1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Tản mạn

TẢN MẠN VỀ LÀNG, QUÊ, PHỐ, PHƯỜNG

NGUYỄN XUÂN CHÂU

*Cho đến nay và có lẽ còn lâu về sau này nữa, trong tâm thức của con người Việt Nam chúng ta, dẫu lang thang khắp bốn phương trời, "khi tỉnh rượu, lúc tàn canh", một mảnh hồn quê vẫn hiện về lãng đãng khi gần, khi xa bóng dáng thân quen của những cây đa bến nước, lũy tre xanh hay con đường nhỏ ngày xưa đi học, ao làng nơi ta tắm mát...
Trong câu nói cửa miệng của người bình dân, từ "làng" từ "quê" thường đi liền và kết hợp dễ dàng với các từ khác thành những từ ghép hết sức phong phú (mà từ "phố", từ "phường" lại ít gắn kết được). Chẳng hạn, ta thường nói: Làng quê, thôn quê (chứ không nói phố quê), đồng quê, đồi quê, chợ quê đường quê, con sông quê, lòng quê, hồn quê (chứ không nói hồn phố), duyên quê (chứ không nói duyên phố)... Sự kết hợp của từ "làng" cũng vậy : Đình làng, bản làng, đường làng, ao làng, lũy tre làng, cánh đồng làng, làng nước, lệ làng (chứ không nói lệ phường, lệ phố), rồi việc làng (chứ ít nói việc phố, việc phường), chạy làng, la làng (chứ không nói la phố)... Nói "tình làng nghĩa xóm", chứ không nói "tình phường nghĩa phố", mặc dù, trong thực tế, những người sống trong cùng một xóm làng, một khu phố ít nhiều đều có những quan hệ tình cảm nhất định (Bán anh em xa, mua láng giềng gần - Tục ngữ). Lại nữa, khi gặp chuyện chẳng lành, cần sự cứu giúp của cộng đồng, người ta kêu "ới làng nước ơi", chứ không kêu "ới phố phường ơi"! mặc dù ở phố phường không phải không có sự cứu giúp nhau khi hoạn nạn. Có lẽ câu nói trên không có ý rằng ở nhà quê thì có thể "kêu làng" còn ở thành thị thì không. Đây là do thói quen mà thôi. Vì "ngày xưa, từ rất xưa", chỉ có xóm, có làng. Làng quê từ ngàn năm nay gắn bó máu thịt với người Việt Nam. Vì vậy trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, dân ta thường nhắc đến xóm, đến làng... là điều dễ hiểu.
Làng quê còn là nơi hình thành và lưu giữ các lễ hội dân gian độc đáo: Hội chùa Hương, Hội Lim, Hội đua thuyền, Hội đua voi, Hội hoa ban, Hội vật, đánh đu, chọi trâu, chọi gà... Từ Bắc chí Nam, hầu như miền quê nào cũng có lễ hội :
            Hội làng mở giữa mùa thu
             Trời cao gió cả trăng như ban ngày...
                (Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)
Có thể nói cái gì nhắc nhớ đến làng quê đều dễ đi vào lòng người. Bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Đỗ Trung Quân được phổ nhạc và nhanh chóng chiếm được cảm tình của công chúng với những "chùm khế ngọt", đường đi học "rợp bướm vàng bay", với "đêm trăng tỏ", với "cầu tre", với "hoa cau rụng trắng ngoài thềm". Tất cả đều là hình ảnh của làng quê đấy thôi !
Nhà văn Hoài Thanh từng viết: "Ở mỗi con người chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta(1). Xem thế đủ thấy "làng quê" hãy còn sâu nặng lắm trong lòng người Việt!
*Phố, phường, thị thành xuất hiện sau; nói theo sách vở thì khi kinh tế xã hội phát triển đến một mức nào đó mới hình thành các thị tứ, thị trấn, rồi đến thị xã, thành phố. Hình thành sau nhưng đô thị lại có sức hấp dẫn rất lớn. Ở góc độ này thì bài thơ "Chân quê" của Nguyễn Bính-nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê- là một ví dụ. Bài thơ được viết từ những năm 30 của thế kỷ trước. Chàng trai trong bài thơ tiễn người yêu ra thăm thú thị thành. Ngày về, anh "đợi em ở mãi con đê đầu làng". Từ một cô gái chân quê (Em là con gái trong khung cửi / Dệt lụa quanh năm với mẹ già), em mặc "áo lụa sồi", "quần nái đen", đầu chít "khăn mỏ quạ"... ít khi ra khỏi lũy tre làng, không biết ra tỉnh mấy hôm (ngày ấy nói ra tỉnh là ra nơi phồn hoa đô thị) mà em thành một con người khác hẳn: "Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/Áo cài khuy bấm..."; đến nỗi chàng trai đã phải thốt lên:

