1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Tết giữa rừng Việt Bắc

TẾT GIỮA RỪNG VIỆT BẮC

TRẦN HOÀNG

Năm 1965, để tránh bom đạn của máy bay Mỹ trong những đợt đánh phá miền Bắc, trường Bổ túc công nông Việt Bắc, nơi tôi đang dạy học, từ thị xã Thái Nguyên, đã sơ tán về đóng ở bản Pác Sán, một làng nhỏ nằm ở thượng nguồn sông Cầu, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn. Lớp học, khu hiệu bộ, trạm y tế, nhà trẻ, nhà ở của cán bộ, giáo viên và học sinh đều nép dưới bóng cây rừng. Cạnh trường, nằm rải rác đây đó là các cụm nhà của người Nùng, người Sán Dìu... Tất cả, quây quần và ấm cúng trong một không gian vừa có rừng núi, suối khe, vừa có những thửa ruộng bậc thang rất kỳ thú.

Giáo viên chúng tôi, hầu hết là người miền xuôi được Bộ Giáo dục cử lên miền núi công tác. Trừ một số người cả vợ lẫn chồng đều là cán bộ của trường có nhà ở riêng, còn những người độc thân hoặc vợ con ở xa đều ở nhà tập thể, ăn cơm tại bếp tập thể. Mỗi độ năm hết, tết đến, một số cán bộ, giáo viên, học sinh quê quán xa xôi như Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Lai Châu... không về ăn tết với gia đình được thường ở lại trường đón mừng xuân mới. Tôi là một giáo viên nằm trong số đó. Với tôi, những cái tết xa nhà là những cái tết đầy kỷ niệm, đầy thương yêu và nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em da diết.
Bản Pác Sán, nơi chúng tôi sống và dạy học hơn 4 năm trời, mùa đông rất lạnh. Nhưng mỗi độ xuân về, hoa đào, hoa mận nở rất đẹp. Màu đỏ, màu trắng của hoa sao mà tươi tắn, mà rực rỡ đến vậy? Khi phần đông cán bộ, giáo viên, học sinh đã về quê ăn tết, các nhà tập thể chỉ còn lại dăm ba người. Chúng tôi thường rủ nhau vào chơi các nhà dân trong bản. Không khí đón xuân nơi đây, dù đang trong thời kỳ chiến tranh cũng rất rộn ràng, náo nức. Gần như nhà nào cũng mổ lợn, mổ gà, gói bánh chưng, bánh tày ăn tết. Họ còn làm một số loại bánh trái, xôi chè mà ở dưới xuôi dường như không có, ví như bánh tro, bánh mật, xôi trứng kiến v.v... Anh em chúng tôi tới nhà nào cũng được bà con tiếp đón rất ân cần. Họ mời chúng tôi lên nhà sàn uống rượu, thứ rượu nếp do bà con tự nấu, uống ngon, say mà không váng đầu. Uống rượu thì uống bằng bát; già trẻ "cụng bát" với nhau rất vui vẻ. Gặp nhà nào vừa săn được con nai, con lợn rừng về, thế nào chúng tôi cũng được bà con tặng cho một vài cân thịt để ăn tết.

Một trong những thú vui của anh em giáo viên chúng tôi trong những ngày chuẩn bị đón tết là rủ nhau đi chơi chợ, xem chợ... Chợ Mới, ngôi chợ lớn của huyện chỉ cách bản Pác Sán có vài cây số, nhưng từ trường ra đến chợ phải đi qua cây cầu khỉ khá chênh vênh, nên không phải không có người ngại ngùng. Chợ tết miền núi rất đông kẻ bán người mua. Đồng bào Tày, Nùng, Dao, Hmông, Sán Dìu, Sán Chỉ... ai đi chợ cũng mặc rất đẹp. Quần áo đủ sắc màu, với nhiều hình thêu thùa trang trí rất công phu. Sản vật bà con mang xuống chợ hầu hết là sản phẩm cây nhà lá vườn, như con lợn, con gà, buồng chuối, trái đu đủ, bó lá dong, tấm vải chàm...,

còn người miền xuôi thì mang lên chợ nồi, xoong, bát đĩa, kim chỉ, mắm muối v.v... Một điều rất thú vị là bà con các dân tộc mang hàng đi bán, hầu như không ai nói thách cả. Nói một là một, hai là hai, không có thêm bớt gì... Giáo viên chúng tôi đi xem chợ cũng được hòa trong cái không khí náo nức, ấm cúng, tiếng nói, cười của bà con các dân tộc từ nhiều thôn bản kéo về mua, bán, gặp gỡ và kết thân với nhau...

Khu tập thể của chúng tôi, dù chỉ có dăm ba người cũng được quét dọn sạch sẽ, tinh tươm từ trong sân cho đến ngoài ngõ. Các phòng có người ở đều được bài trí đẹp đẽ, có bát hương, có lọ hoa trên bàn viết của giáo viên. Bếp ăn tập thể, được nhà trường quan tâm cấp đủ gạo, thịt, mắm muối... nên bữa ăn trong những ngày nghỉ tết của chúng tôi đều rất tươm tất. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" và "tràng pháo, bánh chưng xanh" đều có cả. Vào lúc giao thừa anh em chúng tôi quây quần bên nhau, trong ánh lửa bập bùng, cùng trò chuyện, ăn mứt, ăn bánh rất vui vẻ. Một vài cô giáo trẻ, lần đầu ăn tết xa quê khi nghe tiếng pháo nổ từ các nhà dân trong bản vọng tới cũng rơm rớm nước mắt vì nhớ nhà... Nhưng rồi mọi người đều vui vẻ trở lại và chăm chú lắng nghe lời chúc tết của Bác Hồ vang lên từ chiếc rađiô đặt trên bàn cao:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to...

Niềm tin về chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về ngày hòa bình lập lại, Bắc Nam sum họp một nhà làm cho chúng tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ gia đình trong giờ phút đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

30 năm tròn đã trôi qua kể từ ngày tôi rời xa mái trường Bổ túc công nông Việt Bắc; Nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ về những ngày sống và làm việc ở trường, về tình cảm bè bạn, tình cảm thầy trò đằm thắm, về những buồn vui của những cái tết xa nhà giữa rừng Việt Bắc vẫn mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm tôi.

T.H
 

Các tin khác