1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Truyện cổ của người Pacô

TIẾP CẬN TRUYỆN CỔ CỦA NGƯỜI PACÔ

KHÁNH PHONG

Người Pacô ở Việt Nam cùng với người Pahy được xem là nhóm địa phương của dân tộc Tà ôi. Địa bàn cư trú chủ yếu ở A Lưới (Thừa Thiên Huế) và một phần ở huyện Đắc Krông, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Trong kho tàng văn hóa dân gian hiện người Pacô đang lưu giữ những làn điệu dân ca tiêu biểu như: Cha chấp, Kâr lơi, Ba bóoi,

Ru akay, Tâng ơơi, cùng các điệu múa: Pâr chiềng kòong, Pa dưưn ku ru, Pa dưưn Tâng kin, Choan đung, Xịa tì rỉa, các loại nhạc cụ: Ân toong, A tụuc, Âm pooh, Cồng chiêng, khèn, tù và, Âng koái, Âng krao, nhiều lễ hội được nhắc đến nhiều trong các câu chuyện kể như: A riêu kar, A riêu ping, A riêu Aza, A riêu Âr pục. Phong tục thờ cúng thần Núi (Dang Koh), thần Làng (Dang Tâng kin), thần Nước (Dang Đạa). Chính vì người Pacô có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa nên họ còn sở hữu một kho tàng đồ sộ về truyện cổ tích.

 Truyện cổ Pacô cũng có sự đa dạng về nội dung và phong phú về giá trị nghệ thuật như những truyện cổ tích của các dân tộc anh em khác. Những câu truyện cổ của họ tất cả đều nhằm phản ánh những thói hư tật xấu trong xã hội cổ truyền. Và thông qua truyện cổ, người Pacô còn có những cách ứng xử tốt với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đó chính là lí do để chúng tôi tiến hành sưu tầm và biên soạn nhằm giới thiệu với độc giả những câu chuyện mà người Pacô đã truyền tụng từ đời này qua đời khác.

Trong danh mục các dân tộc thiểu số Việt Nam, người Pacô, Pahy được xếp chung với dân tộc Tà ôi và được xem là nhóm địa phương của dân tộc này. Tuy là nhóm địa phương nhưng người Pacô có những nét riêng của mình, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và ngôn ngữ. Điều này được  hiện trong truyện cổ Pacô qua các khía cạnh sau:

 Người Pacô cư trú ở vùng thấp, trong các thung lũng, các con sông, suối, địa hình tương đối bằng phẳng. Điều này được người Pacô lý giải qua truyện Nguồn gốc người Pacô của mình một cách có cơ sở khoa học, và đặc biệt hơn trong truyện này, người Pacô có câu phương ngôn tiêu biểu cho cộng đồng mình như sau: "Muốn mặc váy thì ngược lên aroh Ta oais (chỉ đât Lào-NV), muốn cần cái rựa, cái rìu, cồng chiêng thì hãy xuôi về đồng bằng". Chuyện kể rằng: "Ngày xửa, ngày xưa, ở một làng Pacô nọ đang làm ăn sinh sống tại một vùng đất gần một con sông lớn nước chảy xiết. Cuộc sống vui vẻ quây quần đó chưa được bao lâu thì một đêm nọ, già làng nằm mơ thấy Dang Arơbang (thân Trời) hiện ra từ trước mặt và nói rằng:

- Còn bảy ngày nữa là sẽ có một trận lụt lớn nước sẽ dâng cao ngập cả nơi con người, loài vật và cây cối đang sống. Nếu không muốn bị mất hết thì hãy đục đẽo một chiếc Acư (cái trống) thật to, sau đó tập hợp lại các loại vật nuôi, cây trồng, dụng cụ sản xuất vào chiếc Acư đó! Ngươi nên nhớ, mỗi loài chỉ chọn một con, giống cây mỗi loại chỉ chọn một cây hay một hạt, và con người cũng chỉ một người nam hay nữ tuỳ chọn.

Nói xong Dang Arơbang lại biến mất. Hôm sau thức giấc già làng lo sợ và tập hợp con cháu trong làng, kể lại giấc mộng mà ông đã mơ thấy Dang Arơbang đêm qua. Mọi người sợ hãi lo lắng nhưng đành chấp nhận lời kể qua giấc mơ đó. Họ bắt đầu lên rừng tìm cây gỗ tốt chặt hạ và đục đẽo lắp ghép thành một chiếc Acư rất to. Qua sáu ngày, sáu đêm thì chiếc Acư vừa xong, già làng cùng con cháu chặt bỏ vào chiếc Acư tất cả các loài vật nuôi, hạt giống. Sau đó chọn một cô gái khoẻ mạnh xinh đẹp cùng một con chó đực khoẻ mạnh bỏ vào, miệng chiếc Acư được đóng kín lại bằng sáp ong. Sáng hôm sau, đúng ngày thứ bảy như lời Dang Arơbang nói, bầu trời bắt đầu tối sầm lại sấm sét giông bão nổi lên. Mưa mỗi lúc nặng hạt hơn, nước mỗi lúc dâng cao hơn.

