi dòng thơ, nếu lấy tiếng thứ tư làm tâm điểm, và không tính tiếng thứ nhất, tiếng thứ bảy, thì hai cặp 2- 6 và 3 - 5 đối xứng nhau (chúng hoặc cùng bằng hoặc cùng trắc, hoặc cùng miễn luật) - khi tính toàn bài, thì các tiếng thứ tư nằm trên trục đối xứng. Theo quy tắc niêm đã nêu (các cặp dòng: 1 - 8, 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7 niêm nhau), cặp 2 - 3 phải khác thanh với dòng 1 (của cặp 1 - 8) đứng trước và cặp 4 - 5 đứng sau, nên chúng giống hệt với cặp 6 - 7. Nói khác đi, dòng 7 giống dòng 2, dòng 6 giống dòng 3,...(3); đồng thời, bài đọc xuôi theo luật gì thì bài đọc ngược theo luật ấy.

Riêng điều kiện cuối, thay vì các tiếng thứ nhất được miễn luật, nhưng do có chuyện đọc ngược, chúng trở thành bộ phận vần của bài đọc ngược, nên phải "lắp" bộ phận vần vào: chúng trở thành những tiếng bị buộc phải theo vần luật. Bộ phận vần này đảo ngược so với bộ phận vần bài đọc xuôi (cụ thể, chúng đặt đầu các dòng 1, 3, 5, 7 và 8). Mô hình của bài thuận nghịch độc chỉ bổ sung bộ phận vần này, như sau (trình bày kiểu luật bằng vần bằng, để tiện đối sánh với hai bài thơ chọn dẫn):

Ghi chú: a) Bộ phận vần được bổ sung vào mô hình cơ bản (làm nên đặc trưng của dạng thuận nghịch độc) được đặt trong khung hình chữ nhật; b) Trục tung: trục đối xứng giữa các tiếng trong dòng (trừ các tiếng ở vị trí thứ nhất và thứ bảy); c) Trục hoành: trục đối xứng giữa các dòng (trừ các tiếng ở vị trí thứ nhất và thứ bảy): 4 - 5, 3 - 6, 2 - 7, 1 - 8 (tạo thành các cặp niêm); d) Tâm đối xứng của bài thơ (là giao điểm của hai trục): cho thấy các cặp đối xứng đều cùng b hay t, cả với bộ phận vần (cùng B hay T).

3. Một hình ảnh có thể liên tưởng tương ứng với vấn đề đặt ra, là phương thức biểu diễn, tạm gọi là "nhào lộn xuôi ngược". Diễn viên thực hiện kiểu nhào lộn này xem vai trò của tay và chân giống nhau (khi lộn ngược người, tay thay thế chân, chân làm phần việc của tay), cho nên, họ phải gắn thêm một cái đầu giả ở giữa hai bắp đùi. Người xem thấy cơ thể người biểu diễn chia làm hai phần đối xứng nhau (dĩ nhiên, là có sự hỗ trợ của việc hoá trang). Khi tìm hiểu hiện tượng thuận nghịch độc, người viết bài báo nhỏ này luôn nghĩ đến tác dụng của sự đối xứng. Và quả nhiên đã xác định điều ấy (cách thức và vai trò của nó), như đã trình bày.   

Lí giải vấn đề vì sao khi lời thơ đọc ngược mà luật thơ của thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường vẫn không thay đổi, bằng cách sử dụng mô hình phối thanh, là một việc làm thú vị. Cách làm này không chỉ giúp hiểu sâu sắc hơn về kiểu dạng thơ đang đặt ra, mà còn cho thấy đặc điểm của các dạng thơ khác (như song điệp, vĩ tam thanh, thủ vĩ ngâm,... (4)), thuộc thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường.

T.N

Các tin khác