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Có người còn tếu, tô đậm thêm, họa lại: "Hôm qua em đi tỉnh về /
Hương đồng gió nội bay đi hết rồi!"Anh nhắc cô gái, tuy đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng không kém phần tha thiết:
...Xin em em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê.

* Hiện nay có xu hướng là thành thị thì muốn có một vài hình ảnh của thôn quê; còn thôn quê thì muốn có một hình thức như thị thành. Nhiều làng quê bây giờ không còn hình bóng của những "cây đa cũ, bến đò xưa", quang cảnh chung thấy như nửa phố, nửa làng! Bởi trong làng có những nhà cao tầng xen kẽ với những nếp nhà xưa một cách tùy tiện, mạnh ai nấy làm. Cây xanh trong làng ít dần; nhà được vây kín bằng những bức tường gạch, tường vôi.
Lại nhớ cảnh làng quê ngày trước: "Em ở sát nhà tôi/Cách nhau bờ dậu thấp... Bên giếng nhà em có bụi chuối bồ hương/Quanh năm bóng mát sang vườn nhà tôi/Nhà tôi lài lý thơm về tối... (Chợt nhớ-Nguyễn Hồi Thủ). Hoặc: "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn" (Người hàng xóm - Nguyễn Bính). Còn hiện nay, như có người nói, xin mạn phép nhà thơ Nguyễn Bính mà đổi lại câu thơ trên thành: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau mấy bức tường vôi bịt bùng!
Làng quê, đất nước đang thời hiện đại hóa, sẽ là lẩn thẩn nếu muốn làng quê cứ mãi như xưa với "Mái lều tranh/Tiếng mõ đêm trường/Luống cày đất đỏ/ít nhiều người vợ trẻ/mòn chân bên cối gạo canh khuya"(2). Xây dựng quy hoạch nông thôn để có một làng quê vừa hiện đại vừa giữ được nét truyền thống xưa thật khó lắm thay! Khó, nhưng đây là yêu cầu của cuộc sống. Đời cha chưa làm được thì đời con sẽ phải làm thôi.
Còn thành phố? Như đã nói ở trên, tại khá nhiều thành phố, thỉnh thoảng ta bắt gặp "đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng" tại nội thành; không phải nhà để ở, mà là nhà hàng! Để tạo không khí dân dã, có nhà hàng giữa nơi phồn hoa đô hội còn trưng bày cả một đôi quang gánh ở đầu cửa ra vào... Trong thành phố có cả những nhà hàng có tên: Nhà hàng Dân Dã, Đồng Quê, Hương Quê...Còn trong một số gia đình nhà ở thành phố, có chủ nhân thích treo một bức tranh thủy mặc có sông nước núi non, con đò nhỏ hay một bức tranh đồng quê có trẻ chăn trâu thổi sáo bên khóm tre xanh để được thấy cảnh thanh bình hoặc gợi nhớ một miền quê nơi mình sinh ra và lớn lên...
Trên thế gian này phần lớn các nước đều có nông thôn, thành thị. Ở Việt Nam bức tranh làng quê, phố phường thật phong phú, đa dạng. Sự khác biệt, tiếp nối, giao thoa giữa làng quê, phố phường là một đề tài phong phú cho các ngành văn hóa, nghệ thuật, xã hội học, sử học, khảo cổ học, quy hoạch... tìm hiểu, nghiên cứu.

N.X.C

Các tin khác