1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Một bài thơ lịch sử

"BA MƯƠI NĂM ĐỜI TA CÓ ĐẢNG"
MỘT BÀI THƠ LỊCH SỬ

PHẠM HỒNG VIỆT

Bài thơ "Ba mươi năm đời ta có Đảng" được Tố Hữu viết vào đầu năm 1960 để chào mừng lần thứ ba mươi sinh nhật Đảng (3.2.1930 - 3.2.1960) và cũng để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III của Đảng. Đó là một bài thơ về ba mươi năm lịch sử của Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Bố cục toàn bài rất rõ rệt.

Mở đầu, tác giả nhắc lại một cách khái quát công ơn của Đảng:

Anh chị em ơi!
Ba mươi năm đời ta có Đảng

Và chính vì có Đảng nên:

Đời ta gương vỡ lại lành
Cây khô cây lại đâm cành nở hoa.

Có đúng như tác giả nói không? Hiện thực trên đất nước ta được biến đổi như thế nào kể từ khi Đảng ra đời đã minh chứng sâu sắc điều đó.

Sau đoạn thơ mở đầu, tác giả đã giới thiệu các thời kỳ lịch sử gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng: thời kỳ Đảng ra đời; thời kỳ phong trào cách mạng 1930 - 1931; thời kỳ đấu tranh để khôi phục lực lượng cách mạng 1932 - 1935; cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939; cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945) đưa đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945; thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 - 1954); nhiệm vụ cách mạng của cả nước từ sau Hiệp định Giơnevơ (1954) và những thắng lợi bước đầu trong công cuộc xây dựng Miền Bắc XHCN trước năm 1960, những bài học quan trọng được rút ra từ lịch sử Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

Về thời kỳ Đảng ra đời, nhà thơ nhắc lại nỗi khổ của cả dân tộc dưới ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là lúc "Giặc cướp hết non cao, biển rộng", là lúc "Xóm làng ta xơ xác héo hon", là lúc "Con đói lả ôm lưng mẹ khóc/ Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi". Chính trong bối cảnh cụ thể đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời để cứu nước, cứu dân.

Đảng đã ra đời như thế nào? Giải đáp câu hỏi trên đây, Tố Hữu viết:

"Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ
Không quê hương sương gió tơi bời
Đảng ta sinh ở trên đời
Một hòn máu đỏ nên người hôm nay".

Vì sao nhà thơ viết "Sinh nằm trên cỏ?". Lời kể của Bác Hồ về ngày thành lập Đảng giúp hậu thế hiểu rõ điều này. Bác kể: Trong những ngày họp Hội nghị thành lập Đảng ở Hương Cảng (Trung Quốc),

"để giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh "mạt chược" ở khách sạn, hôm thì đến sân vận động giả xem đá bóng để tiếp tục trao đổi. Sau mấy buổi bàn cãi sôi nổi, đến ngày 3.2.1930 (vào dịp Tết Âm lịch), các phái đều thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi người đều vui mừng, phấn khởi" (Hồ Chí Minh, Truyện và Ký, Nxb Văn học, 1985, trang 296). Giả ngồi xem bóng đá để bàn việc thống nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng, có thể vì thế mà Tố Hữu đã dùng hình ảnh "như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ". Đảng Cộng sản Việt Nam là của dân tộc Việt Nam nhưng lại ra đời ở nơi đất khách quê người để hạn chế sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù. "Không quê hương sương gió tơi bời" là vì thế.

Hội nghị thành lập Đảng ở Hương Cảng đã thông qua cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Cương lĩnh đó khẳng định Cách mạng Việt Nam do Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo và lực lượng hàng đầu để đánh đổ đế quốc và phong kiến là công nông. Nội dung đó đã được Tố Hữu diễn đạt thành thơ:

"Đảng ta muôn vạn công nông
Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin
Đảng ta Mác - Lênin vĩ đại".

Sách giáo khoa lịch sử viết rằng ý nghĩa lớn lao nhất của việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là từ đây Cách mạng Việt Nam đã có đường lối rõ ràng, đúng đắn, đã chấm dứt được thời kỳ khủng hoảng về đường lối. Đó chính là lý do để nhà thơ khẳng định: "Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin".

Vừa mới ra đời, Đảng đã phát động phong trào đấu tranh cách mạng thời kỳ 1930 - 1931 mà đỉnh cao của phong trào này là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

"Trống Xô Viết - Nghệ An vang dội
Bắc Trung Nam tràn sóng đấu tranh
Hầm than, xưởng máy, lều gianh
Đứng lên tự cứu mà giành tự do".

