1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Truyện ngắn

NIÊU CÁ KHO TIÊU

NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾN

Với hơn ba mươi năm công tác và phục vụ trong quân đội, đúng năm mươi lăm tuổi, đang làm giám đốc một cơ quan nhà nước, Tiến sĩ Trung Kiên đã xin về hưu. Ông muốn dành thời gian và công sức để thành lập một công ti trách nhiệm hữu hạn mà cổ đông đều là thương binh và cựu chiến binh.
Ông Kiên không sợ thiếu tiền và mặt bằng. Chúng đã được cổ đông đóng góp. So với Công ti Mai Linh nổi tiếng lúc mới thành lập, số vốn ban đầu của công ti ông sẽ lớn hơn tới cả hàng chục lần. Ông chỉ lo làm sao cho công ti của mình ngày càng giàu mạnh. Biết thương trường là chiến trường, khách hàng là thượng đế, biết kinh tế thị trường phải bán những gì thị trường cần, chứ không phải bán những gì mình có nên trước khi bắt tay vào thành lập công ti, ông đã quyết định tiến hành một cuộc thị sát khắp toàn quốc để học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường. Điểm đầu tiên ông đặt chân tới là thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Người đầu tiên ông tìm gặp là ông Thuyên - một thương binh làm kinh tế giỏi, mấy năm liền đạt danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu.
Ông Kiên đến công ti, nơi ông Thuyên làm tổng giám đốc, nhưng không gặp. Ông ấy không đi làm vì vết thương tái phát. Ông Kiên được một nhân viên của công ti niềm nở tiếp rồi dẫn về tận nhà riêng của sếp mình. Dọc đường, sự phát triển nhanh chóng của thành phố và câu khẩu hiệu: "Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố năng động, nhân ái và nghĩa tình" treo khắp nơi đã làm ông ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Nhưng điều ngỡ ngàng, ngạc nhiên hơn cả đối với ông là ngôi nhà của vị tổng giám đốc một công ti lớn, làm ăn phát đạt không phải là một toà nhà cao tầng ở trung tâm thành phố, mà chỉ là một ngôi nhà ba gian bình dị nằm ở tận vùng Địa đạo Củ Chi và chủ nhân của nó vẫn giữ nguyên cốt cách của người lính năm xưa.
Sau hai mươi mấy năm trời kể từ ngày xuất ngũ, ai quê đâu về đấy, nay mới gặp lại nhau, ông Kiên và ông Thuyên đã ôm chầm lấy nhau như hai người lính vừa thắng trận. Sau những phút hàn huyên tay bắt mặt mừng và chào hỏi lẫn nhau, ông Thuyên chủ động chuyển chủ đề:
- Anh ở Huế, có biết cô Cháu người Quảng Trị bây giờ ở đâu không? Tôi muốn tìm để tri ân cô, nhưng lâu nay gặp cựu học sinh miền Nam nào học ở Trường 14 tại Hải Phòng, tôi cũng đều hỏi mà không ai biết. - Thấy ông Kiên lắc đầu, ông tiếp - Cái cô tóc búi củ hành, hay mặc bộ đồ bà ba đen, cổ quàng khăn rằn, có hai đứa con trai, chồng là liệt sĩ ấy. Anh không nhớ à?
- À! Nhớ! Nhớ rồi!
Ông Thuyên mừng rỡ, hỏi gấp:
- Thế anh có biết cô ấy bây giờ thế nào và ở đâu không?
 Ông Kiên ngần ngừ:
- Anh hỏi ai nay đang làm gì hay chức tước ra sao, thì còn dễ biết, chứ cô Cháu về hưu lâu rồi, không ai biết là phải. Tôi cũng chịu.
Ông Thuyên khẽ nhíu mày, không nói gì thêm. Thấy đã vãn chuyện hàn huyên, ông Kiên mạnh dạn thực hiện mục đích của cuộc gặp gỡ:
- Tôi mới xin về hưu, sắp tới sẽ mở công ti trách nhiệm hữu hạn nhưng không có kinh nghiệm. Qua bạn bè và theo dõi báo chí, ti vi biết anh làm kinh tế giỏi nên vào đây học hỏi.
