1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Một vài nét về Tết

MỘT VÀI NÉT VỀ TẾT
CỦA CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM

HOÀNG THỊ THU THỦY

1. Có người ví đất nước Việt Nam đẹp như một bức tranh khảm hay như một tấm thảm dệt màu sắc hài hòa của 54 dân tộc anh em. Chất liệu dệt nên tấm thảm đó là: lịch sử, ngôn ngữ, hoạt động kinh tế, phong tục tập quán liên quan đến chuyện ăn, mặc, ở, cưới xin, sinh đẻ, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, văn nghệ, vui chơi...  Mức độ giống và khác nhau của những thành tố tạo nên tấm thảm đó có ý nghĩa làm nên bản sắc đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc Việt Nam...

Tìm hiểu về Tết của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam chúng ta có dịp hiểu biết thêm về "bức tranh khảm" muôn màu đua nhau khoe sắc mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Với người Việt, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Người Việt đón Tết vào đúng ngày mồng một, tháng một, năm Âm lịch. Người Việt quen nói là trong ba ngày Tết, hoặc tháng giêng là tháng ăn chơi... Nghĩa là thời gian Tết không chỉ trong một ngày mà nhiều ngày. Bắt đầu từ tháng Chạp (tháng 12), người ta bắt đầu tính Tết, lúc đầu tính bằng tuần, sau tính bằng ngày. Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi có cảm giác như ngày ngắn lại, vì đó là những ngày bận rộn, lo lắng, tất bật và cũng đầy hứa hẹn... Tiếng chào mời, tiếng mua bán, tiếng hỏi han cứ rộn rã, cứ náo nức, cứ bâng khuâng. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ trong bài thơ Chợ Tết đã tái hiện bức tranh chợ Tết mộc mạc, gần gũi, đông đúc, vui tươi và nhiều màu sắc...

Sau ngày 23 tháng Chạp, các công sở có làm việc thì cũng chẳng mấy ai chú tâm vào công việc. Các bà, các cô, các chị... hỏi han về giá cả, về mua sắm... Phụ nữ bàn về Tết nhiều hơn nam giới. Các ông, các anh có lo lắng là lo sơn lại cái nhà, sửa lại mảnh vườn, tìm mua cây cảnh... còn mọi chuyện bếp núc, cơm nước cứ nhường hết cho các "nội tướng".

Trong những ngày đó, các tiệm thẩm mĩ là đông khách hàng nhất. Các cô, các chị rất thích uốn lại mái tóc, sửa sang nhan sắc để đón năm mới, chắc là để trông mình xinh hơn, mới hơn, hấp dẫn hơn. Đông nhất là chiều, tối 30 tết, các chủ tiệm thẩm mĩ phải gần đến giờ đón Giao thừa mới về đến nhà, vì khách hàng ai cũng muốn mình mới hơn, đẹp hơn vào sáng mồng Một Tết nên đến giờ đó họ mới đi làm đẹp, và đó cũng là lúc các cô, các chị rảnh rỗi sau khi cúng Tất niên...

- Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh...
- Nhà cô không giàu thì nghèo/Ngày 30 tết thịt treo trong nhà...
- Đói giỗ cha, no ba ngày Tết
- Mồng một Tết cha, Mồng hai Tết mẹ, Mồng ba Tết thầy...

Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay giật, xoay xở để được ăn uống no nê, thức ăn không những ngon mà lại rất nhiều. Bánh chưng, bánh giầy, bánh tét... không thể thiếu trong ngày Tết, vì đó là dịp để người Việt nhớ về tổ tiên của mình. Cỗ tết thịnh soạn với nhiều món ăn dân tộc, truyền thống: bóng bì, canh măng, chân giò có nấm hương, miến nấu lòng gà, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, thịt đông, món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối... Để đãi khách trong ba ngày Tết thì có các món mứt: mứt gừng, mứt bí, mứt cà chua, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt sầu riêng, mứt mít, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt chà-là, mứt lạc,...Kẹo bánh thì đa dạng hơn như: kẹo thèo lèo, kẹo dừa, kẹo cau, kẹo đậu phụng (kẹo cu-đơ)...Ngoài ra, Tết còn có hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ rang...
Các trò chơi dân gian ở mỗi miền phong phú và đa dạng, như: bịt mắt bắt dê, múa võ, hát bội, hát cải lương, hát chèo, đánh đu, thi leo cột mỡ; bài chòi và nhiều loại bài bạc cổ truyền khác. Các lễ hội truyền thống khác như thi đấu cờ người; đua thuyền, đấu vật, đánh còn, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu... cũng hấp dẫn không kém.
Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp Tết thì tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ (hạ nêu) thì xé bộ tam cúc, cất bộ tổ tôm...hoặc đốt luôn hóa vàng.

