1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

INRASARA

ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ INRASARA

HOÀNG THỊ HUẾ

NGUYỄN THỊ THU

ĐHSP Huế

Ngôn ngữ của dân tộc nào mang bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Sử dụng ngôn ngữ dân tộc để làm nổi bật văn hóa của dân tộc là điều không phải bất kỳ nhà thơ nào cũng làm được và làm tốt mà chỉ số ít các nhà thơ có nội lực văn hóa mới làm được. Và nhà thơ Inrasara - Phú Trạm đứng về số ít ấy. Ngôn ngữ đóng vai trò khơi nguồn và dẫn dắt cấu tứ, hình ảnh trong thơ Inrasara và nhà thơ từng nói: "Thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến phương trời nào đi nữa, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ". Với quan niệm đó, Inrasara - con người đứng giữa đường biên văn hoá Việt - Chăm đã tạo nên sức hút kì diệu của ngôn ngữ với những cách tân đầy táo bạo.

1. Đọc thơ Inrasara ta dễ dàng nhận thấy sự kết hợp hài hoà giữa ngôn ngữ bình dân - ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ truyền thống - ngôn ngữ hiện đại, ngôn ngữ Việt - ngôn ngữ Chăm. Inrasara là nhà thơ rất dụng công trong việc lựa chọn ngôn ngữ để chuyển tải tư tưởng, tình cảm của mình. Khi đề cập đến những đề tài lớn, mang tầm vóc nhân loại hay mang tính linh thánh, nhà thơ thường kết hợp việc sử dựng ngôn ngữ bác học, sang trọng (linh hồn, ban mai, định mệnh, hoang mạc, binh đao, giai điệu...) với thể thơ tự do. Ngược lại với những chuyện thường nhật gần gũi, nhà thơ sử dụng những từ ngữ dân dã, mộc mạc (mày, tao, xà lỏn, nhăn răng…) kết hợp với thể thơ lục bát truyền thống hay thể tân hình thức dung dị. Đó là cách thay đổi giọng điệu cho phù hợp với đề tài một cách linh hoạt, hiệu quả. Nói cách khác, đó là sự thay đổi hình thức thể hiện khát vọng tự do trong tư duy của con người thời đại mới.

Ngôn ngữ thơ Inrasara còn có sự kết hợp giữa hai ngôn ngữ Chăm và Việt tạo nên "cách kể một câu chuyện mang đậm kinh nghiệm cá nhân" (Lý Đợi "Đọc Lễ tẩy trần tháng Tư của

Inrasara"). Inrasara luôn tự nhận mình là kẻ cư trú giữa đường biên Việt - Chăm để có thể mở rộng trường kinh nghiệm, làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ của mình khi nhìn cuộc sống từ nhiều góc độ. Nhà thơ đã kết hợp những điều mới lạ của thơ Việt với bản sắc trong thơ Chăm tạo nên sự hoà hợp giữa truyền thống và hiện đại trong thơ mình:

Buổi sáng - rất sảng khoái, tôi ra sông Lu

gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm

                                                  chữ cái Latinh A B C…

                                         (Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay)

Truyền thống dân tộc được Inrasara nhắc đến trong thơ một cách tự nhiên với vẻ đẹp vốn có. Không lạm dụng ngôn ngữ địa phương, thơ Inrasara vẫn khiến ta cảm nhận được sinh khí của một dân tộc có bề dày văn hoá và sức sống mãnh liệt: Những chàng trai Pabblap/ chân trần lang bạt/ kì hồ ciet gha harơk lên vai/ gánh dọc thế kỉ hai mươi/ hiên ngang gánh sang hai mốt/ không lần ngưng nghỉ (Kẻ quê hương).

Bằng việc sử dụng nhiều "biệt ngữ" địa phương một cách hiệu quả, Inrasara đã làm cho những vần thơ trở nên gần gũi và mang đậm dấu ấn văn hoá Chăm.

chúng tôi lớn lên từ Mĩ Sơn, Dương Long

chúng tôi lớn lên từ nhà Yơ, nhà Ha Lam/ chúng tôi cũng lớn lên từ chòi lợp tôn Mĩ

lớn lên từ PanwơChăm Pađit, Pauh  Catwail…

                                        (Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay)

2. Đặc biệt thành công hơn cả trong ngôn ngữ thơ Inrasara đó là những phá cách ngôn từ táo bạo theo hướng hiện đại và hậu hiện đại. Inrasara hạn chế tối đa việc sử dụng dấu chấm câu hay những liên từ (và, hay) bằng việc sử dụng dấu ngăn cách (/, -) tạo nên những nhịp đứt quãng đầy chủ ý trong thơ. Nhà thơ còn dùng những câu đơn đặc biệt (Đừng khóc./ Nhảy múa./ Bao giờ./ Hãy đón lấy. / Chảy đi…) nhằm thức dậy những cảm xúc một cách mạnh mẽ. Inrasara đã sử dụng ngôn ngữ như một chất liệu nhào nặn bằng mọi phương pháp, làm nên một văn bản độc đáo. Nhà thơ viết:

… lang thang mãi khu rừng nguyên sinh em

… Chỉ rừng phì nhiêu em là tặng vật của suối nguồn

chỉ đồng mẫu hệ nhiệm mầu em là mùa màng vô tận.