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 bị thực dân Pháp đàn áp rất dã man. Từ giữa năm 1931, cách mạng Việt Nam gặp khó khăn, tổn thất, nhưng ở trong nhà tù cũng như ở bên ngoài nhà tù, các đảng viên của Đảng ở trong nước cũng như ở ngoài nước, suốt từ năm 1931 đến 1935, liền trong 5 năm ấy đã vượt lên mọi sự tàn bạo và thủ đoạn của kẻ thù để khôi phục lại phong trào, khôi phục lại cơ sở và tổ chức Đảng trong toàn quốc. Đại hội lần thứ I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) vào tháng 3.1935 đã đánh dấu thắng lợi của thời kỳ phục hồi lực lượng cách mạng.
Nhắc lại 5 năm đấu tranh gian lao và anh dũng để phục hồi lực lượng cách mạng, Tố Hữu viết:

"Năm năm chìm nổi ba đào
Phong trào tạm lắng, phong trào lại lên"

Tiếp nối thời kỳ phục hồi lực lượng cách mạng 1932 - 1935 là cuộc vận động dân chủ thời kỳ 1936 - 1939. Trong thời kỳ này, nhằm phù hợp với tình hình thế giới và trong nước, Đảng nêu khẩu hiệu "tự do - dân sinh - dân chủ - cơm áo - hòa bình", tập trung lực lượng chống phát xít, chống bọn phản động và tay sai. Chính nhờ có chủ trương đúng đắn, sát với tình hình mà trong thời kỳ vận động dân chủ 1936 - 1939, Đảng đã có thể tập hợp quần chúng thành một lực lượng chính trị đông đảo, đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng Việt Nam. Diễn đạt nội dung đấu tranh của thời kỳ này, tác giả "Ba mươi năm đời ta có Đảng" viết:

"Chống phát xít cường quyền hiếu chiến
Khắp năm châu trận tuyến bình dân…
…Đòi cơm áo đòi quyền dân chủ
Đường càng đi đội ngũ càng đông".

Đến tháng 9.1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Chính quyền thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng nước ta khốc liệt. Đồng thời cấu kết với phát xít Nhật để thống trị, bóc lột nhân dân Đông Dương. Nhân dân ta phải sống trong tình cảnh một cổ hai tròng của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Sinh mệnh dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc - phát xít sâu sắc không lúc nào bằng. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập dân tộc trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Thơ Tố Hữu đã diễn đạt da diết, khẩn thiết tình hình và nhiệm vụ cách mạng nói trên trong thời kỳ 1939 - 1945:

"Nước đà mất tám mươi năm 
Đã Tây lại Nhật, đứng nằm sao yên?
Thân một cổ hai xiềng nô lệ
Phải vùng lên mà bẻ cho tan
Diệt bầy Tây Nhật Việt gian
Việt Nam độc lập hoàn toàn tự do!"

Nhân dân cả nước quyết tâm vùng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, lực lượng cách mạng nước ta sôi sục hoạt động. Mặt trận Việt Minh ra đời để đoàn kết toàn dân cứu nước. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chiến khu kháng Nhật được thành lập. Tất cả những sự kiện nói trên đã diễn ra dồn dập, sôi sục được thể hiện trong bài thơ:
        "Bắc Sơn phất ngọn cờ đầu
        Nam Kỳ khởi nghĩa bắc cầu tiến lên
        Rừng Việt Bắc, Thái Nguyên chống địch
        Bước chân đoàn du kích càng hăng
        Quân càng đông, sức càng tăng
        Biên cương nổi lửa, Cao Bằng xuất binh
        Nổ súng trận, Việt Minh truyền lệnh
        Giải phóng quân tràn đỉnh non cao
        Việt Minh như thác ào ào
        Chiến khu kháng Nhật, cao trào nhân dân".

Khí thế cách mạng trên đây do Đảng lãnh đạo đã đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945:

"Lời Đảng gọi, một ngày sấm nổ
Biển người dâng ngập phố ngập đồng
Mùa thu cách mạng thành công
Mùa thu đây, hỡi cờ hồng vàng sao. 