Chưa đầy một ngày, nước sông đã dâng cao nhấn chìm cả núi non làng bản. Mọi loài vật trên mặt đất đều chết, chỉ còn chiếc Acư nổi bồng bềnh trôi theo dòng nước, qua bảy ngày bảy đêm thì nước rút. Chiếc Acư trôi dạt vào một vùng đất bằng phẳng. Khi thấy xung quanh vắng lặng cô gái lấy chân đạp thủng sáp ong xem thử bên ngoài như thế nào. Khi bề mặt Acư là những tảng sáp ong vỡ ra thì cô gái thấy bên ngoài trời đẹp, yên tĩnh, cô gái liền đem ra tất cả các loại giống vật cây trồng.

Cô gái tự tay dựng lều và sống ở đó, nhớ lời già làng dặn: Muốn bảo tồn nòi giống thì con phải sống như vợ chồng với con chó. Một thời gian sau cô gái mang thai và sinh được mười đứa con, năm đứa con trai và năm cô con gái.

Sau khi các con khôn lớn đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, nhưng cả một vùng đất mênh mông đó chẳng thấy một bóng người nào khác. Họ suy nghĩ ngày đêm rồi bà mẹ bèn nghĩ ra một kế gọi các con lại và dặn:

- Để giống nòi các con sau này được sinh sôi nẩy nở. Mặt đất này rộng bao la các con hãy đi thật xa. Đi khỏi vùng đất này, mỗi người đi về một phía nếu sau này các con gặp tìm thấy cô gái hay chàng trai nào đó thì hãy lấy người đó làm vợ làm chồng.

Theo lời dặn của bà mẹ mười đứa con từ biệt cha mẹ, và mỗi đứa mang theo các loại giống vật nuôi cây trồng. Họ chia tay đi tìm tứ phía. Đất trời rộng mênh mông họ đã đi cùng trời cuối đất rồi đến một ngày nọ họ gặp nhau. Xa nhau quá lâu ngày, họ không còn nhận ra nhau nữa, tưởng rằng đã gặp người khác lạ. Nhớ lời bà mẹ dặn họ liền kết duyên thành đôi vợ chồng, họ cùng nhau lập một ngôi làng cùng làm ăn sinh sống.

Trong mỗi dịp tổ chức hội làng để được gắn bó hơn, họ tìm hiểu nhau xem nguồn gốc mỗi người được sinh ra từ đâu? Rồi mỗi người lần lượt kể ra rằng họ được sinh ra từ một bà mẹ và người cha là con chó, lúc đó tất cả mới vỡ lẽ. Thì ra đều là anh em ruột thịt được sinh ra cùng cha cùng mẹ. Nhưng vì muốn bảo tồn và phát triển nòi giống nên bà mẹ đã bày ra một kế như vậy. Vì vậy hiện nay, đa số người Pacô kiêng ăn thịt chó, vì họ cho rằng con chó là tổ tiên của họ.

Sau một thời gian chung sống, lao động, kiếm ăn, họ mới có các câu chuyện, sự tích ra đời của các dòng họ như Ahăr, Ta Dưr, Kê, Avô, Tâng koal...Nhưng cốt là để đổi họ, để tránh được tội loạn luân, khỏi bị xấu hổ và để mở rộng đất đai sinh sống. Người Pacô di chuyển dần, phân chia nhau đi tìm vùng đất mới để sinh sống cai quản và thế là họ vẫn chọn vùng đất thung lũng bằng phẳng để lập làng, họ không ở trên cao như người Tà ôi. Hơn nữa, từ xa xưa người Pacô kể rằng: Do sinh sống ở vùng đất giữa Lào và Việt Nam, cho nên họ có  đi trao đổi hàng hóa ở Lào cũng tiện mà đi đổi hàng hóa ở dưới đồng bằng người Việt cũng thuận lợi. Vì thế ngày nay đa số những dụng cụ lao động của họ giống như người Việt (rựa, dao, rìu, chén kiểu, bình vôi, kiếm...)" .

+ Một đặc trưng khác biệt giữa người Tà ôi và Pacô là tùy theo không gian cư trú mà người Pacô có cách gọi riêng cho mình theo công thức:

++ Tên tộc người + tên địa danh: Pacô Târ Renh, Pacô Đăckrông, Pacô Paxiêng.

