1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

PISA

GÓP PHẦN TÌM HIỂU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÁNH GIÁ

HỌC SINH QUỐC TẾ (PISA)

TH.S NGUYỄN NGỌC SƠN

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Việt Nam sẽ chính thức tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) vào năm 2012 do Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, chỉ đạo.

Để giúp những người làm công tác quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong tỉnh hiểu rõ về Chương trình đánh giá học sinh quốc tế - PISA; ích lợi và sự cần thiết của việc tham gia Chương trình; quá trình chuẩn bị của Việt Nam về việc đăng ký tham gia chương trình; những khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra khi Việt Nam tham gia Chương trình, bài viết này chúng tôi xin cung cấp cho quý bạn đọc một số thông tin về Chương trình và với hy vọng rằng, giáo dục Thừa Thiên Huế nói riêng, giáo dục cả nước nói chung có bước chuẩn bị tốt nhất để Việt Nam chính thức tham gia Chương trình này vào năm 2012. 

1. Vài nét về OECD và PISA của OECD

OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế là tổ chức tập hợp các chính phủ từ khắp nơi trên thế giới, những quốc gia cam kết phát triển dân chủ và nền kinh tế thị trường theo hướng: Hỗ trợ tăng trưởng bền vững; tạo việc làm; nâng cao đời sống; duy trì sự ổn định tài chính; hỗ trợ các quốc gia khác phát triển kinh tế; đóng góp vào tốc độ tăng trưởng trong thương mại thế giới.

Ngoài ra, OECD cũng đóng góp về chuyên môn và có quan hệ đối tác với hơn 100 quốc gia và các nền kinh tế khác trên thế giới.

OECD được thành lập năm 1961; trụ sở đặt tại Paris, France; có 30 quốc gia thành viên, với khoảng 2500 nhân viên; Tổng thư ký là ông Angel Gurría; ngôn ngữ chính thức của OECD là tiếng Anh và tiếng Pháp.

Hơn 40 năm qua, OECD luôn được coi là một trong những địa chỉ thu thập dữ liệu cũng như so sánh số liệu thống kê kinh tế và xã hội đáng tin cậy và lớn nhất thế giới. OECD giám sát, theo dõi, phân tích các xu hướng phát triển kinh tế các nước và nghiên cứu sự thay đổi xã hội, triển vọng các mô hình sản xuất, kinh doanh, môi trường, công nghiệp, công nghệ, thuế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức này cung cấp cơ sở hình thành các chính sách, so sánh kinh nghiệm các chính phủ, tìm câu trả lời cho các vấn đề chung, xác định những thực tiễn tốt và những vấn đề về phối hợp chính sách trong nước và quốc tế.

Đối với giáo dục, OECD khởi xướng và chỉ đạo thực hiện Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (gọi tắt là PISA) cho học sinh phổ thông ở độ tuổi 15 trên ba lĩnh vực: Toán, Đọc hiểu và Khoa học.

PISA là chữ viết tắt của "Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế".

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là một chương trình được thực hiện với chu kỳ 3 năm một lần, nhằm kiểm tra hiệu quả giáo dục nhà trường đối với học sinh ở độ tuổi 15 (độ tuổi ở năm cuối của 9 năm giáo dục phổ thông bắt buộc) trên phạm vi toàn cầu.

PISA tiến hành khảo sát học sinh độ tuổi 15 đang theo học ở tất cả các loại hình trường về các lĩnh vực: Toán, Đọc hiểu và Khoa học, với mục đích là để so sánh trình độ của học sinh giữa các nước trên toàn thế giới, trên cơ sở đó thúc đẩy giáo dục các nước cải tiến phương pháp và nâng cao hiệu quả giáo dục. Kết quả khảo sát của PISA được các nước sử dụng để rút ra những bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.

Nói một cách tổng quát hơn, PISA mang định hướng trọng tâm về chính sách, được thiết kế và áp dụng các phương pháp cần thiết để giúp chính phủ các nước có tham gia PISA rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.

PISA có các đặc điểm:

Thứ nhất, PISA nổi bật nhờ quy mô toàn cầu và tính chu kỳ khảo sát, đánh giá của nó. Hiện đã có hơn 60 quốc gia tham gia vào cuộc khảo sát có chu kỳ 3 năm một lần này để theo dõi tiến bộ của mình trong phấn đấu đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản.

