1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Từ việc phân tích hai truyện cười

TỪ VIỆC PHÂN TÍCH HAI TRUYỆN CƯỜI
Ở CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 10,
SUY NGHĨ VỀ CÁCH NẮM HIỂU TRUYỆN CƯỜI

TRIỀU NGUYÊN

1. Sách Ngữ văn 10, cả chương trình chuẩn và chương trình nâng cao hiện hành, đều chọn hai truyện cười từ sách Tiếng cười dân gian Việt Nam (Trương Chính, Phong Châu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986), dưới đây:

(1) TAM ĐẠI CON GÀ

Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ", đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.

Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ.

Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ "tước" là chim sẻ, đến chữ "kê" là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: "Dủ dỉ là con dù dì". Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng vẫn thấp thỏm.
Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có thật là "dù dì" không. Thổ công cho ba đài được cả ba.

Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:

- Dủ dỉ là con dù dì... Dủ dỉ là con dù dì...

Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:

- Chết chửa! Chữ "kê" là gà, sao thầy lại dạy ra "dủ dỉ là con dù dì"?

Bấy giờ, thầy mới nghĩ thầm: "Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa", nhưng nhanh trí, thầy vội nói gỡ:

- Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ "kê", mà "kê" nghĩa là "gà", nhưng tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia.

Nhà chủ càng không hiểu, hỏi:

- Tam đại con gà là nghĩa làm sao?
- Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!

(2) NHƯNG NÓ PHẢI BẰNG HAI MÀY

Làng kia có một viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.

Một hôm nọ, Cải và Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng.

Khi xử kiện, thầy lí nói:

- Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.

Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí, khẽ bẩm:

- Xin xét lại, lẽ phải về con mà!

Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt, nói:

- Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!   

Cả hai đều là truyện cười trào phúng. Truyện (1) cười sự dốt nát và thói sĩ diện hão của ông thầy đồ; truyện (2) cười việc xử kiện theo sự đút lót từ các bên của ông lí trưởng (người cầm quyền nói chung).
Nghệ thuật gây cười:

- Ở (1), là cái dốt thoạt đầu được che giấu (thầy không biết chữ "kê" [?] (gà), nhưng đọc liều "dủ dỉ" (là con dù dì), và sợ người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ"), nhưng rồi, do chủ quan (sau khi xin được ba đài âm dương, thầy cho học trò gào to), dẫn đến việc nhà chủ phát hiện ra, chất vấn thầy, bấy giờ, thầy cãi chày cãi cối rằng đã dạy cho trẻ không chỉ biết con gà mà đến tam đại (ba đời) con gà: "Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà"!

Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, mỗi chữ Hán chỉ đọc một âm Hán Việt (đoạn liên quan trong Tam thiên tự, đọc như sau (phần trong ngoặc đơn là âm Hán Việt, phần nghĩa có khi được ghi bằng chữ Nôm, có khi không ghi, ở đây, tạm thay bằng chữ quốc ngữ):    

? (lão) già, ? (đồng) trẻ
? (tước) sẻ, ? (kê) gà
? (ngã) ta, ? (tha) khác)

Việc ông thầy đọc chữ ? thành hai âm "dủ dỉ", cũng như giải thích tam đại con gà theo lối thường gặp trong đồng dao: "Bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen,..."; hoặc: "Kì đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kì nhông, kì nhông là ông kì đà";... cho thấy tính chất nông dân (ngày trước) của chủ thể sáng tạo.

- Ở (2), là các cử chỉ, hành động đáng cười: thằng Cải xoè năm ngón tay, ra ý nhắc thầy lí "Con có lót thầy năm đồng", thầy lí hiểu ý, lấy năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt, và nói "Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!".

Ở đầu truyện có nói thầy lí vốn nổi tiếng xử kiện giỏi, vậy đến việc làm này, thầy lí đã tự lột mặt nạ "xử kiện giỏi" của mình. Tức không phải giỏi xử mà giỏi ăn của đút (và xử theo số lượng hay trị giá của đút ấy).

Từ "phải" trong lời của thầy lí dùng lối chơi chữ đa nghĩa. Sách Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nxb Khoa học xã hội - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, 1994, tr 736) có nêu nghĩa của "phải", tương ứng với mẩu chuyện, gồm ba nét nghĩa sau: 1) Đúng với, phù hợp với; 2) Đúng, phù hợp với đạo lí, với những điều nên làm; 3) Đúng, hợp với sự thật. Tức "phải" là lẽ phải, đồng thời là "sự biết điều" trong một trường hợp ứng xử nhất định (ở đây, cụ thể là biết đút lót).