Nhà cửa quét dọn sạch sẽ, trang hoàng đẹp đẽ, ai cũng chuẩn bị những bộ quần áo mới để mặc vào ngày mồng Một Tết. Mọi người chờ đợi điềm may đến với mình, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết. Mọi thủ tục, lễ lạt trong những ngày Tết được mọi người chuẩn bị chỉnh chu: Đưa ông Táo về trời, cúng tất niên, Cúng giao thừa, Cúng đưa... hái lộc, xông đất, lì xì... Muôn hoa đua sắc trong mưa xuân, nắng xuân... Tất cả đều tưng bừng, rộn rã, náo nức, tươi tắn trong ngày Tết Nguyên đán. Đặc biệt, mồng Một Tết năm nay (Canh Dần 2010) rơi trúng vào ngày 14 tháng 2 - ngày Valentine. Đây sẽ là ngày đẹp nhất trong những ngày đẹp nhất của Tết, vì mọi người sẽ vừa chúc tết vừa vui mừng đón Valentine.

2. Mồng một Tết cha, Mồng hai Tết mẹ, Mồng ba Tết thầy - với người Việt thì tính cộng đồng biểu hiện trong gia đình, dòng tộc trước rồi mới đến bà con, bạn bè; với các dân tộc miền núi thì tính cộng đồng thể hiện ở bản, mường nhiều hơn ở gia đình. Các dân tộc đón xuân qua các ngày hội, các buổi múa, hát, đánh cồng, chiêng và các cuộc thi vui có nhiều người tham gia hơn là quần tụ tại gia đình họ tộc.

Các dân tộc miền núi Tây Bắc đi chợ tết cũng là dịp để ăn uống, vui chơi. Giữa chợ nồi thắng cố bốc hơi nghi ngút, các đôi vợ chồng vừa mua bán, vừa ăn uống ngả nghiêng, đến chiều tối nhiều khi vợ phải dắt ngựa, dắt cả chồng về vì đã say mèm bên nồi thắng cố...  Tại từng gia đình, nhà nào cũng có cơm Tết chứ không gọi là cỗ Tết. Cơm ngày Tết có nhiều món ăn, thức ăn hơn ngày thường. Phổ biến là các món: Luộc, nướng, canh (không có món kho, xào) và rán. Thịt luộc có: Thịt gà, thịt lợn... Món nướng rất phong phú: Ngoài gà, lợn còn thịt chim, cá, sóc, chuột núi, thịt thú rừng như lợn lòi, nai, hoẵng. Riêng người Lự (cư trú chủ yếu tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) chỉ ăn thịt lợn, thịt trâu, thịt bò khi có lễ tết, ngày thường họ không mổ để bán. Lễ hội Căm Mường (tạ ơn thần linh) của họ lại là vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, đây mới là lễ hội lớn nhất trong năm.

Trước đây, dân tộc H'Mông (cư trú ở Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An) có một hệ lịch riêng. Tết của họ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Còn ngày nay phần lớn người H'Mông đã ăn Tết như người Việt. Họ không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt. Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Lễ hội lớn nhất của họ là hội Sải Sán hay Gầu tào (hội cầu phúc). Đây là một lễ hội của cộng đồng, lễ hội này nhằm tạ ơn tổ tiên cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần.

Người Thái (sống ở Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An) có phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm vào ngày 25 tháng Chạp. Bánh chưng người Thái có hai loại màu đen và màu trắng. Bánh màu đen do hạt nếp được giã với tro rơm, có nơi làm bánh không có nhân để thưởng thức hương vị của lá dong. Vào tối 28, 29 hoặc 30 Tết, gia đình người Thái thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, con còn lại dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm. Sáng mồng Một người Thái dậy sớm mỗi người uống một ít nước luộc bánh chưng, sau đó cúng ma nhà, và đây cũng là thời điểm duy nhất phụ nữ được ăn trước đàn ông. Món cá (nướng, chua, khô...) không thể thiếu trong ngày tết của người Thái. Họ nườm nượp đến nhà nhau vào ngày mồng Một Tết.

Hát sắc bùa - hát chúc tụng năm mới là phong tục đặc sắc của người Mường (cư trú chủ yếu ở Hoà Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Sơn La, Thanh Hoá). Ngày mồng một, mồng hai, trẻ con Mường dắt nhau đi hàng đàn, đánh cồng rộn ràng, miệng hát sắc bùa. Đi qua nhà nào thì nhà ấy mở cửa cho trẻ ít tiền hoặc bánh.

Với người Nùng thứ không thể thiếu trong ngày Tết là gà trống thiến. Họ phải nuôi gà trước vài tháng, và cho gà ăn toàn thóc. Sáng mồng Một con rể phải đi lễ cho bố mẹ vợ một đôi gà trống thiến. Người Tày sau khi ăn Tết từ ngày 30 đến ngày mồng 3 xong thì đến ngày 15 họ lại ăn Tết lại.