Thứ hai, cho tới nay, PISA là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh ở độ tuổi 15 - độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.

Thứ ba, tính độc đáo của PISA thể hiện ở những vấn đề được xem xét và đánh giá:

Chính sách công (public policy): Các chính phủ, các hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh đều muốn có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi như: "Nhà trường của chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ cho những người trẻ tuổi trước những thách thức của cuộc sống khi trưởng thành chưa?", "Phải chăng một số loại hình giảng dạy và học tập của những nơi này hiệu quả hơn những nơi khác?"…

Hiểu biết phổ thông (literacy): Thay vì kiểm tra sự thuộc bài theo các chương trình giáo dục cụ thể, PISA xem xét khả năng của học sinh ứng dụng các kiến thức và kĩ năng trong các lĩnh vực chuyên môn cơ bản và khả năng phân tích, lý giải, truyền đạt một cách có hiệu quả khi họ xem xét, diễn giải và giải quyết các vấn đề.

Học tập suốt đời (lifelong learning): Học sinh không thể học tất cả mọi thứ cần biết trong nhà trường. Để trở thành những người học suốt đời có hiệu quả, học sinh không những phải có kiến thức và kỹ năng mà còn cả ý thức về lý do và cách học. PISA không những đo cả việc thực hiện của học sinh về đọc hiểu, toán và khoa học mà còn đòi hỏi học sinh cả về động cơ, niềm tin về bản thân cũng như các chiến lược học tập.

Mục tiêu của PISA:

Mục tiêu của PISA nhằm kiểm tra xem khi đến độ tuổi kết thúc phần giáo dục bắt buộc, học sinh đã được chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này ở mức độ nào.

Nội dung đánh giá của PISA hoàn toàn được xác định dựa trên các kiến thức, kĩ năng cần thiết cho cuộc sống tương lai, không dựa vào nội dung các chương trình giáo dục quốc gia. Đây chính là điều mà PISA gọi là "năng lực phổ thông" (literacy). Để làm được việc đó PISA thu thập và cung cấp cho các quốc gia các dữ liệu có thể so sánh được ở tầm quốc tế cũng như xu hướng của dữ liệu quốc gia về trình độ đọc hiểu, toán học và khoa học của học sinh độ tuổi 15.

Năng lực phổ thông (literacy domain) được đánh giá trong PISA bao gồm:

Năng lực làm toán phổ thông (mathematic literacy): Là năng lực của một cá nhân để nhận biết và hiểu về vai trò của toán học trong thế giới, biết dựa vào toán học để đưa ra những suy đoán có nền tảng vững chắc vừa đáp ứng được các nhu cầu của đời sống cá nhân, vừa như một công dân biết suy luận, có mối quan tâm và có tính xây dựng. Đó chính là năng lực phân tích, lập luận và truyền đạt ý tưởng (trao đổi thông tin) một cách hiệu quả thông qua việc đặt ra, hình thành và giải quyết vấn đề toán học trong các tình huống và hoàn cảnh khác nhau. Trong khuôn khổ của PISA, năng lực làm toán phổ thông được định nghĩa là năng lực của một cá nhân thể hiện trên các mặt: Có thể xác định và hiểu được vai trò của toán học trong thế giới; có khả năng lập luận toán học tốt; biết học toán, vận dụng toán theo cách nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống hiện tại và tương lai của cá nhân như một công dân sáng tạo, có trách nhiệm và nhạy bén. Bởi vậy, năng lực làm toán phổ thông không đồng nhất với nội dung của một chương trình toán nhà trường (phổ thông) truyền thống mà điều cần nhấn mạnh đó là kiến thức toán học được sử dụng như thế nào để tạo ra khả năng suy xét, lập luận và phát hiện được những tri thức toán học ẩn dấu bên trong các tình huống, các sự kiện.