2. Theo Tài liệu chủ đề tự chọn bám sát chương trình nâng cao Ngữ văn 10 (Nhiều tác giả, Nxb Giáo dục, 2006, tr 13), thì với (1), "Truyện không cười cái dốt, cũng không cười ông thầy dốt, bởi dốt không phải là điều đáng cười, mà là cười sự che đậy cái dốt một cách vụng về nhưng cái dốt vẫn bị phanh phui". Theo đó (đối chiếu với điều tương ứng đã trình bày trước), thì đối tượng của cái cười, tức cười ai, về điều gì không dễ xác định.

Ninh Viết Giao trong Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, tập III (Nxb Nghệ An, 1994, tr 21), viết: "Truyện kể rằng, thuở lối học "chi, hồ, giả, dã" còn thịnh hành, đầu năm các ông đồ xứ Nghệ thường đeo khăn gói lên đường, đi khắp bốn phương, tìm nơi truyền bá chữ nghĩa thánh hiền. Đường xa, các thầy thường đèo theo mo cơm với con "cá gỗ". Đến buổi ăn, thầy vào quán bên đàng để ngồi ăn và xin chút nước mắm. Cá gỗ được chạm vẽ tinh vi, lại phết qua lớp sơn mỏng, bỏ vào bát nước mắm, óng ánh trông như cá rán mỡ: đẹp mắt và ngon miệng. Cơm ăn hết, nước mắm vơi, cá vẫn hoàn cá. Tiếng "cá gỗ" bắt nguồn từ câu chuyện cụ thể đó - chuyện bịa - nhưng nó đã trở thành một truyện cười để châm biếm những con người keo kiệt và bủn xỉn". Phan Đăng Nhật không bằng lòng với kết luận này. Mười ba năm sau, ông viết bài "Ông đồ Nghệ trong con cá gỗ là người keo kiệt?" (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5, 2007, tr 68-71) để nói lại rằng "Truyện con cá gỗ không phải 'châm biếm những con người keo kiệt và bủn xỉn', điển hình là ông đồ Nghệ; mà đây là truyện cười nhạo người sĩ diện, giấu nghèo".

Để có được lời "nói lại" ấy, Phan Đăng Nhật đã tìm hiểu cấu trúc các truyện cười về thói keo kiệt (ở các mặt nhân thân, tính cách, hành động), rồi so sánh cấu trúc ấy với mẩu truyện mà Ninh Viết Giao đã kể. Riêng mặt xác định cấu trúc truyện cười là điều cần chú ý để nắm bắt thể loại này. Theo một nghiên cứu của người viết bài báo ngắn này, thì truyện cười truyền thống người Việt có hình thức kết cấu cơ bản, đồng thời là cơ chế, nghệ thuật gây cười sau:

1) Nhân vật mang thói tật, điều kém cỏi, không bình thường;          

2) Nhân vật mang thói tật, điều kém cỏi, không bình thường, đứng trước tình huống phải ứng xử;          

3) Nhân vật mang thói tật, điều kém cỏi, không bình thường, đứng trước tình huống phải ứng xử, đã thể hiện (bằng lời nói, việc làm - có thể có sự tác động của nhân vật phụ) đúng với thói tật, điều không bình thường vốn có, theo lối thái quá hay bất ngờ, khiến nảy sinh tiếng cười.

Rút ra: đối tượng của cái cười chính là cái thói tật, điều không bình thường của nhân vật được nêu.

Thử đọc thêm ba mẩu truyện cười khác, cũng trích từ Tiếng cười dân gian Việt Nam, sách đã dẫn:
(3). MAY KHÔNG ĐI GIÀY

Có ông tính hà tiện, một hôm đi chân không ra chợ. Giữa đường vấp phải hòn đá, ngón chân chảy máu ròng ròng, thế mà ông ta không phàn nàn gì, lại còn nói:

- May cho mình thật!

Có người qua đường lấy làm lạ, hỏi:

- Ông vấp toạc chân, máu chảy ra như thế, mà còn bảo may là thế nào?
- Anh không rõ. May là vì tôi không đi giày! Chớ mà đi giày thì rách mất mũi giày rồi còn gì!

(4). KHUYẾN GIÁO

Một người chỉ đi khuyến giáo giả, nói là những tô tượng, đúc chuông, làm cầu, làm quán, nhưng kì thực được đồng nào, lẻm vào mồm hết. Lúc chết xuống âm phủ, vua Minh Vương giận lắm, bắt đem đày vào ngục tối.