Sự nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của Cách mạng tháng Tám đối với lịch sử dân tộc đã tạo nên được những câu thơ thật xúc động:
        Ôi hai tiếng đồng bào Tổ quốc
        Đến hôm nay mới thuộc về ta
        Trăm năm mất nước mất nhà
        Hôm nay mới cất lời ca tiếng cười
        Ta đã đứng nên người độc lập
        Cao bằng người nào thấp thua ai?"

Để bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám, Đảng đã lãnh đạo dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ ngày 19.12.1946 đã đi vào thơ một cách tự nhiên mà vẫn giữ được tính chất thiêng liêng như nguyên bản:

"Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào!
Có gươm có súng, có dao hãy dùng.
Quyết kháng chiến đến cùng cứu nước!
Toàn dân trông phía trước tiến lên!"

Trang trọng và thiêng liêng, tha thiết và tự hào khi nghĩ đến chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp xâm lược - Những tình cảm sâu sắc đó được Tố Hữu diễn đạt thành những tượng đài lịch sử rực rỡ còn mãi với thời gian:

"Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!
Ôi Tổ quốc, vinh quang Tổ quốc!
Ngàn muôn năm dân tộc ta ơi!"

Thắng lợi vĩ đại nhưng chưa trọn vẹn, vì như tác giả nói "Đường giải phóng mới đi một nửa". Nhà thơ khẳng định rằng cách mạng phải tiếp tục bởi lẽ "Một thân không thể chia đôi" và tin tưởng vững chắc "Bắc Nam lại sẽ về trong một nhà"
Từ khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng theo quy định của Hiệp định Giơnevơ 1954 cho đến năm 1960 - khi Tố Hữu viết bài "Ba mươi năm đời ta có Đảng" - mới chỉ có 5 năm. Nhưng năm năm ấy đã mang lại cho đất nước bao niềm vui mới. Cảm xúc về những niềm vui ấy đã tạo cho thi sĩ có được những câu thơ vừa rất hiện thực, vừa rất sinh động, tươi đẹp:

"Năm năm mới bấy nhiêu ngày
Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều"

Khung cảnh "Chiêm mùa cờ đỏ ven đê", "Mái trường tươi roi rói ngói son" là những bức tranh đẹp của Miền Bắc vào thời gian nhân dân ta chào mừng lần thứ ba mươi ngày Đảng ra đời.

* * *

Sau khi điểm lại bằng thơ các giai đoạn thời kỳ lịch sử của dân tộc gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến năm 1960, tác giả nêu lên những bài học rất quan trọng được rút ra từ lịch sử Đảng: bài học về lòng kiên trung và tình đồng chí của những đảng viên cùng lý tưởng; bài học về sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng; về tình đoàn kết quốc tế vô sản, về niềm tin đối với Bác Hồ - lãnh tụ của Đảng và dân tộc kính yêu.

Đề cập đến bài học về tình đồng chí giữa những người cộng sản kiên trung, Tố Hữu nhắc lại một câu chuyện cảm động: "Chết còn trút áo cho nhau".

Câu chuyện "Trút áo cho nhau" diễn ra trong nhà tù Côn Đảo. Đồng chí Lê Duẩn cho biết có một đảng viên cộng sản ở nhà tù Côn Đảo là Lê Chí Hiếu, bị địch tra tấn dã man. Biết mình không thể sống được, trước khi chết đã trao lại chiếc áo của gia đình gửi vào cho đồng chí mình và nói: "Tôi sắp chết rồi. Đồng chí hãy cầm lấy áo này mà mặc, cố sống để làm việc cho Đảng" (Xem: Lê Duẩn, Tác phẩm chọn lọc, Tập 3, Nxb Sự thật, 1980, trang 374).

* * *

Bài thơ lịch sử "Ba mươi năm đời ta có Đảng" thân thiết, gần gũi với người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, vì tác phẩm đã mang đến cho người đọc những hiểu biết cơ bản về Đảng trong các thời kỳ lịch sử, thời kỳ từ 1930 đến 1960. Những tri thức đó tuy không cụ thể như trong sách giáo khoa lịch sử nhưng lại rất giàu cảm xúc. Nhiều câu thơ chắc chắn rất khó quên đối với ai đã đọc tác phẩm. Người viết bài này suy nghĩ rằng với các thầy - cô giáo giảng dạy lịch sử, "Ba mươi năm đời ta có Đảng" là một tác phẩm thơ không thể không đọc. Đọc để tự bồi dưỡng năng lực cảm thụ lịch sử và để vận dụng trong nhiệm vụ giảng dạy lịch sử.

P.H.V

Các tin khác