                                       (Liên khúc chuyện tình vùng cao)

Nếu lối thơ vắt dòng và phân cắt trong từng dòng thơ thể hiện những cách tân nghệ thuật để làm nền cho tư tưởng tác giả diễn đạt, thì ở đây từng từ lại không hề có khoảng cách. Việc viết liên tiếp các từ không ngưng nghỉ trong tiếng Việt là chưa từng có. Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ đơn âm tiết, việc viết liền mạch sẽ tạo nên những chữ tưởng như không hề có ý nghĩa nếu không biết cách phân tách từng từ. Ở đây, việc viết liền mạch là một chủ ý nghệ thuật của nhà thơ. Từ ngữ không có khoảng cách hay chính là dòng tư tưởng, tình cảm của tác giả cứ muốn nó liên tục như thế, không mất đi mà in sâu vào tâm trí. Tiếng Việt với những kí tự Latinh bình thường, giờ đây dưới con mắt của Inrasara, như một tác phẩm nghệ thuật mà người đẽo gọt nó nhất định phải yêu và hiểu ngôn ngữ như chính giọt máu của mình vậy.

Ngôn ngữ thơ còn được phá cách hết sức độc đáo khi nhà thơ chèn những kí tự đặc biệt vào giữa các từ. Ngay tựa đề bài thơ tác giả đã cho thấy sự mới lạ và đẹp đẽ của ngôn từ Việt trong các ứng dụng sáng tạo. Đồng thời tác giả cũng đã để lại sự tò mò cho độc giả. Thực ra ý tác giả là hậu hiện đại hay hiện đại, hay chúng ta đang đứng giữa đường biên của H{ậu h}iện đại để phán xét và tìm con đường đi cho riêng mình. Quay về với cái truyền thống hay tiếp tục dấn thân trên con đường văn chương ngày càng mới lạ trong cách sử dụng từ ngữ. Điều đó chỉ có mỗi người mới tự trả lời được. Còn với Inrasara là sự sáng tạo ngôn ngữ riêng của mình trong ngôn ngữ cộng đồng, phiêu lưu đi tìm dưỡng chất mới cho mùa màng văn học dân tộc được bội thu.

3. Để thể hiện những đặc điểm ngôn ngữ trên thì nghệ thuật trùng điệp, ẩn dụ, so sánh, đối lập là những biện pháp tu từ đắc dụng trong thơ Inrasara. Inrasara sử dụng nghệ thuật trùng điệp trong ngôn từ một cách hiệu quả làm cho chữ nghĩa không còn là vô tri mà mang nét nhạc, đồng thời cùng với nó là dòng tư tưởng, tình cảm của tác giả. Được sử dụng như một phương tiện tu từ nhằm nhấn mạnh ý tưởng, tình cảm trong thơ, phép điệp từ xuất hiện nhiều trong thơ Inrasara: Như thể sắp mưa/ như thể sự thành khẩn, như thể một bài thơ/ như thể bữa cơm thân mật/ như thể một bài phê bình/ như thể cơn gió sắp quét qua đồi trọc/ như thể điếu văn thương tiếc nhưng không/ như thể cuốn tiểu thuyết lớn vừa khóc chào đời/ nhưng không. (Cuộc sống nhưng không).

Hàng loạt từ "như thể" như một giả định, một hiện thực tưởng như xảy ra nhưng lại không xảy ra. Tác giả dường như đứng giữa đường biên thực và ảo, đang trên lối đi cho mình. "Như thể" lặp đi lặp lại giúp ta thấy hiện thực xa mờ, để rồi cuối cùng lại trở lại với cuộc sống sau một chuỗi "như thể" ấy là "nhưng không", chẳng có gì là thực, tất cả chỉ là những ảo ảnh, những giấc mơ không thực.

Trong thơ, điệp ngữ luôn phát huy đầy đủ nhất khả năng tu từ học của mình nên nó giúp nhà thơ thể hiện những ý tưởng sâu xa. Sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ nhà thơ có thể nhấn mạnh về giọng điệu, thuyết phục về tư tưởng và thể hiện cảm xúc của mình một cách sâu sắc.