Anh ta vừa bước vào cửa ngục, đã bảo những người bị giam trong ngục:

- Các bác ở đây, tối thế này cũng chịu được à? Để tôi đi khuyến giáo, mỗi bác cúng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê người mở một cái cửa sổ thật to thông lên trời cho nó sáng ra chứ!... 

(5). ĐÂU DÁM LÀM KHỔ LÂY ĐẾN ÔNG

Một lão nhà giàu, vừa buôn bán vừa cho vay, bóp nặn từng xu, nhưng lại cứ làm ra vẻ không thích giàu sang.
Một hôm, lão ngồi than thở với bạn:

- Nhiều của cũng chẳng làm gì! Của càng nhiều càng khổ thân mà thôi.
Người bạn mới bảo:
- Tôi chỉ thấy thiên hạ mong có của, có ít thì mong được nhiều, có nhiều lại mong nhiều hơn, chứ chưa thấy ai phàn nàn như ông bao giờ. Hay nếu ông thấy khổ quá thì chia bớt cho tôi.

Lão nhà giàu vội từ chối:

- Ấy chết! Tôi đâu dám thế! Tôi có của đã lấy làm khổ rồi, đâu dám làm khổ lây đến ông!...
Kết cấu (đồng thời là cơ chế gây cười, nghệ thuật dựng truyện) và việc rút ra đối tượng của cái cười ở mỗi truyện, như sau:

- Truyện (3): 1) Có một ông hà tiện; 2) Ông ta có giày nhưng không đi, bị vấp toạc chân; 3) Ông bảo: "May là vì tôi không đi giày! Chớ mà đi giày thì rách mất mũi giày rồi còn gì!". Đối tượng của cái cười: thói hà tiện trọng của hơn thân, của ông nọ.

- Truyện (4): 1) Có một ông khuyến giáo giả; 2) Ông ta chết xuống âm phủ, bị đày vào ngục tối vì tội lừa đảo kia; 3) Ông nói với những người bị giam: "Các bác ở đây, tối thế này cũng chịu được à? Để tôi đi khuyến giáo, mỗi bác cúng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê người mở một cái cửa sổ thật to thông lên trời cho nó sáng ra chứ!...". Đối tượng của cái cười: thói lừa đảo, giả trá, đến chết cái nết không chừa, của ông nọ.

- Truyện (5): 1) Có một ông tham giàu đến bóp nặn của người từng xu, nhưng lại làm ra vẻ không thích giàu, giàu chỉ khổ; 2) Ông ta than khổ vì của với một người bạn, người này bảo nếu vậy thì chia bớt của cho y; 3) Ông vội gạt đi: "Ấy chết! Tôi đâu dám thế! Tôi có của đã lấy làm khổ rồi, đâu dám làm khổ lây đến ông!...". Đối tượng của cái cười: thói tham giàu mà giả bộ (khiến bị vạch mặt), của ông nọ.

Ở những truyện nhiều chi tiết hơn, vẫn có thể tóm lược để trình bày kết cấu và nêu đối tượng của cái cười như vừa làm. Trường hợp "Truyện con cá gỗ" đã nêu, cái "thói tật, điều kém cỏi, không bình thường" đã không gắn với nhân vật ông đồ Nghệ, đó là lí do dẫn đến việc hiểu không đúng về đối tượng của cái cười. Sở dĩ tính cách không gắn liền với nhân vật ông đồ có thể vì mẩu truyện được kể (và công bố bằng văn bản) ngay trên quê hương của ông, mà ở đó, ai cũng biết nhân vật này trong đời thực có tính cách ra sao rồi, nói ra sẽ thừa đi. Có thể hiểu đây là một tiền giả định trong giao tiếp bằng ngôn ngữ. Cho nên, điều mà Phan Đăng Nhật rút ra "người sĩ diện, giấu nghèo" là một nét trong tính cách của ông đồ Nghệ. Và với mẩu chuyện này, đối tượng của cái cười chính là điều ấy.

3. Tìm hiểu kết cấu văn bản của một thể loại, đặc biệt là với các thể loại có dung lượng lời ngắn (như truyện cười, truyện ngụ ngôn, giai thoại,... ), chẳng những cho thấy điều then chốt của nghệ thuật tạo dựng tác phẩm, mà còn giúp nắm bắt những vấn đề cơ bản về nội dung ý nghĩa của tác phẩm ấy. Với truyện cười dân gian truyền thống người Việt, khi tiếp cận bằng mô hình kết cấu đã trình bày, có thể lĩnh hội các yếu tố cơ bản đã nói không mấy khó khăn. Như vậy, đây là một hướng tiếp cận phù hợp.

T.N

Các tin khác