Năng lực đọc hiểu phổ thông (reading literacy): Là năng lực của một cá nhân để hiểu, sử dụng và phản ánh trên văn bản viết, nhằm đạt được mục đích - nâng cao kiến thức và tiềm năng của cá nhân đó và tham gia vào đời sống xã hội. Trong định nghĩa này cần lưu ý: Khái niệm biết đọc như là sự giải mã và thấu hiểu tư liệu, bao hàm cả việc hiểu sử dụng và phản hồi về những thông tin với nhiều mục đích khác nhau. Theo PISA, định nghĩa về đọc và biết đọc có sự thay đổi theo thời gian và điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội. Khái niệm học và đặc biệt là học suốt đời, đòi hỏi phải mở rộng cách hiểu về việc biết đọc. Biết đọc không chỉ còn là một yêu cầu của suốt thời kì tuổi thơ trong nhà trường phổ thông, thay vào đó nó còn trở thành một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, mở rộng những kiến thức, kĩ năng và chiến lược của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời khi họ tham gia vào các hoạt động ở những tình huống khác nhau, trong mối quan hệ với người xung quanh, cũng như trong cả cộng đồng rộng lớn.

Năng lực khoa học phổ thông (science literacy): Là năng lực của một cá nhân biết sử dụng kiến thức khoa học để xác định các câu hỏi và rút ra kết luận dựa trên chứng cứ để hiểu và đưa ra quyết định về thế giới tự nhiên và thông qua hoạt động của con người thực hiện việc thay đổi thế giới tự nhiên. Cụ thể là: Có kiến thức khoa học và sử dụng kiến thức để xác định các câu hỏi, chiếm lĩnh kiến thức mới, giải thích hiện tượng khoa học và rút ra kết luận trên cơ sở chứng cứ về các vấn đề liên quan tới khoa học; hiểu những đặc tính của khoa học như là một dạng tri thức của loài người và một hoạt động tìm tòi khám phá của con người; nhận thức được vai trò của khoa học và công nghệ đối với việc hình thành môi trường văn hóa, tinh thần, vật chất; sẵn sàng tham gia - như là một công dân tích cực, vận dụng hiểu biết khoa học vào giải quyết các vấn đề liên quan tới khoa học.

Kĩ năng giải quyết vấn đề (problem solving): Là khả năng sử dụng kiến thức của một cá nhân trong quá trình nhận thức và giải quyết thực tế. Bằng những tình huống rèn luyện trí óc, đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng phối hợp các lĩnh vực đọc hiểu, làm toán và khoa học mới đưa ra được giải pháp.

2. Quá trình chuẩn bị tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam

Tháng 10 năm 2008, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có văn bản giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành khẩn trương để đăng ký Việt Nam tham gia Chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh (Programme for International Student Assessment - PISA). Bộ GD&ĐT giao Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế nghiên cứu đầy đủ về hoạt động đánh giá này, báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 11/2008 và báo cáo tại phiên họp giao ban của Bộ đầu tháng 12/2008.

Ngày 13/4/2009: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo "Chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh" do Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long chủ trì, với sự tham gia của đại diện các đơn vị: Cục KT&KĐCLGD, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Giáo dục trung học, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Giáo dục đại học, Dự án SREM, một số trường đại học và Sở Giáo dục và Đào tạo ở phía Bắc.

Ngày 15/6/2009: Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 4087/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Tổ công tác thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục của Nga (READ). Tổ công tác gồm 19 thành viên từ 9 đơn vị: Cục KT&KĐCLGD, Vụ Giáo dục trung học, Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục mầm non, Vụ Giáo dục dân tộc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Học viện Quản lý giáo dục và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chương trình READ có mục đích hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đánh giá giáo dục và hỗ trợ Việt Nam tham gia PISA 2012.

Ngày 22/10/2009 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có thư gửi ông Angel Gurria, Tổng Thư ký OECD đề nghị chấp nhận Việt Nam tham gia PISA 2012.

Ngày 11/11/2009: OECD có thư chính thức gửi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về việc đồng ý để Việt Nam tham gia PISA.

Ngày 02/12/2009: Bà Miyako, cán bộ chương trình PISA của OECD có thư thông báo: OECD chấp nhận Việt Nam tham gia PISA vào năm 2012.

Ngày 1-5/3/2010: Ngân hàng thế giới hỗ trợ Việt Nam cử 3 cán bộ đi dự lớp tập huấn ở Hồng Kông dành cho các điều phối viên PISA của các nước tham gia PISA 2012, trong đó có đại diện Cục KT&KĐCLGD và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Ngày 19/ 3/ 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp giữa các Vụ, Cục và Viện Khoa học Giáo dục VN, giao việc triển khai PISA 2012 và những năm tiếp theo cho Viện KHGDVN.