Cùng với phép điệp từ thì phép điệp câu, điệp cấu trúc cũng được sử dụng một cách hiệu quả tạo nên những vân thơ đầy âm vang:

Con lừa đi tìm gánh nặng

Nhà văn đi tìm tiếng tăm

Thầy tu đi tìm thượng đế

Riêng con đến gặp cuộc đời.

                                (Đoản thi thứ hai dành cho con)

Việc lặp lại cấu trúc giống nhau ở ba câu đầu đã làm bệ đỡ hoàn hảo cho câu thơ thứ tư với ý tưởng hoàn toàn khác bật lên. Sự bất ngờ này đã tạo cho thơ những giá trị gợi cảm. Nhiều khi phép điệp cấu trúc còn được Inrasara kết hợp với những câu hỏi tu từ nhằm tăng cường tính biểu cảm của phát ngôn thơ, gợi cho bạn đọc nhiều suy tưởng:

Làm sao gọi em ngược về thế kỉ Huyền Trân?

làm sao chuyển dịch tôi sang ngữ ngôn huyền sử?...

                                                     (Tụng ca của nước)

Ẩn dụ là phương thức tu từ được sử dụng nhiều trong thơ ca, thể hiện phong cách cá nhân, phong cách dân tộc và thời đại. Trong thơ Inrasara sự liên tưởng được khởi phát ngay ở nhiều nhan đề bài thơ như: Tháp nắng, Tháp Chàm muôn mặt, Ăn chữ, Trong khoảng tối gió mùa, Màu cứu độ, Cư sĩ và đám mây kí ức, Những  ngày rỗng… Đọc thơ Inrasara, ta không chỉ chứng kiến sự chuyển nghĩa của nghệ thuật ẩn dụ trong từ mà còn thấy xuất hiện trong câu, trong hình tượng và trong cả những mối quan hệ. Những hình tượng ẩn dụ nổi bật được lặp đi lặp lại là: ngôi nhà, mặt đất, con đường, cánh đồng, những ngày rỗng… chúng là những hình tượng mang tính gián tiếp, song trùng giữa hiện thực và tâm linh. Tuy nhiên, trong số những hình tượng ẩn dụ đó thì hình tượng con đường xuất hiện nhiều hơn cả. Nếu như hình tượng con đường trong thơ Tố Hữu là con đường cách mạng thì trong thơ Inrasara đó là con đường dẫn con người đi tìm sự sống đích thực, con đường sáng tạo thơ. Hình tượng con đường trong thơ Inrasara mang tính đa nghĩa. Đó là con đường đời với những lần ra đi và trở lại:

Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành

Và con đường nằm trong bước chân

Con đường bạt núi đồi, thành phố

Con đường băng tìm những con đường chưa khai mở ở trần gian.

                                                                        (Con đường)

Đó là con đường tìm về cội nguồn dân tộc. Con đường ấy dẫn thi sĩ tìm về với bản thể: Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên/ rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ/ như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đóng tan hoang thành phố/ tôi tìm lại tôi/ tìm thấy nắng quê hương! (Đứa con của đất).

Nhà thơ là những người mang sứ mệnh tìm kiếm, sáng tạo cái đẹp. Cái đẹp mới mẻ làm nên những vần thơ có sức sống lâu dài. Con đường đưa bước chân thi sĩ tìm đến phương trời mới lạ. Trên hành trình thơ nhọc nhằn, cái mới luôn vẫy gọi những bước chân phiêu lưu của thi sĩ:

Sóng lớp bàn tay lao xao vẫy anh về phía trước

Nhìn đăm đắm anh là những dáng buồn căng.

                                                    (Khát vùng biển)

Con đường trong thơ Inrasara còn là con đường từ plây ra phố. Con đường nối làng quê với đô thị giúp mọi người tiếp cận với đời sống văn minh, hiện đại hơn. Nhưng đi theo con đường ấy người ta cũng dễ quên đi bản sắc của mình, "bập bênh giữa ngôn ngữ hoang đãng" để một ngày "em quên đi mình là Chăm".

Dân tộc Chăm đã từng chịu nhiều đau khổ, chiến tranh, loạn lạc. Hành trình đi tìm sự sống của họ gắn với con đường. Con đường đưa những bước chân của người Chăm thoát khỏi bóng tối đau thương:

Họ là đoàn hành hương cuối cùng

Ra đi từ đêm của thế kỉ cũ.

                       (Hành hương về bên kia đêm tối)

Mang theo những nét đẹp truyền thống, họ đang bước trên con đường đi từ quá khứ tới hiện tại bằng bước chân mạnh mẽ "xát mòn vệt đau thương cho mầm nắng trồi lên". Họ quên đi những mặc cảm của "đứa con hoang lịch sử" để hoà mình vào cuộc sống lớn của dân tộc.