Người Dao ở Việt Bắc đón Tết Nhảy trước tết Nguyên đán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Trong Tết Nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...

Hai tết lớn của đồng bào Chơ-Ro (sống ở Đồng Nai, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu) là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch. Ngày cúng thần lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dầy... Sau lễ cúng thần lúa tại nhà là bữa ăn tập thể do gia chủ đứng ra khoản đãi tại nơi hành lễ. Thường thường nơi cúng lễ là gốc cây cổ thụ trong buôn làng. Họ quan niệm thần lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.

Người Chăm có ba ngày Tết trong năm để cùng nhau tụ họp lại tưởng nhớ các vị thần linh, tổ tiên và tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí. Theo lịch của người Chăm ngày 1 tháng 7 (tương ứng vào khoảng cuối tháng 9 Dương lịch), họ vui Tết Katê. Lễ Katê vừa thể hiện sinh hoạt cộng đồng nhiều màu sắc, vừa huyền ảo với những lời khấn nguyện, những nghi thức hành lễ độc đáo và đầy chất huyền bí.

Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khơme lại diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 15/4. Trong tết Chôl Chnam Thmây, một tục lệ không thể thiếu của người Khơ me là đắp núi cát tại các điểm chùa Khơme. Người Khơme quan niệm rằng mỗi hạt cát được đắp lên là xoá được một tội lỗi và giải thoát được một linh hồn ở dưới địa ngục. Núi cát cũng như những đám mây mang mưa cho vụ mùa mới sau 5-6 tháng khô hạn.

Người Xơđăng ở Kontum ăn tết rất giản dị và chỉ có hai tết chính là Tết Giọt Nước và Tết Lửa. Tết Giọt Nước vào khoảng tháng 3 dương lịch. Sau khi mãn mùa, người Xơ đăng bắt đầu sửa sang lại các máng nước và tổ chức lễ "cúng máng" để cầu mong Thần nước (Yang Dak) ban cho dân làng năm mới được mùa, nước non đầy đủ. Người trong buôn làng mang choé, nồi đồng ra tại các máng nước để lấy nước mang về nhà, đồng thời tổ chức ăn uống, vui chơi suốt mấy ngày liền. Riêng "Lễ cúng máng nước" cho buôn làng thì được tổ chức tại nhà Rông, do thầy cúng tổ chức...

3. Đến với Tết của 54 dân tộc Việt Nam là đến với 54 bản sắc văn hóa khác nhau. Điểm chung của mỗi dân tộc là cầu mong những gì tốt đẹp nhất trong năm mới, xua đuổi những gì xấu xa của năm cũ. Mọi phong tục, tín ngưỡng trong những ngày Tết đều thể hiện bản sắc văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước. Do đặc điểm mùa vụ, thời tiết, thời gian Tết của một số dân tộc không giống nhau. Tết của Khơme trùng lịch với Tết của đất nước Lào. Tết của người Việt hướng về gia đình, tổ tiên, thể hiện rõ nhất trong mâm cúng Tất niên; Tết của các dân tộc anh em lại hướng đến cộng đồng, làng bản qua các trò chơi tập thể, qua các điệu múa hát.

Mỗi dân tộc có cách thưởng thức các món ăn trong ngày Tết theo cách của mình. Dù theo cách nào đi nữa thì Tết cũng là dịp để ăn ngon, ăn no, ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, có những thứ ngày thường không được ăn, ngày Tết mới được ăn. Sau "ăn" là "chơi", người nông nghiệp ít coi trọng thời gian, nên ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi, chơi bời, hội hè. Với người Việt thì tháng giêng là tháng ăn chơi; ở một số dân tộc anh em cũng vậy. Lễ hội theo bản, mường diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian và văn nghệ dân gian, hát si, hát lượn, lăm, khắp rộn ràng...

Theo nhà văn Băng Sơn: Một trong những sức mạnh lạ lùng của ngày Tết Nguyên đán là nó mang lại cái đẹp cho mỗi con người, khiến con người cảm thấy niềm vui, hạnh phúc, hy vọng... Và cũng với sức mạnh ấy, hình như Tết cũng ngầm bắt mỗi con người phải tự làm đẹp cho mình, làm vui lòng người khác, đem hy vọng đến cùng xung quanh, nghĩa là cũng phải góp cái đẹp riêng của mình vào cái đẹp chung. Cái đẹp ấy không chỉ là cỗ bàn, cái ăn hớp uống, mà nó tỏa ra như sức nóng của ngọn lửa, chỉ nhìn thấy ngọn lửa chứ không thể nhìn thấy sức nóng, vậy mà vẫn cảm nhận được sức nóng lan vào từng tế bào, trên da thịt và sâu thẳm trong lòng. Ngày nay, ta gọi cái đẹp ấy là văn hóa...

H.T.T.T

Các tin khác