Ngày 23/3/2010, Viện KHGDVN đã làm tờ trình số 138/TTr - VKHGDVN gửi Bộ GD&ĐT cử PGS.TS Nguyễn Lộc làm Giám đốc điều phối quốc gia (NPM) và ThS. Lê Thị Mỹ Hà làm đầu mối liên hệ với Chương trình PISA của các nước OECD (Contact Person) và đã được Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Ngày 29/3/2010, Viện KHGDVN ra Quyết định số 58/QĐ-KHGDVN về nội dung này.

Ngày 29/3/2010, Viện KHGDVN đã làm tờ trình số 141/TTr-VKHGDVN gửi Bộ GD&ĐT về việc thành lập Văn phòng PISA Việt Nam, triển khai các công việc theo tiến độ mà PISA - OECD yêu cầu. Nội dung tờ trình đã được Bộ GD&ĐT phê chuẩn.

Ngày 31/3/2010, Viện KHGDVN đã ra Quyết định số 69/QĐ-VKHGDVN thành lập Văn Phòng PISA Việt Nam, cử PGS.TS Nguyễn Lộc, PVT làm Giám đốc; ThS. Lê Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng NC Đánh giá Giáo dục, làm Phó Giám đốc, và 3 cán bộ nghiên cứu.

Ngày 25/6/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ nhất Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA).

3. Những vấn đề cần quan tâm khi triển khai PISA

 Những thách thức đối với Việt Nam khi tham gia PISA 2012:

* Lần đầu tiên Việt Nam tham gia một kỳ thi mang tính quốc tế, thiếu kinh nghiệm tổ chức và thiếu đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, thành thạo;

* Các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt về vấn đề này còn rất ít, chủ yếu bằng tiếng nước ngoài.

* Chưa có được dữ liệu chuẩn xác về các trường có học sinh ở độ tuổi 15. Việt Nam có nhiều loại hình trường, công tác chọn mẫu khảo sát, đánh giá sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

* Công tác dịch thuật theo yêu cầu của PISA cũng đang là một vấn đề khó khăn đối với đội ngũ dịch thuật của Việt Nam.

* Giáo viên và học sinh chưa từng được làm quen với các dạng đề thi của PISA. Vì vậy, nếu không chuẩn bị kỹ cho học sinh làm quen với tư duy của các dạng đề thi PISA, học sinh sẽ khó có thể biết cách làm bài và trả lời đúng câu hỏi.

* Chưa chuẩn bị được tinh thần cho người dân Việt Nam tham gia kỳ thi PISA.

Những chiến lược cần thực hiện khi tham gia PISA:

* Khi đã tham gia PISA, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của PISA ở tất cả các bước.

* Cần chuẩn bị một đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, có tâm huyết, có trách nhiệm, có trình độ để điều hành triển khai PISA tại Việt Nam.

* Cần xây dựng một lịch trình làm việc cụ thể cho khảo sát thử nghiệm trong năm 2011 và khảo sát chính thức vào năm 2012; phải xây dựng các kế hoạch chi tiết cho mỗi công việc, phân công công việc rõ ràng, rành mạch cho mỗi nhóm chuyên gia, cho các đầu mối hoạt động, cho mỗi cá nhân...

* Cần xây dựng một chiến lược truyền thông cho toàn dân biết về PISA; triển khai thực hiện tốt để huy động được sự quan tâm và ủng hộ của toàn dân về kỳ thi này.

* Cần chuẩn bị về tài chính một cách thỏa đáng để chi phí cho kỳ thi quốc tế này như: phí đóng góp cho quốc tế, chi phí cho các hoạt động chuyên môn, chi phí cho các chuyên gia, chi phí cho các hội thảo trong nước và quốc tế, chi phí cho việc triển khai thực hiện...

* Cần chuẩn bị cho giáo viên và học sinh làm quen với các dạng bài thi của PISA.

Với phần giới thiệu khái quát này hy vọng đã giúp cho chúng ta -

những người làm công tác giáo dục có những hiểu biết cơ bản về Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD. Trên cơ sở đó cùng với Bộ GD&ĐT, giáo dục tỉnh nhà chuẩn bị một cách tích cực, chu đáo và toàn diện về mọi mặt trong các năm học tới để đến năm 2012 khi Việt Nam chính thức tham gia khảo sát theo PISA sẽ đạt được kết quả tốt nhất.             

N.N.S

Các tin khác