Con đường là không gian chủ đạo gợi mở cho những không gian khác xuất hiện trong thơ Inrasara. Con đường cũng là nơi có thể ngoái nhìn quá khứ và trông tới tương lai nên con đường luôn gợi mở những lối đi, dẫn dắt những cuộc đời tìm về đúng hướng :

Đưa em đến đỉnh cao tuyệt diệu

Của con đường

Đưa em về gần gũi quê hương.

                             (Quê hương)

Bên cạnh biện pháp tu từ ân dụ, so sánh cũng được phát huy tối đa vai trò của mình. Các hình thức so sánh trong thơ Inrasara hết sức phong phú: so sánh ngang bằng, so sánh hơn kém, so sánh A như B, A như B1, B 2 … so sánh A là B, A hơn B… trong đó kiểu so sánh đa tầng, phức hợp A như B1, B 2 … chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Quan hệ từ so sánh cũng được Inrasara sử dụng theo cấu trúc năng động: "như", "hơn" có khi đứng ở đầu câu, có khi đứng ở giữa câu. Nhìn chung quan hệ so sánh A như B xuất hiện đầu câu chiếm số lượng nhiều hơn cả. Và cũng có khi quan hệ từ so sánh "như" vắng mặt, ngầm ẩn:

Lổm ngổm bò dậy làm người

[như] một phép lạ.

                     (Tam tấu trước ngưỡng thế kỉ XXI)

Có thể nói rằng việc sử dụng nhiều biện pháp so sánh phản ánh tư duy duy lí của nhà thơ. Inrasara luôn nhìn sự vật, hình tượng trong thế so sánh, đối lập, liên hệ, đối chiếu. Thơ Inrasara rất ít những phương trình so sánh đơn, mà nhiều những phương trình so sánh đa tầng, nối tiếp nhau để cung cấp cho mệnh đề so sánh nhiều sắc thái ý nghĩa và giá trị biểu cảm. Điều này rất gần với Chế Lan Viên. Trong rất nhiều bài thơ, Chế Lan Viên sử dụng lối so sánh phức hợp, đa tầng. "Tiếng hát con tàu" là một minh chứng: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa/ Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/ Chiếc nôi ngừng bông gặp cánh tay đưa.

Lối so sánh này đòi hỏi người viết có khả năng liên tưởng phong phú, có nhiều liên tưởng mạnh mẽ, độc đáo, đột xuất với những kiểu loại đa dạng. Thơ tự do với việc mở rộng tối đa hình thức của nó đã giúp Inrasara tạo ra những vế so sánh với cấu trúc toàn vẹn, nhiều tầng bậc hình ảnh, gợi ra cái đa dạng, bề bộn, sinh động vốn có của cuộc đời, khơi dậy cả trầm tích văn hoá Chăm. Vì thế mà thơ Inrasara thoả mãn chiều sâu nhận thức và trí tuệ, có nghĩa hàm ngôn phong phú, sâu sắc, có giá trị nhận thức cao.

Ngoài ra, Inrasara còn sử dụng khá nhiều biện pháp tương phản, đối lập. Nhà thơ tạo ra những cặp đối lập trong một câu thơ, có khi ở một căp câu:

Dứt áo rồi quay lại Phan Rang cả trăm lần

Sinh ra và chết ôi Phan Rang chỉ một lần.

(Những ngày rỗng. Ngày 8: Sinh chỉ một lần)

Nghệ thuật đối lập xuất hiện khá dày đặc trong các bài thơ: Chấm phá Trà Vigia, Trà Ma Hani, Anh Đạm, Thì cổ điển mới, Đoản thi thứ nhất/ thứ hai dành cho con, Ngụ ngôn loài xương rồng… Ngay cả trong nhan đề nhiều bài thơ Inrasara cũng sử dụng thủ pháp này: Hữu thể và hư vô, Cuộc sống nhưng không, Vay - trả…

Inrasara là nhà thơ đương đại xuất sắc. Tiếp nhận từ nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau và với quan niệm nghệ thuật độc đáo Inrasara đã có những cách tân táo bạo trong ngôn ngữ thơ. Có thể nói, trong thơ Inrasara, vẻ đẹp của ngôn ngữ và chiều sâu tư tưởng cùng tỉ lệ thuận với nhau. Thành công của Inrasara trong nghệ thuật biểu hiện, đặc biệt là ngôn ngữ thơ đã đưa nền văn hoá Chăm đến gần và hoà nhập với văn hoá Việt, đồng thời cũng góp phần đưa thơ ca Việt Nam nói chung hoà nhập với thơ ca thế giới.

H.T.H - N.T.T

Các tin khác