1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Xuân canh dần

XUÂN CANH DẦN,
NHÌN LẠI HÌNH ẢNH VỊ CHÚA TỂ SƠN LÂM

NGUYỄN TỐNG
Giáo viên Trường Quốc Học - Huế

Con hổ được xem là vị chúa tể chốn sơn lâm, một con vật linh trong số 12 con giáp mỗi năm đã trở thành một thi liệu thơ ca tự ngàn xưa. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên của quân dân đời nhà Trần, diễn ra vào nửa sau thế kỷ XIII, sức mạnh của hổ đã trở thành biểu tượng cho hùng khí của đội quân bách chiến, bách thắng. Hào khí này đã được Phạm Ngũ Lão phản ánh qua mấy dòng thơ súc tích, tâm huyết trong bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng).

Phiên âm:     Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu 
                   Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
                   Nam nhi vị liễu công danh trái
                   Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
Dịch thơ:      Múa giáo non sông trải mấy thu
                   Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
                   Công danh nam tử còn vương nợ
                   Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

(Bùi Văn Nguyên dịch)

Bài thơ như một tấm văn bia, khắc tạc lại cái tư thế kì vĩ, hiên ngang của chiến sĩ thời Trần mang trong mình hào khí Đông A một thời kiêu hãnh. Họ cầm ngang ngọn giáo - ngọn trường thương được đo bằng chiều dài của sông núi - trấn giữ biên cương Tổ quốc suốt mấy mùa thu qua, gợi ra trong liên tưởng hình dung của người đọc về chiến sĩ thời Trần có khác gì những anh hùng, dũng sĩ có sức mạnh siêu nhiên trong thần thoại, sử thi. Họ toát lên cái khí thế mạnh mẽ oai phong như hổ báo nuốt trôi trâu, họ thăng hoa cái thần thái mãnh liệt làm lu mờ sao Ngưu trên bầu trời. Lời thơ tạo ra những ấn tượng mạnh, những liên tưởng đa chiều, đa nghĩa ở người đọc về hình ảnh, phẩm chất anh hùng của chủ thể trữ tình là danh tướng Phạm Ngũ Lão, của đội quân "Sát Thát" nung nấu chí nguyện "Phá cường địch báo Hoàng ân". Hình ảnh ẩn dụ so sánh độc đáo "Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"đã trở thành một thi liệu, tồn tại như một điển tích trong nền văn học dân tộc.

Trong Bạch Đằng Giang phú, Trương Hán Siêu (?-1354) tái hiện hình ảnh đội quân do Trần Hưng Đạo chỉ huy hiện ra rất chỉnh tề, mạnh mẽ. Lời thơ tứ ngôn đăng đối ngắn gọn vang lên âm hưởng mạnh mẽ, dứt khoát góp phần thăng hoa rõ khí thế sẵn sàng quyết chiến quyết thắng của ba quân trên trận thủy chiến Bạch Đằng lịch sử 1288.

Thuyền bè muôn đội
Tinh kì phấp phới
Tì hổ ba quân
Giáo gươm sáng chói 

Với khí thế "Tì hổ ba quân", đội quân đời Trần đã giành được chiến thắng vẻ vang lừng lẫy, khác nào:

Trận Xích Bích, quân Táo Tháo tan tác tro bay
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi

Đến thế kỉ XV, nhà Minh đã vội quên đi những thất bại nhục nhã của quân Mông - Nguyên, lại đem quân xâm lược nước ta. Thậm chí khi quân Minh đã rơi vào thế bại vong mà "vẫn còn đương mưu tính, lại còn chuốc tội gây oan". Chúng vẫn nuôi ảo mộng thống trị nước ta như Nguyễn Trãi đã nhận xét mỉa mai trong Bình Ngô đại cáo:
Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác

Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian

Nghĩa quân Lam Sơn cũng đã kế thừa, phát huy cái khí thế mạnh mẽ của thế hệ ông cha thời Trần, quyết giành chiến thắng. Nguyễn Trãi lại vận dụng hình tượng mạnh mẽ, oai phong của vị chúa sơn lâm để so sánh với sức mạnh của nghĩa sĩ bình Ngô:

Sĩ tốt kén tay hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn

Với sức mạnh vô địch của lòng yêu nước, của chính nghĩa, quân Lam Sơn đã dồn quân giặc vào cảnh thế cùng lực kiệt.
Quân giặc đã thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng

Nguyễn Trãi đã vận dụng hình tượng con hổ với những trạng thái đối lập độc đáo. Quân đội ta thì "tì hổ khí thôn ngưu", còn tướng giặc thì lại bị hạ xuống thảm hại như hổ đói vẫy đuôi hèn hạ.

Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, thi liệu con hổ lại được nhà thơ Thế Lữ vận dụng để biểu hiện cái tâm trạng phẫn uất vì mất tự do, và khát vọng tự do cháy bỏng khi phải chịu thân phận làm một trí thức nô lệ. Trong bài thơ Nhớ rừng (1936) Thế Lữ viết:

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ bị nhục nhằn tù hãm...

Âm hưởng bài thơ vang lên mạnh mẽ như một khúc ca bi tráng của những con người có tâm huyết, có lòng yêu nước nồng nàn, nhưng chưa may mắn được "mặt trời chân lí chói qua tim", đành "ôm niềm uất hận ngàn thâu". Hình tượng trữ tình của thi sĩ hóa thân vào con hổ than tiếc "thời oanh liệt nay còn đâu?" tạo ra một ấn tượng mĩ cảm ở đông đảo bạn đọc, góp phần khơi dậy niềm khao khát tự do, tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân, giành lại quyền làm chủ giang sơn Tổ quốc. Đó chính là ý nghĩa tích cực của bài thơ Nhớ rừng.

Nhà thơ Hồ Chí Minh lại vận dụng thi liệu con hổ với những sắc thái ý nghĩa mới. Trên hành trình cách mạng gian nan, bước chân của Bác từng trải qua những con đường hiểm trở "núi cao rồi lại núi cao trập trùng", từng đối mặt với vị chúa tể sơn lâm nhưng Bác vẫn được bình yên. Vậy mà "ai ngờ đất bằng gây sóng gió", nên bất đắc dĩ, Bác phải làm "khách quí" tại nhà giam. Trong bài Đường đời khó khăn, Bác đã mỉa mai rằng:

Đi khắp đèo cao khắp núi cao
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người, bị tống lao

Hóa ra "người" ở đây còn đáng sợ, độc hiểm hơn cả hổ. Bọn thống trị phản động dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch đối xử với Bác, với đồng loại còn tàn bạo hơn hổ.

Với nhà thơ Quang Dũng, thì con hổ cũng không có gì ám ảnh. Người lính thời chống Pháp từng "triêu đùa" với chúng nhiều lần vào lúc chiều buông đêm xuống.

Chiều chiều oanh linh thác gấm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Giữa chốn rừng thiên nước độc hoang sơ Tây Bắc, giữa chiến trường chất chồng khó khăn gian khổ, người lính Tây Tiến mới thực sự là người chủ núi rừng quê hương, là chúa tể muôn loài. Qua vần thơ Quang Dũng, họ hiện ra với những nét ấn tượng: kiêu hùng, đa tình, lãng mạn.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Lời thơ đã thăng hoa phong thái của người lính với những đặc điểm, phẩm chất ngỡ là đối lập, lại thống nhất trong nhau. Dù cuộc sống vật chất thiếu thốn, mắc những căn bệnh ngặt nghèo, họ vẫn toát lên cái thần thái oai phong lẫm liệt của vị chúa sơn lâm. Đối mặt với hiểm nguy sinh tử liền kề trên chiến tuyến chống kẻ thù, họ vẫn lạc quan yêu đời, lãng mạn hào hoa.

Đội quân quyết tử "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" thời chống Pháp, đã kế thừa phát huy sức mạnh "tì hổ khí thôn ngưu" thời Trần Lê vào cuộc đối đầu khốc liệt với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ - những thế lực xâm lược mạnh nhất thời hiện đại. Họ mang niềm tin tất thắng. Điều này, Bác Hồ đã dự báo rõ trong bài thơ Lên núi (1950).
Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Lời thơ giàu giá trị tạo hình của Bác, không chỉ dựng lên hình ảnh giang sơn hùng vĩ của Đất Nước trong tầm cao của thời đại, mà còn hội tụ cái hào khí bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước kiên cường của dân tộc ở vị cha già dân tộc - nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh, và đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Thực tế quân đội nhân dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ với chiến thắng mang tầm kì tích, như Tố Hữu khái quát.

Chín năm là một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng

Họ lại tiếp tục lên đường kháng chiến chống Mỹ với tinh thần lãng mạn lạc quan cách mạng.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Chúng ta có niềm tin tự hào chính đáng về sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam thời nào cũng toát lên khí thế "thôn ngưu", cũng đánh thắng mọi kẻ thù hùng mạnh qua các thời đại, đưa đất nước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay.

Xuân Canh Dần
N.T

Các tin khác