Ông Thuyên đưa mắt chăm chú nhìn người bạn cùng học từ phổ thông đến đại học, cùng nhập ngũ và cùng chiến đấu vừa mang dáng vẻ của một trí thức, vừa mang dáng vẻ một người lính từ đầu đến chân rồi dừng lâu ở vết sẹo trên cổ mà người bạn bị thương cùng một lúc với mình trong một trận đánh tại mặt trận Đường Chín - Nam Lào. Xong, ông thân mật nói:
- Thú thật, tôi chưa làm được việc gì đáng kể và cũng chẳng có kinh nghiệm gì đáng nói - ông chỉ tay về phía chiếc tủ kính đặt trước bàn thờ - Mọi việc tôi làm được đều do cái niêu đất kia.
Ông Kiên trố mắt nhìn cái niêu đất cùng đôi dép cao su và cái ba lô để ngay ngắn, trịnh trọng trong cái tủ kính như những báu vật được trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng. Lát sau, ông quay lại nói:
- Nhà thơ có khác, nói toàn bằng hình tượng, khó hiểu quá.
Ông Thuyên cười ồ, vỗ vỗ vào vai bạn:
- Chà! Hơn bốn mươi năm rồi mà anh còn nhớ à?
- Nhớ chứ. Bài thơ "Nhớ mẹ" của anh in trong tập "Thơ gửi về Nam" của học sinh miền Nam gửi về quê hương hồi đó ai cũng khen hay, nhất là câu" Xuân về nhớ mẹ khói cơm chiều không tan". Nay tôi vẫn còn thuộc cả bài.
Ông Thuyên hào hứng bộc bạch:
- Đó là phút xuất thần có một không hai của cảm xúc. Chiều hai mươi tám Tết hồi đó, trời Hải Phòng đầy sương. Sương tràn vào phòng ăn như khói lam chiều làm tụi học sinh miền Nam chúng mình nhớ nhà, nhớ quê hương. Ngồi trước mâm cơm bốc khói mà chẳng đứa nào thèm cầm đũa. Đang chống cằm buồn bã thì tôi bỗng ngửi thấy mùi cá kho tiêu. Nhìn ra sân thấy cô Cháu xách niêu cá tất tưởi đi qua, tôi cầm bát đũa chạy ra xin vài con. Cô ấy liền mở niêu cho tôi gắp. Thấy thế, mấy đứa khác cũng ùa ra xin, gắp sạch. Biết tụi mình xa nhà, thiếu sự chăm sóc của mẹ, cô xoa đầu từng đứa, rơm rớm nước mắt. Niêu cá và tình cảm của cô ấy đã làm tôi nhớ mẹ da diết. Tôi đã ghi lại cảm xúc ấy của mình, chứ có phải là nhà thơ, nhà thiếc gì đâu. Thế mà hồi đó, cũng như anh, nhiều đứa trong trường cứ tưởng tôi là nhà thơ. Đứa đem đến cái bút Kim Tinh, đứa chiếc áo may ô hay đôi giày Bata… nhờ tôi làm thơ, kí tên chúng để nhà thơ Thanh Tịnh mang vào Nam cho mẹ chúng đọc. Thế nhưng tôi có làm thêm được câu nào đâu.
- Vì sao mùi cá kho tiêu lại làm anh cảm xúc đến thế? Ông Kiên ngạc nhiên  hỏi.
Ông Thuyên tâm sự:
- Cá kho tiêu gắn với một kỉ niệm không thể quên của tôi về mẹ. Năm 1947, hưởng ứng tiêu thổ kháng chiến, gia đình tôi chuyển từ Quy Nhơn ra vùng tự do Tam Quan. Cạnh chỗ ở của gia đình tôi có một ngôi nhà nhỏ nằm trong rừng dừa vắng vẻ. Không ai được phép tới ngôi nhà này, thỉnh thoảng mới có một vài người lạ mặt lặng lẽ đến rồi lặng lẽ đi một cách bí mật. Hồi đó, tôi mới bốn tuổi, nhưng vẫn cảm nhận được đây là một ngôi nhà bí mật, quan trọng. Một hôm tôi đột ngột được một người quen dẫn đến ngôi nhà đó. Thấy tôi đến, mẹ tôi đặt đứa em vào võng rồi ôm tôi vào lòng. Khi sinh em, mẹ tôi không có thời gian để chăm sóc tôi như trước, sợ tôi ganh tị với em, tủi thân nên đã dành cho tôi sự âu yếm đó. Thế rồi hai ngày sau, tôi được ba đưa ra miền Bắc. Những năm tháng sống ở ngoài đó, tôi không thể quên được bữa cơm nhớ đời, không thể quên được mùi cá kho tiêu đặc trưng của miền Nam. Cứ hễ nghĩ đến mẹ là tôi nhớ đến nó. Niêu cá của cô Cháu ở trường học sinh miền Nam làm tôi xúc động là vì vậy.