++ Tên tộc người + tên sản vật: Pacô Alôong, Pacô Ale…

Trong đó, Târ Renh là tên con sông chảy từ đỉnh núi Đông Ngải về nhập vào sông A Sáp, sông Târ Renh chảy qua các xã có người Pacô cư trú như đã nói ở trên. Alôong là tên loài hoa đỗ quyên mọc ven sông Târ Renh cùng các hệ suối nhỏ khác. Ale là loại tre nhỏ bằng cán chổi mọc ven sông suối Târ Renh, Đăckrông. Đăckrông là con sống bắt nguồn từ phía Tây Trường Sơn hướng A Lưới, chảy qua địa phận các xã Hồng Thủy, A Bung, A Ngo, Tà Rụt và A Vao nơi có người Pacô cư trú như đã trình bày ở trên. Pacô Paxiêng thuộc các xã Ta Lo, A Hố, huyện Tù Muồi, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Cho nên trong truyện cổ Pacô có những câu chuyện kể về nguồn gốc các dãy núi ở A Lưới như núi Kikaal, vùng Hu với những chi tiết gần thực với ngoài đời.

+ Vì ở vùng đất khá bằng phẳng nên người Pacô bố trí nhà khá liền kề nhau theo hình vành khuyên, hình móng ngựa, theo hàng hoặc dãy dài. Bên ngoài làng có hàng rào bao bọc quanh làng chỉ có 1 lối cửa để đi ra vào, ở làng có bến nước. Và điều đặc biệt quan trọng là mỗi dạng nhà dù hình khuyên, hình móng ngựa, hay hàng, dãy đều có 1 phòng khách rộng được bố trí ở gian giữa để đón khách chung của làng, của gia tộc thì được gọi là nhà Moòng làng. Trong các truyện cổ đều nhắc đến cấu trúc làng bản, cách tiếp khách ở nhà Moòng làng với tần suất lớn, đó là nét đặc trưng ở cộng đồng Pacô. Hình ảnh ngôi nhà Mòong làng này được kể theo những tích chuyện như: Chàng Kuplụu - Ârpụ Ârpuụt, Nàng Ta Ngực.

+ Người Pacô không biết trồng bông kéo sợi nên muốn mang vải dzèng chỉ biết thông qua việc trao đổi hàng hóa với người Tà ôi và người Lào mà thôi, chính điều này truyện Kân Tưi Akọ Kụt đã nói rõ: "Từ khi có được hang động vững chắc. Kân Tưi yên tâm đi làm nương phát rẫy. Không cho bà làm bất cứ việc gì mà bà chỉ ở trong hang để canh giữ. Nhờ siêng năng cần cù của Kân Tưi nên hai bà cháu thức ăn luôn đầy đủ. Ngoài việc phát nương làm rẫy, Kân Tưi còn tranh thủ làm bẫy bắt chồn, chim, chuột, ngăn sông làm Târ hooi(6) bắt con cá để chăm sóc bà hằng ngày. Mặc dù ở trong hang động rất nhiều vàng nhưng hai bà cháu không hề đụng vào. Ăn uống không thiếu nhưng chỉ thiếu áo khố để mặc, bởi người Pacô không biết dệt dzèng nên hai bà cháu chỉ mặc áo váy, khố được làm từ vỏ cây a mưng...."

Khi đọc truyện Sự tích các loài rắn ở núi Ki kaal, Nàng Aong aên thì người Pacô có những giải thích các đặc điểm của loài vật như vì sao có nọc độc của rắn, rết, sâu, ong, kiến. Vì sao gà trống có mỏ nhọn, chân vuốt sắt, vì sao vịt bị bàn chân dẹt, mỏ dẹt, quạ lại có bộ lông đen. Hoặc con chó ngày trước biết leo trèo còn con mèo thì không nhưng vì tin bạn, nên cho con mèo, con khỉ mượn bảo bối của mình nên bị mất vuốt leo trèo. Từ đó chó không còn leo trèo được mà nhường lại cho mèo, khỉ cùng nhiều con vật khác. Truyện Chú thỏ tinh quái lại là bài học nhắc nhở con người chúng ta phải đối xử tốt với thế giới động vật, đây là cách giáo dục bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Các truyện Nàng Ta Ngực, Ky Nhiêr, Kân Tưi Akọ kụt… lại nhắc nhở chúng ta về thái độ sống giữa người giàu với người nghèo, tình cảm cha con, vợ chồng, anh em, quan hệ xã hội. Trong truyện cổ Pacô có nhắc đến ông già Kutăng chuyên làm cho những đám rẫy bị phát, đốt, cây cối bị chặt đều được sống lại sau một đêm, qua đây giúp người đọc nhận thức được rằng, trước đây người Pacô đã có ý tưởng tái tạo lại môi trường sống khi con người đã có những ứng xử không tốt với không gian rừng rậm, núi cao.