- Thế tại sao mọi sự thành đạt của anh đều bắt nguồn từ cái niêu đất này?
- Ông Kiên nóng lòng hỏi
Ông Thuyên giải thích:
- Lớn lên tôi mới biết cán bộ kháng chiến hồi đó ăn uống rất kham khổ. Mẹ tôi mới sinh, lại bị sốt rét nên được ưu tiên. Bát cơm không độn khoai, sắn, đúng hơn là khoai, sắn độn cơm, và cá kho tiêu là khẩu phần trong cả ngày. Thế mà mẹ tôi đã nhịn ăn để nhường cho tôi. Còn niêu cá của cô Cháu là cô kho cho đứa con nhỏ bị ốm ăn, nhưng thấy học sinh của mình thèm, cô đã cho hết. Mẹ tôi và cô Cháu đã hi sinh vì người khác. Họ thật nhân hậu, độ lượng và bao dung. Tôi đã luôn nhớ đến việc làm của họ nên dần dần nó đã từ từ ngấm vào máu thịt và góp phần tạo nên tính cách của tôi một cách tự nhiên. Tôi đã luôn luôn làm như họ. Anh biết đấy. Thời học sinh, sinh viên, tôi đã luôn nhường nhịn bạn bè. Thời bộ đội, tôi đã luôn vì đồng đội. Nay, tôi luôn nghĩ đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của công nhân. Năm nào công ti tôi cũng nộp một lượng tiền lớn vào ngân sách của thành phố. Công ti ngày càng phát triển. Thu nhập của công nhân ngày càng cao, đời sống không ngừng được cải thiện. Biết vì lợi ích của mọi người thì họ sẽ làm việc hết mình, sẽ tri ân mình. Đó chính là bí quyết nghề nghiệp của tôi. Nhờ thế, tôi đã trở thành giám đốc, rồi tổng giám đốc lâu năm nhất của thành phố năng động này.
Ông Kiên gật đầu tỏ vẻ tâm đắc rồi vụt đứng dậy, đưa hai tay cầm lấy bàn tay bị thương của ông Thuyên lắc lắc và hứa chắc nịch:
- Chuyến này, nhất định về Huế, tôi sẽ ra Quảng Trị tìm bằng được cô Cháu cho anh, dù cô có ở tận chốn khỉ ho cò gáy nào đi chăng nữa.
Thấy ông Kiên có thái độ chí tình, ông Thuyên ân cần dặn:
- Riêng đối với anh thì tôi phải trao đổi thêm. Người làm kinh doanh cần phải có cái tâm. Sản phẩm làm ra phải là sự tâm huyết, là niềm tự hào của toàn thể lãnh đạo và nhân viên công ti, phải là sự ưa chuộng, hài lòng của khách hàng. Đã đánh là phải thắng! Chúc anh thành công! Và, khi đi tìm cô Cháu, anh nhớ ghé Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thắp hộ tôi nén hương cho đồng đội.
Hai người dặn dò, tạm biệt nhau như hai người lính sắp bước vào một trận đánh lớn như trước đây họ vẫn thường làm.
Tạm biệt thành phố Hồ Chí Minh năng động, tạm biệt người bạn doanh nhân mang phong cách người lính, ông Kiên mãn nguyện trở về với Cố đô cổ kính, trầm mặc, kết thúc chuyến đi thị sát đầy ý nghĩa. Nó đã giúp ông định hướng được sản phẩm của công ti mình phải mang dấu ấn của những người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử, phải mang bản sắc của thành phố "Di sản Văn hóa Thế giới". Ông mong thành phố thân yêu của mình có câu khẩu hiệu đại loại như: "Huế là thành phố hội nhập, phát triển, thân thiện và bản sắc" làm kim chỉ nam cho mọi người hành động, mà nhất định ông sẽ là người tiên phong, để làm cho Huế trở thành niềm tự hào của mọi cư dân thành phố, trở thành sự lưu luyến của những du khách đã đến, trở thành sự hấp dẫn đối với những người chưa đến.
Trước ngày thành lập công ti, ông Kiên phóng xe máy ra Quảng Trị quyết tìm cho bằng được cô Cháu và thắp cho các liệt sĩ một nén hương.

N.Đ.S.T

Các tin khác