Hàng loạt truyện khác cũng đề cập đến vấn đề trường sinh bất tử có nội dung tương tự như các truyện cổ tích của các dân tộc khác trên đất nước ta. Điều này chứng tỏ người Pacô luôn tôn trọng cuộc sống này và cứ sau mỗi lần trắc trở trong tình duyên, gia cảnh giàu nghèo…thì họ lại được tái sinh, đoàn tụ.

Một điều đặc biệt là người Pacô còn lí giải vì sao nguồn tài nguyên khoáng sản ngày nay lại nằm sâu trong lòng đất, điều này trước đây kể cả trong truyện cổ Tà ôi mà chúng tôi đã công bố chưa hề được nhắc đến. Người Pacô kể: "Ngày xưa, mỏ vàng, mỏ bạc nằm lộ trên mặt đất. Từ khi anh chị dâu tham lam của Kân Tưi phát hiện hòng chiếm đoạt nên hang động và mỏ vàng, mỏ bạc biến mất dấn chìm trong lòng đất. Một hôm trong lúc Kân Tưi và A Nang đang bàn chuyện đi thăm hang động thì đằng sau vợ chồng người anh nghe lén. Khi Kân Tưi

cùng A Nang đi thăm hang động thì vợ chồng người anh bí mật đi theo sau, nhân lúc nửa đêm khi mọi người đang ngủ say, vợ chồng người anh đem theo gùi đi tìm đá to đi vào hang. Đến nơi, hai người cầm hai cục đá to và chắc đập mạnh vào cửa, trụ hang động rung chuyển và sập xuống đè chết vợ chồng người anh. Từ đó, động vàng biến mất cùng với vợ chồng người anh tham lam. Còn chàng Kân Tưi và A Nang sống sung sướng hạnh phúc cùng con cháu làng bản, được mọi người bầu làm chủ làng, một ngôi làng giàu có nhất vùng Pacô".

Trong truyện cổ Pacô người đọc sẽ bắt gặp được mỗi truyện có nội dung phản ánh của từng số phận nhân vật rõ ràng, rành mạch, không bị chắp vá, không bị ngắt khúc mà luôn trọn vẹn như một dòng sông từ đầu nguồn cho đến cuối nguồn, như một đời người từ khi sinh ra cho đến cuối đời vậy.

Điểm khác biệt giữa truyện cổ Pacô và truyện cổ Tà ôi là người Pacô ít hoặc không có những yếu tố đồng thoại mà họ chỉ kể theo kiểu diễn xuôi, truyện cổ Pacô không mang dấu ấn của yếu tố nguyên thủy và cũng không có kiểu truyện kể về nguồn gốc các thức ăn, thức uống. Đối với người Pacô một phần do tiếp xúc gần với văn hóa người Việt nên trong quá trình kể họ vẫn hay dùng một số từ ngữ mang ảnh hưởng của người Kinh như: vua, chúa, ngài, kiệu vàng, kiệu bạc....trong quá trình sưu tầm chúng tôi đã cố gắng chỉnh lí và thay thế vào những từ mộc mạc nhất nguyên nghĩa nhất mà họ có từ xưa.

Theo ý kiến của các nghệ nhân thì từ trước đến nay, chưa có một tập truyện cổ nào của người Pacô một cách độc lập mà đa phần những nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà dân tộc học đều ghép những câu chuyện của người Pacô vào chung sách truyện cổ Tàôi. Nhưng thực ra qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng, có những câu chuyện tuy tựa đề giống nhau nhưng nội dung ý nghĩa khác nhau, điều này lại chứng tỏ sự khác biệt của các nhóm người trong dân tộc Tà ôi.

Truyện cổ của người Pacô đang còn tiềm ẩn rất nhiều ở các nghệ nhân dân gian mà chúng tôi chưa có dịp khám phá, giới thiệu vì điều kiện thời gian hạn hẹp. Chúng tôi sẽ cố gắng sưu tầm ghi chép thêm nhiều hơn nữa với mong muốn giới thiệu để bạn đọc gần xa hiểu thêm về nét văn hóa cổ tích của người Pacô. Đồng thời chúng tôi muốn lưu giữ cho đời sau tìm đọc, hiểu trân trọng cội nguồn gốc rễ của chính dân tộc mình.

K.P

Các tin khác